Lược sử Giáo xứ Nguyệt Biều

22/12/2019

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ NGUYỆT BIỀU 

Nhà thờ Nguyệt Biều 

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Nguyệt Biều, Giáo hạt Thành Phố, nằm trên địa bàn phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nhà thờ Nguyệt Biều tọa lạc số 10 đường Đặng Đức Tuấn, cách tòa Giám mục 4,7km (theo đường chim bay) về phía tây tây nam[1].

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN.

A- Từ một chiến dịch truyền giáo thời Đức cha Antoine Caspar

Phong trào Văn Thân các năm 1883-1886 đã giết hại cả chục ngàn giáo dân Giáo phận Huế tại Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình. Do đó, từ năm 1887 trở đi, Đức cha Antoine Caspar (Lộc), cha sở E.M Allys(Lý) ở giáo xứ Phủ Cam và cụ Thượng thư Ngô Đình Khả, trong cố gắng khôi phục dân Chúa, đã lập ban truyền giáo để mở đạo khắp cả giáo phận, đặc biệt từ vùng nam sông Hương vào đến Lăng Cô, lúc ấy được gọi là giáo hạt Bên Thủy mà cha Allys là quản hạt. Kết quả cụ thể là trong Sổ rửa tội giáo xứ Phủ Cam, quyển II, số 118 có ghi: Ngày 11-4-1890 ông Paulus Trung, người Nguyệt Biều, được cha Allys rửa tội. Như thế, có thể chọn năm 1890 để đánh dấu việc trở lại của người dân nơi đây, hứa hẹn sự ra đời của họ đạo Nguyệt Biều sau này.

B- Thành giáo họ, trực thuộc giáo xứ Phường Đúc (1896-2009).

Sáu năm sau (1896), linh mục François Patinier (cố Kính) đến coi giáo xứ Thợ Đúc[2] và ở đó cho tới khi mất (1922)[3] đồng thời kiêm nhiệm Nguyệt Biều. Trong thời gian lo mục vụ tại Thợ Đúc, cha Patinier đã giúp làng Nguyệt Biều thắng một vụ kiện và được làng cúng mảnh đất nay làm nghĩa trang giáo xứ Thợ Đúc theo lời yêu cầu của cha. Nghĩa trang này hiện thuộc đất làng Nguyệt Biều nhưng giáo dân Thợ Đúc sử dụng.

Cũng thời gian ấy, có 5 tín hữu đã dâng cúng 6300m2 đất vườn để dựng nhà thờ, còn làng Nguyệt Biều cấp hai mẫu ruộng lẫn 6 sào đất khô để lo “hương hỏa”. Trích lục đã gởi về tòa GM. Cha Patinier liền xây nhà thờ đầu tiên bằng tranh tre cho giáo họ. Nhưng đến năm 1905 thì thay cột tre bằng cột gỗ.

Từ ngày thành lập (1896) đến năm 2009, Nguyệt Biều được kiêm nhiệm bởi các linh mục quản xứ Thợ Đúc, ngoại trừ 2 năm (1973-1975) có cha Mai Xuân Hiến làm quản xứ riêng.

  1. Cha François Patinier (cố Kính) 1896-1922
  2. Cha Tađêô Đỗ Văn Cử 1913-1914 (tạm thế cha Patinier đi Pháp)
  3. Cha Phaolô Huỳnh Văn Thế 1925-1936
  4. Cha Đôminicô Lê Hữu Luyến 1936-1945
  5. Cha Phaolô Trần Văn Khánh 1946-1949
  6. Cha Phêrô Đỗ Khắc Tuế 1949-1962

Giáo họ Nguyệt Biều thời gian này (1954-1962) phát đạt, gần một nửa làng theo đạo. Nhưng sau biến cố 11-1963 (tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm bị lật đổ), một số tân tòng lơ là bỏ đạo, chỉ còn 5 gia đình y như 5 vị lập họ đầu tiên. Họ dựng vợ gả chồng cho nhau, do đó nhân lên thành nhiều gia đình gồm 207 người, cư ngụ trên những đất vườn phía sau nhà thờ.

  1. Cha Matthêô Lê Văn Thành 1962
  2. Cha Anrê Nguyễn Văn Từ 1962-1967

Vì sức khỏe có hạn, nên cha Từ nhờ cha Lôrensô Trần Văn Đàng và các sư huynh Dòng Thánh Tâm (nhà mẹ lúc ấy đặt tại Thợ Đúc) giúp đỡ về mục vụ.

Đầu năm 1963, Đức Cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục cho xây thánh đường mới hiện còn với nền móng cao để tránh lụt lội. Đây là nhà thờ thứ ba được xây trên nền nhà thờ cũ dựng cách nay gần 100 năm, dâng kính thánh Antôn. Nhà thờ không to lớn nhưng có mặt tiền độc đáo: hoa văn chữ M lồng chữ A ở giữa với nét cong cong mềm mại. Cây Thánh giá nổi bật trên nền trời lồng lộng như mời gọi cả vùng quê nâng lòng lên cõi cao xanh.

  1. Cha Lê Hữu Luyến (kỳ 2) 1967-1974
  2. Cha Phaolô Mai Xuân Hiến 1973-1975

Quản xứ đầu tiên của giáo xứ Nguyệt Biều. Theo lời kể lại của các vị cao niên thì tuy là cha sở nhưng vì Nguyệt Biều chưa có nhà xứ, nên cha Hiến phải tạm trú trong nhà truyền giáo của Giáo phận đặt tại Thợ Đúc. Thời điểm nầy Nguyệt Biều lại được sự giúp đỡ của Dòng Thánh Tâm. Nhưng khi cha Hiến đổi đi Tân Mỹ thì Nguyệt Biều lại trực thuộc Thợ Đúc.

  1. Cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc 1975-1977,
  2. Cha Luy Nguyễn Văn Bính 1977-1995

Cha Bính đã sửa lại 2 mái nhà thờ, xây thêm một nhà tăng lợp ngói 4m x 6m, làm lối vào nhà thờ, điện hóa nơi thờ phượng.

Trong thời gian nầy, có cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải về tạm trú (1990-1994) dưới dạng quản thúc. Nên việc làm lễ, dạy giáo lý, sinh hoạt hội đoàn tại Nguyệt Biều thì do cha sở Thợ Đúc lo. Dù bị quản thúc, cha Giải vẫn đi làm mục vụ chui nhiều nơi trong giáo phận, chủ yếu là quy tụ và đào tạo các ơn gọi, chuẩn bị ứng sinh cho ngày đại chủng viện Huế mở lại vào tháng 09-1994.

  1. Cha Phêrô Trần Văn Quí 1995-2009.

Thời gian này, cha Tađêô Nguyễn Văn Lý cũng đến trú tạm Nguyệt Biều dưới dạng quản thúc từ tháng 7-1995 đến tháng 2-2001[4]. Ngài cũng hoạt động bằng cách đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền.

Cha Phêrô cùng với cha Tađêô đã xây dựng được một nhà xứ 2 tầng và một tượng đài Đức Mẹ La Vang. Cha Phêrô còn lát gạch nền và lợp lại mái nhà thờ.

C. Thời giáo xứ biệt lập, có linh mục quản xứ

1- Cha Giuse Trần Viết Viên 4/2009-6/2013.

Để nhà thờ được trật tự hơn, cha Giuse đã cho xây lại cổng và khuôn viên nhà thờ. Cha cũng đã xây thêm một tượng đài Thánh Giuse. Sau đó cha phải nghỉ vì bệnh tật.

2- Cha Giuse Ngô Văn Định (tu sĩ Dòng Thánh Tâm, 6/2013-8/2017)

Ngày 24-6-2013 Toà Tổng Giám mục đã giao Giáo xứ Nguyệt Biều cho Dòng Thánh Tâm coi sóc. Linh mục Giuse Ngô Văn Định là tu sĩ Dòng đầu tiên được giao trách nhiệm cai quản.

Sau hơn 1 tháng nhận xứ, ngày 18-8-2013 cha Giuse đã khởi công đại tu thánh đường (sửa lại cung thánh, nới phòng áo, làm bàn thờ và thư đài bằng đá, đóng lại trần nhà và ghế quỳ, bắn mái hai bên, xây tiền sảnh, sửa lại tháp, thay tượng Thánh Antôn trên tháp và cơi nới sân nhà thờ). Qua 10 tháng miệt mài thi công, ngày 13-6-2014, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê đã đến làm phép bàn thờ và khánh thành nhà thờ.

Bên trong nhà thờ Nguyệt Biều sau năm 2014

Ngoài ra, cha Giuse còn làm nhiều công trình phụ: nới nhà xứ làm phòng ăn, phòng bếp, nhà vệ sinh chung. Tháng 10 năm 2014 cha đã khởi công làm lại nhà sinh hoạt giáo xứ và phòng giáo lý (trước là nhà sàn đã hư nát). Làm sân bóng nhỏ cho các em lương giáo đến chơi. Đại tu đài Đức Mẹ La Vang theo ý tưởng “Cùng Mẹ ra khơi.Ngày 17-08-2017, ngài rời nhiệm sở theo ý bề trên.

3- Cha Giêrônimô Êmilianô Đỗ Minh Liên (từ 18-08-2017…).

Tháng 3-2018, cha xúc tiến lợp mái tôn nhà xứ để chống dột thấm và chống nóng mùa hè, cơi nới khu vực vệ sinh chung và hiên sau nhà sinh hoạt giáo xứ.

III. HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Tu sĩ nam nữ

  1. Tu sĩ Piô Lê Viết Ca, Dòng Thiên An
  2. Nữ tu Maria Tôn Nữ Kim Phi, Dòng Mến Thánh Giá (chị)
  3. Nữ tu Têrêxa Tôn Nữ Kim Phong, Dòng Mến Thánh Giá (em)
  4. Nữ tu Maria Madalêna Lê Hoàng Mai Trang, Dòng Mến Thánh Giá
  5. Khấn sinh Maria Trần Thị Bích Kiều, Dòng Mến Thánh Giá

2- Giáo dân:

– Năm 2010: 193 người

– Năm 2015: 150 người

– Năm 2020:  187 người

Trong Giáo xứ Nguyệt Biều còn có Mái ấm Hy Vọng (gần nhà máy xi-măng Long Thọ) do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách, lo cho các em khuyết tật và mồ côi (khoảng 50 em).

Đa số giáo dân Nguyệt Biều sống bằng nghề nông, một ít làm mộc, nề hay công nhân nhà máy xi-măng Long Thọ gần đó.

***************************

PHỤ LỤC

NGUYỆT BIỀU, NƠI GHI DẤU VẾT TỬ ĐẠO THỜI PHÂN SÁP

            Tuy hạt giống đức tin nẩy mầm tại Nguyệt Biều từ năm 1890 như nói trên, nhưng trước đó, thời Tự Đức bách hại đạo qua lệnh Phân sáp (1861-1862, tức năm thứ 14 và 15 triều ông vua này), đã có nhà tù giam giữ tín hữu tại Nguyệt Biều và một số người đã chết tại đây. Linh mục Bernard, hội Thừa sai Paris, trong tập sách “Những người tuyên xưng đức tin từ 1848-1862 của Bắc Đàng Trong” (nguyên văn tiếng Pháp) đăng trong Biên niên sử của hội năm 1918, đã ghi nhận 2 danh tính và trường hợp tử đạo tại Nguyệt Biều mà lại là 2 thánh Anh hài như sau:

(https://archives.mepasie.org/fr/annales/confesseurs-de-la-foi-de-1848-a-1862-2-suite)

(Họ đạo Phủ Cam)

  1. Phêrô Tân, con trai vợ chồng Viên Tường, 4 tuổi và cùng bị lưu đày với họ, đã chết tại nhà giam làng Nguyệt Biều, ngày 15 tháng thứ 3, năm thứ 15 triều Tự Đức. Xác em đã được chôn tại chỗ.

(Họ đạo Vân Dương)

  1. Anna Tòng, 6 tuổi, con gái vợ chồng ông Tịnh, bị lưu đày với họ đến làng Nguyệt Biều, đã chết ở đó do bệnh đậu mùa trong nhà giam, tháng thứ 9 năm thứ 14 triều Tự Đức. Xác em được chôn tại chỗ.

————————————————————–

[1]Học giả Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, tr. 149, cho biết Nguyệt Biều ngày xưa là Phật Thệ (kinh đô của người Chàm). Nay Nguyệt Biều là một làng ở hữu ngạn sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ bên tả ngạn, cách toà Giám mục Huế khoảng gần 5 km. Trước đây Nguyệt Biều là một thắng cảnh nằm bên bờ sông với những lùm tre bóng mát. Vào những đêm hè, người Thuận Hóa xưa có thói quen đi thuyền dọc sông Hương để ngắm cảnh, nhất là vào những lúc có trăng. Tùng Thiện Vương là một trong những khách du thuyền này, từng ngắm cảnh sinh tình và có thơ về Nguyệt Biều như sau: “Tre yên, sóng lặng, ghé ban đêm. Trăng nước, gió sông, chưa ngủ êm. Thiên Mụ lầu chuông bên bến nọ. Khói xa tan trước tiếng từng thêm”

Đó là bài thơ Dạ bạc Nguyệt Biều làm vào tháng 1-1836, linh mục Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng dịch. Cảnh vật cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, nay cũng không khác mấy. Vẫn trăng trong gió mát, vẫn tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga từng hồi, phá tan sương mai và thức tỉnh lòng người khỏi vô thường tục lụy. Bên cạnh vẻ đẹp này nổi thêm một nét đẹp mới mang tính tôn giáo: nhà thờ của giáo xứ Nguyệt Biều.

[2] Giáo xứ ban đầu được gọi là Thợ Đúc, đến năm 1850 Đức cha François Pellerin đổi tên thành Trường An (do hai xóm Trường Đồng và Vĩnh An). Thời cha sở Lu-y Nguyễn Văn Bính (1977), Đức Tổng Giám mục Philiphê Nguyễn Kim Điền lấy lại tên cũ nhưng sửa chút ít, gọi là Phường Đúc.

[3] Có gián đoạn một thời gian từ 1911-1914, vì ngài phải qua Hồng Kông và ít lâu sau đó đi Pháp. Thời gian này có cha Tađêô Đỗ Văn Cử tạm thay thế.

[4] Tại đây, ngày 4-12-2000, để phản đối việc nhà cầm quyền tịch thu tài sản nhà thờ (3 sào ruộng hương hỏa, bên phải đất nhà thờ nếu nhìn từ cổng), cha Nguyễn Văn Lý và giáo dân Nguyệt Biều đã dựng lên một bảng hiệu với dòng chữ “Chúng tôi cần tự do tôn giáo” trên các thửa ruộng đó và quyết tâm giành chúng lại.

**********************************

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế