Sáng thứ Sáu 31/01/2020, ĐTC Phanxicô tiếp các tham dự viên Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Chăm sóc Mục vụ cho người Cao niên. Hội nghị do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, có chủ đề “Sự phong phú của tuổi già”.
Tuổi già là kho báu
Trước hết, ĐTC Phanxicô giải thích về chủ đề của Hội nghị “Sự phong phú của tuổi già”: Sự phong phú của tuổi già là sự giàu có của mỗi người có được sau nhiều năm sống, với những kinh nghiệm và lịch sử; là kho báu được hình thành trong cuộc sống của mỗi người, bất kể nguồn gốc, tình trạng kinh tế xã hội. Vì cuộc sống là một hồng ân, và khi một người trường thọ thì đó luôn là một hồng ân cho chính họ và cho người khác.
Sự hiện diện của người cao tuổi tạo nên tính mới lạ
Tiếp đến, ĐTC Phanxicô nói về tình trạng của người cao tuổi trong xã hội ngày nay đã thay đổi. Trước đây, kim tự tháp nhân khẩu học được thể hiện phía trên là con số những người lớn tuổi và ở phía dưới là trẻ em; nhưng ở thế kỷ 21, kim tự tháp này đã đảo ngược, số lượng người cao tuổi nằm ở chân kim tự tháp. Theo đó, sự hiện diện của người cao tuổi tạo nên tính mới lạ cho môi trường xã hội và địa lý trên thế giới. Bên cạnh đó, đối với một số người, tuổi già là độ tuổi sức khỏe giảm sút, cần sự trợ giúp của người khác; nhưng đối với một số khác thì cho rằng đó là khởi đầu của một thời gian dài được hưởng phúc lợi về thể chất và tâm lý, được tự do không bị công việc ràng buộc.
Hoạt động mục vụ phải có người lớn tuổi
Với hoàn cảnh thực tế của người già như thế, ĐTC Phanxicô hoan nghênh sáng kiến của Hội nghị: tập trung vào việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên, cụ thể nơi giáo xứ và xã hội. ĐTC Phanxicô cũng nhắc nhở các tham dự viên “đừng để sáng kiến này trở thành một sáng kiến biệt lập, nhưng nó phải là dấu chỉ của một sự khởi đầu cho một con đường đào sâu và phân định mục vụ. Chúng ta phải thay đổi thói quen mục vụ để có thể đáp ứng sự hiện diện của nhiều người già trong các gia đình và trong các cộng đoàn”.
Người già, khí cụ lịch sử của ơn cứu độ
Trong bài huấn dụ, ĐTC Phanxicô đã trích dẫn một số đoạn Kinh Thánh để nói về sự phong phú của tuổi già: “Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 91, 15). ĐTC Phanxicô nói: “Thật vậy, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cũng được thực hiện nơi những người xem ra nghèo khó, yếu đuối. Từ sự cằn cỗi của bà Xara và từ số tuổi 100 của Abraham (Rm 4, 18-20) những người con đã được sinh ra. Từ bà Êlisabeth và ông Giacaria lớn tuổi, thánh Gioan Tẩy giả được sinh ra. Người già, ngay cả khi yếu đuối, cũng có thể trở thành khí cụ của lịch sử ơn cứu độ”.
Giáo hội là nơi chia sẻ của các thế hệ về kế hoạch tình yêu Chúa
Từ những trích dẫn trên, ĐTC Phanxicô nói: “Nhận thức được vai trò không thể thay thế được của người già, Giáo hội phải là nơi để các thế hệ được mời gọi chia sẻ kế hoạch tình yêu Thiên Chúa. Sự chia sẻ giữa các thế hệ này, buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn đối với người già, để cùng với người già học cách nhìn về tương lai. Vì thế khi nói về người già, chúng ta không chỉ nói về quá khứ của họ. Hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em rằng người già cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Vâng, cùng với người trẻ, người già là lời ngôn sứ và giấc mơ.”
Cuối bài huấn dụ ĐTC Phanxicô cám ơn và khuyến khích các tham dự viên tiếp tục dùng khả năng của mình để tham gia vào các hoạt động mục vụ cho người cao tuổi và cộng tác với các vị mục tử trong lãnh vực này. (CSR_584_2020)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican