Trong tình trạng đại dịch coronavirus đang hoành hành khắp thế giới, và Giáo Hội đang chuẩn bị bước vào tuần thánh mừng mầu nhiệm Thương Khó, Chết, và Sống Lại của Đức Giêsu Kitô qua nghi thức phụng vụ chưa từng có trong lịch sử, đó là, giáo dân tham dự phụng vụ qua màn hình của truyền thông hiện đại, tâm tư giáo dân xoay quanh câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa để những đau khổ này xảy ra? Ngài có thật sự yêu thương con người không? Hay Thiên Chúa có trừng phạt con người vì tội lỗi của họ không?
Một số người còn thêm kịch tính khi cho rằng bí mật thứ Ba của sứ điệp Fatima chưa được tiết lộ… Vì thế, đại dịch covid-19 này là bí mật thứ ba được Đức Mẹ báo trước từ năm 1917.[1]
Anh em linh mục có trách nhiệm giúp giải thích những thắc mắc này trong các bài giảng lễ, nhất là trong tuần thánh này, để giáo dân tăng thêm kiến thức đức tin, và tin tưởng hơn vào Thiên Chúa.
Linh mục chúng ta thường hay bị mắng là trả lời những câu không ai hỏi… Và chúng ta cũng phải thú nhận là nhiều câu trả lời của chúng ta thiếu rõ ràng hay không đúng trọng tâm những gì người khác hỏi. Một số những giải thích thiếu rõ ràng, ngay cả thậm chí sai trái, khiến giáo dân hoang mang.
Tôi muốn chia sẻ với anh em vài điểm đáng chú ý khi chúng ta giải thích tương quan giữa Sự dữ (evil) và Thiên Chúa trong các bài giảng.
Thứ nhất, cần nhấn mạnh: sự dữ và đau khổ là một huyền nhiệm (mystery). Ta không biết nó đến cách nào, và tại sao nó tồn tại.[2] Ngay cả khoa học cũng không biết tại sao, vì khoa học chỉ cắt nghĩa được những hiện tượng xảy ra mà thôi. Cũng như ta đọc Kinh Thánh, tác giả không hề nói tại sao hay cách nào con rắn đến với con người, mà chỉ đơn giản nói việc con rắn xuất hiện cám dỗ hai ông bà nguyên tổ, một biểu tượng của sự dữ trong đời sống con người.
Thánh Phao lô đã nói: “Điều tôi muốn tôi không làm, và tôi làm điều tôi không muốn” (Rm 7:15), như một thú nhận trước mầu nhiệm cuộc sống. Sự dữ là một huyền nhiệm. Vì thế, ta không thể chấp nhận những câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi hóc búa, hay những câu trả lời từ chối trách nhiệm cá nhân (như Satan khiến tôi làm…) hay cho rằng sự dữ không có thực, hay ta không đánh giá đúng mức sự thương khó (đau khổ) của Đức Kitô, Đấng đồng cảm với những đau khổ của con người.
Thứ hai, loại bỏ tư tưởng vô cảm khi cho rằng sự dữ và đau khổ là ý niệm tương đối, nghĩa là, nó không thật sự là sự dữ nếu không gây đau khổ cho ta. Ví dụ, động đất là động đất, và nó không thật sự là sự dữ hay gây đau khổ nếu xảy ra trong vùng hoang vu, không bóng người. Rắn độc tự nó là rắn độc, nhưng không là sự dữ nếu không cắn ta. Ngay cả những lý luận gần hơn như bệnh nhân ung thư chết hàng ngàn người trong một ngày, nhưng ta không quan tâm đơn giản vì ta không biết họ, hay sự dữ không trực tiếp ảnh hưởng đến ta. Chỉ khi nào “xui xẻo” đến với ta hay gia đình, người thân… lúc đó ta mới cho nó là sự dữ (và đau khổ).
Ta cần khơi dậy ý thức cộng đoàn, nghĩa là, tất cả đều là con Thiên Chúa. Đức tin Công Giáo không cho phép ta vô cảm trước những đau khổ của tha nhân, bất kể người đó ở đâu hay đến từ đâu. Chỉ có Đức Giê su mới dạy môn đệ Ngài “hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho ai ngược đãi con” mà thôi (cf. Mt 5:44).
Thứ ba, ta luôn tìm thấy “may trong rủi”. Vì ta không có kiến thức tương lai, và ta bị hạn chế trong những khủng hoảng đang có, nên ta quên những cái tốt do những khủng hoảng này mang lại. Ví dụ, cái chết một người có thể đem lại bình an cho gia đình; việc phong tỏa và cách ly trong thời gian gần đây giúp con người ý thức hơn về giá trị cuộc sống, về những hoang phí thời gian hay tiền bạc họ đã làm, về sự cần thiết gần gũi nhau trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái… Tính lạc quan giúp ta luôn tìm được lý do để tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (1 Tx 5,18). Ta luôn nhớ rằng sự dữ tự nó không có cái kết, mà cuối cùng nó sẽ bị đánh bại, rằng chúng ta không bao giờ bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vì thế, hãy nhìn những sự kiện diễn ra trong đức tin vào Thiên Chúa, hơn là tìm Thiên Chúa trong lăng kính của những diễn tiến này.
Thứ tư, cẩn thận khi cắt nghĩa rằng mọi sự xảy ra đều là Ý Chúa. Dĩ nhiên điều này không đúng (nếu hiểu là Thiên Chúa muốn đau khổ cho con người). Cần phân biệt sự khác nhau giữa “Ý Chúa muốn” và “Chúa cho phép xảy ra”. Ý của Thiên Chúa rõ ràng là cho thế gian được cứu chuộc, tuy nhiên Thiên Chúa cho phép chúng ta và vũ trụ được tự do đáp trả lời mời gọi này trong nhiều cách. Không phải mọi sự xảy ra đều là Ý Thiên Chúa, vì còn có tự do của con người đóng góp đưa đến những kết quả này. Vì thế, nếu nói Ý Chúa dẫn đến những đau khổ, liệu ta có vẽ lên một Thiên Chúa độc ác không? Và nếu Thiên Chúa muốn những điều ác độc như thế, Thiên Chúa đó không đáng cho ta tôn thờ.
Thứ năm, tránh từ ngữ Thiên Chúa trừng phạt con người. Quan niệm trong dân gian về sự thưởng phạt nhãn tiền của thần thánh khiến nhiều khi ta dùng từ ngữ cắt nghĩa những hiện tượng trước mắt như sự trừng phạt của Thiên Chúa. Nhiều người còn trích dẫn các câu chuyện Kinh Thánh trong Cựu Ước để chứng minh Thiên Chúa “thưởng phạt nhãn tiền” những ai chống lại Ngài. Giáo lý Công giáo dạy rằng có sự Thưởng – Phạt ở đời sau. Tuy nhiên, nếu kết án Thiên Chúa (Thưởng) – Phạt thì ta trốn trách nhiệm tự do con người sử dụng. Nếu một người sống đời tội lỗi, và kết quả sau này là phải bị xuống hỏa ngục trầm luân, liệu đây là hình phạt Thiên Chúa áp dụng cho họ, hay chính họ tự chọn cái kết cho chính mình? Trong một đất nước dân chủ và sống theo pháp luật như Hoa Kỳ, những ai ở trong tù không phải bị chính phủ Phạt, cho bằng họ có hành động gì sai, và tự họ Phạt họ trong tù qua sự can thiệp của chính quyền.
Thứ sáu là Số phận. Đây là quan niệm Phật giáo, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân Việt nam, và nhiều người Công Giáo cũng bị ảnh hưởng. Điều bị hiểu lầm nhiều nhất là quan niệm “số phận” hạn chế hay dẹp bỏ tự do định đoạt của con người, và điều này sai với giáo lý Công Giáo. Quan niệm “tiền định” được nhắc đến trong thư Phao lô: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.” (Rm 8:28-30)
Tiền định là tín lý thuộc về kết cục chứ không là bắt đầu trong đời sống Kitô hữu, nghĩa là nói đến hậu kết của đời sống mỗi người sau này. Ngay câu đầu “chúng ta biết rằng, Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” được xem là câu tiêu chuẩn để hiểu đúng nhất về tiền định. Tin vào Chúa Kitô là không để bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào hủy hoại ý định và mục đích Thiên Chúa dành cho mỗi con người, đó là yêu thương và kết hợp với Ngài muôn đời: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giesu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:38-39)
Thứ bảy, tránh cực đoan và cuồng tín. Khi Đức Thánh Cha và các giám mục quyết định không dâng thánh lễ để tránh tập trung đông người khiến bệnh dịch có thể lây lan, một số người lên án quyết định này khi cho rằng đây là quyết định sai lầm, hay cho rằng những ai tin vào Đức Kitô thì “dù cầm rắn trong tay, hay uống nhầm thuốc độc cũng chẳng sao” (Mk 16:18). Nghĩa là, họ cho rằng tham dự thánh lễ chung nơi đông người không làm họ lây nhiễm coronavirus. Đây là lý luận “cùn” vì họ quên rằng chính Thiên Chúa là Đấng tạo nên mọi sự (cả coronavirus) và cho nó luật tự nhiên (là gây hại khi nhiễm vào con người).[3]
Vì thế, trong những bài giảng thuyết, chúng ta nên nhắc nhở vài điều quan trọng:
Đầu tiên, sự dữ và đau khổ sẽ được chế ngự bởi tình thương và cảm thông (chia sẻ). Chúng ta tin Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô, và tất cả là anh chị em một nhà. Ông Gióp dù không hiểu tại sao mình chịu đau khổ (bỏ rơi), nhưng chính ông không quên nâng đỡ những người bất hạnh: “Con kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp, con trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm. 21 Ngài đối xử với con tàn nhẫn… 24 Dù vậy, nào tôi đã chẳng giơ tay trợ giúp, kẻ khốn cùng kêu cứu lúc lâm nguy? Tôi đã chẳng khóc người lầm than vất vả, chẳng động lòng thương kẻ túng nghèo?” (Job 30:20-25) Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa cũng cảm thông với ta trong mọi hoàn cảnh: “Người [Thiên Chúa] luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.” (2 Cor 1:4)
Thứ hai, đau khổ cần được san sẻ, và sự dữ (evil) cần phải đối đầu. Đó cũng là lý do cho ông ta dạy khi ai gặp nạn thì mình đến “chia buồn” (còn ai hạnh phúc thì mình đến “chung vui” chứ không lấy bớt đi hạnh phúc của họ). Vì thế, việc thăm viếng, an ủi, cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong lúc khốn quẩn vô cùng quan trọng, vì đây là dấu chỉ cụ thể sự hiện diện của Thiên Chúa với những ai đang đau khổ qua trung gian của chúng ta. Trong kinh tin kính các tông đồ, khi tuyên xưng “Đức Giêsu xuống ngục tổ tông” là nói đến chính Đức Giêsu chia sẻ những đau khổ con người, và “ngục tổ tông” là bước cuối cùng con người chịu được trước khi được cứu chuộc để về kết hợp với Thiên Chúa. Chính đau khổ gắn bó con người với nhau, và gắn bó Thiên Chúa với con người, qua Đức Kitô, Đấng sống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (Heb 4:15).
Cuối cùng, hy vọng là niềm tin Kitô giáo. Chúng ta luôn sống trong hy vọng, và đức tin vào Chúa Giêsu Kitô là động lực của mọi hy vọng. Hy vọng không chỉ nhắm đến đời sau, mà còn ở đời này. Nếu những gì ta mong ước không được như ý ở đời này, thì chính hy vọng cho ta động lực và ý nghĩa sống. Đức Kitô là hy vọng của mọi người (1 Tim 1), và trong Đức Kitô con người hy vọng được cứu rỗi: “Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô, thì không còn bị lên án nữa.” (Rom 8:1). Hơn nữa, chính sự sống lại của Đức Kitô đem lại cho nhân loại hy vọng (1 Cor 15 ff), vì “sự chết là kẻ thù cuối cùng đã bị đánh bại” (1 Cor 15:26), và Chúa Kitô Phục Sinh cho ta niềm tin để sống, cho ta giá trị và lý do để chết.
Một vài những suy tư với anh em linh mục trong dịp đại dịch xảy ra trong tuần thánh năm nay. Tôi có cảm tưởng chúng ta là những người “không nói cũng không được, mà nói cũng không xong” khi đối diện với đau khổ của người khác. Trước “tiến thoái lưỡng nan”, đừng để cám dỗ rút lui im lặng, hay chỉ nói qua loa… hay tệ hơn (dù họ không biết là họ đang làm sai) đi vào vết cũ của lạc giáo Ảo Thân thuyết (Docetism), Ngộ Đạo thuyết (Gnosticism) hay một lạc giáo hỗn tạp của những giải thích bâng quơ, không chính xác.
Để hiểu rõ thêm về thần học Công Giáo dạy gì về sự dữ và đau khổ trong đời sống con người, xin mời anh em đọc thêm bài đính kèm sau.
Lm. Mat. Nguyễn Khắc Hy PSS
———————————————————————————–
[1] “Ba Bí Mật Fatima” là cụm từ nói đến những điều Mẹ Maria nhắn với ba em Lucia Santos, Jacinta Marto và Francisco Marto khi hiện ra 6 lần với các em từ ngày 13-5-1917 đến 13-10-1917. Theo Lucia, ngày 13-7-1917 Mẹ Maria trao cho các em Ba Bí Mật. Năm 1941, theo yêu cầu của đức giám mục Jose Alves Correia da Silva, giám mục Leiria, Lucia đã tiết lộ Hai Bí Mật, nhưng không muốn tiết lộ Bí Mật Thứ Ba. Tháng 10 năm 1943, theo yêu cầu của đức giám mục địa phương, chị Lucia tiết bộ Bí Mật Thứ Ba bằng cách viết thư nhưng dán kín, và xin đợi cho đến năm 1960 rồi mới mở ra, vì lúc đó sẽ “rõ hơn.” Bức thư Bí Mật Thứ Ba này được đức thánh giáo hoàng Gioan Phao lô II cho công khai vào năm 2000, nhưng một số vẫn cho rằng đức Gioan Phao lô II đã không công bố toàn bộ lá thư, dù Vatican đã vài lần lên tiếng chính thức là bức thư đã được công khai hoàn toàn.
[2] Một số thường trích thư thánh Phaolô: “Tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12), để giải thích đau khổ và sự chết đến thế gian. Đừng quên Đức Giêsu Kitô hoàn toàn vô tội nhưng Ngài cũng chịu đau khổ và chết. Vì thế giáo lý vẫn dạy sự hiện diện của sự dữ và đau khổ là một mầu nhiệm.
[3] Mục sư Jamie Coots của nhà thờ Full Gospel Tabernacle ở Kentucky chết ngày 15-2-2014 khi cầm rắn độc trong tay để chứng minh cho giáo dân rằng nếu tin thì rắn độc không làm hại ông (xem Mark 16:18). Đến tháng 8-2018, con ông nối nghiệp là mục sư Cody Coots cũng bị rắn cắn và phải đi nhà thương, nhưng may mắn được cứu sống.