Hôm thứ Bảy 25/01, hơn 50 ngàn bạn trẻ Mexico đã thực hiện một cuộc hành hương tới một tượng đài và đền thánh dâng kính Chúa Kitô Vua, nằm trên đỉnh núi Cubilete, ở bang Guanajuato của Mexico, cao hơn 2400 mét so với mực nước biển.
Trong thông cáo, Phong trào Chứng nhân và Hy vọng, đơn vị tổ chức cuộc hành hương giới trẻ hàng năm, nói rằng những người trẻ hành hương cam kết vì đất nước Mexicô trong những thời điểm khó khăn của sự bất an, trì trệ kinh tế và áp lực bên ngoài mà nó đang trải qua.
Lòng sùng kính Chúa Kitô Vua
Lòng sùng kính Chúa Kitô Vua được thể hiện rộng rãi trong lịch sử Mexicô. Trong những năm 1920, chính quyền đã khởi xướng một loạt các biện pháp đàn áp và bách hại dữ dội chống lại Giáo hội. Chính phủ Mexicô đã cấm các dòng tu, hạn chế việc thờ phượng công khai và cấm các linh mục mặc trang phục giáo sĩ ở nơi công cộng. Lòng trung thành với Chúa Kitô Vua, cũng như tiếng hô “Viva Cristo Rey!” – Hoan hô Chúa Kitô Vua! – đã trở thành một dấu hiệu của sự phản kháng.
Mexico đã được thánh hiến cho Chúa Kitô vào năm 1914 và được lập lại vào năm 1924 và 2013.
Chân phước Anacleto González Flores
Cuộc hành hương của giới trẻ ngày 25/01 tập trung vào cuộc đời của Chân phước Anacleto González Flores, người được tôn phong là bổn mạng của giáo dân Mexico vào năm 2019. Chân phước González đã bị bắt, bị tra tấn và bị giết chết vào năm 1927 bởi các lực lượng chính phủ vì ngài đã ủng hộ những nỗ lực của Liên đoàn Quốc gia bảo vệ Tự do tôn giáo để chống lại cuộc đàn áp Giáo hội.
Tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Cubilete
Tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Cubilete được dựng lên vào năm 1950, để vinh danh các vị tử đạo trong cuộc Chiến Cristero (1926-1929). Nặng 80 tấn và cao gần 20 mét, đây là bức tượng Chúa Kitô bằng đồng lớn nhất thế giới. Bên dưới bức tượng là một nhà nguyện chầu Thánh Thể. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã đến thăm đền thánh vào năm 2012. Tượng được xây dựng trên địa điểm của một tượng Chúa Kitô nhỏ hơn đã bị chính phủ của Tổng thống Plutarco Elias Calles đặt mìn nổ vào năm 1928.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican