ĐTC Phanxicô: Thiếu lắng nghe lời Chúa, hiệp thông, Thánh Thể và cầu nguyện thì không là Giáo hội

25/11/2020

ĐTC Phanxicô cảnh báo: Không có Giáo hội nếu thiếu sự lắng nghe Lời Chúa, sự hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và lời cầu nguyện. Chính Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên Giáo hội, chứ không phải sự ồn ào của công việc. Giáo hội không phải là cái chợ hay một đảng phái chính trị; chính Chúa Thánh Thần tạo nên Giáo hội.

Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 25/11/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện bằng việc suy tư về sức mạnh của việc chuyên cần cầu nguyện của các Ki-tô hữu tiên khởi, sức mạnh hướng dẫn hoạt động truyền giáo của họ.

Thánh Luca thuật lại với chúng ta rằng các Ki-tô hữu tiên khởi “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (2,42). ĐTC Phanxicô nhận định rằng đời sống của Giáo hội ngày nay cũng đặt trọng tâm trên việc cầu nguyện. Cầu nguyện liên kết chúng ta với Chúa Ki-tô và truyền cảm hứng để chúng ta làm chứng cho Tin Mừng và hoạt động bác ái.

Nền tảng và động lực hoạt động truyền giáo của các Ki-tô hữu tiên khởi là cầu nguyện

Những bước đầu tiên của Giáo hội trên thế giới được đánh dấu bằng việc cầu nguyện. Các tác phẩm của các tông đồ và tường thuật tuyệt vời của sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy lại hình ảnh của một Giáo hội lên đường, năng nổ hoạt động, nhưng lại đặt nền tảng và động lực cho hoạt động truyền giáo trong các buổi quy tụ cầu nguyện. Hình ảnh cộng đoàn Giê-ru-sa-lem tiên khởi là điểm tham chiếu cho mọi kinh nghiệm Ki-tô giáo khác. Thánh Luca viết trong Sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (2,42). Cộng đoàn chuyên cần cầu nguyện.

Lắng nghe lời Chúa, hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và cầu nguyện: Bốn yếu tố thiết yếu của đời sống Giáo hội

ĐTC Phanxicô chỉ ra bốn đặc điểm thiết yếu của đời sống Giáo hội: lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ, duy trì sự hiệp thông với nhau, bẻ bánh và cầu nguyện.

ĐTC Phanxicô giải thích rằng các Ki-tô hữu tiên khởi nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại của Giáo hội có ý nghĩa nếu nó duy trì sự kết hợp vững chắc với Chúa Kitô, nghĩa là trong cộng đoàn, trong Lời Chúa, trong Thánh Thể và trong cầu nguyện, là những cách thức để chúng ta kết hiệp với Chúa Ki-tô. Việc rao giảng và dạy giáo lý làm chứng cho lời nói và cử chỉ của vị Tôn sư; việc liên tục tìm kiếm sự hiệp thông huynh đệ giúp tránh khỏi tính ích kỷ và chủ nghĩa cá biệt; việc bẻ bánh cử hành bí tích Chúa Giêsu hiện diện ở giữa chúng ta: Người sẽ không bao giờ vắng mặt, chính Người trong Thánh Thể. Người sống và bước đi với chúng ta. Và cuối cùng, cầu nguyện là không gian để đối thoại với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Và ngài cảnh báo rằng tất cả những điều phát triển trong Giáo hội nhưng không theo các yếu tố điều phối này đều thiếu nền tảng. Thiên Chúa thành lập Giáo hội chứ không phải sự ồn ào của các công việc.

Thiếu rao giảng, hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và cầu nguyện thì sẽ thiếu nền tảng

Bốn yếu tố điều phối – rao giảng, tìm kiếm tình hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và cầu nguyện, theo ĐTC Phanxicô, chính là tiêu chuẩn để phân định một sự việc. Bất cứ trường hợp nào thiếu những yếu tố này điều thiếu tính Giáo hội, không phải của Giáo hội. Ngài giải thích thêm rằng Giáo hội không phải là cái chợ, không phải là một nhóm doanh nhân phát triển với công ty mới này. Giáo hội là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giê-su đã gửi đến để quy tụ chúng ta. Giáo hội là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Ki-tô hữu, trong đời sống cộng đoàn, trong Thánh Thể, trong cầu nguyện. Những cộng đoàn phát triển không theo các yếu tố điều phối này đều thiếu nền tảng.

Giáo hội không được tạo thành bởi các cuộc hội họp

ĐTC Phanxicô chia sẻ rằng đôi khi ngài cảm thấy rất buồn khi thấy một vài cộng đoàn, có ý định tốt, nhưng lại đi sai đường khi nghĩ rằng Giáo hội được hình thành bởi các cuộc tụ họp, giống như một đảng phái chính trị. Ở đó người ta lo nghĩ về điều này, điều kia… Nhưng Chúa Thánh Thần có ở đó không? Có cầu nguyện, có tình yêu cộng đoàn, có Thánh Thể không?

Theo ĐTC Phanxicô, nếu thiếu bốn yếu tố điều phối này thì Giáo hội trở thành một hiệp hội của con người, một đảng phái chính trị – với đa số, thiểu số – người ta thực hiện những thay đổi như thể đó là một công ty, vì số đông hay thiểu số. Vì thế Giáo hội không thể phát triển khi thiếu các yếu tố này: Giáo hội không phát triển nhờ chiêu dụ tín đồ,  nhưng nhờ sự thu hút. Nếu thiếu Chúa Thánh Thần thì Giáo hội không có điều thu hút người ta đến với Chúa Giê-su. Khi đó có một câu lạc bộ thân hữu, với những ý định tốt, nhưng không có Giáo hội.

Cầu nguyện là động lực của việc loan báo Tin Mừng

Tiếp tục bài giáo lý, ĐTC Phanxicô nói: Khi đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta khám phá động cơ mạnh mẽ của việc loan báo Tin Mừng chính là những buổi quy tụ cầu nguyện, nơi những người tham gia cảm nghiệm cách sống động sự hiện diện của Chúa Giêsu và được Chúa Thánh Thần đánh động. Các thành viên của cộng đoàn tiên khởi – nhưng điều này luôn đúng, ngay cả đối với chúng ta ngày nay – nhận thức rằng câu chuyện về cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su không kết thúc ở giây phút Chúa lên trời, nhưng còn tiếp tục trong cuộc sống của họ. Khi thuật lại những gì Chúa đã nói và đã làm, khi cầu nguyện để hiệp thông với Người, tất cả mọi người trở nên sống động. Lời cầu nguyện truyền lan ánh sáng và sự hăng hái: ân sủng của Chúa Thánh Thần làm nảy sinh trong lòng họ sự nhiệt thành.

Làm cho Chúa Giê-su hiện diện

ĐTC Phanxicô trích dẫn một cách diễn tả cô đọng trong sách giáo lý: “Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc lại mầu nhiệm Chúa Ki-tô cho Giáo hội đang cầu nguyện, cũng dẫn đưa Giáo hội đến Chân Lý trọn vẹn và khởi hứng những mẫu kinh mới để diễn tả mầu nhiệm khôn dò thấu về Chúa Ki-tô, Đấng đang hoạt động trong cuộc sống, trong các bí tích và trong sứ vụ của Hội Thánh” (n. 2625). Đức Thánh Cha giải thích: Đây là công việc của Thánh Linh trong Giáo Hội: nhắc nhớ về Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói điều đó: Ngài sẽ dạy dỗ anh em và nhắc nhở anh em. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần là nhắc nhớ về Chúa Giê-su, nhưng không đơn giản là nhớ lại các sự kiện. Các Kitô hữu, đang bước đi trên các nẻo đường truyền giáo, nhắc nhớ đến Chúa Giêsu khi làm cho Người hiện diện một lần nữa; và từ Người, từ Thần Khí của Người, họ nhận được “sự thúc đẩy” để ra đi, loan báo và phục vụ. Trong cầu nguyện, người Kitô hữu đắm mình trong mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương mọi người và mầu nhiệm về Thiên Chúa, Đấng mong muốn Tin Mừng được rao giảng cho mọi người. Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người, và nơi Chúa Giêsu mọi bức tường ngăn cách đã vĩnh viễn bị sụp đổ: như thánh Phaolô đã nói: Người là bình an của chúng ta, nghĩa là “Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một” (Ep 2,14). Chúa Giê-su đã tạo nên sự hiệp nhất.

ĐTC Phanxicô nhận định: Do đó, đời sống của Giáo hội sơ khai được nhấn mạnh bởi một chuỗi liên tiếp các cử hành, các cuộc triệu tập, thời gian cầu nguyện cộng đoàn và cá nhân, và chính Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho những người rao giảng để họ lên đường, và cho những ai vì yêu mến Chúa Giêsu mà chèo thuyền vượt biển, đương đầu với nguy hiểm, chịu sỉ nhục.

Tình yêu là nguồn gốc thần bí của cuộc sống con người

Thiên Chúa ban tình yêu và yêu cầu tình yêu. ĐTC Phanxicô nói rằng đây là nguồn gốc thần bí của tất cả cuộc sống của người tin. Ngài giải thích: Các Ki-tô hữu sơ khai cầu nguyện, nhưng cả chúng ta, những người đến sau hàng thế kỷ, tất cả đều sống cùng một kinh nghiệm. Chúa Thánh Thần là linh hồn của mọi việc. Và mỗi Ki-tô hữu không ngại dành thì giờ để cầu nguyện có thể làm theo lời thánh Phao-lô: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Cầu nguyện giúp anh chị em nhận thức được điều này. Chỉ trong sự im lặng của thờ kính chúng ta mới có thể cảm nghiệm được toàn bộ chân lý của những lời này. Và lời cầu nguyện này là ngọn lửa sống động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh cho việc làm chứng và sứ vụ truyền giáo.

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican News