Đặc sủng của dòng các Nữ tu Bác ái và Giáo dục Ki-tô giáo là đồng hành với những người rốt cùng nhất trong thời đại của chúng ta. Dòng đặc biệt chú ý đến thế giới của những người di cư, của những người vô gia cư”. Đối với sơ Maria Chiara Maestrini, hai lựa chọn cuộc sống, y học và đời tu, không mâu thuẫn với nhau. Hai ơn gọi này là kết quả của một cuộc hành trình bắt đầu ở Florence khoảng hai mươi năm trước.
Người ta thường nói, bác sĩ là một ơn gọi hơn là một nghề nghiệp. Đối với sơ Maria Chiara Maestrini, ơn gọi của sơ là ơn gọi kép. Sau khi tốt nghiệp y khoa và hoạt động y tế giữa những người vô gia cư tại một trung tâm Caritas ở Roma, hôm thứ Bảy 25/10 vừa qua, sơ đã tuyên khấn trọng thể trong dòng các Nữ tu Bác ái và Giáo dục Ki-tô giáo, thường được gọi là dòng Nevers, một dòng theo đặc sủng của thánh nữ Bernadetta của Lộ Đức.
Bị ấn tượng bởi đam mê Lời Chúa của các nữ tu
Maria Chiara sinh ra và lớn lên ở Florence, sinh hoạt trong giáo xứ và hiệp hội Công giáo Tiến hành. Qua một người bạn trong giáo xứ, có một người cô tu trong nhà dòng các sơ Nevers, Maria tình cờ quen biết với các nữ tu. Cô đã gặp nữ tu đó trong một số cuộc họp mà cô tham dự và chính niềm đam mê của các nữ tu này, niềm đam mê đối với con người và đối với Lời Chúa, là điều gây ấn tượng với cô và sau đó, sau một thời gian, đã thúc đẩy cô, tìm đến với các nữ tu.
Bắt đầu hành trình tìm kiếm ơn gọi
Maria Chiara bắt đầu liên lạc với các nữ tu khi đang học trung học, nhưng sau đó, khoảng mười năm, cô không liên lạc với họ nữa. Thỉnh thoảng cô nghe thấy một giọng nói nhỏ trong lòng mình nói rằng: “Tôi muốn trò chuyện với các sơ”. Cô cảm thấy khao khát này, nhưng đồng thời cũng trốn tránh nó. Năm 25 tuổi, Maria Chiara gặp lại các sơ dòng Nevers, và sơ cảm thấy đó chính là điều mình đang tìm kiếm.
5 năm trước khi gia nhập dòng, đối với Maria Chiara, là một hành trình dài, với nhiều giai đoạn … Trong thời gian đó, Maria Chiara đi học, làm bác sĩ, có bạn bè và có cả bạn trai … Tất cả những điều rất bình thường. Sau khi tốt nghiệp và tiếp tục học chuyên ngành, cô bắt đầu làm việc ở Florence, sau đó nửa chừng cô chuyển đến Rome, trong thời gian chờ đợi để bắt đầu con đường khác”.
Bác sĩ chăm sóc người vô gia cư
Sau khi gia nhập dòng, Maria Chiara vẫn rất gắn bó với ngành y. Những năm đào tạo, thời gian tập viện, những năm đào sâu hơn con đường cô đã chọn, những năm phân định … Sau đó, sau thời gian khấn tạm, sơ Maria Chiara lại tiếp tục hoạt động của mình với tư cách là một bác sĩ, làm việc với Tổ chức bác sĩ không biên giới tại một phòng khám dành cho các nạn nhân bị bạo lực. Sau đó, sơ bắt đầu làm việc với Caritas ở Rome với tư cách là bác sĩ trong một trung tâm tiếp nhận người vô gia cư tại nhà ga trung tâm Termini. Sơ đã làm việc ở đó từ năm 2015 cho đến một tháng trước đây, và đó là trải nghiệm ghi dấu ấn nhất trong sơ. Sơ có thể nói, đó là trường đào tạo của sơ.
“Một thành phố nơi có một người bớt đau khổ hơn là một thành phố tốt hơn”
Sơ Maria Chiara chia sẻ về thời gian này: “Đó là một trải nghiệm mạnh mẽ, đôi khi thậm chí khó khăn, với rất nhiều đau khổ. Nhưng cũng là một trải nghiệm rất tốt đẹp, về sự gần gũi hàng ngày với mọi người. Tôi là bác sĩ đi đến nhà của họ: điều này cho tôi cơ hội để trở thành một người bạn đồng hành trong cuộc sống, đồng hành hàng ngày, chữa trị cho những người không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi làm việc như một nhóm: bác sĩ, nhà tâm lý học, y tá, nhân viên xã hội … Chăm sóc y tế chỉ là một phần của con đường giúp đỡ con người, để đồng hành, tái hòa nhập họ vào đời sống xã hội, một hành trình mà ngoài khía cạnh sức khỏe còn quan tâm đến tất cả mọi khía cạnh, sự nghèo nàn của các mối quan hệ, những vết thương do quá khứ tan vỡ gây ra, thiếu nhà ở, không có việc làm … Trên tường ngôi nhà có một câu của cha Luigi Di Liegro: ‘Một thành phố nơi mà chỉ một người bớt đau khổ hơn là một thành phố tốt hơn’. Thoạt nghe nó có vẻ là một cụm từ kỳ lạ, tôi tự hỏi nó sẽ có ý nghĩa gì khi chỉ chăm sóc một người ở nơi có rất nhiều người đau khổ? Bây giờ sau năm năm tôi đã hiểu ý nghĩa của nó”.
Gặp gỡ Chúa Ki-tô trong người nghèo
Sau khi khấn trọn đời, sơ Maria Chiara sẽ dành thời gian học triết học và thần học. Đó là một phần trong quá trình đào tạo. Nhưng theo sơ, điều quan trọng là phải kết hợp hai khía cạnh, kinh nghiệm phục vụ ở những vùng ngoại biên của thế giới với việc đào sâu các động lực thiêng liêng, Kinh Thánh, thần học, những điều mà chúng ta làm tất cả để gặp gỡ Chúa Kitô trong người nghèo.
Chia sẻ về tương lai, sơ Maria Chiara nói: “Tôi không biết hội dòng sẽ muốn tôi làm. Chắc chắn là chăm sóc cho những người rốt cùng là điều quan trọng đối với chúng tôi, nhưng tôi vẫn không biết mình sẽ ở giữa họ theo cách thế nào. Tôi thích làm bác sĩ, những năm này đã là một món quà tuyệt vời đối với tôi nhưng có rất nhiều cách để chăm sóc người khác. Tôi biết ơn hội dòng vì đã đào tạo tôi, tôi đã nhận được rất nhiều và tôi sẵn sàng cố gắng đền đáp lại điều gì đó, theo những cách mà tôi sẽ được yêu cầu”. (Aleteia 26/10/2020)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News