Chiều ngày 15/10, trong sứ điệp video được truyền phát tại một sự kiện diễn ra tại đại học Giáo hoàng Laterano, được Bộ Giáo dục Công giáo khởi xướng, đặc biệt dành cho giới học thuật và tất cả các bên liên quan về giáo dục, ĐTC Phanxicô muốn thế giới nhận ra gia đình là nơi đầu tiên và quan trọng của giáo dục.
Trong sứ điệp video, ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần xã hội trên toàn cầu đăng ký và ủng hộ Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục.
Sáng kiến này cổ võ các giá trị: quan tâm đến người khác, hòa bình, công lý, thiện mỹ, chấp nhận và tình huynh đệ để xây dựng hy vọng, liên đới và hòa hợp ở mọi nơi.
ĐTC Phanxicô cổ võ một nền giáo dục đặt nhân phẩm ở trung tâm. Ngài nói rằng loại hình giáo dục này có thể thúc đẩy hy vọng và hòa hợp mà thế giới cần đến.
7 dấn thân
ĐTC Phanxicô đưa ra các đề nghị dấn thân cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh giáo dục. Bên cạnh việc nhận ra gia đình như “nơi đầu tiên và quan trọng của giáo dục”, ngài mời gọi đặt con người với các giá trị và phẩm giá của họ ở trung tâm của mọi chương trình giáo dục.
Ngài cũng mời gọi lắng nghe tiếng nói của trẻ em và người trẻ mà chúng ta giáo dục, khuyến khích sự tham gia đầy đủ của các thiếu nữ và phụ nữ trẻ trong giáo dục, giáo dục người trẻ cởi mở với những người dễ tổn thương nhất và bị gạt ra bên lề, chăm sóc trái đất, tìm cách thế mới để dùng kinh tế và chính trị phục vụ con người.
Học thuyết xã hội của Giáo hội
ĐTC Phanxicô muốn mọi người dấn thân cộng tác với chính quyền dân sự của quốc gia mình phát triển các chương trình giáo dục. Và ngài đề xuất học thuyết xã hội của Giáo hội như nền tảng chắc chắc để phân định hướng đi trong giai đoạn khẩn cấp hiện tại.
Mọi người được hưởng nền giáo dục chất lượng
Mục đích của sự dấn thân này là “bảo đảm mỗi người có được nền giáo dục có chất lượng phù hợp với nhân phẩm và ơn gọi chung hướng đến tình huynh đệ của chúng ta.”
Giáo dục: nhân tố tạo nên tình huynh đệ, hòa bình và công lý
Cuối sứ điệp, ĐTC Phanxicô gợi ý rằng tất cả những người thiện chí sẽ tham gia Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, một Hiệp ước khuyến khích sự thay đổi trên quy mô toàn cầu, để giáo dục có thể trở thành nhân tố tạo nên tình huynh đệ, hòa bình và công lý. Một nhu cầu cấp bách hơn nữa trong thời điểm đang bị đe dọa bởi đại dịch. (CSR_7445_2020)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News