Lược sử Giáo xứ Ngô Xá

15/12/2019

GIÁO XỨ NGÔ XÁ

Nhà thờ Ngô Xá cũ, đã phá bỏ 

Lược sử

GIÁO XỨ NGÔ XÁ

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Ngô Xá, thuộc Giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Quảng Trị 05km về phía đông và cách Tòa Giám mục Huế khoảng 65km về phía tây bắc.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1. Đón nhận đức tin từ cuối thế kỷ XVII và trực thuộc Giáo xứ Trí Bưu

Khoảng năm 1617, một linh mục Dòng Tên là cha Francesco Buzomi đến dâng lễ vật cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635). Chúa cho ngài một tờ chiếu có đóng ấn được phép giảng đạo từ Quảng Bình tới Phú Yên, trong đó có xứ Dinh Cát (Quảng Trị hiện giờ).

Lịch sử Giáo phận không nói rõ Giáo xứ Ngô Xá được thành lập thời điểm nào, nhưng dựa theo các bản tường trình của những vị chủ chăn, chúng ta được biết:

– Năm 1693, Đức cha Francisco Pérez đi kinh lược cả Giáo phận Đàng Trong cùng với cha Lôrensô Lâu. Bản tường trình về hoạt động của hai vị có nói đến Giáo xứ Ngô Xá, với 10 giáo dân[1]. Năm 1694, cha Lôrensô Lâu cho biết Ngô Xá thuộc Giáo hạt Dinh Cát (gồm 24 giáo xứ) và đã lên tới 100 tín hữu[2]

– Năm 1701 Đức cha Charles-Marin Labbé cũng đề cập đến Giáo xứ Ngô Xá trong bản tường trình của mình[3]. Giáo hạt Dinh Cát lúc này đã lên tới 31 giáo xứ.

Năm 1750, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát(1738-1765) ra sắc lệnh cấm đạo và trục xuất các thừa sai. Tháng 8 năm ấy, 27 thừa sai và Đức Cha chính Armand Lefèbvre lẫn Đức Cha phó Edmond Bennetat phải lên tàu Bồ Đào Nha về Macao. Năm 1767, chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1765-1776) cũng ra sắc lệnh cấm đạo và trục xuất các thừa sai, vì các vị nhập cảnh quá đông và công khai giảng đạo. Năm 1790, vua Quang Trung (1788-1792) cũng lại ra lệnh bắt các thừa sai vì nghe tin Đức Cha Bá Đa Lộc đang giúp chúa Nguyễn Ánh. Điều đó khiến cho vùng Dinh Cát hay vắng bóng linh mục lâu dài nên Ngô Xá cũng chẳng mấy khi có chủ chăn thăm viếng. Nhưng qua bao thăng trầm, đạo Chúa vẫn đứng vững tại vùng đất nầy và ngày càng lan rộng ra khắp khu vực.

Khi Giáo xứ Trí Bưu được thành lập (hạ bán thế kỷ XVII), họ đạo Ngô Xá và các họ đạo quanh vùng lân cận được đặt trực thuộc Giáo xứ Trí Bưu (Cổ Vưu).

Ngày 07-09-1885, khi quân Văn Thân tấn công Trí Bưu thì các giáo họ cũng chung số phận. Công sứ Jabouille, trong bài “Một trang lịch sử tỉnh Quảng Trị”, có viết: “Các họ nhánh của Cổ Vưu, tức là Hạnh Hoa, Tri Lễ (nay là Quy Thiện), Ngô Xá, Đá Hàn (Thạch Hãn), Chợ Sãi có tới 400 tín hữu. Hôm sau ngày tàn sát, chỉ còn 80 người sống sót. Họ đã bị tấn công cùng ngày với Cổ Vưu và cùng cách thức: bao vây cộng đoàn, tiêu diệt những ngôi nhà cô lập, cướp bóc, phóng hỏa, rồi tập trung về nhà thờ để tàn sát những tín hữu đã không bị chết thiêu vì lửa”.

2. Thành Giáo xứ độc lập cuối thế kỷ XIX với các linh mục Quản xứ

Từ cuối thế kỷ 19, Ngô Xá mới có những vị mục tử tại chỗ:

1- Cha Gioan Baotixita Ngô Văn Học (1898-1904), chánh xứ tiên khởi. Giáo xứ Ngô Xá được chính thức thành lập với các giáo họ như sau: Ngô Xá Đông và Tây; Thâm Triều; An Trú; Đạo Đầu; Trung An; Đồng Bào; Xuân Dương; Tam Hữu; La Duy; Duân Kinh; Trà Lộc; Phú Xuân; Văn Vận; An Lưu; An Phó; Thượng Trạch; Gia Đẳng; An Hội; Ba Lăng và Mỹ Thủy.

Xây nhà thờ Ngô Xá bằng xi-măng và lợp ngói.

2- Cha Giuse Nguyễn Xuân Cảnh (1907-1912). Lúc này, theo Báo cáo Thường niên 1909 của Đức Cha Allys, Giáo xứ Ngô Xá mới chỉ có 291 tín hữu phân tán trong 14 làng.

3- Cha Antôn Nguyễn Văn Sản (1912-1923). Xây lại nhà thờ Ngô Xá, xây thêm ba nhà thờ Thâm Triều, Xuân Dương và Duân Kinh, xây lại nhà nguyện ở Đạo Đầu. Báo cáo Thường niên năm 1912 của Đức Cha Eugène Allys viết như sau (nguyên văn tiếng Pháp): “Tại Ngô Xá, chúng tôi gặp được cha Sản, người đang coi 17 cộng đoàn Ki-tô hữu. Ngài ra sức xây dựng một ngôi nhà thờ xinh đẹp, mà vật liệu đã được cha Cảnh, vị tiền nhiệm, chuẩn bị một phần”.

Đến năm 1923, Đức Cha Allys lại báo cáo: “Không xa Hội Yên, trên bờ con sông đào dẫn đến Quảng Trị, có Giáo xứ Ngô Xá mà năm 1888 chỉ được 14 Kitô hữu nhưng nay gồm 13 cộng đoàn với 1.388 tân tòng. Chính cha Patinier, quản xứ Cổ Vưu lúc ấy, đã gây nên phong trào cải giáo mà từ đó chẳng hề dừng lại; nhưng việc thành lập chung cục giáo xứ này đặc biệt là công trình của cha Sản, người đã rửa tội cho nhiều dự tòng và đã xây một ngôi nhà thờ xinh đẹp với một nhà xứ. Năm nay, Giáo xứ Ngô Xá ghi nhận 2.839 lượt xưng tội và 2.922 lượt rước lễ, những con số đáng kể nếu người ta để ý rằng chỉ có một linh mục duy nhất lo cho giáo xứ tân tòng ấy”.

4- Cha Matthêu Nguyễn Linh Giáo (1923-1926)

5- Cha Gioan Baotixita Lương Văn Thể (1926-1936). Xây lại bàn thờ và sửa lại cung thánh.

6- Cha Tađêô Nguyễn Văn Tin (1936-1947). Xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, xây nhà thờ Trà Lộc bằng ngói và làm nhà thờ tạm bằng tranh tre ở Trung An, Đồng Bào và Thượng Trạch.

Theo Báo cáo Thường niên 1937 của Đức Cha Arsène Lemasle, “với 596 Kitô hữu tất cả đều tân tòng, Ngô Xá đã mở lòng đón nhận tôn giáo trước cả Linh Yên, nhưng các Kitô hữu không sốt sắng bằng. Cha Tin đang dùng mọi phương tiện để tiêm nhiễm cho tín hữu của mình một Kitô giáo thuần khiết hơn và chống lại tinh thần sùng bái bụt thần vốn còn rất sống động nơi một số lớn trong họ. Dễ dàng hóa công việc của mình mà đôi khi rất vất vả, ngài đang xây một ngôi trường sẽ được các chị Mến Thánh Giá tu viện Cổ Vưu điều khiển. Ảnh hưởng ngài đang thực thi cách khó khăn trên những người lớn sẽ dễ dàng được cảm nhận nơi trẻ em, và ngôi trường sẽ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp trên cả hai hạng”.

Năm 1947, vì thời cuộc chiến tranh, cha Nguyễn Văn Tin và một số giáo dân phải đi lánh nạn nên Ngô Xá từ đấy vắng bóng linh mục. Nhà thờ Ngô Xá và Trà Lộc bị triệt hạ, nhà thờ các giáo họ bị thiêu hủy, nhưng nhờ sự hy sinh và cố gắng của giáo dân, nhà thờ Ngô Xá được thay lại mái tôn, nhà thờ Trà Lộc được thay lại mái tranh.

7- Cha Gioakim Nguyễn Tư (1957-1963). Tình thế tạm ổn. Thời gian nầy Giáo xứ Ngô Xá phát triển thêm các giáo họ: Anh Tuấn, Bích La Hậu, Tài Lương, An Hưng, Văn Phong, Linh Chiểu, Mỹ Khê và Thanh Lê.

Năm 1957, nhà thờ Ngô Xá được làm lại mới toàn bộ với tháp chuông cao 16m. Cha Gioakim cũng xây lại nhà xứ khang trang hơn, sửa lại hang đá Đức Mẹ Lộ Đức và nhà thờ Trà Lộc, làm thêm bốn nhà thờ lợp tôn là Đạo Đầu, Đồng Bào, An Lưu và Gia Đẳng.

Năm 1960, giáo dân trong vùng phát triển quá đông nên Tòa Giám mục lại lập thêm các giáo xứ mới. Ngô Xá được chia lại gồm các giáo họ sau: Ngô Xá Đông và Tây, Anh Tuấn, Bích La Hậu, Thâm Triều, An Trú, Thanh Lê, Đạo Đầu, Trung An, Xuân Dương, Tam Hữu, La Duy, Duân Kinh, Trà Lộc, Phú Xuân và Văn Vận.

8- Cha Phêrô Hoàng Kính (1963-1968). Sửa lại bàn thờ mới đúng theo phụng vụ sau công đồng Vatican 2. Vì chiến cuộc nên năm 1968 cha Kính cũng phải lánh nạn, nhà thờ và nhà xứ bị đổ nát vì bom đạn.

Từ 1968 đến 1972, Ngô Xá lại vắng bóng linh mục coi sóc nên đã được các cha sở Trí Bưu (Phêrô Lê Văn Ngọc và GB Nguyễn Cao Lộc) tái kiêm nhiệm.

Năm 1973, cha Tôma Lê Văn Cầu ở La Vang Thượng kiêm nhiệm Ngô Xá.

9- Cha Tôma Lê Văn Cầu quản xứ Ngô Xá (1974)

3- Lại trực thuộc Trí Bưu

Cha Tôma Lê Văn Cầu (1975-1988) ở Trí Bưu kiêm Ngô Xá.

Vì chiến cuộc 1972-1975, nhà thờ, nhà xứ và hang đá Đức Mẹ đều bị tiêu hủy hoàn toàn, chỉ còn lại vách tường trơ trụi mang đầy dấu vết đạn bom. Sau biến cố 1975, nhờ sự giúp đỡ của cha Tôma Lê Văn Cầu chánh xứ Trí Bưu và sự đóng góp của bà con giáo dân còn lại ở quê nhà, một nhà thờ tạm bằng tôn được xây dựng, bàn thờ và cung thánh vẫn giữ nguyên vị trí cũ.

Cha Antôn Dương Quỳnh (1988-1996). Ở Trí Bưu kiêm Ngô Xá. Ngài bỏ nhiều công sức lo liệu giấy tờ để xin xây dựng nhà thờ mới.

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà (1996-1999). Ở Trí Bưu kiêm Ngô Xá. Năm 1998 khởi công xây dựng nhà thờ Ngô Xá.

Cha G.B Lê Quang Quý (1999-2003) Ở Trí Bưu kiêm Ngô Xá. Thay cha Hà tiếp tục công trình xây dựng nhà thờ dang dở và khánh thành vào tháng 06 năm 1999.

Khi đã có nhà thờ, giáo dân Ngô Xá ước ao làm sao cho mình có một cha quản xứ biệt lập.

4- Trở về cương vị giáo xứ với các giáo họ An Lưu, Gia Đẳng[4]:

10- Cha Giuse Hoàng Quốc (09/2003-08/2010). Quản xứ đầu tiên kể từ năm 1975. Từ nay Ngô Xá đã có cha sở riêng, không còn là giáo họ của Trí Bưu như trước đây nữa. Trong thời gian nầy cha Giuse đã xây dựng thêm phòng học giáo lý, phòng thánh, nhà bếp, đóng trần nhà thờ…

11- Cha Đôminicô Lê Đình Du (08/2010-5/2014). Xây dựng bờ thành bao quanh nhà thờ, sơn sửa nhà thờ, nhà xứ, sửa lại khuôn viên nhà thờ.

12- Cha Phêrô Phạm Linh Nghi (từ 5/2014……) từng bước củng cố tinh thần đạo đức, cổ võ việc truyền giáo cho giáo dân.

Làm lại nhà thờ, nhà xứ, xây mới đài Đức Mẹ.

Đài Đức Mẹ

Nhà xứ Ngô Xá

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Tử đạo:

Theo lời kể của những bậc cao niên, vào thời Văn Thân bách hại, thì tại Ngô Xá có 10 vị tử đạo, trong số 10 người nầy có một vị không phải là dân bản địa. Vị nầy bị bắt từ “ngoài đồng” đưa vào, người cao lớn, có khuôn mặt khôi ngô, khoảng chừng 40 tuổi. Theo một số người lương cho biết thì vị nầy không phải là giáo dân mà là linh mục hoặc thầy giảng. Các vị bị thiêu sát tại nhà một chức dịch trong họ đạo vào năm 1885. Hiện hài cốt các ngài được an táng tại làng Ngô Xá Đông và giáo xứ vẫn chăm sóc hương khói, lo việc phụng tự.

2- Linh mục

  • Nguyễn Ngọc Nhân, Giáo phận Nha Trang
  • Cáp Hữu Nhân, Giáo phận Nha Trang
  • Phêrô Lê Minh Cao, Giáo phận Nha Trang
  • Nguyễn Ngọc Dũng, Dòng Don Bosco
  • Barnaba Lê An Phong, Dòng Don Bosco
  • Gioan Baotixita Cáp Hữu Trí, Dòng Đaminh
  • Phêrô Cáp Hữu Khanh, Đan viện Xitô Phước Sơn
  • Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt, Tổng Giáo phận Sài Gòn
  • Lê Quang Tấn, Giáo phận Bà Rịa
  • Lê Quang Tuấn, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn

3- Tu sĩ nam nữ

Maria Trần Thị Thu Hương, Dòng CĐMVN Huế

Maria Nguyễn Thị Phương Thảo, Dòng CĐMĐV Huế

Maria Nguyễn Thị Lý, Dòng MTG Bà Rịa

Maria Cáp Thị Ánh, Dòng MTG Phan Thiết

Anna Cáp Thị Thanh Mai, Dòng MTG Phan Thiết

Anna Lê Thị Thanh Thúy, Dòng MTG Phan Thiết

Isave Cáp Thị Thu Hiền, Dòng MTG Phan Thiết

Maria Trương Thị Thương Thương, Dòng MTG Phan Thiết

Maria Nguyễn Thị Bích Hà, Dòng MTG Phan Thiết

Matta Cáp Thị Thanh Tâm, Đan viện nữ Xitô

Gioan Lê Duy Hùng, Dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu

Simon Lê Hân, Dòng Gioan Thiên Chúa

Lê Hiến, Đan viên Xitô Phước Sơn

4- Giáo dân:

Ngô Xá trước đây là giáo xứ hàng tổng vì có đông đúc giáo dân, nhưng vì chiến cuộc triền miên và nhất là sau Mùa hè Đỏ lửa 1972 và biến cố 30-04-1975, do quá cơ cực và chịu nhiều đau khổ, người dân Ngô Xá bỏ đi gần hết.

– Năm 2010:    372 người.

– Năm 2014:    150 người.

– Năm 2019:    216 người.

Nhà thờ Ngô Xá mới: bên trong đã xong, bên ngoài đang xây tháp

—————————————————————————-

[1]Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques I. Paris, Téqui, 1923, p. 423. (Hoặc) Lm Stanislao Nguyễn Văn Ngọc và Lm Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945. Huế, 1993, trang 86-87

[2]Adrien Launay, Sđd, tr. 430.

[3]Adrien Launay, Sđd, tr. 501. (Hoặc) Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Hội, Sđ d, tr. 92-94

[4] An Lưu thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, cách Ngô Xá khoảng 6km về phía bắc đông bắc. Gia Đẳng thuộc xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, cách Ngô Xá hơn 8km về phía đông đông bắc (gần biển).