LƯỢC SỬ
GIÁO SỞ CÂY DA
GIÁO XỨ CÂY DA – GIÁO HỌ CÀNG MỸ CHÁNH
Nhà thờ Cây Da, hoàn thành năm 2008
GIÁO XỨ CÂY DA
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Cây Da, thuộc giáo hạt Quảng Trị, nằm trên địa bàn thôn Diên Trường, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. đông giáp Càng Mỹ Chánh, tây giáp thôn Diên Sanh, nam giáp xã Hải Trường, bắc giáp xã Hải Thành. Cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 55km về phía tây bắc, cách Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang 18km về phía đông.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Từ những giáo dân chạy trốn cơn bách hại.
Vào thế kỷ thứ XVIII, để tránh những cuộc bắt đạo dưới thời các chúa Nguyễn, nhiều giáo dân thuộc tỉnh Thừa Thiên (Tân Mỹ, Nho Lâm, Nông, Truồi) và Quảng Trị (Cổ Vưu, An Đôn, Hồ Xá…) đã chạy về trốn tại đây, một vùng đất khá hẻo lánh giữa đồng ruộng, và quy tụ lại thành Giáo xứ Cây Da[1].
Sau thời gian tạm yên, các giáo dân hợp nhau xây dựng một nhà nguyện bằng lá để thờ phượng. Trong thời kỳ nầy, Cây Da trực thuộc Kẻ Văn, một Giáo xứ có từ hạ bán thế kỷ XVII, cách Cây Da khoảng 4km về phía đông nam. Các chủ chăn lúc đó là những thừa sai ngoại quốc hay linh mục Việt Nam làm mục vụ lưu động.
2- Bị bách hại thời Văn Thân (1885)
Khi phong trào Văn Thân nổi lên từ năm 1864 để phản đối vua Tự Đức bạc nhược trước thực dân Pháp qua việc ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) thì họ cũng chủ trương “bình Tây sát tả” (đánh Pháp diệt đạo), vì cho rằng Công giáo tiếp tay với kẻ thù xâm lược. Đến hòa ước Giáp Thân (1884) công nhận sự đô hộ của Pháp trên toàn nước Việt thì cơn phẫn nộ của Văn Thân đối với triều đình và đối với Công giáo lên tới tột đỉnh. Thành thử vào hai năm 1885-1886, đã có các cuộc tấn công tàn sát dữ dội đối với nhiều giáo xứ ở Quảng Trị và Quảng Bình.
Riêng Cây Da thì ngày 24-09-1885, đã có 123 tín hữu tử vì đạo dưới bàn tay Văn Thân. Các vị đã bị chém chết tại nhà thờ, sau đó bị vất xác xuống dòng sông Ô Lâu. Về sau những người còn sống sót đã tổ chức cuộc lặn tập thể, và đã vớt được các hài cốt lên. Tất cả được quy táng vào lăng tử đạo bên cạnh sông trước mặt nhà thờ. Lúc đó là thời Cây Da được kiêm nhiệm bởi cha Giuse Bùi Văn Tuyển, quản xứ Kẻ Văn (1884-1889). Nay lăng tử đạo được đưa vào trong khuôn viên nhà thờ, được xây lại mới cùng với nhà thờ mới của Cây Da (07-2008).
Trong một báo cáo năm 1923 gởi Hội Truyền Giáo Paris, Đức cha Eugène Allys (Lý) viết: “Trong số các Giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ năm 1885 phải kể đến Kẻ Văn mà phần lớn cư dân đã có thể đi vào Huế. Từ con số 619 giáo dân lúc đó, bây giờ (1923) đã lên tới 1,175 người, không kể 5 họ nhánh cách đây ít lâu vẫn còn trực thuộc, và giờ đây đã tách ra làm thành Giáo xứ Bến Cộ… [tức Cây Da]”
Sau đó, Cây Da tiếp tục được coi sóc bởi 2 vị quản xứ Kẻ Văn khác là cha Phaolô Trương Văn Vân (1889-1895) và cha Auguste Gilbert (cố Quý) (1895-1907).
3- Phát triển dưới thời các Quản xứ chính thức.
Đầu thế kỷ XX, Cây Da trở thành Giáo xứ gồm giáo xứ Cây Da và các giáo họ: Diên Sanh, Giáp Hậu, Bến Đá, Trường Mỹ, Thôn Đông, Càng Hưng Nhơn, Càng An Thơ và Càng Mỹ Chánh.
Các vị Quản xứ kế tiếp nhau như sau:
– Cha Gioan Baotixita Ngô Văn Học, gốc Kim Long (1904-1923): Quản xứ tiên khởi. Năm 1905, ngài đã cùng giáo dân xây dựng nhà thờ kiên cố bằng xi-măng sắt thép thay cho nhà thờ tranh tre trước đó[2].
– Cha Giuse Nguyễn Văn Linh, gốc Nhu Lý (1924-1936)
– Cha Đôminicô Huỳnh Văn Thượng, gốc Di Loan (1938-1946)
– Cha Gioakim Nguyễn Văn Khiết, gốc Hương Lâm (1946-1951). Năm 1949, Diên Sanh tách khỏi Cây Da, chuyển sang cho cha Aimé Mauvais (cố Mầu).
– Cha Phanxicô Xavie Trương Văn Lương, gốc Nho Lâm (1951-1955)
– Cha Alêxi Phan Đức Sắc, gốc Dương Sơn (1955-1965). Năm 1955, ngài trùng tu ngôi nhà thờ lần thứ nhất, có sự hỗ trợ của cha Philipphê Nguyễn Như Danh, sinh quán Cây Da.
– Cha Giuse Đỗ Bá Ấn, gốc Kẻ Văn (1965-1972). Năm 1971, ngài đã trùng tu ngôi nhà thờ lần thứ hai.
– Cha Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, gốc Kim Long (1973-2002). Cây Da thời này thuộc về Giáo xứ Diên Sanh, nơi cha Emmanuen đang làm quản xứ. Cha còn kiêm cả La Vang (1975-1995), Giáp Hậu (1975-2009). Biến cố năm 1975 khiến cung thánh và phần giữa nhà thờ bị đổ nát, chỉ còn lại tiền đường nhưng cũng nghiêng và nứt nẻ. Năm 1985, cha Emmanuen đại trùng tu.
– Cha Bênêđictô Lê Quang Viên, gốc An Vân, lại làm Quản xứ Cây Da và Càng Mỹ Chánh (08/03/2002-28/4/2009). Ngài đã xây dựng nhiều công trình về tôn giáo cũng như về xã hội: cầu Cây Da bắc qua sông Ô Lâu (2004), hệ thống nước sạch cho dân trong vùng (2004), bờ kè khuôn viên nhà thờ (2005), nhà mục vụ (2006), nhà thờ Cây Da (khánh thành và cung hiến ngày 24-07-2008 bởi Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể và Đức Giám mục phụ tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng. Lăng tử đạo cũng được xây mới vào dịp này.
Lăng tử đạo, hoàn thành 4-2008
– Cha Phanxicô Xaviê Hồ Văn Uyển, gốc Phường Tây, (29/4/2009-23/6/2013). Xây tường thành nhà thờ (2010), xây tường thành đất thánh Giáo xứ (2011), làm mới hệ thống nước sạch (2012), làm con đường về nhà thờ Càng Mỹ Chánh (2012). Về văn hóa: mở “Lớp học hè tình thương” để củng cố và bổ sung kiến thức cho các em học sinh lương – giáo trong mùa hè (từ năm 2010…..)
– Cha Giuse Huỳnh Đình Hào, gốc Hà Úc, từ ngày 25/6/2013… Tiếp tục mở “Lớp học hè tình thương” cho đến nay. Xây cầu bắc qua hói phía sau nhà thờ Cây Da (2014), các phòng học giáo lý (2015), đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse, xây lại cổng chính nhà thờ, làm thêm 1 bể lọc và thay lại hệ thống nước cho giáo xứ, lắp đặt máy lọc nước tinh khiết phục vụ bà con lương giáo, sửa lại phòng hội giáo xứ. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm cung hiến Nhà thờ Cây Da (2008-2018), cha Giuse trùng tu nhà thờ, xây nhà các chị, mở rộng diện tích trước cổng nhà thờ, xin mở con đường từ đường Xuyên Á vào nhà thờ Cây Da…
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Giám mục
Đức Têphanô Nguyễn Như Thể (sn: 1937, Lm: 1962; Gm: 1975; hưu dưỡng: 2012)
2- Linh mục
– Philipphê Nguyễn Như Danh (1905-1936-1980). Chú ruột Đức TGM Têphanô
– Barnaba Đoàn Thanh Dũng (1934-1960-2012). Dòng Chúa Cứu Thế.
– Phaolô Trần Công Thạch (1944-1975-). Dòng Chúa Cứu Thế. Đã hồi tục.
3- Nữ tu
– Anna Nguyễn Thị Như Thuyết, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, em ruột Đức TGM Têphanô.
– Maria Nguyễn Thị Đức, Dòng Mến Thánh Giá Huế.
– Anna Nguyễn Thị Như Thường, Dòng Mến Thánh Giá Huế.
– Matta Trần Thị Từ, Dòng Mến Thánh Giá Huế.
– Anna Trần Thị Nhàn, Dòng Mến Thánh Giá Huế.
– Maria Nguyễn Thị Mười, Dòng Mến Thánh Giá Huế.
+ Madalena Nguyễn Thị Kim Ngân (nhà tập), Dòng Mến Thánh Giá Huế.
+ Anna Nguyễn Thị Thi (nhà tập), Dòng Mến Thánh Giá Huế.
+ Maria Nguyễn Thị Quỳnh Ly (thanh tuyển), Dòng Mến Thánh Giá Huế.
+ Maria Phan Thị Thanh Nhàn (thanh tuyển), Dòng Mến Thánh Giá Huế.
+ Luxia Nguyễn Thị Kim Phượng (thanh tuyển), Dòng Mến Thánh Giá Huế.
4- Giáo dân
– Năm 2010: 700 người (toàn giáo xứ)
– Năm 2015: 537 người (toàn giáo xứ)
– Năm 2019: 554 người (toàn giáo xứ). 270 người (riêng Cây Da)
****************************************
LƯỢC SỬ
GIÁO HỌ CÀNG MỸ CHÁNH
Nhà thờ Càng Mỹ Chánh, hoàn thành năm 2017
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo họ Càng Mỹ Chánh nằm giữa vùng ruộng sâu, thuộc làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 60km về hướng tây bắc, cách Giáo xứ Cây Da khoảng 1km50 về hướng đông (xem bản đồ giáo xứ)
“Càng” ở đây được hiểu là “nhánh”, là “con” của làng. Cho nên Càng Mỹ Chánh vẫn thuộc về làng Mỹ Chánh cả về địa dư cả về hành chánh[3].
II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Người có công đầu với giáo họ Càng Mỹ Chánh là ông Lê Văn Thanh. Ông có mười người con, và gia đình đã cư ngụ ở đây một thời gian dài. Vào năm 1907, ông cùng các con đã xin theo đạo thời cha Antoine Maillebuau (cố Nhiệm) làm Quản xứ Kẻ Văn (1907-1940).
Dần dần, nhiều gia đình khác cũng trở về với Chúa. Chẳng bao lâu, nơi xóm nhỏ nầy đã hình thành một họ đạo nhỏ được gọi là Càng Mỹ Chánh, trực thuộc Giáo xứ Cây Da.
Năm 1920, cố Nhiệm và cha Gioan Baotixita Ngô Văn Học (Quản xứ tiên khởi Cây Da) đã dựng ngôi nhà thờ đầu tiên bằng tranh tre cho xứ đạo mới này.
Qua những biến cố lịch sử của giai đoạn 1945, nhiều làng mạc, nhiều nhà thờ bị phá hủy, trong đó có nhà thờ Càng Mỹ Chánh. Dân chúng phải tạm lánh cư nơi khác, vào làng Mỹ Chánh chẳng hạn, đến năm 1953 mới trở về để xây dựng lại.
Năm 1955, cha Alêxi Phan Đức Sắc đã xây dựng lại ngôi nhà thờ bằng tranh tre, đến năm 1960 ngài tu bổ và lợp ngói.
Sau những biến thiên của lịch sử, của thời cuộc trong các năm 1968, 1972, 1975 và các cuộc di cư đi kinh tế mới, giáo dân Càng Mỹ Chánh đã xa xứ rất nhiều. Chẳng hạn năm 1972, di tản vào Đà Nẵng, đến tháng 4-1975, mới trở về lại quê hương.
Từ năm 1973 đến tháng 03-2002, cha Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang Quản xứ Diên Sanh, kiêm Càng Mỹ Chánh. Năm 1996, ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ bằng xi-măng cốt thép.
Năm 2002-2009, cha Bênêđictô Lê Quang Viên, gốc An Vân, được bổ nhiệm làm Quản xứ Cây Da với Càng Mỹ Chánh là giáo họ.
Năm 2009-6/2013, cha Phanxicô Xaviê Hồ Văn Uyển, gốc Phường Tây, kế nhiệm. Năm 2012, ngài lợp lại mái ngói nhà thờ Càng Mỹ Chánh, làm mới lại hệ thống nước sạch và làm con đường về giáo họ. Nhưng vì là một vùng đất trũng sâu, thời tiết khắc nghiệt và ẩm thấp, nên chỉ sau gần 20 năm, ngôi nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2013, cha Giuse Huỳnh Đình Hào, gốc Hà Úc, đến thay thế. Ngài đã khởi công xây dựng lại nhà thờ, nhà các nữ tu, sửa lại nhà hội, xây tường thành, sân bãi… tháng 4 năm 2015. Đến ngày 10 tháng 8 năm 2017, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã chủ sự thánh lễ Cung hiến Bàn thờ và Khánh thành Nhà thờ Càng Mỹ Chánh cùng nhiều hạng mục khác.
Năm 2019 (tháng 8), xây đài Đức Mẹ và đài Thánh Giuse.
Nhà thờ Càng Mỹ Chánh, 2017, bên trong
III. HOA TRÁI ĐỨC TIN:
1- Nữ tu:
– Maria Lê Thị Thà, đã khấn, Dòng Mến Thánh Giá Huế
– Maria Nguyễn Thị Huỳnh, Thanh tuyển, Dòng Mến Thánh Giá Huế
– Maria Lê Thị Như Lan, Thanh tuyển, Dòng Mến Thánh Giá Huế
– Nguyễn Thị Thanh Thúy, Thanh tuyển, Dòng Mến Thánh Giá Huế
2- Giáo dân:
– Năm 1975: 32 hộ, 145 người.
– Năm 2015: 50 hộ, 265 người.
– Năm 2019: 50 hộ, 310 người.
——————————————————————-
[1] Lúc ban đầu, Cây Da được gọi là Cồn Cỏ. Vì nơi đây có một vùng đất khá cao nổi lên giữa ruộng nước. Theo tương truyền, tại Cồn Cỏ nầy có một cây đa cổ thụ (nay chẳng còn dấu vết gì) nằm bên dòng sông Ô Lâu. Nên cồn này cũng được gọi là Cây Đa. Không biết từ lúc nào, nhưng cho tới bây giờ, người dân vẫn quen gọi đó là vùng đất Cây Da, nhà thờ Cây Da hay giáo xứ Cây Da.
[2] Theo báo cáo năm 1912 của Đức cha Allys (Lý), tại Cây Da có một số giáo dân đã ký hợp đồng đi làm đồn điền Nam bộ, nơi có nhiều người khốn khổ đã chết vì bệnh sốt rét rừng. Một đoạn nguyên văn về việc này như sau: “Nhiều người dân đáng thương trong các họ đạo khác đã bị lừa dối và họ ra đi hàng trăm người, sau khi đã ký một hợp đồng ba năm, mà phần lớn, theo các thư từ Sài Gòn gởi về, chắc chắn sẽ không thấy kết cục thế nào. Các tin tức từ các đồn điền này cho biết tình trạng buồn thảm của những người di dân và chắc hẳn cũng đủ ngăn cản cuộc ra đi tai hại này”.
[3] Theo bài “Những ốc đảo bình yên của vùng đất Hải Lăng (30/07/2017)” (http://quangtri.tintuc.vn/du-lich/nhung-oc-dao-binh-yen-cua-vung-dat-hai-lang.html), huyện Hải Lăng là vùng đất có bảy càng bao gồm Càng An Thơ, Càng Cây Da, Càng Hưng Nhơn, Càng Hội Điền, Càng Mỹ Chánh, Càng Câu Nhi và Càng Trung Đơn. Mỗi càng như vậy chỉ có trên dưới 30 hộ gia đình sinh sống. Càng là những rẻo đất xâm xấp nước hoặc chỉ cao hơn mặt ruộng vài chục centimet, nằm trơ trọi giữa đồng, cách xa làng mạc… Vào mùa mưa, những vùng đất này được bao quanh bởi nước, chẳng khác gì một “miền Tây Nam bộ” thu nhỏ của Quảng Trị.
Tại sao gọi những xóm nhỏ ấy là “Càng” mà không gọi là “Làng”? Tương truyền, cách nay hơn 500 năm về trước, để mở mang không gian sản xuất, sinh hoạt, bà con thuộc các xã Hải Thọ, Hải Hòa, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Thành (Hải Lăng) đã đến phần đất ruộng thấp trũng phía sau làng, cạnh bờ sông Ô Lâu để sinh cơ lập nghiệp. Anh Nguyễn Như Khoa, trưởng thôn Hưng Nhơn cho biết: “Càng là một nhóm nhỏ đại diện của làng để ra giữ đất cho làng”. Mường tượng nôm na, làng như thân con cua, còn càng vươn ra để bảo vệ thân.
————————————————————-
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.