Các Mẫu Chầu Thánh Thể Thứ 5 Tuần Thánh

03/04/2019

Giờ Thánh Thứ Năm Tuần Thánh Mẫu 1

  1. KHAI MẠC
  2. Hát kính Thánh Thể
  3. Lời nguyện mở đầu của chủ sự hay người hướng dẫn:

“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,17)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Lời Chúa mà chúng con vừa nghe, đưa chúng con vào huyền nhiệm tương giao ân tình của Chúa với Chúa Cha và của Chúa với các môn đệ. Trước giờ hiến tế chịu khổ hình vì chúng con, Chúa đã thân thưa với Chúa Cha, xin Người thánh hiến các môn đệ còn ở trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong dấu chỉ tấm bánh. Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, chúng con chúc tụng, tri ân cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa quy tụ chúng con lại bên Chúa, như Chúa đã quy tụ các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để soi lòng mở trí chúng con biết lắng nghe, yêu mến và đón nhận Lời Chúa trong giờ cầu nguyện này cũng như trong đời sống thường ngày.

Đêm nay, tưởng nhớ việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, chúng con muốn đến với Chúa trong tâm tình ngưỡng mộ, chúc tụng tôn vinh và cảm tạ tri ân. Nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho tất cả các thành phần dân Chúa, đặc biệt cho hàng linh mục là những thừa tác viên của Mầu nhiệm Thánh Thể và của Lời Chúa, để trong năm nay, tất cả chúng con biết đáp trả lời mời gọi canh tân nếp sống người môn đệ của Chúa.

Xin “mở mắt đức tin” cho chúng con để chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc đời, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau vào buổi chiều Phục Sinh và giải thích Kinh Thánh cho họ. Xin làm cho trái tim chúng con bừng cháy lên như cảm nghiệm bừng cháy của hai môn đệ làng Emmau (x. Lc 24,32). Nhờ Mầu nhiệm Thánh Thể và sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa, xin Chúa thánh hiến chúng con để chúng con trở thành những môn đệ đích thực của Chúa, tỏa chiếu đời sống đức tin và đức bác ái trước mặt mọi người. Amen.

LẮNG NGHE LỜI CHÚA,

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN 

  1. Lời dẫn trước khi đọc Lời Chúa:

Trong bầu khí thánh thiện của đêm nay, Chúa quy tụ chúng ta ở lại bên Chúa như các môn đệ tại bàn Tiệc Ly. Đêm nay, chúng ta cùng canh thức với Chúa, lắng nghe và đáp trả tình yêu Chúa. Xin cho giờ cầu nguyện, tôn thờ, chúc tụng, cảm tạ và chiêm ngưỡng Thánh Thể trong đêm thánh này được ánh sáng Lời Chúa toả chiếu. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến mở trí soi lòng, chiếu dọi vào tâm hồn chúng ta khuôn mặt và giáo huấn của Đức Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh vì chúng ta và đưa chúng ta tới sự thật trọn vẹn.

  1. Hát: “Lắng nghe Lời Chúa”
  2. Bài đọc I: Ga 17,13-19

“Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

  1. Suy niệm và cầu nguyện (1):

Nam:

Trước giờ từ biệt các môn đệ, Đức Giêsu ngước mắt lên trời thân thưa với Chúa Cha về tương lai của các môn đệ và ký thác các môn đệ của mình còn ở trần gian cho Chúa Cha. Trong lời thân thưa hoàn toàn tín thác này, Chúa Giêsu nghĩ đến một điều mà Ngài thấy là rất quan trọng cho tương lai sứ vụ mà các môn đệ phải tiếp nối Ngài, đó là xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi ác thần, “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15).

Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta nghĩ như thế nào về thực tại của ác thần ? Đức Giêsu đã gọi ác thần là “cha đẻ của sự dối trá” (Ga 8,44). Ai trong chúng ta lại không một lần có kinh nghiệm về sự hiện diện của ác thần trong đời mình ? Ai trong chúng ta lại không một lần trải nghiệm về sức mạnh của bóng tối trong những chọn lựa trong đời ? Thay vì đi theo ánh sáng và sống trong ánh sáng, chúng ta lại chạy theo bóng tối. Dường như nơi hoạt động của ác thần ở ngay trong đời sống nội tâm, trong con tim và trong tâm trí của chúng ta !

Thật khó mà tránh khỏi cuộc chiến này ! Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất các môn đệ khỏi thế gian (Ga 17,15). Ngài không bao giờ muốn các môn đệ của mình tìm cách trốn chạy khỏi thế gian, nhưng muốn các môn đệ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Satan. Chúng ta chỉ chiến thắng được trong cuộc chiến đấu chống lại ác thần bằng cách đem Đức Kitô vào thế giới cùng với chúng ta. Thế giới tự bản chất không phải là xấu. Nếu nó xấu thì chỉ vì nó từ khước Lời là Ánh sáng và vì nó yêu tối tăm hơn ánh sáng, “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,9-11)

Để cho các môn đệ chiến thắng được Satan, Đức Giêsu xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ bằng sự thật. Thiên Chúa là “Đấng Thánh, chí thánh, ngàn trùng chí thánh”. Thánh hiến trong Kinh Thánh có nghĩa là dành riêng cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

Chúa Giêsu sai chúng ta vào thế giới để chúng ta đem ơn cứu độ của Chúa đến cho thế giới. Chúa muốn chúng ta bước đi trong sự tín thác vào Ngài, tín thác vào tình yêu của Ngài, tín thác vào ơn cứu độ của Ngài.

Nữ:

Cầu nguyện:

Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện (1Tx 4,7; 3,12; 1P 2,15). Đức Kitô muốn chúng ta phúc âm hóa chính cuộc sống mình trước khi loan báo Tin Mừng cho mọi người chung quanh. Chúa Thánh Thần vẫn luôn thực hiện việc thánh hóa chúng ta bằng muôn vàn ân sủng. Trong niềm tin tưởng, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Giêsu và kêu cầu Ngài:

  1. Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã chiến thắng ác thần bằng thập giá và sự phục sinh của Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con niềm hy vọng bất diệt vào sự Phục sinh của Chúa.

Đ/ Xin tình yêu Chúa thánh hiến chúng con.

  1. Xin cho chúng con xác tin rằng sống thánh thiện phải là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người chúng con.

Đ/ Xin tình yêu Chúa thánh hiến chúng con.

  1. Xin cho chúng con biết quý trọng từng giây phút trong đời sống bằng sự tỏa sáng niềm tin và tình yêu chân thực đối với mọi người.

Đ/ Xin tình yêu Chúa thánh hiến chúng con.

  1. Xin giúp chúng con biết sống trọn vẹn căn tính đích thực người môn đệ của Chúa, những người được ủy thác sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho đến tận cùng thế giới.

Đ/ Xin tình yêu Chúa thánh hiến chúng con.

Thinh lặng. (Đêm nay, cần nhiều giây phút thinh lặng để chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn)

  1. Chúc tụng và tung hô:

Người hướng dẫn: Giờ đây, chúng ta cùng chúc tụng tung hô Chúa:

X/ Chúc tụng Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại.

Đ/ Đó là niềm hy vọng cho chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã hiến tế Thân Mình vì chúng con để chúng con được sống

Đ/ Đó là sức mạnh và nguồn sống của chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã ban Lời hằng sống cho chúng con

Đ/ Đó là nguồn ánh sáng của chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã thánh hiến chúng con bằng Lời sự thật của Chúa Cha

Đ/ Đó là nguồn ơn cứu độ chúng con

X/ Chúc tụng Chúa là sự sống và là sự sống lại của chúng con

Đ/ Đó là nguồn vui và hạnh phúc của chúng con

  1. Hát về Thánh Thể hay về Tình yêu Chúa.
  2. Bài đọc 2: Ga 17,20-26

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

Suy niệm và cầu nguyện (2):

Nam:

Với lời nguyện này, tiên vàn Đức Giêsu dạy cho các môn đệ về mối tương giao hiệp thông với Thiên Chúa. Chân lý chứa đựng trong lời nguyện này thật vô cùng thâm sâu và huyền nhiệm. “như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”. Chúng ta được tạo dựng để chia sẻ tình yêu Thiên Chúa bằng cách ở trong Đức Kitô và trong Chúa Cha.

Trong Đức Kitô, chúng ta không chỉ được tha thứ mà còn được đón nhận và được yêu mến. Trong Đức Kitô, chúng ta được lôi cuốn vào chính sự sống của người Con của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, chúng ta được Chúa Cha nhận lời cầu xin, được chữa lành và được giải thoát.

Trong Chúa Cha, chúng ta không hiện hữu cách tình cờ, nhưng hiện hữu như những người con được yêu thương. Thiên Chúa biết mỗi người chúng ta và có kế hoạch yêu thương cho từng cuộc đời. Qua việc nhận chúng ta là con cái của Ngài trong Đức Kitô, Thiên Chúa cho chúng ta thấy phẩm giá làm con hạnh phúc như thế nào !

Lời nguyện của Chúa Giêsu “Để tất cả nên một” còn nhắc chúng ta hướng về sự hiệp nhất với nhau. Để có thể thực sự ở trong Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi vừa sống hiệp thông với Ngài vừa với dân của Ngài là Giáo Hội. Đoàn dân Chúa khi sống trọn vẹn tình hiệp thông giữa lòng Giáo Hội, sẽ thêm nhiệt thành khi gặp gỡ và đối thoại với mọi người, “như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con”

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong Tông Huấn “Giáo Hội tại Á Châu” rằng “bất cứ ở đâu sự hiệp thông suy yếu thì chứng từ và công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bị suy giảm” (số 26). Như vậy, sống tình hiệp thông trong Giáo Hội sẽ là điểm xuất phát đầy năng lực cho sứ vụ tông đồ hướng đến một Nước Thiên Chúa không biên giới. Như vậy, hiệp thông sẽ dẫn đến sứ vụ.

Nữ:

Giờ đây, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh và một cách đặc biệt cho các linh mục:

X/ Lạy Chúa, xin cho các linh mục luôn sống trong Chúa như Chúa sống trong Chúa Cha – để công việc mục vụ của các ngài trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện

Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở trong chúng con.

X/ Lạy Chúa, Chúa muốn rằng Chúa ở đâu thì những môn đệ của Chúa ở đó – Xin cho các tín hữu luôn được thấm nhuần đời sống cầu nguyện.

X/ Chúa đã tỏ Danh Chúa Cha cho chúng con – Xin cho chúng con luôn mang đậm nhiệt tình loan báo Tin Mừng mà “chèo ra chỗ sâu thả lưới” (Lc 5,4)

  1. Chúa đến ban ánh sáng chiếu soi mọi người; và làm Thầy dạy đường thánh thiện – xin cho Lời Chúa nên ánh sáng chiếu soi bước chúng con đi.

X/ Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hy sinh mạng sống cho muôn người – xin cho các linh mục luôn sống quên mình mà phục vụ anh chị em và lưu tâm đến người đau khổ khó nghèo.

X/ Còn những ai đang gặp thử thách gian truân – xin cho họ được nâng đỡ nhờ tình thương của Chúa.

  1. Cầu nguyện bằng một bài hát thích hợp …
  2. Lời cầu nguyện của chủ sự hay người hướng dẫn.

Lạy Chúa Giêsu, trong bài ca thứ tư về người tôi tớ Giavê (Is 53,3-5), ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh về người tôi tớ cả cuộc đời sống cho người khác và vì người khác, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu:

“Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,

phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.

Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,

bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Sự thật, chính người đã mang lấy

những bệnh tật của chúng ta,

đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,

còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,

bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,

bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;

người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,

đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”

(Is 53,3-5).

Xin Chúa cho chúng con biết chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa và khắc ghi vào lòng lời của Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Lạy Chúa, lời mời gọi sống thánh thiện không làm cho chúng con trốn chạy thế giới, nhưng trái lại, thúc đẩy chúng con sẵn lòng cộng tác với mọi người nhằm xây dựng một thế giới hoàn thiện và tươi đẹp hơn. Xin dạy chúng con biết yêu thương nhau bằng trái tim của Chúa, biết tha thứ cho nhau với tấm lòng của Chúa, biết quan tâm đến nhau với ánh nhìn của Chúa, để chúng con làm trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện và tỏa lan ra đến hết mọi người, đặc biệt những gia đình đang gặp khó khăn.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban Thánh Thần để nhắc nhớ và dẫn chúng con vào sự thật toàn vẹn. Xin Chúa huấn luyện chúng con mỗi ngày để chúng con biết sống hiệp thông với Ba Ngôi và hiệp thông giữa lòng Giáo Hội Việt Nam Amen.

  1. Hát: “Xin Chúa dạy con”

III. KẾT THÚC

Lời nguyện kết thúc của chủ sự hay người hướng dẫn:

Lạy Cha, chúng con dâng lên Cha tâm tình cảm tạ tri ân. Cha đã ban cho nhân loại Con Một Cha là Đấng Cứu Độ Trần gian. Ngài đã trao ban Thịt Máu mình làm lương thực thiêng liêng để chúng con được sống sự sống của Cha. Xin Cha ban cho chúng con một trái tim khao khát, khao khát đến với Con Một Cha để được ở lại trong tình thương của Ngài và luôn thuộc về Ngài. Amen.

============

Giờ Thánh Thứ Năm Tuần Thánh Mẫu 2

KHAI MẠC :  Hát kính Thánh Thể :  (Quì)

TA LÀ BÁNH HẰNG SỐNG

ĐK. Ta là bánh hằng sống, là bánh ban xuống bởi trời. Ta là bánh trường sinh.  Ai ăn sẽ sống muôn đời.

  1. Đây mình Ta chính là của ăn, và Máu Ta thật là của uống. Người ăn bánh này không còn đói khát chi. Người uống Máu này sẽ được trường sinh .
  2. Đây Mình Ta chính là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Người không lãnh nhận ăn thịt uống Máu Ta, sẽ chết hao mòn muôn đời trầm luân.
  3. Đây Mình Ta chính là của ăn, và Máu Ta thật là của uống. Dù cho đất trời theo ngày tháng biến thay. Lời Chúa ban truyền muôn đời không phai.

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

Hướng dẫn 1 (HD1).  Lời cầu nguyện :  (Quì)

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vững vàng Chúa đang hiện diện thực sự trong Nhà Chầu trước mặt chúng con đây. Chúng con vừa long trọng cử hành lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa với các Tông đồ, trong đó Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể, để trối lại cho chúng con Mình và Máu thánh Chúa làm lương thực nuôi dưỡng và bổ sức cho chúng con trong cuộc lữ hành trần thế tiến về quê trời. Giờ đây, theo lời Chúa mời gọi, chúng con muốn ở lại đây canh thức với Chúa một giờ, không phải để an ủi Chúa, vì Chúa đang sống trong vinh quang của Chúa Cha, nhưng để đón nhận ánh sáng, hơi nóng và sức sống chiếu tỏa từ bản thân vinh hiển Chúa. Xin cho lòng chúng con bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến để chúng con trở thành những chứng nhân đích thật của tình yêu Chúa dành cho hết mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Cộng đoàn  đáp : Amen.

HD2.  Xin mời cộng đoàn đứng.

HD1. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan : Ga 6,51-58.

 “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.

Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : ‘Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?’  Đức Giêsu nói với họ :

‘Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết.  Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.

HD2.  Mời cộng đoàn ngồi.

HD1 .  Suy niệm :

Chúa Giêsu là Ngôi Lời hiện hữu từ muôn thuở, là Đấng sáng tạo và ban sự sống. Sự sống này là ánh sáng đích thật chiếu soi mọi người. Và Ngôi Lời đã làm người dương thế, để chúng ta có thể chiêm ngắm và chạm đến Người hầu đón nhận sự sống viên mãn vốn có ở nơi Người. Chúa Giêsu thông ban cho chúng ta sự sống ấy nhờ thịt và máu Người, như Người đã từng nhấn mạnh trong bài diễn từ về bánh trường sinh.

Hội thánh, do Chúa thiết lập, tiếp tục sống và cảm nghiệm sự Hiện diện luôn mới mẻ của Chúa, qua Lời Người – là ngọn đèn soi dẫn cuộc hành trình của Giáo hội nơi dương thế – trong Phụng vụ, nơi người anh chị em, đặc biệt người nghèo, là dung mạo của Chúa Kitô đau khổ ; nhưng nhất là trong Thánh Thể, là hy tế, việc tưởng niệm, bữa tiệc thánh và sự hiện diện (x. SC 7). Thực vậy, trong Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện trong xác thể, ban mình Người làm lương thực, là chính thân mình đã được Đức Trinh Nữ Maria cưu mang cách đây hơn hai mươi thế kỷ, xác thịt ấy đã được Thánh Thần tác sinh và có sức đem lại sự sống mới cho con người.

Tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh, như Người đã hứa: “Này Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), và được thúc đẩy qua tiếng kêu mời của Đấng kế vị thánh Phêrô, vọng lại những lời mà vị tông đồ đã được nghe nơi Thầy chí thánh: “Hãy ra khơi !”(Lc 5,4), Hội thánh ra khơi trong ngàn năm mới này, biết rằng mình sẽ cập bến an toàn vì có Chúa luôn ở cùng ; Người ban Thánh Thần của Người và nuôi dưỡng Hội thánh bằng các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.

(Thinh lặng trong giây lát)

Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong phép Thánh Thể

Từ sau bữa Tiệc Ly, Hội thánh đã tin vào sự hiện diện đích thực của Mình và Máu thánh Chúa Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, trong hình bánh rượu. Như Hội thánh dạy, chắc chắn Chúa Kitô hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng cách riêng là dưới hình bánh rượu.

Bài giảng tại Capharnaum, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, làm nổi bật tính hiện thực của những lời Chúa Giêsu nói khi Người tỏ cho chúng ta biết Người là Bánh hằng sống từ trời xuống (c. 51); vậy chúng ta phải ăn mình và uống máu Chúa (c. 53) để có được sự sống mà Bánh sự sống ban tặng (c. 48). Tính hiện thực của những lời lẽ của Chúa Giêsu khiến nhiều người Do thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” (c. 52). Và trước việc Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh đến sự thật của các lời Người khẳng định: “Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (c. 55), nhiều môn đệ cảm thấy chướng tai  đến nỗi đã lìa bỏ Người (c. 66). Ở cuối bài diễn từ, Chúa Giêsu hỏi các tông đồ có muốn rút lui không. Những lời của thánh Phêrô chứng tỏ rằng các tông đồ, trái lại, tin vào sự chân thật của lời Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (c. 68). Tiếc thay, xưa cũng như nay, có nhiều người không tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bánh Thánh Thể  (c. 64). Vào đầu ngàn năm thứ ba này, Hội thánh phải tự hỏi: Tại sao lại khó khám phá đến thế dung mạo của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể ? Làm thế nào để có nhiều người hơn quí trọng và vui hưởng việc Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta ? Làm sao để người tín hữu năng đến thờ phượng Người trong thinh lặng trước Nhà Tạm hay long trọng tung hô Người trong ngày lễ kính Mình Máu thánh Chúa cũng như tối thứ năm tuần thánh hôm nay ?

(Thinh lặng trong giây lát và cầu nguyện riêng)

Cộng đoàn hát :

BỎ NGÀI CON BIẾT THEO AI

  1. Bỏ Ngài con biết theo ai đời lộng gió cánh chim ngàn khơi. Trùng trùng sóng bước mênh mông, thuyền buông lái biết trôi về đâu. Bỏ Ngài con biết theo ai bên đời kia tương lai khuất mờ bước đi không Ngài đời con buồn tênh

ĐK : Bỏ Ngài con đi với ai vì Ngài có lời ban sự sống ? Bỏ Ngài thân con héo hon đời cô liêu trên chốn dương gian. Bỏ Ngài con đi với ai, đường xa lắc tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường  dài ?  Bỏ ngài con đi với ai.

  1. Ngài đi sao bỏ rơi con, để sầu héo tháng năm ngẩn ngơ ? Ngoài kia đời vẫn xanh mơ, mặc con chết hắt hui hồn thơ, Ngài ơi sao bỏ rơi con ? Hỡi Ngài ơi thân con máu đào ! Chết treo thập hình nào ai buồn thương.
  2. Ngàn đời con vẫn tin luôn, Ngài trung tín rất mực từ nhân. Nào đâu Ngài nỡ quên con, hằng đưa lối dẫn theo đường ngay. Lạy Ngài dạy bảo con đi, giữ gìn con trong chân lý Ngài. Bước đi theo Ngài đời con bình an.

(Thinh lặng trong giây lát và suy niệm riêng)

HD2. Thánh Thể là ánh sáng và sức sống.

Thánh Thể là một hy tế : hy tế cứu chuộc và đồng thời là hy tế của Giao Ước mới. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ ơn bằng Mình và Máu Người, nhờ đó Hy tế thập giá được kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để lại cho Hội thánh Người việc tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Người (x. SC 47).

Trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu là lễ vật Chúa Cha ban tặng cho chúng ta để được hiến tế, hầu thanh tẩy và giao hòa chúng ta với Người. Hy tế của Chúa Kitô và hy tế tạ ơn trong thánh lễ chỉ là một vì cùng có một lễ vật là Chúa Giêsu, chỉ khác về cách dâng hiến. Hy tế của Chúa Kitô cũng là hy tế của các chi thể của Thân mình Người. Cuộc sống của các tín hữu, công việc, đau khổ, lời ca ngợi, kinh nguyện của họ được kết hợp với Chúa Kitô và lễ dâng toàn hiến của Người và nhờ đó có được một giá trị mới.

Thánh Kinh còn trình bày Thánh Thể như một lương thực bổ sức cho người tín hữu trên đường dương thế, như bánh manna xưa Chúa đã ban xuống cho dân It-ra-en để nuôi dưỡng họ trong cuộc hành trình trong sa mạc bốn mươi năm trường. “Ai ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi”, lời nói đó của Chúa Giêsu cho người kitô hữu thấy nhu cầu khẩn thiết phải nuôi dưỡng mình bằng chính Chúa, là bánh từ trời xuống. Việc tham dự bàn tiệc thánh này xây dựng chúng ta thành nhiệm thể Chúa Kitô. Vì thế Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội.

Thánh Thể là lương thực nâng đỡ và biến đổi Giáo hội từ bên trong, nhờ đó chúng ta được đồng hóa với Chúa Kitô, được biến đổi thành con người mới, kết hợp mật thiết với Chúa, là Đầu của Nhiệm thể.

Sự sống mới mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể biến thành “liều thuốc trường sinh bất tử, để được mãi mãi sống trong Chúa Kitô”. Là những người sống nhờ Chúa Kitô, và Chúa Kitô muốn cho tất cả chúng ta được sống dồi dào, chúng ta phải công bố tính cách thánh thiêng của sự sống con người, từ khi thụ thai cho đến khi qua đời cách tự nhiên, chống lại những tác hại của nền văn hóa chết chóc.

(Thinh lặng giây lát)

Cộng đoàn hát bài: “MÌNH MÁU THÁNH”

HD1.  Thánh Thể đòi hỏi sự chia sẻ

Thánh Thể là trường học dạy ta tích cực yêu thương tha nhân. Nhờ đó, chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa Thánh Thể và Ánh sáng, theo lời thánh Gioan: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối” (IGa 2,9).

Dâng hy tế của Chúa Kitô cách đích thực có nghĩa là tiếp nối hy tế này bằng một cuộc sống hiến dâng cho kẻ khác. Cũng như Chúa Kitô đã hiến mình làm hy tế dưới hình bánh rượu, chúng ta cũng phải hiến thân cho người đồng loại, qua một việc phục vụ khiêm hạ trong tình huynh đệ, tuỳ theo nhu cầu hơn là công trạng của họ, bằng cách trao tặng cho họ những gì cần thiết nhất để sống cho xứng với phẩm giá con người.

Vậy Thánh Thể mà chúng ta cử hành và chia sẻ trong bữa tiệc thánh mời gọi chúng ta kết hợp việc bẻ bánh với việc chia sẻ của cải, quyên góp để trợ giúp những người túng thiếu nhất, thắng vượt mọi chia rẽ và kỳ thị. Chứng tá tình yêu này là một yếu tố không thể thiếu trong việc Phúc âm hóa đích thật.

(Thinh lặng giây lát)

HD2. Thánh Thể là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng

Ở trung tâm của sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Người. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ loan báo Nước Thiên Chúa bằng lời nói, nhưng “bằng tất cả sự Hiện diện của Người, bằng tất cả bản thân và những việc Người làm, nhất là qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Người”. Giáo hội có nhiệm vụ hàng đầu là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu và nhận làm của mình những lời của thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Thánh Thể là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng vì là “con tim của Tin Mừng” ; thực vậy, Thánh Thể được liên kết với cuộc Vượt qua, nghĩa là cái chết và sự sống lại của Chúa, và với những điều quan trọng nhất của Tin Mừng, như việc công bố Lời Chúa, sự hoán cải và lòng tin, hòa giải và tha thứ, và cả sự sống đời đời.

Sau hết, Thánh Thể còn đem lại một đà tiến mới cho việc loan báo Tin Mừng trong ngàn năm mới này, vì không những là trung tâm  mà còn là nguồn mạch phát động tất cả công cuộc phúc âm hóa trong thế giới ngày nay.

Những việc tôn sùng Chúa Giêsu trong bí tích cực thánh là những biểu hiệu của một lòng tin đơn sơ và sâu xa vào sự Hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong phép Thánh Thể và một lòng yêu mến thâm sâu đối với Đấng đã muốn lập cư giữa chúng ta. Chắc chắn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội tìm được nơi đây một sức mạnh để phát triển cách lạ lùng, nhất là trong thời đại chúng ta ngày nay; trước “những tối tăm và bóng tử thần” bao quanh thế giới, Thánh Thể phải là ánh sáng và sức sống viên mãn cho toàn thể nhân loại.

Sức mạnh phúc âm hóa của Thánh Thể mời gọi người kitô hữu quảng đại dấn thân vào việc truyền giáo. Như trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), chúng ta không thể bỏ qua lời Người mời gọi noi gương Người mà trở nên tấm bánh được bẻ ra và chia sẻ, máu đổ ra cho thế gian được sống; nếu không có sự dấn thân này, việc cử hành Thánh Thể sẽ không trọn vẹn là việc loan báo Tin Mừng.

(Thinh lặng giây lát)

Cộng đoàn hát :

NHÂN CHỨNG TÌNH YÊU

  1. Khi con nghe tiếng kêu mời gọi con đi gieo niềm tin mới. Con nay như  thấy ngỡ ngàng  vì Chúa đã đoái thương chọn con. Rồi một ngày Thánh Thần Chúa đã đến thánh hiến cho con Ngài. Sai con đi khắp mọi nơi rắc gieo tin vui cho muôn người.

ĐK. Này đây Chúa ơi con hiến dâng cho Ngài, niềm tin tâm tư cùng trái tim nồng cháy, từ đây hăng say theo bước chân của Ngài trung kiên làm chứng nhân Nước Trời thắp lên hạnh phúc cho muôn người.

  1. Con say sưa với tháng ngày tình yêu cho con nguồn sức sống. Con hân hoan bước trên đường  hồng phúc bát ngát xanh đồi nương. Để tìm lại những tình thương quá khứ héo úa trong muôn lòng. Cho quên đi những sầu vương Chúa ơi xin thương  ai đoạn trường.
  2. Ôi đau thương những tâm hồn ngày đêm trông mong tìm nhan Chúa, đang bơ vơ kiếp đơn nghèo cuộc sống quá đắng cay lầm than. Chừng cuộc đời những thở than, tiếng khóc chất chứa trong muôn vàn. Xin cho con đến ủi an đỡ nâng mong quên đi cơ hàn.
  3. Trong tâm tư biết bao người ngày đêm cô đơn buồn không nói. Nhưng đâu ai đến với họ để hát khúc hát của niềm vui. Vì nhiều người vẫn nghèo đói thế giới thiếu vắng bao nụ cười. Xin cho nhau những tình thương sớm mai cơn mê đã tan rồi.
  4. Xin cho con suốt một đời, tình yêu cho đi là lẽ sống. Xin cho con biết trung thành, hoàn tất những bước chân đẹp xinh. Nguyện một đời con tìm đến, đến với hết những ai chân tình. Để tình người mãi còn xanh ngát thơm như hoa xuân trên cành.

Lời cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể

(Cộng đoàn đọc chung hay có thể phân chia 2 bên nam nữ hoặc do 2 người đọc luân phiên)

  1. Lạy Chúa  là Cha chúng con, chúng con tin Cha đã tạo dựng mọi loài và đã đến gần chúng con nơi dung mạo Con Cha, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria do quyền năng Chúa Thánh Thần, để bảo đảm cho chúng con sự sống đời đời.
  2. Lạy Cha rất nhân lành, chúng con tin, nhờ sức mạnh của Thánh Thần Cha, bánh và rượu trở thành mình và máu Con Cha, làm lương thực bổ dưỡng cho chúng con là những lữ khách mỏi mệt trên đường dương thế.
  3. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa vẫn tiếp nối cuộc Nhập thể của Chúa trong bí tích Thánh Thể, để nuôi dưỡng những người đói khát ánh sáng và chân lý, tình yêu và ơn tha thứ, ân sủng và ơn cứu độ.
  4. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa hiện diện thực sự trong bánh và rượu được thánh hiến, nhờ đó Chúa kéo dài sự hiện diện cứu độ và ban tặng cho đoàn chiên Chúa những lương thực dồi dào và nước uống trong lành.
  5. Chúng con tin, dưới hình bánh rượu, toàn bản thân Chúa có mặt, được hiến dâng làm hy tế và ban sự sống cho thế gian, cho những người luôn tìm kiếm Nước Trời.
  6. Lạy Chúa, trong nhà Tiệc Ly đêm hôm đó, khi cầm lấy bánh và rượu trong tay, Chúa đã muốn ban tặng cho hết mọi người và cho mỗi người, qua mọi thế hệ tương lai.
  7. Trên mỗi bàn thờ nơi Chúa dâng mình cho Chúa Cha, như là Chiên của Giao ước mới, chúng con cùng dâng với Chúa hoa mầu ruộng đất và công lao của con người,, cuộc sống của người tín hữu, mối nghi nan của người đang tìm kiếm, nụ cười của trẻ thơ, ước mơ của tuổi trẻ, những hy sinh của người hiến thân phục vụ anh em, nỗi thống khổ của con người, nước mắt của những người khóc thương thân nhân nằm xuống dưới làn bom đạn.
  8. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin lòng nhân hậu Chúa đã dọn một bàn tiệc cho mọi người lớn bé, cao sang và hèn mọn, và tại bàn tiệc của Chúa, chúng con trở nên anh chị em sẵn sàng hiến mạng sống cho nhau, như Chúa đã làm cho chúng con.
  9. Sau hết, chúng con tin Chúa vẫn luôn đồng hành với chúng con. “Ra khơi” là mệnh lệnh của Hội thánh Chúa ở thời điểm này, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn mới của lịch sử, lòng tràn trề hy vọng.
  10. Lạy Chúa Giêsu trong bí tích cực thánh, chúng con tạ ơn Chúa vì đã thúc đẩy chúng con dấn thân vào một cuộc tân phúc âm hóa trong quyền năng của sức mạnh Chúa. Nguyện xin Mẹ Maria, Thân mẫu của Chúa, là Ngôi Sao sáng của việc loan báo Tin Mừng,  đồng hành với tất cả những ai chấp nhận sống và loan truyền Lời Chúa, và ước gì sự chuyển cầu của Mẹ làm cho hạt giống Lời Chúa mọc lên và kết sinh hoa trái dồi dào. Amen.

KẾT THÚC : Cộng đoàn hát 

KINH HÒA BÌNH 2

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi ngày. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nguy nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy con : Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quyên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi thần linh Thánh Ai xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí. Ơn an bình.

===========

Giờ Thánh Thứ Năm Tuần Thánh Mẫu 3

“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24)

  1. KHAI MẠC
  2. Hát kính Thánh Thể.
  3. Lời nguyện mở đầu của chủ sự hay người hướng dẫn:

“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Lời Chúa mà chúng con vừa nghe, đưa chúng con vào Mầu nhiệm Hiến tế của Chúa, Mầu nhiệm mà Hội Thánh cử hành trong những ngày thánh này. Chúa muốn trao gửi cho các tông đồ và chúng con chính bản thân của Chúa. Chúa muốn chia sẻ sự sống của Chúa cho chúng con và mời gọi chúng con biết chia sẻ chính mình mỗi khi cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong dấu chỉ tấm bánh. Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, chúng con chúc tụng, tri ân cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa quy tụ chúng con lại bên Chúa, như Chúa đã quy tụ các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để soi lòng mở trí chúng con biết lắng nghe, yêu mến và đón nhận Lời Chúa trong giờ cầu nguyện này cũng như trong đời sống thường ngày.

Đêm nay, tưởng nhớ việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, chúng con muốn đến với Chúa trong tâm tình ngưỡng mộ, chúc tụng tôn vinh và cảm tạ tri ân. Nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho tất cả các thành phần dân Chúa, đặc biệt cho hàng linh mục là những thừa tác viên của Mầu nhiệm Thánh Thể và của Lời Chúa, để trong năm nay, năm mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn chủ đề đồng hành với các Gia đình gặp khó khăn, chúng con biết chiêm ngắm Chúa chính là vị Thầy đích thực dạy chúng con về sự chia sẻ, sống quảng đại, hy sinh quên mình để mưu ích cho tha nhân.

Xin “mở mắt đức tin” cho chúng con để chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc đời, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau vào buổi chiều Phục Sinh và giải thích Kinh Thánh cho họ. Xin làm cho trái tim chúng con bừng cháy lên như cảm nghiệm bừng cháy của hai môn đệ làng Emmau (x. Lc 24,32). Nhờ Mầu nhiệm Thánh Thể và sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa, xin Chúa đào tạo và huấn luyện chúng con thành những tín hữu biết sống tình tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau và nhiệt tâm cầu nguyện. Amen.

  1. LẮNG NGHE LỜI CHÚA, SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN 
  2. Lời dẫn trước khi đọc Lời Chúa:

Trong bầu khí thánh thiện của đêm nay, Chúa quy tụ chúng ta ở lại bên Chúa như các môn đệ tại bàn Tiệc Ly. Đêm nay, chúng ta cùng canh thức với Chúa, lắng nghe và đáp trả tình yêu Chúa. Xin cho giờ cầu nguyện, tôn thờ, chúc tụng, cảm tạ và chiêm ngưỡng Thánh Thể trong đêm thánh này được ánh sáng Lời Chúa toả chiếu. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến mở trí soi lòng, chiếu dọi vào tâm hồn chúng ta khuôn mặt và giáo huấn của Đức Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh vì chúng ta và đưa chúng ta tới sự thật trọn vẹn.

  1. Hát: “Lắng nghe Lời Chúa”
  2. Bài đọc I: 1Cr 11,23-27

“Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa”

  1. Suy niệm và cầu nguyện (1):

Nam: Suy niệm

Các kitô hữu thời kỳ đầu cử hành Thánh Thể trong một bữa ăn chiều, tại các tư gia. Họ chia sẻ của ăn của uống cho nhau, rồi sau đó lập lại nghi thức Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly để tưởng nhớ đến Ngài. Tiệc huynh đệ agapé đi trước, sau đó mới cử hành Thánh Thể.

Việc này không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Những người khá giả hơn thì đến sớm, chọn chỗ tốt hơn và chỉ biết ăn uống; và như thế là không còn bầu khí chia sẻ huynh đệ, một điều cần thiết cho cử hành Thánh Thể.

Thánh Phaolô nhắc lại cho các tin hữu Côrintô tầm quan trọng của việc cử hành bữa tối của Chúa. Và đây là dịp để ngài xen vào trong lá thư của ngài trình thuật về việc lập Bí tích Thánh Thể, trình thuật mà ngài đã nhận được từ truyền thống, vì chính ngài đã không có mặt lúc đó.

Trong trình thuật này, trình thuật mà chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô nhắc lại cho các tín hữu Côrintô về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể như báo trước cái chết cứu chuộc và sự phục sinh của Ngài.

Điều mà thánh Phaolô nhấn mạnh ở đây là Tiệc Thánh Thể liên kết với cái chết của Chúa Giêsu, cái chết đem lại ơn cứu độ. Trong đêm bị nộp, trước hết Chúa Giêsu đã thực hiện hành vi bẻ bánh. Tất cả các bản văn tường thuật việc thiết lập Thánh Thể đều nhấn mạnh đến hành vi này, đến nỗi sau này, người ta đã gọi Tiệc Thánh là “Lễ bẻ bánh”. Tại sao Chúa Giêsu lại bẻ bánh? Có phải chỉ để trao cho mỗi môn đệ một phần chăng? Không phải thế! Hành vi này không những biểu thị một sự chia sẻ mà còn biểu thị ý nghĩa sát tế nữa. Bánh là chính Thân Mình Chúa Giêsu. Qua việc “bẻ bánh”, Chúa Giêsu đã bẻ chính Mình Ngài, theo ý nghĩa lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo về người tôi tớ Thiên Chúa: Người phải tan nát vì tội lỗi chúng ta (x. Is 53,5).

Thánh Phaolô hiểu cái chết của Chúa là một hiến tế vì nhân loại và sự hiến tế này có giá trị cứu chuộc. Thịt máu biểu thị toàn thể con người. Chén nhắc nhở giao ước mới mà tiên tri Giêrêmia đã loan báo: “Này sẽ đến ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới… Đây là giao ước Ta sẽ lập với Israel – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi khắc vào dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta… Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,31.33).

Đối với người kitô hữu, giao ước mới này đã được đóng ấn bằng máu Chúa Giêsu đổ ra. Nó bao hàm sự tôn trọng những đòi hỏi của Tin mừng, bắt đầu bằng đòi hỏi của tình yêu huynh đệ. Vì vậy, chúng ta không thể đến với Thánh Thể mà trong lòng còn chất chứa hận thù, ngay cả chuyện thờ ơ với những người xấu số cũng không được.

Quên lãng người nghèo khó khổ đau trong cử hành Thánh Thể là quên lãng Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó và đau khổ. Và như thế là hoàn toàn không xứng hợp. Chính điều này đã khiến cho thánh Phaolô phải viết: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa”.

Cử hành Thánh Thể để “chia sẻ Thánh Thể”. Cách nói này nhắc nhở một trật những điều này: Chúa Giêsu đã chia sẻ sự sống của mình với con người, cho tới chỗ chấp nhận một cái chết bất công; bánh thánh được chia sẻ giữa các tín hữu trong cử hành; bất cứ đời sống nào được Tin mừng nuôi dưỡng đều là một đời sống chia sẻ. Đây là một trong những lý do khiến cho Thánh Thể còn được gọi là “trọng tâm và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội”, vì chia sẻ là một trong những thái độ Tin mừng cơ bản nhất. Trong Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, Đức Gioan Phaolô II viết: “Hồng ân Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận khi rước lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hiệp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ gắn liền với việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể, đến một mức độ vượt trên mức độ của một kinh nghiệm thuần túy đồng bàn của con người” (số 24).

Nữ: Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã trao ban cho Hội Thánh một hồng ân vô giá là Bí tích Thánh Thể, trong đó Chúa trao ban Thân Mình cho chúng con. Chúng con nhớ rằng thân thể Chúa là thân thể của Đấng đã bị đóng đinh, mà cũng là Thân Thể Giáo Hội có sứ mệnh hiến ban mình cho thế gian được sống. Hai thân thể đó qui hướng về nhau. Chúa mời gọi chúng con coi Thánh Thể là trọng tâm của đời sống, liên kết chúng con với tặng phẩm là cả con người của Chúa.

Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

X/ Xin đừng để cho những cử hành phụng vụ của chúng con trở thành tầm thường, nhạt nhẽo vô hồn.

Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

X/ Xin cho chúng con biết quý trọng ân sủng Chúa ban là được cử hành Thánh Thể. Xin cho chúng con biết tham dự hết mình, biết lắng nghe lời Chúa, biết chia sẻ tấm bánh được trao ban.

Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

X/ Xin giúp chúng con khi tham dự Thánh Thể biết chia sẻ với mọi người, không quên lãng một ai. Xin cho chúng con được thấm nhuần hành động hiến tế của Chúa ngõ hầu thế gian được sống.

Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

Thinh lặng. (Đêm nay, cần nhiều giây phút thinh lặng để chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn)

  1. Chúc tụng và tung hô:

Người hướng dẫn: Giờ đây, chúng ta cùng chúc tụng tung hô Chúa:

X/ Chúc tụng Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại.

Đ/ Đó là niềm hy vọng cho chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã hiến tế Thân Mình vì chúng con để chúng con được sống

Đ/ Đó là sức mạnh và nguồn sống của chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã ban Lời hằng sống cho chúng con

Đ/ Đó là nguồn ánh sáng của chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã thanh tẩy chúng con bằng thập giá của Chúa

Đ/ Đó là nguồn ơn cứu độ chúng con

X/ Chúc tụng Chúa là sự sống và là sự sống lại của chúng con

Đ/ Đó là nguồn vui và hạnh phúc của chúng con

  1. Hát về Thánh Thể hay về Tình yêu Chúa.
  2. Bài đọc 2: Ga 15,1-13

“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”

  1. Suy niệm và cầu nguyện (2):

Nam: Suy niệm

Cây nho là hình ảnh truyền thống của Thánh Kinh. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho, cành nho và người trồng nho để nói đến một tương quan liên vị: Ngài là cây nho đích thật, các môn đệ của Ngài là những cành nho và Chúa Cha là người trồng nho.

Người trồng nho có nỗi nhọc nhằn và có cả niềm vui. Niềm vui của người trồng nho là thấy được những nhánh nho sai trái và ngọt ngào. Nỗi nhọc nhằn của người trồng nho là chăm sóc, cắt tỉa các nhánh nho.

Nhánh nho có quả ngọt và sai trái cũng như có thể có nguy cơ bị héo khô, cằn cỗi. Những nhánh nho có quả ngọt và sai trái là những nhánh nhận được nhựa sống từ thân nho.

Từ hình ảnh này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy gắn bó mật thiết với Ngài, hãy ở lại trong tình thương của Ngài. Tình thương của Chúa ví như nhựa sống của thân nho. Ở lại trong Chúa Giêsu làm cho đời người môn đệ sinh hoa kết trái. Ở lại trong Chúa Giêsu làm vui lòng Chúa Cha.

Với lời mời gọi hãy ở lại trong tình thương của Chúa, ta gặp thấy một khao khát của Chúa. Chúa Giêsu khao khát chúng ta khao khát Ngài. Chúa chờ đợi chúng ta yêu mến Ngài. Chúa muốn chúng ta làm bạn với Ngài.

Một khi chúng ta trở nên bạn hữu của Chúa thì đó là lúc Chúa trao ban cho chúng ta giới răn yêu thương. Tình thương và sự chia sẻ trong cuộc đời người môn đệ là hoa trái nhận được từ tình bạn với Chúa.

Nữ: cầu nguyện

Giờ đây, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện cho các gia đình:

X/ Lạy Chúa, xin cho các gia đình biết gắn bó với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho- để sinh hoa kết trái là các việc lành phúc đức.

Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở lại với chúng con.

X/ Chúa đã hằng thảo kính cha mẹ và được cha mẹ mến yêu – Xin cho các gia đình chúng con được êm ấm thuận hòa, thấm nhuần tình tương thân tương ái

X/ Từ nguyên thủy, Chúa dựng nên loài người có nam có nữ – xin cho những ai sống trong bậc vợ chồng được trọn đời chung thủy với nhau.

X/ Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hy sinh mạng sống cho muôn người – xin dạy chúng con biết quên mình phục vụ anh chị em và lưu tâm đến người đau khổ khó nghèo.

X/ Còn những gia đình đang gặp thử thách – xin cho họ được nâng đỡ nhờ tình thương của Chúa.

  1. Cầu nguyện bằng một bài hát thích hợp…
  2. Lời cầu nguyện của chủ sự hay người hướng dẫn.

Lạy Chúa Giêsu, trong bài ca thứ tư về người tôi tớ Giavê (Is 53,3-5), ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh về người tôi tớ mà cả cuộc đời là sống cho người khác và vì người khác, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu:

“Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,

phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.

Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,

bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Sự thật, chính người đã mang lấy

những bệnh tật của chúng ta,

đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,

còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,

bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,

bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;

người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,

đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,3-5).

Xin Chúa cho chúng con biết chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa và khắc ghi vào lòng lời của Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Trong mỗi gia đình chúng con, xin dạy chúng con biết yêu thương nhau bằng trái tim của Chúa, biết tha thứ cho nhau với tấm lòng của Chúa, biết quan tâm đến nhau với ánh nhìn của Chúa, để các gia đình chúng con làm trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện và tỏa lan ra đến hết mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban Thánh Thần để nhắc nhớ và dẫn chúng con vào sự thật toàn vẹn. Xin Chúa huấn luyện chúng con mỗi ngày để chúng con biết sống trọn vẹn lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình thương thân tương ái. Amen.

  1. Hát: “Xin Chúa dạy con”

III. KẾT THÚC

Lời nguyện kết thúc của chủ sự hay người hướng dẫn:

Lạy Cha, chúng con dâng lên Cha tâm tình cảm tạ tri ân. Cha đã ban cho nhân loại Con Một Cha là Đấng Cứu Độ Trần gian. Ngài đã trao ban Thịt Máu mình làm lương thực thiêng liêng để chúng con được sống sự sống của Cha. Xin Cha ban cho chúng con một trái tim khao khát, khao khát đến với Con Một Cha để được ở lại trong tình thương của Ngài. Amen.

Nguồn: Giáo Phận Vĩnh Long