Theo báo cáo hôm 28/7 của tổ chức Cứu trợ Bách hại (Persecution Relief), cơ quan đại kết quan sát những cuộc bách hại Kitô hữu của Ấn Độ, “Tội ác chống Kitô hữu đã tăng đáng báo động, 40,87%, bất chấp sự phong tỏa quốc gia do virus corona có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 3.
Ông Shibu Thomas, người sáng lập tổ chức Cứu trợ Bách hại, cho biết: “Sự bách hại Kitô hữu đã trở nên rất phổ biến”. Tuy nhiên, ông cho biết thêm: dữ liệu thu thập được “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, “chỉ là một phần bạo lực đã thực sự xảy ra đối với các Kitô hữu tại nhiều bang khác nhau”.
Số vụ tấn công lớn nhất, 21%, diễn ra ở bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ. Nhưng tại ít nhất 22 trong số 28 bang đã có báo cáo về bạo lực chống lại Kitô hữu. Các hình thức bạo lực bao gồm hãm hiếp và giết người, loại trừ xã hội, đe dọa, tấn công thể lý, đốt cháy nhà thờ và nhà ở, và cản trở sử dụng các nguồn nước thông thường. Những bang nguy hiểm nhất là Jharkhand, Orissa và Chhattisgarh, nơi hầu hết các Kitô hữu đến từ tầng lớp Dalits và nguồn gốc bộ lạc.
Kitô giáo là thiểu số (2,3%) tại Ấn Độ. Sự bất khoan dung tôn giáo chống lại thiểu số Kitô giáo hiện đang lan rộng. Những con số về tình trạng bạo lực này vẫn chưa đầu đủ vì “nhiều người không báo cáo, do sợ bị trừng phạt bởi những người bách hại và bộ máy hành chính”.
Trong bảy năm qua, Ấn Độ đã đi từ vị trí thứ 31 lên vị trí thứ 10 theo danh sách Theo dõi Thế giới của tổ chức Cánh Cửa Mở, ngay sau Iran, do sự nghiêm trọng của các cuộc bách hại. Trong báo cáo năm 2020, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ xem Ấn Độ là một quốc gia đáng lo ngại đặc biệt, cùng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, nơi tự do tôn giáo bị xâm phạm nghiêm trọng. (CSR_5544_2020)
Văn Yên, SJ
Nguồn: Đài Vatican News