Trong các Hội nghị quốc gia của các nam nữ tu sĩ thuộc khu vực châu Mỹ Latinh và Caribê, đang diễn ra trong những ngày này, các tu sĩ đã lên tiếng yêu cầu các Nghị viện của các quốc gia trong lục địa phê chuẩn Thỏa thuận Escazú.
Thỏa thuận Escazú đã được 22 trong số 33 quốc gia của khu vực ký kết vào ngày 04/3/2018. Văn kiện có mục đích chống lại sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử và thúc đẩy sự phát triển bền vững, chú ý đến môi trường và cư dân. Bên cạnh đó, văn kiện còn nhắm đến việc đảm bảo quyền của tất cả mọi người có một môi trường lành mạnh và phát triển bền vững.
Để có hiệu lực vào ngày 26/9 tới đây, Thỏa thuận phải được ít nhất 11 quốc gia phê chuẩn. Hiện chỉ có 9 quốc gia phê chuẩn .
Các tu sĩ nhấn mạnh, đây là Thỏa thuận đầu tiên nêu bật mối tương quan trực tiếp giữa nhân quyền và môi trường ở khu vực châu Mỹ Latinh và Caribê, và là văn bản ràng buộc đầu tiên cho việc bảo vệ cuộc sống và các vùng lãnh thổ và để bảo vệ tất cả các hình thức sống, bảo vệ di sản môi trường chung.
Các tu sĩ lưu ý, chính ông Antonio Gutiérrez, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận này. Theo ông Antonio, Thỏa thuận có khả năng giúp ứng phó với tác động của Covid-19 và thiết lập các tham số của sự tham gia xã hội, tiếp cận thông tin và công lý.
Cũng theo Liên Hiệp Quốc, mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện nay là không bền vững, dẫn đến việc vượt quá các giới hạn môi trường của hành tinh xanh. Liên Hiệp Quốc cho rằng đại dịch Covid-19 là lời cảnh tỉnh cho cả thế giới, khi nhân loại phá hủy đa dạng sinh học và hệ sinh thái sẽ tác động tiêu cực đến sự sống của chính con người.
Liên Hiệp Quốc cho rằng Mỹ Latinh và Caribê là một trong những khu vực đa dạng sinh học lớn nhất trên thế giới, nhưng ngày càng dễ bị tổn thương bởi ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Đây là lý do tại sao sự đồng thuận giữa các nước trong việc bảo vệ đa dạng sinh học là chìa khóa của việc bảo tồn môi trường sống cho các thế hệ tiếp theo.
Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận Escazú với vai trò như kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững và bình đẳng hơn giữa các quốc gia trong vấn đề bảo vệ môi trường. Thỏa thuận Escazú là công cụ mà Mỹ Latinh và Caribe cần thiết để các bên kết hợp chặt chẽ hơn cũng như tăng cường tính bền vững trong các quyết định bảo vệ môi trường tự nhiên.
Với tất cả các luận chứng trên, các tu sĩ lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia mau chóng phê chuẩn Thỏa thuận Escazú.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News