“Không thể chấp nhận được về mặt đạo đức khi gây ra cái chết của bệnh nhân, thậm chí để tránh đau đớn và đau khổ, ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu rõ ràng về điều đó”.
Hội đồng Giám mục Uraguay đã viết như trên trong một tuyên bố được phổ biến trong những ngày vừa qua, sau khi kết thúc Hội nghị Thường niên.
Tài liệu được công bố vào thời điểm ở trong nước đang có thảo luận về một dự luật dành riêng cho trợ tử và cái chết êm dịu. Vì thế mục đích của các Giám mục là “đóng góp cho các cuộc tranh luận công khai và cần thiết về một chủ đề liên quan đến phẩm giá con người”.
Tuyên bố có đoạn: “Không phải bệnh nhân, cũng không phải nhân viên chăm sóc sức khỏe, hoặc gia đình có quyền quyết định hoặc gây ra cái chết của một người. Một hành động như vậy cấu thành một hình thức giết người được thực hiện trong bối cảnh lâm sàng”.
Đồng thời, Hội đồng Giám mục nói rõ: “Ngay cả điều trị kiên trì cũng không được chấp nhận về mặt đạo đức, nghĩa là muốn kéo dài cuộc sống của bệnh nhân bằng mọi giá, mặc dù biết không thể mang lại lợi ích gì cho người bệnh. Việc áp dụng trình tự chẩn đoán và điều trị không cân xứng chỉ để kéo dài sự đau đớn không cần thiết”.
Hội đồng Giám mục đánh giá cao việc chăm sóc giảm nhẹ và mong muốn mọi người đều được hưởng việc chăm sóc này: “Thuốc giảm đau là một chỉ định y khoa chính xác về mặt khoa học và đạo đức luân lý, được sử dụng khi bệnh nhân không thể chịu đựng được cơn đau. Cần phải được theo dõi lâm sàng liên tục, có sự đồng ý rõ ràng hoặc mặc nhiên của bệnh nhân, hoặc trong trường hợp người bệnh không có khả năng biểu hiện ý muốn thì gia đình bệnh nhân được ủy quyền làm điều này”.
Hơn nữa, các Giám mục khẳng định sử dụng thuật ngữ chung “đau khổ không chịu nổi” hoặc những khái niệm mơ hồ như “cuộc sống không xứng đáng được sống” hay “cái chết xứng đáng” để hợp pháp hóa cái chết êm dịu và trợ tử là sai lầm và mở đường cho sự kế thừa các hành vi vi phạm phẩm giá con người. Các Giám mục giải thích: “Thực tế, trong các thuật ngữ này không có thuật ngữ nào có một giải thích rõ ràng và có ý nghĩa. Và kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy, cuối cùng họ đã phát sinh nhiều hành vi lạm dụng khác”.
Các Giám mục Uruguay nhắc lại tầm quan trọng của việc trợ giúp tôn giáo đối với những người bị bệnh nặng và sắp chết: “Giáo hội, phục vụ nhân loại, muốn trao ban ánh sáng sự sống đời đời khởi nguồn từ Đức Kitô đã chết và sống lại, khả năng lấp đầy những tình huống phức tạp và thường đau đớn nhất của con người bằng tình yêu, lòng thương xót và hy vọng. Điều này cho phép người bệnh được phó thác cho Thiên Chúa Cha trong bình an và xứng nhân phẩm”. (CSR_4930_2020)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News