Lược sử Giáo xứ Lăng Cô

19/11/2019

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ LĂNG CÔ

Nhà thờ Lăng Cô

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Lăng Cô, thuộc Giáo hạt Hải Vân, tọa lạc tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Giám mục Huế 70 km về phía đông đông nam[1].

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ đức tin của hai giáo dân (1892)

Vào khoảng năm 1892, có ông Mục Nhi (gốc Quảng Nam) và ông Thầy Kinh (gốc Cầu Hai) sinh sống tại Lăng Cô. Khi thấy Công giáo phát triển mạnh tại Nước Ngọt (cách Lăng Cô 25 km về hướng tây tây bắc), hai ông ra trình với cha Giuse Nguyễn Thế Chánh (1852-1889-1918) Quản xứ Nước Ngọt bấy giờ (1894-1916) và xin học đạo.

Sau khi được rửa tội, hai ông về lại Lăng Cô làm ăn như trước; nhưng từ đây, họ gặp nhiều khó khăn do thái độ kỳ thị bài đạo của dân làng không Công giáo.

Thời gian này, dân làng lâm cảnh đói khổ, một vài kẻ xấu tổ chức lấy tiền tại nhà Thầy Kinh. Sự việc bại lộ, các hương lão sợ mang tiếng và trở ngại về sau, đã họp dân. Sau cuộc họp, 12 ông có uy tín và trưởng tộc tình nguyện ra Nước Ngọt xin gia nhập Công giáo.

Cha Chánh đã cử ông câu Vũ vào Lăng Cô dạy giáo lý. Làng hiến một ngôi nhà tranh, bốn vài, để làm nhà nguyện và nơi học giáo lý. Bảy tháng sau, cha Chánh vào rửa tội. Ông Xuyến được bầu làm câu trưởng, ông bộ Mậu và bộ Xáng làm biện họ. Giáo xứ kể như thành lập năm này (1892).

2- Thử thách gian truân vì nạn bỏ đạo

Khoảng từ năm 1894, trong nước có nhiều vụ thưa kiện giữa lương và giáo. Nghe tin này, các ông trước đây trở lại đạo, nay làm đơn khiếu nại lên viên Công sứ Pháp tại Huế xin cải giáo hoàn lương và trả lại ảnh tượng cho cha Chánh. Cũng có vài thành phần quá khích đến đốt nhà nguyện và nhà ở của ông Mục Nhi và Thầy Kinh.

Giữa cơn thử thách gian truân, một số giáo dân mạnh dạn giữ đạo, kiên trì đức tin, đặc biệt các ông bộ Luyện, bộ Ngữ, bộ Xáng, đội Cử.

Cha René Morineau (Cố Trung), Quản xứ Thừa Lưu[2] (1899-1908) nghe biết có biến loạn nói trên, đã trình vụ việc lên Công sứ Pháp tại Huế. Quan này ra lệnh giam giữ các kẻ quá khích phá hoại.

Vào thời điểm này, người Pháp mở đường hỏa xa xuyên Việt. Họ chở nhiều vật liệu xây dựng đến Lăng Cô. Một số lớn bè tre bị mất, người Pháp lùng bắt những kẻ ăn trộm và buộc làng bồi thường. Một đại diện làng ra Thừa Lưu xin Cố Trung can thiệp với viên Công sứ Pháp.

Cố Trung đặt điều kiện: các ông đã theo đạo rồi bỏ đạo, còn làm các việc phản bội Hội thánh, nay phải làm tờ thú tội, đồng thời làng phải bồi thường cho họ giáo một khu đất và một ngôi nhà để làm thánh đường.

Làng đã chấp hành hai điều kiện đó: một mặt các kẻ bị giam giữ làm tờ thú, mặt khác, làng lập một bản văn bồi thường cho họ giáo. Bản dịch tiếng Việt từ nguyên văn chữ Hán[3] như sau:

Huyện Phú Lộc, tổng An Cư, ấp An Cư

Tất cả làng kể cả chức dịch dân phu đều đứng cả.

Xin làm tờ thú bồi một việc như sau: nay trong làng kể cả chức dịch dân phu đã theo Công giáo và học tập hoàn thành, bây giờ trong làng chúng tôi cùng nhau giao một toà nhà bốn phía ba gian, bốn phía đều đủ hết để đem làm nơi phụng thờ Thiên Chúa. Năm Thành Thái thứ mười, vào một ngày trong tháng tám, chức dịch dân phu đã làm điều trái ngược, phản Hội Thánh, nay Toà ra lệnh buộc phải bồi thường. Vậy làng chúng tôi thuận bồi giao hai cái nhà kế cận đều có đủ bốn phía ba gian, bốn phía đều xây vôi, phía trước thượng song hạ bản ba bức đều đủ, và một khoảnh đất, mặt trước sát đường quan, mặt sau sát biển, phía tả sát nhà ông trưởng phụng, phía hữu sát nền trạm cũ, đông tây tứ cận y như trong khế. Nay đem giao dứt khoát tại Thuỷ Dương thôn.

Linh mục được đem làm phụng thờ Thiên Chúa.

Nay làm tờ thú bồi.

Năm Thành Thái thứ mười ba, ngày 20 tháng 4.

(Năm hương lão và bảy dân đinh thủ ký hay điểm chỉ)

Lý trưởng Huỳnh Văn Mai ký

Huế, le 2 Juillet 1901

Le Résident.

Sau khi đã ký chỉ vào bản thú bồi, đại diện làng ra Thừa Lưu xin cố Trung trình lên viên Công sứ Pháp tại Huế. Quan này đã phóng thích các người bị giam giữ, còn vấn đề bồi thường cho sở hỏa xa cũng không buộc nữa.

Kể từ đó, giáo xứ được ổn định và phát triển.

3- Phát triển qua các thời kỳ Quản xứ

1) Cha Martin Mendiboure (cố Nhơn, MEP, 1874-1897-1957) làm Quản xứ tiên khởi Giáo xứ Lăng Cô (1902-1906). Ông Xuyến được bầu lại làm câu trưởng. Cố Nhơn dùng ngôi chùa làng giao làm nhà thờ và nơi giảng dạy giáo lý.[4]

2) Cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng (1906-1920). Ngài thuê người đốn mù u lấy gỗ làm nhà thờ theo kiểu Công giáo trên nền ngôi chùa cũ. Nhà thờ này tồn tại đến năm 1961. Ngài tổ chức truyền giáo và xây nhà thờ tại các Giáo họ Hói Mít, Hói Dừa và Lập An. Số tín hữu Lăng Cô lúc đó khoảng 100 người kể cả nam phụ lão ấu, nhưng đức tin còn yếu, nên vẫn còn mê tín dị đoan, lén lút cúng tế.

3) Cha Gioan Nguyễn văn Chất (1920-8/1931). Trong thời gian này có một số tín hữu lần lượt bỏ đạo. Cha Chất nỗ lực giảng dạy, truyền giáo, giúp đỡ bổn đạo nhiều mặt, sửa sang các nhà thờ giáo họ, cho một số đi tu Dòng Thánh Tâm và vào Tiểu chủng viện.

4) Cha Phaolô Văn Đình Vĩnh (8/1931-7/1936) tiếp tục công việc mục vụ, truyền giáo. Đặc biệt ngài đích thân mời thầy giáo về mở lớp dạy học trò lương cũng như giáo. Ngài tổ chức các buổi văn nghệ, thể thao, thể dục, nên lương giáo rất quí mến. Ngài cũng cho một số con em đi tu Dòng La San, trường Pellerin Huế.

5) Cha Giacôbê Nguyễn Văn Phượng (7/1936-2/1938). Ngài rất nhân đức, lo lắng phần hồn bổn đạo, tổ chức những buổi dạy giáo lý tập thể toàn họ, mời Đức cha về ban bí tích Thêm sức. Giáo dân rất phấn khởi. Nhận thấy ông Trương Tô có lòng đạo vững chắc, sốt sắng, cha Phượng đã đặt ông làm câu trưởng.

6) Cha Phêrô Trần Văn Lượng (2/1938-6/1940) thay Cha Phượng, tiếp tục công việc mục vụ giáo xứ, đặc biệt chuyên lo cho các thanh nữ tập kinh, hát lễ.

7) Cha P.X. Trương Văn Lương (7/1940-7/1944) sửa sang nhà thờ, hoạt động truyền giáo. Thời kỳ nầy, vào các Chúa nhật, vợ chồng vua Bảo Đại thường đến Lăng Cô câu cá, nghỉ mát. Nam Phương hoàng hậu là người Công giáo, cũng đến nhà thờ dự lễ Chúa nhật. Bà thấy nhà thờ hư dột nên đã cúng một số tiền để cha Lương tu sửa. Thời kỳ này cha đã xin Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cho các nữ tu vào Lăng Cô làm việc mục vụ, giảng dạy giáo lý cho thiếu nhi, và mở trường tiểu học.

8) Cha P.X. Bùi Quang Ninh (8/1944-8/1953). Năm 1945, quân Nhật đánh chiếm Việt Nam. Lợi dụng hoàn cảnh này, một số người lương trong làng tìm cách lấy lại khu đất của Công giáo mà trước đây họ đã thú bồi cho giáo xứ như đã nói trên. Họ vào Quảng Nam nhờ ông bộ Xáng can thiệp với quân Nhật để đòi lại khu đất. Được tin này, ông Trương Tô, câu trưởng, đã ra Nhà chung Giáo phận Huế xin sao y bản chính tờ thú bồi. Nhận thấy bên giáo có đầy đủ giấy tờ chứng minh, bên lương không tiến hành kế hoạch dự định nữa. Phần cha Ninh thì đã gửi tiền qua Pháp mua chuông nhà thờ, là chuông đang sử dụng hiện nay.

9) Cha Tôma Lê Văn Thiện (8/1953-3/1966). Ngài rất nhơn đức và hăng say lo cho linh hồn bổn đạo trong họ, tuy sức khỏe không tốt lắm. Đặc biệt năm 1954, đất nước chia đôi, phong trào di cư ồ ạt. Giáo xứ Sáo Cát, Thanh Bồ, Ngoại Hải, Nội Hà từ bên kia vĩ tuyến 17 vào tạm cư tại Lăng Cô. Cha Thiện một mình gánh vác mọi mặt, nhất là ngồi tòa, dâng lễ và cho rước lễ.

Lúc này, ông Lê Quang Đào được bầu làm câu trưởng, thay thế ông Trương Tô tuổi già sức yếu. Biện họ là hai ông Hiệp và Cháu.

Năm 1961, cha Tôma cho lệnh phá nhà thờ cũ, để xây nhà thờ mới rộng rãi kiên cố hơn. Không kinh phí, giáo xứ bước đầu đã làm đơn vay của Giáo phận số tiền 350.000 đồng với cam kết sẽ trồng dương liễu bán lấy tiền trả lại. Công việc xây dựng nhà thờ tiến triển tốt đẹp, phần lớn nhờ sự đóng góp tài lực và sức lực của ông Lê Văn Sâm, một giáo dân trong giáo xứ. Các tín hữu khác, kẻ ít người nhiều, cũng hỗ trợ công sức, tiền bạc, vật dụng. Nhất là nhờ sự xoay sở của cha Thiện nên có nhiều người hảo tâm dâng cúng. Tổng chi phí trên 2.500.000 đồng (thời bấy giờ là một số tiền rất lớn).

Đầu tháng 8-1962, nhà thờ được khánh thành trọng thể, do Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, Tổng Giám mục Huế chủ sự.

Năm 1964, ông câu trưởng Lê Quang Đào bị bệnh, ông Trương Điểu (bộ Năm) lên thay thế.

10) Cha P.X. Trần Văn Cần (5/3-28/12/1966). Nhờ còn trẻ tuổi lại hăng say hoạt động, nên chỉ trong vòng 10 tháng, ngài đã đem lại cho Giáo xứ sinh khí và phấn khởi. Rất tiếc đến ngày 28-12-1966, vì lý do công vụ, ngài rời Giáo xứ về làm quản lý tại Nhà chung Giáo phận.

11) Cha Raphaen Bửu Hiệp (12/1966-8/1972). Ngài thuộc hoàng tộc, cháu nội vua Minh Mạng, có năng khiếu về tổ chức giáo dục. Chính ngài đã xây dựng và làm hiệu trưởng trường trung học Nhân Vị, để con em lương giáo tại địa phương đến học cho gần. Thời gian này ông Đinh Văn Lượt rồi kế tiếp là ông Nguyễn Đãng làm chủ tịch Hội đồng Giáo xứ.

12) Cha G.B Hồ Đắc Liên (15/8/1972-3/1975). Tuy đã lớn tuổi, cha vẫn nhiệt thành hoạt động, thường xuyên thăm viếng, an ủi các gia đình giáo dân cũng như gặp gỡ các bô lão, thân hào nhân sĩ ngoại giáo trong làng để tạo thêm thiện cảm.

Thời gian này ông Trương Đình Lệ được bầu làm chủ tịch HĐGX. Ông đã dùng công quỹ giáo xứ mua một máy phát điện cho nhà thờ và cung cấp ánh sáng cho một số gia đình để tăng thêm thu nhập hầu lo việc phụng tự.

Do chiến cuộc tháng 3-1975, giáo dân Lăng Cô và cha Liên đã sơ tán vào Đà Nẵng. Sổ Rửa tội, Thêm sức… từ xưa để lại đã bị thất lạc trong cuộc chạy loạn này. Thời gian này ông Nguyễn Tỵ được chọn làm chủ tịch HĐGX, thay thế ông Trương Đình Lệ mãn nhiệm kỳ.

Sau cuộc sơ tán 1975, giáo dân lần lượt trở về quê nhà tiếp tục lao động sản xuất, sống đạo. Tuy nhiên, cuộc chiến đã gây nhiều đổ nát: nhà thờ giáo xứ thiệt hại một phần ba; nhà cha sở, hội quán, trường tiểu học Mai Khôi, nhà các nữ tu hư hại hoàn toàn, hầu hết vật dụng nội thất bị mất cắp. Cha Hồ Đắc Liên rời giáo xứ ra lại tòa Giám mục Huế, các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm về lại dòng tại Kim Long. Đoàn chiên không còn chủ chăn. Lúc này ông Nguyễn Đắc Lợi được bầu làm chủ tịch HĐGX.

13) Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Phước (5/1975-10/9/1997). Quản xứ Sáo Cát kiêm nhiệm Giáo xứ Lăng Cô (từ 1975 đến 1997). Các ông Phạm Soạn, Trương Công Vãng, Phạm phú, Trương Công Phụng lần lượt điều hành giáo xứ.

Từ 5-3-1987 đến 2-4-1987, ngài cho đại trùng tu nhà thờ, kinh phí do bà con giáo dân trong và ngoài nước dâng cúng. Năm 1990, xây mới nhà cha sở trên nền móng cũ. Từ 29/8-12/9/1991, ngài lại sửa cung thánh, bàn thờ, tân trang các cửa, xây lại thành bao quanh trước tiền đường nhà thờ, chuẩn bị kỷ niệm bách chu niên thành lập giáo xứ.

Ngày 9-12-1991, cha Phước rời Giáo xứ Sáo Cát, về thường trú tại Giáo xứ Lăng Cô.

Ngày 26-6-1992, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn mạng Giáo xứ, được chọn để mừng kỷ niệm 100 năm ngày Giáo xứ thành lập (1892-1992). Thánh lễ Tạ ơn do Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế, 10 linh mục đồng tế cùng sự hiện diện đông đảo của nam nữ tu sĩ, quan khách đạo đời và tôn giáo bạn.

Ngày 30-9-1992, cha Phước bắt đầu xây nhà cho các nữ tu.

Ngày 5-10-1992, hai nữ tu Nguyễn Thị Tòa và Phạm Thị Sen, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, về phục vụ giáo xứ sau hơn 17 năm gián đoạn.

Ngày 8-12-1993, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khánh thành hang đá Đức Mẹ, ở bên trái nhà thờ. Hang đá này được xây dựng lần đầu tiên năm 1958.

Từ tháng 6-10-1996, xây mới trường Mai Khôi trên nền cũ trước năm 1975, với 4 phòng học khang trang, thoáng mát.

Tháng 5-1997, tu sửa và lót đá con đường từ cổng nhà thờ đến tận nhà cha xứ, dài gần 80m.

Ngày 10-9-1997, Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Phước về hưu dưỡng tại nhà Chung Huế.

Trong lúc chờ bổ nhiệm tân quản xứ, từ năm 1997-1998, cha G.B. Lê Quang Quý (Quản xứ Thừa Lưu) đến giúp mục vụ, và sau đó từ 1998-1999 là cha Giuse Cái Hồng Phượng (Quản xứ Loan Lý).

Cha PX. Trần Văn Cần – Cha R. Bửu Hiệp – Cha GB. Hồ Đắc Liên – Cha Bat. Nguyễn Văn Phước

14) Cha Gioan Baotixita Phạm Ngọc Hiệp (15/1/1999-5/2007) Quản xứ Lăng Cô kiêm nhiệm Giáo xứ Hói Dừa.

Về đối nội: Cha trẻ trung hóa Hội đồng Giáo xứ; củng cố ca đoàn, ban chung sự, ban trật tự. Thành lập nhóm Gia trưởng và Hiền mẫu, trực tiếp sinh hoạt với anh chị em hàng tuần. Tối Chúa nhật đầu tháng, họp mặt các bà mẹ để chầu Thánh Thể, lần chuỗi và cầu nguyện. Tháng 5 và 10, tổ chức đọc kinh tại tư gia theo khu vực. Cùng với Quản xứ Loan Lý, cha tổ chức các buổi bồi dưỡng Kinh thánh và giáo lý chiều thứ tư cho mọi giáo lý viên của 4 Giáo xứ Lăng Cô, Hói Dừa, Loan Lý, Sáo Cát.

Về đối ngoại: Cha sở và giáo xứ cố gắng bắt các nhịp cầu quan hệ hiểu biết và yêu thương, như thăm viếng, mời các ban đại diện và trị sự thôn, làng, khuôn hội, chùa… đến nhà thờ giáo xứ tham dự lễ Giáng sinh và năm mới. Đáp lễ, cha và Hội đồng giáo xứ đến đình làng dịp Tết âm lịch, đến chùa dự lễ Phật đản và lễ Vu lan. Giáo dân tích cực tham gia công tác từ thiện, giáo dục, tang chế, trong địa phương; nhiệt tình đua ghe cầu an ngày mồng 6 Tết hằng năm do làng tổ chức, vv….

Về xây dựng: Tháng 5-1999, ngài thay mới toàn bộ mái ngói nhà thờ Lăng Cô.

Ngày 23-8-1999, hai dãy nhà ở của sở nữ tu trên đất Giáo xứ đã có trước năm 1975, cạnh trường Mai Khôi, được xây mới và được khánh thành 1-1-2000.

Dịp lễ Giáng sinh và Năm thánh 2000, Giáo xứ trùng tu hội quán, xây đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse trước khuôn viên nhà cha xứ và mở rộng Cung thánh nhà thờ, làm lại bàn thờ bằng gỗ kiền kiền có chạm trổ. Đóng lại toàn bộ ghế trong nhà thờ.

Tháng 5, năm thánh 2000, tại khu vực 6, xóm ga Lăng Cô, cha xây đài Đức Mẹ; và dâng thánh lễ tại đây vào các ngày Chúa nhật đầu tháng.

Tháng 6-2001, mở thêm hai cánh tả, hữu nhà thờ thành hình Thánh giá. Xây đài thánh Giu-se trước khuôn viên nhà cha xứ.

Ngày 5-5-2004, cha Bênêđictô Phạm Tuấn được cử làm phó xứ cho đến 15-5-2007 thì đi làm Quản xứ tiên khởi Giáo xứ Hói Dừa.

15) Cha Gioan Nguyễn Đức Tuân (14/5/2007-8/2010) Quản xứ kiêm Quản hạt Hải Vân.

Ban đầu ngài thăm viếng làng họ và các gia đình giáo dân trong giáo xứ nhằm tìm hiểu tập quán của địa phương.

Ngày 12-3-2008 ngài mời các cha Dòng Chúa Cứu Thế về làm tuần Đại phúc (trong đó có cha Micae Trương Văn Hành người Lăng Cô đang làm bề trên cộng đoàn GX Châu Ổ Quảng Ngãi).

Từ ngày 30-7-2008 đến 22-9-2008, thay mới toàn bộ gỗ lách, một số rui và thay mới hai mái ngói nhà thờ.

Ngày 27-8-2008 đến 9-2008, làm đồi Can-vê.

Ngày 22-6 đến 10-9-2009, làm nhà mục vụ.

Ngày 13-3-2009 làm giàn âm thanh mới,

Ngày 23-3-2009 làm nệm ghế quì.

16) Cha Phaolô Phạm Tá (24/8/2010-10/2016)

Ngày 18-11-2010: khởi công làm đường bê-tông trước nhà thờ và hoàn thành 15-12-2010

Ngày 01-6-2011: khởi công xây dựng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Ngày 12-9-2011: xây nhà Chung sự Hiếu đạo.

Ngày 20-11-2011: Đức Giám mục P.X. Lê Văn Hồng khánh thành đài Thánh Tâm Chúa Giêsu (làm phép tượng đài và dâng lễ tạ ơn).

Ngày 05-12-2011: lát gạch hoa mặt tiền nhà thờ.

Ngày 13-3-2012: xây mới khung thành mặt tiền Nhà thờ.

Ngày 15-6-2012: lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng Giáo xứ, Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, chủ tế Thánh lễ Tạ ơn: kỷ niệm 50 năm xây dựng thánh đường (1962-2012) và 120 năm thành lập Giáo xứ (1892-2012), có rất đông linh mục, tu sĩ nam nữ, đại diện các giáo xứ bạn, làng An Cư Đông, khuôn hội Phật giáo Lăng Cô và con dân xa gần về đoàn tụ.

Ngày 8-11-2012 đến 17-1-2013: xây dựng Chặng đàng Thánh giá trước nhà thờ.  

Ngày 17-1-2013: dựng bia tưởng niệm tiền nhân tại khuôn viên đài Thánh Tâm. ĐTGM PX Lê Văn Hồng làm phép.

Ngày 20-10-2013: đóng trần nhà thờ, tu sửa cung thánh (ốp đá granit).

17) Cha Giuse Phan Văn Quyền (11/10/2016 đến nay)

Được cha Tổng đại diện Antôn Dương Quỳnh đưa về nhận xứ ngày 11-10-2016.

Bước đầu, cha thăm viếng các gia đình giáo lẫn lương, gặp gỡ ban trị sự làng An Cư Đông và các tôn giáo bạn trên địa bàn.

Ngày 08-01-2017, sau 3 tháng tìm hiểu, nghiên cứu và ổn định công việc, cha họp toàn thể giáo xứ để bổ sung nhân sự. Ông Giuse Dương Văn Hướng làm chủ tịch, thay ông Phêrô Lê Đinh xin nghỉ vì lý do sức khỏe và già yếu. Chị Maria Lê Thị Trúc làm thủ quỹ, thế chị Madalêna Nguyễn Thị Thanh Uyên vì lý do đảm nhận nhiều chức vụ. Cha đã củng cố lại các hội đoàn cũng như đã thành lập một số hội đoàn khác. Ngoài ra, ngài còn tái thành lập phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể và hội Legio.

Ngày 23-06-2017, lễ Thánh Tâm Chúa, cha Antôn Dương Quỳnh Tổng đại diện chủ tế Thánh lễ Tạ ơn Bổn mạng Giáo xứ, kỷ niệm 125 năm thành lập Giáo xứ (1892-2017) & 55 năm xây dựng thánh đường (1962-2017), chủ sự nghi thức đặt đá xây nhà xứ và trường giáo lý.

Ngày 03-07-2017, cha Giuse khởi công xây nhà xứ, trường giáo lý và tượng đài Thánh Giuse.

Ngày 15-08-2018, giáo xứ lợp ngói hai cánh Nhà thờ, phòng thánh, và lót gạch sân nhà xứ.

Ngày 08-10-2018, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tế thánh lễ Tạ ơn khánh thành nhà xứ, trường giáo lý và làm phép tượng đài Thánh Giuse. Rất đông linh mục, tu sĩ nam nữ, đại diện các xứ bạn, thôn làng, khuôn hội và bà con trong lẫn ngoài nước về đoàn tụ trong ngày tạ ơn.

Ngày 01-05-2019, sau một thời gian thấy đài Đức Mẹ bị xuống cấp, cha Giuse đã quyết định đặt viên đá khởi công xây lại đài. Đây là thao thức và tâm huyết của ngài và của cộng đoàn giáo xứ.

Sau 3 tháng, đài Đức Mẹ được hoàn thành vào ngày 31-08-2019. Trong dịp này có 6 tân linh mục về dâng lễ Tạ ơn, Giáo xứ khánh thành đài Mẹ và làm phép tượng Lòng Chúa Thương xót.

Cha GB. Phạm Ngọc Hiệp – Cha G. Nguyễn Đức Tuân – Cha P. Phạm Tá – Cha G. Phan Văn Quyền

IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục

1- Micae Trương Văn Hành (1936-1965-2018) (Dòng Chúa Cứu Thế)  

2- Giuse Trần viết Viên (1965-2001-).

3- Philipphê Nguyễn Bá Thông (1978-2010-)

4- Phaolô Nguyễn Quang Ngọc (Dòng Đồng Công USA)

5- Têphanô Lương Tử Lân (Dòng Ngôi Lời)

6- Đôminicô Trương Minh Quả (1980-2018-) (Dòng Thánh Tâm)

2- Tu sĩ nam nữ

7- Tu sĩ Giêrađô Trương Văn Chữ (Dòng Thánh Tâm)

8- Tu sĩ Bálong Trương Công Bê (Dòng Thánh Tâm+1968)

9- Nữ tu Trương Thị Hạnh (USA)

10- Nữ tu Maria Nguyễn Thị Ân (Dòng Phaolô+ 2010)

11- Nữ tu Hồng Hoa (Dòng Phaolô)

12- Nữ tu Agata Nguyễn Thị Lành (Dòng Phaolô)

13- Nữ tu Bertala Nguyễn Thị tuyết (Dòng Phaolô)

14- Nữ tu Mađalêna Nguyễn Thị Hồng Diệp (Dòng Phaolô)

15- Nữ tu Trần Thị Nghĩa (Dòng Phaolô)

16- Nữ tu Maria Lê Thị Bích Phương (Dòng CĐMVN)

3- Giáo dân:    

– Năm 2010 :   1735 người

– Năm 2015 :  2016 người

– Năm 2019 :   1598 người

Tính đến tháng 10-2019, Giáo xứ Lăng Cô có 495 gia đình với khoảng 1598 giáo dân, được chia thành 8 khu vực, trải dài trên địa bàn các thôn: An Cư Đông I và II, An Cư Tân, Hải Vân, Lập An thuộc thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

Nhân sự mục vụ và Công giáo Tiến hành: Hiện tại, Giáo xứ có cộng đoàn Nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm với 7 chị đang phục vụ; có 2 đại chủng sinh giúp xứ; có ban Thường vụ, ban Cố vấn, ban Chung sự Hiếu đạo; có các hội đoàn: Ca đoàn, Trật tự, Phụng vụ, Hội Vô nhiễm, Phan sinh, Thiếu nhi Thánh Thể, Legio, Lòng Chúa Thương xót, Hiền mẫu, Gia trưởng, Matta…

Giáo xứ cũng có một trang mạng: https://www.facebook.com/gxlangco/

 

Bên trong nhà thờ Lăng Cô

————————————————————

[1] Lăng Cô là dải đất 10km trải dài từ đèo Phú Gia ở phía Bắc, đến tận chân đèo Hải Vân ở phía Nam, mặt quay ra biển Đông bao la, lưng quay vào dãy núi Trường Sơn trùng điệp ở phía Tây. Trái tim của Lăng Cô là cái đầm phá xinh xinh, hình trái xoan xanh biếc, với sơn bao hải bọc, tứ thời bát tiết phẳng lặng.

Về địa danh “Lăng Cô” có ý kiến cho rằng là do người Pháp đọc trại tên “An Cư” (họ viết là L’An Cu), vốn là làng chài ở phía nam đầm. Cũng có ý kiến khác cho rằng lúc trước ở Lăng Cô có nhiều đàn cò, nên gọi là Làng Cò, sau đó được dân địa phương đọc trại lại là Lăng Cô. Giáo xứ Lăng Cô ở phía Đông của đầm phá, nên tên hành chánh là làng An Cư Đông, gồm đa số là ngư dân sống bằng nghề đánh cá biển và khai thác đầm.

[2] Thừa Lưu, hay cũng gọi là Nước Mặn, cách Lăng Cô 15 km về hướng tây tây bắc.

[3] Bản chính viết bằng chữ Hán, hiện nay được lưu giữ tại toà Giám mục, từ đời Đức cha Lemasle (Lễ)

[4] Hiện nay còn một dấu tích của chùa là giếng nước trong mát, ngon ngọt, cả làng vẫn còn đến múc, và cũng vẫn gọi là giếng chùa. Giếng bằng đá thanh, hình vuông, ở bên trái nhà thờ.

———————————————————————–

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.