Năm Thánh 2020: Sông – Núi

15/01/2020

1. Điểm đầu của tổng Giáo phận Huế là dòng Sông Gianh mang dấu ấn lịch sử. Như lời Thánh vịnh 45 đã diễn tả:

Một dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa trời: đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.

Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo. Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu.

Một dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa Trời: đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao. Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển; ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.

Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta. Đến mà xem công trình của Chúa, Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu. Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế.” (Đáp ca: Tv 45, 2-3.5-6.8-9a)

Dòng chảy 170 năm thăng trầm, khi thịnh, khi suy với bao biến cố của thời cuộc. Đoàn chiên giáo phận có những lúc như cánh hoa lục bình trôi dạc khắp nơi theo dòng nước nhưng luôn trung thành và chung thủy với dòng sông.

Tạ ơn một dòng sông là Mẹ giáo phận đã sinh ra những người con trong đức tin và nuôi lớn lên trong thử thách.

– Thử thách của thời tiết khắt nghiệt: mưa, lụt, bão và nắng hạn như tứ trụ của triều đình đè lên đôi vai người con xứ Huế.

– Thử thách về đức tin: Các cuộc bách hại đạo trong giáo hội Việt Nam được khởi lệnh từ Kinh thành Huế. Miền đất Huế trở nên thí điểm cho các cuộc bách hại. Trong 27 giáo phận trãi dài hình chữ S, miền đất tổng giáo phận Huế thấm máu các thánh tử đạo nhiều nhất. 

Giữa bao biến cố đau thương, Thiên Chúa luôn trợ giúp những người con của Giáo phận. Trong cơn bắt đạo tàn khốc dưới thời Vua Cảnh Thịnh, giáo dân khắp vùng đã chạy trốn đến La Vang. Năm 1798, khi nhiều người lâm vào cảnh khốn khó vì đức tin, Mẹ Maria đã hiện ra cùng họ để an ủi và hứa sẽ ban mọi ơn lành hồn xác cho những ai chạy đến La Vang cầu khẩn Mẹ. Mẹ còn hứa từ nay về sau những ai đến đây cầu khẩn Mẹ, thì Mẹ sẽ ban ơn phù trợ. “Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo” (Tv 46, 2).

Thiên Chúa yêu thương đoàn con qua bàn tay của Đức Mẹ La Vang. Mẹ La Vang là địa chỉ thân thương cho đoàn con muôn phương tìm về. Là bến bình an cho thuyền con neo đậu. Có cơ hội là con cái muôn phương tuôn về quây quần bên Mẹ La Vang để tỏ lòng tôn kính mến yêu. Những gia đình và cá nhân gặp hoàn cảnh khó khăn đều chạy đến cầu nguyện với Mẹ. Đến với Mẹ, tâm hồn chúng ta được bình an, cầu nguyện với Mẹ chúng ta được nâng đỡ, hướng về Mẹ lòng ta cảm thấy gần ủi thân thương và gợi lên bao kỷ niệm tốt đẹp. Tổng Giáo phận Huế có Đức Mẹ La vang như một dòng sông đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ. Một dòng sông không bao giờ cạn vơi. “Một dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa Trời” (Tv 46, 5).

2. Điểm cuối của tổng giáo phận là Núi Hải Vân. Hải là biển, Vân là mây. Núi, biển và mây hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh hùng vĩ tuyệt vời. Phía Nam ranh giới của giáo phận là núi Hải Vân giữa Tỉnh Thừa Thiên và Đà Nẵng Nửa đèo phía Bắc núi Hải Vân thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên; nửa đèo phía Nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Giáo xứ Lăng Cô là giáo xứ cuối cùng phía Nam của tổng giáo phận.

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường chọn Núi để gặp gỡ dân Ngài. Núi Moriah, Sinai, Nebo, Carmel, Horeb, Gilboa, Gerizim, Núi Bát Phúc, Tabor, Hermon, Zion, Núi Cây Dầu, đồi Golgotha là những địa danh rất quen thuộc thấy nói trong Kinh Thánh, là những nơi mà Thiên Chúa gặp gỡ dân Người ở những giai đoạn khác nhau. Có thể chúng ta chưa bao giờ đến những nơi đó, nhưng chúng ta cũng biết được những địa danh ấy qua những biến cố vĩ đại trong lịch sử ơn cứu độ.

Núi, biển và mây nếu đứng xa nhau thì không có gì đẹp và hấp dẫn nhưng khi gặp gỡ và hòa quyện vào nhau thành một bức tranh 3D tuyệt vời.

Đức Hồng Y Yvan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, đại diện Đức Thánh Cha đã chủ toạ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Thánh địa Lavang. Ngài mời gọi tất cả Giám mục chia sẻ lại cho các linh mục, chủng sinh của mình về 3 chữ D rất cần thiết trong đời sống của người thuộc về Giáo Hội. 3 Chữ D là: Doctrine, Discipline, Dévotion.

Doctrine, về giáo thuyết. Mỗi Linh mục hôm nay được mời gọi nắm vững giáo lý Giáo hội Công giáo, giáo huấn Giáo hội, học thuyết xã hội của GHCG, bởi vì nếu không nắm vững những hướng đi trong đó, thì trong cách ứng xử một Linh mục ở tại giáo xứ nhiều khi có những cái chưa chuẩn mực và nếu như cả một Giáo hội mà lại không nắm vững về Doctrine này thì rất nguy hiểm, sẽ đưa Giáo hội đến chỗ không cứu vãn được. Tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng về Giáo hội Trung Quốc? Câu trả lời cho biết vì yếu về giáo thuyết. Nếu hiểu Giáo hội không thể tự lực tự cường được thì người ta sẽ có chọn lựa khác. Chẳng phải nói đâu xa, trường hợp của GHVN ngày nay cũng cho thấy thấp thoáng nguy cơ. Hết rồi thời đối đầu, đã bước sang thời đối thoại. Nhưng đối thoại như thế nào để mình vẫn là GHCG, đó lại là cả một tuyến mở ra cho suy nghĩ và vì vậy quan trọng là nắm vững giáo thuyết để có những quyết định phù hợp.

Discipline, về kỷ luật. Đây là một vấn đề thường gây khủng khoảng cho các Giáo hội phương Tây. Vấn đề Linh mục lạm dụng tình dục là do việc không tuân thủ kỷ luật của Giáo hội, để đến khi bùng nổ ra thì không vớt vát được. Hiện nay ở nhiều địa phận của Hoa Kỳ đã phải bán hết cơ sở của mình đi để trang trải cho việc xao lãng kỷ luật của một thời. Đây là một vấn đề đau lòng. Do đó, tuân thủ kỷ luật đời sống Linh mục là một cách để giúp Linh mục một đàng thánh hóa bản thân và đàng khác tránh tất cả những hậu quả tai hại. Thời mới bước chân vào Chủng viện, chắc chắn các chủng sinh đều thuộc lòng câu: Ai sống theo kỷ luật là sống theo ý Chúa, và sau này trên bước đường lớn hơn, Linh mục vẫn thường được nghe nhắc nhở: hãy giữ luật thì luật sẽ giữ cho mình, sẽ bảo vệ mình. Cho nên chữ Discipline mời gọi mỗi người trong hướng đi đời Linh mục cũng gắn bó với luật lệ của Giáo hội cách khít khao.

Dévotion, về lòng đạo đức bình dân sốt sắng. Ở đây theo như lời chú giải của ĐHY Dias, thì nó gắn liền với những phong trào đạo đức, có một thời tưởng như bị bỏ rơi vì đi liền với lòng đạo đức bình dân của đại chúng. Thí dụ: tràng hạt Mân Côi, có một thời người ta rẻ rúng cho là loại kinh dành cho phụ nữ, người nhàn rỗi, người già… nhưng sau này người ta cảm nghiệm được sức mạnh của kinh Mân Côi, nhất là sức mạnh hoán cải, sức mạnh thánh thiêng giúp người ta tiến xa trên đường nên thánh. Những cái thuộc loại Dévotion thì thường gắn liền với những hình thức văn hóa. Ví dụ: hành hương coi như chuyện đi chơi, nhưng ở đó cũng là một thứ Dévotion mời gọi Linh mục không nên xem thường. Tất nhiên không thể loại trừ những hình thức Dévotion truyền thống tôn sùng Thánh Tâm, Chầu Thánh Thể, hay là những hình thức khác nhau dành cho các Thánh. Một Linh mục mà rẻ rúng những hình thức đạo đức bình dân thì coi chừng, tưởng là mình ở trên đỉnh cao trí thức, biết đâu lúc nào đó mình rớt xuống vực mà không hay. Lần hạt Mân Côi, đó là một lời kinh tháp tùng Linh mục trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh, đó là lời kinh còn lại duy nhất sau khi đã quên đi tất cả. Gắn bó với một sự đạo đức như thế cũng là một cách giúp cho đời Linh mục được vươn lên, được thăng tiến.

Để tổng giáo phận trở thành bức tranh nghệ thuật 3D tuyệt đẹp trong năm thánh, chúng ta được mời gọi sống nền văn hóa gặp gỡ. Sông, núi, biển, đầm phá, mây, và con người gặp gỡ nhau. Gặp nhau trong sự hài hòa, tinh tế, thanh cao và nhẹ nhàng. Cao điểm của sự yêu thương là gặp gỡ.

Huế là đất thần kinh có nền văn hóa lâu đời. Đất của vua chúa quan quyền, có đến 9 chúa và 13 vua sống trên đất Huế. Cho nên sống nền văn hóa gặp gỡ là điều cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng của tổng Giáo phận Huế. Gặp gỡ là sự giao thoa của các nền văn hóa, là mãnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa phát triển.

Nội dung lời thánh vịnh 31 diễn tả niềm tin mạnh liệt, Chúa là núi đá cho con trú ẩn. Chúa là núi đá và thành lũy bảo về đời con.

 Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. Núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.

170 năm qua, vật đổi sao dời

Núi cao đứng vẫn dâng lời ngợi khen.

Thăng trầm thế sự đảo điên

Cuộc đời tan biến đức tin vẫn con.

Tạ ơn ngọn núi là người Cha của giáo phận đã che chắn cho đoàn con trú ẩn trước phong ba bão tố của cuộc đời.

Sống Năm Thánh là thời điểm chúng ta cùng lên núi với Chúa và ở đó chúng ta cảm thấy hạnh phúc thưa lên như Phêrô: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mc 9,5)

Trong bài giảng thánh lễ nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 93, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Như tiên tri Isaia đã từng khuyến khích chúng ta: “Nào ta cùng lên núi Chúa” (Is 2, 3), chúng ta được sinh ra không phải để yên vị trên đất, để thoả mãn những điều tầm thường, nhưng là hướng tới những điều cao cả. Và ở đó, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và những người anh chị em của mình. “Đi lên” nghĩa là chúng ta phải bỏ lại một điều gì đó, để kháng cự lại sức nặng của thói quy kỷ, để thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình. “Đi lên” đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Và chỉ khi đến đỉnh núi, người ta mới có thể có được cái nhìn toàn cảnh và đẹp nhất. Và Đức Thánh Cha nói đến “bí quyết của sứ mạng”.

Để leo núi, người ta không thể mang quá nhiều thứ. Cũng vậy, chúng ta phải đánh liều bỏ lại những điều không cần thiết. Bí quyết của sứ mạng là: để có thể ra đi, người ta phải bỏ điều gì đó lại phía sau, để có thể rao giảng, người ta phải từ bỏ. Một lời rao giảng đáng tin không phải được thêu dệt bằng những từ hoa mỹ văn chương, nhưng bằng một đời sống gương mẫu: một đời sống phục vụ, một đời sống biết chối từ những thứ vật chất gây nguy hại cho tâm hồn hoặc khiến người ta trở nên vô cảm, thờ ơ, một đời sống gương mẫu là một lối sống dám từ bỏ để có thể dành giờ cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chúng ta tự hỏi mình: Tôi đang nỗ lực leo lên thế nào? Tôi có biết chối từ những bao bị mang tính thế gian, vừa nặng nề vừa vô ích, để leo lên núi Chúa hay không?

Các câu hỏi của Đức Thánh Cha giúp chúng ta xét mình và tìm ra câu trả lời. Cầu xin ơn Chúa xuống trên tổng Giáo phận chúng ta trong Năm Thánh này.

Lm. Giuse Phan Văn Quyền