Alex Zanardi sinh ngày 23/10/1966 tại Bologna, Ý, một cựu tay đua F1. Anh đã kết hôn và có một con trai. Vào tháng 11/2001, cuộc sống của Alex Zanardi đã có một thay đổi lớn do một tai nạn nghiêm trọng trên đường đua. Một tai nạn, một cuộc sống, một thử thách nhưng anh đã chiến thắng nhờ nỗ lực vươn lên và sự nâng đỡ của gia đình.
Tai nạn ở tuổi 35 đã làm anh bị mất đi đôi chân, nhưng chỉ một thời gian sau anh quyết định trở lại đường đua nhưng lần này cuộc đua dành cho người khuyết tật. Anh đã giành được nhiều huy chương vàng Paralympic: hai ở Luân Đôn năm 2012 và hai ở Rio năm 2016. Mục tiêu của anh là tiếp tục chinh phục tại Tokyo vào mùa hè này. Đại dịch đã buộc anh phải ngưng lại, nhưng giờ đây cuộc sống lại gọi anh cho một cuộc chiến quyết định. Một lần nữa.
Tai nạn đã xảy ra với Alex vào thứ Sáu 19/6/2020 trong một cuộc đua từ thiện. Hiện anh đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Santa Maria alle Scotte ở Siena. Cảm phục trước mẫu gương can đảm, một chứng tá cho giá trị của việc bắt đầu lại và “một bài học về tình người” qua khuyết tật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho Alex bày tỏ lòng biết ơn anh vì đã tiếp thêm sức mạnh cho mọi người qua cuộc sống chứng tá Kitô hữu.
Bước đi với những người yếu hơn
Ông Giampaolo Mattei, phóng viên Báo Quan sát viên Roma, phó chủ tịch của hiệp hội vận động viên Vatican “Athletica Vaticana” mà Alex Zanardi cũng là thành viên đã nói về Alex như sau:
Alex Zanardi có một niềm say mê đối với thể thao và đặc biệt qua thể thao hoạt động bác ái. Đối với Alez, cả hai có mối liên hệ tuyệt vời. Trên đường đua khi còn là tay đua F1 và ngay cả sau khi bị tai nạn mất cả hai chân, Alex đã dạy cho mọi người bài học về lòng can đảm và hy vọng. Vì thế, tôi phải nói rằng cuộc sống của Alex là một bài học về niềm đam mê, ước muốn được hiện diện, nhưng luôn khiêm nhường. Điều này đã đánh động tôi và những người trong hiệp hội vận động viên Vatican rất nhiều. Anh đã sống đúng như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Bước đi với những người yếu hơn”.
Quảng đại
Cách đây một năm, Alex đã tặng một chiếc xe điện dành cho người khuyết tật cho một nhân viên của Vatican đã nghỉ hưu sau một tai nạn nghiêm trọng. Đây là cách của Alex để lấy lại niềm đam mê chiến thắng không chỉ trong thể thao, nhưng chiến thắng một cuộc đua quan trọng hơn nhiều đó là cuộc sống.
Tôi muốn chia sẻ hai điều nhỏ, nhưng vĩ đại nơi con người Alex. Đầu tiên mới xảy ra gần đây, liên quan đến cuộc đấu giá liên đới “We run together – Chúng ta chạy cùng nhau” do Đức Thánh Cha Phanxicô phát động để gây quỹ cho các bệnh viện ở Bergamo và Brescia, là những nơi ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Khi chúng tôi hỏi Alex về vật dụng anh có thể đóng góp cho cuộc bán đấu giá từ thiện, anh cho chúng tôi bộ đồ anh đã mặc tại cuộc đua dành cho người khuyết tật 2016, một cuộc đua đem lại cho anh chiến thắng. Theo anh, đây không chỉ đơn giản là một việc gây quỹ, nhưng là chứng tá của một môn thể thao khác, một môn thể thao thực sự của tình liên đới và tình người.
Điều thứ hai, Alex và tôi đã có dịp sống với nhau trong dịp hè vừa qua. Tôi có một bé gái bị mắc hội chứng Down. Trong suốt một tuần Alex đã tìm cách gần gũi và làm bạn với cô bé. Cuối cùng một tình bạn tuyệt vời đã nảy sinh giữa họ. Tôi tin khi anh tập trung cố gắng tạo tình bạn với con gái tôi cũng tương tựa như khi anh dùng hết sức lực để trở thành nhà vô định thể thao. Vâng, chỉ khác ở chỗ: khi cố gắng làm bạn với con gái bị hội chứng Down của tôi, không có máy quay phim chụp hình ghi lại, tất cả trong âm thầm, nhưng anh đã chiến thắng. Đây là bài học dành cho tất cả mọi người trong việc quan tâm đến người khác bất kể người đó có địa vị, thân nhận như thế nào.
Hoàn hảo trong ý hướng và đem ra thực hành
Tôi rất vui vì đã có dịp phỏng vấn Alex cách đây vài tháng, khi Ý đang trải qua thời điểm khó khăn nhất của đại dịch, anh nói với tôi một số điều, trong đó tôi đặc biệt được đánh động: “Chúng ta phải học cách trở nên hoàn hảo trong ý hướng và đem ra thực hành. Cần phải biết lắng nghe người khác, tìm những mẫu gương trong cuộc sống. Sau đó chúng ta phải làm một cuộc chọn lựa, chúng ta không thể ủy thác cho người khác làm điều này. Chúng ta cần phải can đảm đưa ra những lựa chọn”.
Tôi hiểu Alex muốn nói rằng mọi thứ tùy thuộc vào chúng ta. Cuộc sống đã lấy đi đôi chân của anh, nhưng anh tiếp tục quăng mình vào cuộc chiến mới, tiếp tục xắn tay áo lên và trên hết anh không muốn khóc. Anh đã quyết định rời khỏi chỗ ngồi và cố gắng làm một điều gì đó, bởi vì nếu bạn cứ ngồi tại một chỗ bạn sẽ không làm gì được cả. Tôi tin đây là một bài học tuyệt vời cho tất cả chúng ta những người có những khó khăn trong một gia đình có người bị khuyết tật, không ngồi đó để đợi trời mưa.
Điều trước tiên cần phải đổ mồ hôi. Về cơ bản đó là nguyên tắc 5 giây mà Alex đã thực hiện và đã làm anh trở nên nổi tiếng trong một cuộc phỏng vấn của David Letterma, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mỹ. Nguyên tắc 5 giây như sau: “Bạn hãy nhắm mắt lại, bạn không thể chịu đựng được nữa, hãy đẩy mạnh thêm 5 giây nữa và bạn sẽ thấy bạn đã vượt xa sự mong đợi của bạn và của cả đối thủ”. Trong trường hợp này, đó là cuộc sống bạn phải chinh phục.
Đồng hành với những ai đang gặp trên đường đi
Trong buổi tiếp kiến dành cho hiệp hội vận động viên Vatican vừa qua, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng tôi hãy cố gắng theo những người yếu đuối. Ngài nhắc chúng tôi mọi người đều có phẩm giá như nhau, từ nhà vô địch đến một cậu bé khuyết tật. Nếu trong thể thao mọi người đều có thẩm giá như nhau, hãy thể hiện điều này trong cuộc sống. Tôi tin rằng trong thời điểm này Alex đã trở thành biểu tượng. Tôi nhận ra nơi anh có rất nhiều giá trị thể thao mà Đức Thánh Cha đã chỉ ra. Cụ thể đó là tôn trọng người khác, mong muốn không có đối thủ, nhưng đồng hành với những ai đang gặp trên đường. Đây là thông điệp lớn hơn cả của Alex dành cho chúng ta.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News