Gần 100 ngàn trẻ em Yemen có nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng nặng

01/11/2020

Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc khủng hoảng đã đến mức chưa từng được ghi nhận trước đây. Sáu năm sau khi chiến tranh bùng nổ, nạn đói trên diện rộng và rất nghiêm trọng ngày càng hiển hiện. Các nước tài trợ, dẫn đầu là Ả Rập Xê-út, đang rút lại các cam kết viện trợ. Trong số 3,2 tỷ đôla cần thiết, cho đến nay chỉ huy động được 1,43 tỉ đôla, tức là chưa được 50%.

Đại dịch virus corona, nền kinh tế suy giảm, chiến tranh và viện trợ quốc tế cắt giảm đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã tàn khốc tại Yemen, làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở thanh thiếu niên đến mức chưa từng có trước đây.

Các chuyên gia cảnh báo rằng: Tại một số khu vực trên cả nước, số liệu về tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ vị thành niên đang ở mức đáng báo động, với “gần 100 nghìn trẻ em có nguy cơ tử vong”.

Theo số liệu do Liên hợp quốc công bố hôm 27/10, đã có hơn nửa triệu trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính tại một số khu vực phía nam Yemen. Một cuộc điều tra ở phía bắc (do phiến quân Houthi kiểm soát) vẫn đang diễn ra, chắc chắn cũng sẽ đưa ra kết quả tương tự.

Cuộc chiến ở Yemen bùng phát năm 2014 do xung đột nội bộ giữa chính phủ thân Ả Rập Xê-út và phiến quân Shiite Houthi thân Iran, đã suy thoái vào tháng 3 năm 2015 với sự can thiệp của liên quân Ả Rập do Riyadh dẫn đầu. Cuộc chiến này đã làm cho hơn 10 nghìn người chết và 55 nghìn người bị thương. Trong khi đó, các cơ quan độc lập đã ước tính (vào cuối 7/2018) có khoảng 57 nghìn người chết.

Theo Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột đã gây ra “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới”, cộng với virus corona, đang khiến hàng triệu người đang cận kề với nạn đói và trẻ em sẽ phải gánh chịu hậu quả trong 20 năm tới. (Asianews 28/10)

Văn Yên, SJ 

Nguồn: Đài Vatican News