Cử hành Thánh Thể: Bài 4 – Ca nhập lễ

13/11/2023

Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 4: CA NHẬP LỄ

I. VĂN KIỆN

Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát ca nhập lễ… (QCSL 47).

II. LỊCH SỬ

Ca hát luôn luôn làm cho phụng tự của người Kitô hữu trở nên sống động và xinh đẹp.[1] Bữa tối cuối cùng đã kết thúc bằng việc Chúa Giêsu hát Thánh vịnh 113 – 118 cùng với các môn đệ của Ngài (x. Mt 26,30; Mc 14,26). Vào thế kỷ II, ông Plinius Trẻ – Tổng trấn xứ Bithynien – đã trình lên hoàng đế Trajan về sinh hoạt của Kitô hữu khi tụ tập vào một ngày cố định để ca tụng Thiên Chúa của họ bằng cách hát luân phiên các bài thánh ca (hymnus).[2]  Ca nhập lễ được coi là đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ IV-V tại Rôma khi những đại thánh đường nguy nga to lớn được xây cất, đặc biệt là trong những Thánh lễ do Đức Thánh cha chủ tế, với sự tham dự đông đảo của các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.[3]

Ngày xưa, ca nhập lễ đã được soạn thảo để hát theo lối luân phiên, đối đáp hoặc giữa ca đoàn và dân chúng hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng với lời bài ca được rút từ các Thánh vịnh, thánh thư hay thậm chí từ những nguồn không phải Thánh Kinh.

Ngày nay, ca nhập lễ được hát như sau: hoặc luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng, hoặc tất cả do dân chúng hát, hay do một mình ca đoàn hát mà thôi. Có thể dùng điệp ca cùng với Thánh vịnh, ghi trong sách Graduale Romanum hay trong sách Graduale simplex; hoặc dùng bài hát nào khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ hay mùa phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận (x. QCSL 31, 48)).

Nếu không hát ca nhập lễ, thì giáo dân, hoặc một vài người giáo dân, hoặc một độc viên, đọc ca nhập lễ ghi trong Sách lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính vị tư tế đọc, và ngài có thể thích nghi nó theo cách lời khuyên nhủ khởi đầu (QCSL 48).

III. Ý NGHĨA

Ca nhập lễ như vang vọng những bài ca đã từng được cất lên trong thời Cựu Ước cũng như tâm tình của những người Do Thái khi họ hân hoan tiến vào tiền đình Nhà Chúa, tới bàn thờ của Chúa hay tiến tới nơi Thiên Chúa ngự trị (Tv 100);

Mục đích của ca nhập lễ là mở đầu cho buổi cử hành phụng vụ, giúp tín hữu thêm đồng tâm nhất trí (quy tụ) ca ngợi Chúa, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ được cử hành và đi kèm với cuộc rước của các vị tư tế và người giúp lễ (QCSL 47, 121). Thật vậy, ca nhập lễ là bài hát đầu tiên của buổi lễ. Nhờ ca hát, cộng đồng biểu lộ sự quy tụ, hiệp nhất với nhau và trở nên sống động hơn để chào đón Chúa cũng như chào đón nhau vì Chúa chính là trọng tâm sự tôn thờ của cộng đồng phụng vụ.[4]

Ca nhập lễ có mục đích rất thực tiễn: đó là nội tâm hóa sự di chuyển thể lý, vì hành động đi rước dễ làm người ta phân tâm. Ca hát sẽ giúp tiêu trừ, ngăn bớt sự rối lòng rối trí không cần thiết hầu làm cho dân chúng cầu nguyện tốt hơn cũng như chuẩn bị tâm tình và cả thân xác họ cho việc cử hành.[5] Vì vậy, James Hansen nhấn mạnh rằng mục tiêu của ca nhập lễ không phải là bài hát, nhưng là lời nguyện.[6] Đây cũng là sự tuyên xưng đức tin của cộng đồng đang bước vào buổi phụng tự. [7]    

IV. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ  

1) Không nên vừa hát ca nhập lễ xong, lại đọc thêm ca nhập lễ trong Sách Lễ nữa (x. QCSL 47-48).

2) Ca nhập lễ không phải là một bài hát cá nhân, mà được coi là một hành động của cộng đoàn.[8] Vì thế nên chọn những bái hát dễ, quen thuộc, phù hợp với khả năng ca hát của cộng đoàn để hát cộng đồng và giúp mọi người “nên một” qua việc cùng nhau hát (PV 11). Chỉ riêng ca đoàn hát ca nhập lễ phải coi là một chọn lựa sau cùng.[9]

3) Không được sử dụng nhạc thu sẵn/ghi âm trong bất cứ cử hành phụng vụ nào vì lời ca tiếng hát [thật] của cộng đoàn cũng chính là lễ phẩm ca tụng Thiên Chúa và sự hiện diện của những nhạc sĩ/nhạc công tại chỗ được kể như là thành phần của cộng đồng phụng vụ.[10]

4) Chọn bài ca nhập lễ: (i) Chọn lựa đầu tiên là hát chính tiền xướng/đối ca (antiphona) trong Graduale Romanum/Graduale Simplex cùng với Thánh vịnh (x. MVTN 73, 133a); (ii) Dựa vào bản văn ca nhập lễ của ngày lễ được ghi trong Sách Lễ Rôma; Các bài thánh ca có chủ đề về: (iii) Quy tụ (giúp hợp nhất cộng đoàn); (iv) Mùa phụng vụ; (v) Ngày lễ; (vi) Tác động phụng vụ (cuộc rước tiến đến bàn thánh) (x. QCSL 47); (vii) Liên hệ với các Bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ.

V. SUY NIỆM[11]

Lạy Chúa Giêsu, sau Bữa tiệc ly, Chúa đã hát thánh vịnh với các môn đệ trước khi đi đến núi cây dầu. Chúa “đã đưa vào nơi lưu đày trần gian này một bài thánh ca đã được hát lên suốt mọi thời đại nơi “tiền đình Nhà Chúa” và Chúa đã hoàn toàn hòa nhập với cộng đồng nhân loại, kết giao với nhân loại chúng con bằng việc chính Chúa đã cất lên ca khúc chúc tụng này.

Lạy Chúa, chúng con tin rằng Chúa ưa thích ca hát. Chắc chắn Chúa đã hát ca mỗi lần hành hương lên Giêrusalem. Chúa đã hòa nhập với đám khách khứa trong tiệc cưới ở Cana khi người ta đang vang lên những lời chúc phúc cho đôi tân hôn. Bữa tiệc ly cũng đã kết thúc bằng việc thày trò của Chúa cùng nhau hát thánh vịnh. Giờ đây, trên thiên quốc, Chúa cũng hát ca vịnh ngợi khen. Hạnh phúc biết bao khi chúng con được hòa chung lời ca tiếng hát với Chúa trong bài thánh ca trên trời trước ngai Đấng tối cao.

Trong Thánh lễ, theo gương của Chúa, chúng con cử hành mầu nhiệm cứu độ cao cả trong hoan ca. Lời ca tiếng hát đánh động vào tâm trí và tình cảm của chúng con là những người đã được Chúa quy tụ như dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Chúa. Chúa đã đặt riêng chúng con ra trong thời gian và không gian này nhằm công bố những kỳ công của Chúa. Bài ca nhập lễ làm nhiệm vụ đó.

Nhưng lạy Chúa, thật là thích đáng nếu như những phần khác trong Thánh lễ cũng được diễn ra trong âm nhạc vì ca hát giúp cộng đoàn phụng vụ chúng con hiệp thông với nhau, làm cho lời nguyện của chúng con thêm hân hoan và long trọng cũng như hướng lòng trí chúng con lên thực tại trời cao đang mở ra trước mắt chúng con.

Việc ca hát của chúng con âm vang bài thánh ca được trình tấu trên trời. Đôi lúc âm vang ấy yếu ớt và nghẹt tiếng, đòi hỏi đôi tai đức tin của chúng con phải lắng nghe một cách chăm chú hơn hầu có thể nhận ra những âm thanh từ trời. Nhưng khi chúng con đã ra công gắng sức hết mình để làm cho âm nhạc thành ra ngôn ngữ của tâm hồn trong kinh nguyện, chúng con ước mong Chúa đang mỉm cười một cách mãn nguyện với đoàn con ngay cả đôi khi có những nốt nhạc lạc tông.

Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện rằng dù sau khi Thánh lễ kết thúc đã lâu, trái tim chúng con vẫn tiếp tục hát lên những lời ca và giai điệu của những bài thánh ca. Chúng con cầu xin những gì chúng con ca lên trong nhà thờ sẽ hòa đầy bầu không khí chúng con hít thở và tỏa khắp không gian sống của chúng con. Chúng con ước nguyện âm nhạc trong Thánh lễ sẽ lại vang lên trên các đường phố chúng con đi qua, nơi công sở chúng con làm việc và nơi mái ấm gia đình chúng con đang sống. Xin Chúa làm cho tất cả mọi người đều có thể nghe thấy sứ điệp du dương êm ái này. Amen.

– – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] X. Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 16.

[2] X. Robert Cabié, History of the Mass (Porland: Pastoral Press, 1992), 10.

[3] X. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 30.

[4] X. Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 44.

[5] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration, 106.

[6] James Hansen, “Congregational Singing: Like Having a Baby?”, Pastoral Music, October/November 1983, 53.

[7] David Haas, Music and the Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 1998), 15.

[8] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997),108.

[9] Edward Foley, “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts”, trong Edward Foley – Nathan D. Mitchel – Joanne M. Piere (eds.), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Collegeville: A Pueblo/The Liturgical Press, 2007), 136.

[10] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 234; McNamara, “Pre-recorded Music at Mass” (23 Nov. 2004), https://www.ewtn.com/catholicism/library/prerecorded-music-at-mass-4830.

[11] Anscar J. Chupungco, OSB, Meditations on the Mass (Quezon: Claretian Publications and Flipside Publishing, 2013), dg. Giuse Phạm Đình Ái, SSS.

Nguồn: hdgmvietnam.com