Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, vào lúc 10 sáng 29/11/2020, tại Đền thờ Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ cùng với các tân Hồng y. Trong bài giảng, từ các bài đọc, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh đến sự gần gũi của Thiên Chúa và sự tỉnh thức của các tín hữu.
Mùa Vọng: Thiên Chúa đến ở gần với dân Người
Từ Bài đọc I, ĐTC Phanxicô nói về sự gần gũi của Thiên Chúa: Ngôn sứ Isaia thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con” (63,16). Và ngôn sứ tiếp tục: “Người ta chưa nghe nói đến bao giờ […] có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi Người” (64,3). Và những lời trong Sách Đệ Nhị Luật: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (4,7). Mùa vọng là thời gian để nhớ đến sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng đã xuống ở với chúng ta. Nhưng ngôn sứ đi xa hơn và xin Đức Chúa đến gần một lần nữa: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan!” (Is 63,19). Chúng ta cũng đã xin điều đó trong Thánh Vịnh: “Xin trở lại, thăm nom chúng con, xin hãy đến cứu chúng con” (Tv 79,15.3). “Lạy Chúa Trời, xin đến cứu chúng con” thường là lời mở đầu của lời cầu nguyện của chúng ta: bước đầu tiên của đức tin là nói với Chúa rằng chúng ta cần Người, sự gần gũi của Người.
Sứ điệp của Mùa Vọng: Lạy Chúa, xin ngự đến
Theo ĐTC Phanxicô đây cũng là sứ điệp đầu tiên của Mùa Vọng và của Năm Phụng vụ, nhận ra Chúa ở gần và thưa với Người: “Xin hãy đến gần”. Chúa muốn đến gần chúng ta, Người không bị ai áp đặt điều này; nếu chúng ta không mệt mỏi thưa với Chúa: “Xin hãy đến”. Mùa vọng nhắc nhở chúng ta Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta và sẽ trở lại vào cuối thời gian. Nhưng, chúng ta hãy tự hỏi, những lần đến này có ích gì nếu nó không đi vào cuộc sống của chúng? Hãy mời Chúa đến. Lời cầu khẩn của chúng ta trong Mùa Vọng là: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22:20). Chúng ta có thể lặp lại lời cầu khẩn này khi bắt đầu một ngày mới và lặp lại thường xuyên, trước các cuộc gặp gỡ, học tập, làm việc và các quyết định cần thực hiện, trong những thời điểm quan trọng và trong những thử thách: Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.
Cần phải tỉnh thức, vì một sai lầm trong cuộc sống là mất đi ngàn thứ khác
Từ sự gần gũi của Thiên Chúa đối với dân Người, ĐTC Phanxicô nói đến sự tỉnh thức của con người: Khi cầu khẩn sự gần gũi của Chúa, chúng ta sẽ rèn luyện được sự tỉnh thức. Tin Mừng của thánh Marcô hôm nay cho chúng ta thấy phần cuối của bài diễn từ của Chúa Giêsu, được cô đọng trong những từ: “Anh em hãy tỉnh thức!” Chúa lặp lại điều đó bốn lần trong năm câu (Mc 13: 33-35.37). Điều quan trọng là phải luôn tỉnh thức, vì một sai lầm trong cuộc sống là mất đi ngàn thứ khác và không nhận ra Chúa. Thánh Augustinô nói: “Tôi sợ Chúa đi qua và tôi không nhận ra Người”. Chúng ta bị lôi cuốn vào những điều chúng ta quan tâm, bị phân tâm vào quá nhiều điều phù vân, chúng ta có nguy cơ đánh mất điều thiết yếu. Vì thế, hôm nay Chúa nhắc lại cho tất cả chúng ta “Hãy tỉnh thức”.
Chúng ta luôn được Thiên Chúa Tình Yêu chờ đợi
Nhưng, nếu chúng ta phải tỉnh thức, có nghĩa là chúng ta đang ở trong đêm. Vâng, bây giờ chúng ta không sống ban ngày, nhưng ở giữa bóng tối và mệt mỏi, chờ đợi ngày đến. Ngày sẽ đến khi chúng ta ở với Chúa. Chúa sẽ đến, chúng ta đừng nản lòng: đêm sẽ qua, Chúa sẽ sống lại, Đấng đã chết trên Thánh giá vì chúng ta, sẽ phán xét chúng ta. Tỉnh thức là để chờ đợi điều này, không để sự chán nản xâm chiếm, nhưng là sống trong hy vọng. Như trước khi sinh ra, chúng ta đã được những người yêu thương chúng ta chờ đợi, thì bây giờ chúng ta được chính Tình Yêu nhập thể chờ đợi. Và nếu chúng ta đang được chờ đợi ở trên Thiên đàng, tại sao chúng ta lại phải sống theo những đòi hỏi của thế gian? Tại sao phải mệt mỏi vì một chút tiền bạc, danh vọng, thành công, tất cả những điều này trôi qua? Tại sao phải lãng phí thời gian để phàn nàn về bóng đêm, trong khi ánh sáng ban ngày đang chờ chúng ta? Tại sao phải tìm kiếm “những người đỡ đầu” để được thăng quan tiến chức? Tất cả sẽ trôi qua. Hãy tỉnh thức.
Phải tỉnh thức trong mọi lúc
Tỉnh thức rất khó: giấc ngủ đến tự nhiên vào ban đêm. Các môn đệ Chúa Giêsu đã không làm được điều này, không thể thức “vào lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (câu 35). Chính vào những giờ đó các môn đệ không tỉnh thức: vào lúc chập tối, trong Bữa Tiệc Ly, các ông phản bội Chúa Giêsu; vào nửa đêm các ông ngủ; khi gà gáy, các ông chối bỏ Người; vào lúc tảng sáng, các ông để Chúa bị kết án tử.
Nhưng chúng ta cũng có thể ở trong tình trạng như vậy. Có một cơn buồn ngủ nguy hiểm: cơn buồn ngủ của sự tầm thường. Nó đến khi chúng ta quên đi tình yêu ban đầu và chỉ chú ý đến cuộc sống bình lặng. Nhưng nếu không nhiệt tình đối với tình yêu Chúa, không chờ đợi sự mới mẻ của Người, chúng ta trở nên tầm thường, hờ hững, theo thế gian. Và điều này ăn mòn đức tin, bởi vì đức tin trái ngược với sự tầm thường: đó là ước muốn nhiệt thành của Thiên Chúa, là sự can đảm hoán cải liên tục, can đảm yêu thương, luôn tiến về phía trước. Đức tin không phải là nước dập tắt, nó là lửa bùng cháy; nó không phải là liều thuốc an thần cho những ai đang căng thẳng, nó là một câu chuyện tình yêu cho những ai đang yêu! Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu ghét sự hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, hơn bất cứ điều gì (Kh 3,16).
Để tỉnh thức phải cầu nguyện
Vậy làm thế nào chúng ta có thể thức dậy khỏi giấc ngủ của sự tầm thường? Với sự tỉnh thức cầu nguyện. Cầu nguyện là thắp lên một ngọn đèn trong đêm. Cầu nguyện đánh thức chúng ta khỏi sự tầm thường, hướng cái nhìn của chúng ta lên tới Chúa. Cầu nguyện làm cho Chúa ở gần chúng ta; do đó giải thoát chúng ta khỏi sự cô đơn và mang lại hy vọng. Cầu nguyện cung cấp dưỡng khí cho cuộc sống: cũng như chúng ta không thể sống mà không thở, vậy chúng ta không thể là Kitô hữu nếu không cầu nguyện. Và cần nhiều Kitô hữu đánh thức những người đang mê ngủ, cần nhiều Kitô hữu thờ phượng, cầu thay, những người đang ngày đêm mang bóng tối của lịch sử đến trước Chúa Giêsu, ánh sáng của lịch sử.
Có sự ngủ mê bên trong: giấc ngủ của sự thờ ơ. Những người sống dửng dưng thấy mọi thứ như nhau, như đêm tối, và không quan tâm ai đang ở gần họ. Khi chúng ta chỉ chú ý đến chính mình và những nhu cầu của mình, thờ ơ với những nhu cầu của người khác, thì bóng tối ở trong tâm hồn chúng ta. Chẳng bao lâu chúng ta bắt đầu than phiền về mọi thứ, sau đó chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và rồi có những mưu tính về mọi thứ. Ngày nay, đêm tối này dường như đã rơi vào nhiều người, những người chỉ đòi hỏi cho mình và không quan tâm đến người khác.
Bác ái đánh thức giấc ngủ thờ ơ
Làm thế nào chúng ta có thể thức dậy từ giấc ngủ thờ ơ này? Với sự tỉnh thức bác ái. Bác ái là con tim của Kitô hữu: chúng ta không thể sống nếu không có nhịp đập của trái tim, cũng vậy chúng ta không thể là Kitô hữu nếu không có lòng bác ái. Khi mọi thứ sẽ qua đi và chỉ còn lại tình yêu. Chính bằng những hành động của lòng thương xót mà chúng ta đến gần Chúa.
ĐTC Phanxicô kết thúc bài giảng: “Cầu nguyện và yêu thương, đó là tỉnh thức. Khi Giáo hội thờ lạy Chúa và phục vụ anh chị em, Giáo hội không sống trong đêm tối. Ngay cả khi Giáo hội mệt mỏi và gặp thử thách, tiến bước về phía Chúa. Chúng ta hãy khẩn xin Chúa: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, chúng con cần Chúa. Xin hãy đến gần chúng con. Chúa là ánh sáng: xin hãy đánh thức chúng con từ sự mê ngủ của sự tầm thường, từ bóng tối của sự thờ ơ. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin làm cho tâm hồn u tối của chúng con được bừng tỉnh: xin làm cho chúng con cảm thấy ước muốn cầu nguyện và nhu cầu yêu thương”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News