Ý nghĩa của việc cầu nguyện cho các linh hồn

12/11/2021

Khi thời tiết trở nên se lạnh và những chiếc lá mùa thu bắt đầu rơi rụng cũng là lúc chúng ta nhớ đến những người thân yêu của mình, những người mà ngày nào đó vẫn còn ở bên cạnh ta nhưng nay không còn hiện diện với ta nữa. Để nhớ đến các ngài, Giáo Hội Công Giáo dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Tháng này bắt đầu với Lễ Các Thánh và Lễ Cầu Nguyện Cho các Linh Hồn, chúng ta gọi tháng này là tháng cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.

Việc cầu nguyện cho những người đã khuất có nguồn gốc từ Cựu ước. Trong sách Maccabê ghi lại sự kiện này như sau: “Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Ðó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mc 12, 44-46).

Giáo hội từ những thế kỷ đầu đã có truyền thống cầu cho các tín hữu đã qua đời, truyền thống này được cho là khởi đi từ Thánh Augustinô. “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ 10, việc cử hành thánh lễ này được tố chức vào tháng 10. Khoảng từ năm 988 – 1030, thánh Ôđilô tuyên bố rằng thánh lễ này nên được tổ chức vào ngày 2 tháng 11 trong tất cả các đan viện của Dòng Biển Đức. Hơn hai thế kỷ sau, tất cả các đan viện của Dòng Biển Đức và Dòng Carthusian tổ chức thánh lễ này vào ngày 2 tháng 11, sau đó truyền thống này được lan rộng trong toàn Giáo hội cho đến ngày nay.

Với truyền thống kính nhớ tổ tiên ông bà, các Tín hữu Công Giáo Việt Nam rất coi trọng tháng này. Mỗi gia đình thường lau dọn những phần mộ của người thân, xin lễ cầu nguyện, làm việc lành, và nhất là dọn mình lãnh ơn toàn xá để chỉ cho các linh hồn. Tất cả những gì chúng ta làm là để tìm ơn ích cho các linh hồn, đặc biệt là linh hồn những người thân yêu. Tại sao những người đang sống lại có thể cầu nguyện cho các linh hồn, và liệu họ có cần lời cầu nguyện của chúng ta không?

Trước hết, truyền thống cầu nguyện cho các linh hồn khởi đi từ giáo thuyết của Giáo hội Công Giáo về Luyện ngục. Mạc Khải của Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót nhưng Ngài cũng là Đấng phán xét công minh. “Do đó, tội lỗi, vì xúc phạm đến sự thánh thiện và công chính của Thiên Chúa, nên đã sinh ra những hình phạt. Những hình phạt này được đền bù ở đời này hoặc đời sau. Quả thế, trong Luyện ngục, các linh hồn “chết trong tình yêu của Chúa và thực tình sám hối, trước khi đền bù cân xứng với tội phạm, phải “thanh tẩy sau khi chết” bằng những khổ hình trong Luyện ngục.”[1] Tuy Luyện ngục là nơi thanh luyện nhưng Người Công Giáo tin rằng Luyện ngục cũng chính là nơi mà Thiên Chúa diễn tả tình thương của mình dành cho con người, Ngài khao khát tẩy rửa linh hồn chúng ta để chúng ta có thể thông hiệp trọn vẹn với Ngài trong Thiên Quốc. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa còn lớn hơn sự phán xét công minh của Ngài; vì thế, nhờ sự chuyển cầu của những người còn sống những linh hồn ở trong luyện ngục có thể thoát khỏi các hình phạt do tội gây ra.

Thứ  hai, với tư cách là những Ki-tô hữu, chúng ta không thực hiện hành trình đời mình một cách đơn lẻ nhưng cùng với toàn thể anh chị em trong cộng đoàn những người tin. Sự thông hiệp này không chỉ được diễn tả giữa những người con sống, mà với cả những người đã qua đời, đây gọi là mầu nhiệm “Các Thánh Cùng Thông Công.” Theo đó, Hội thánh theo nghĩa rộng gồm ba thành phần: Giáo hội lữ hành (tại thế), Giáo hội khải hoàn (chiến thắng), Giáo hội thanh luyện (khổ đau). Trong Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina) do ĐTC Phaolô VI ban bố ngày 1 tháng 1 năm 1967 xác nhận rằng: “Người Công giáo tương trợ lẫn nhau để đạt đến cùng đích siêu nhiên. Chứng cớ sự tương trợ này thể hiện nơi Adam, từ ông, tội lan ra mọi người. Nhưng ta có sự tương trợ lớn nhất, hiệu quả nhất, được đặt trên nền tảng và gương mẫu của Chúa Kitô, liên kết chúng ta với Đấng kêu gọi chúng ta.”[2] Thật vậy, trong toàn thân thể Giáo hội, tất cả chúng ta được liên kết với nhau nhờ liên kết với Đầu là chính Đức Ki-tô. “Đời sống mỗi người con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô được liên kết cách lạ lùng với các anh chị em tín hữu khác trong sự hợp nhất linh thiêng của Nhiệm thể Chúa Kitô, trở thành một nhiệm thể duy nhất.”[3]

Như vậy, trong những ngày lễ này, chúng ta không chỉ nhớ đến những người đã khuất mà còn được mời gọi để cầu nguyên, bố thí và dâng thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài. Đó là một ân huệ cũng như là một cơ hội để diễn tả tình yêu vốn được xem là bản chất của người Ki-tô hữu.

Trước hết, đó là một ân huệ vì qua hành vi này ta thấy được tình yêu lớn lao Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài luôn luôn kiên nhẫn với những yếu đuối và giới hạn của con cái mình. Ân sủng của Ngài luôn mở ra cho những ai sẵn sàng đón nhận. Hơn nữa, khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, chúng ta cũng xác tín rằng, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ được đón nhận những ân huệ của Thiên Chúa ngang qua lời cầu nguyện của người thân. Ngoài ra, khi nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, các linh hồn trong luyện ngục được giải thoát khỏi hình phạt và trở về bên Chúa. Ở bên cạnh Chúa, đến lượt mình, các ngài sẽ chuyển cầu cho chúng ta. Như thế nhờ vào sự chung hiệp này, chúng ta có một cách thế chắc chắn để cầu xin cho chính bản thân mình.

Thứ đến, việc cầu nguyện cho các người đã khuất là một cơ hội cho mỗi người Ki-tô hữu diễn tả tình yêu của mình đối với tha nhân. Tình yêu đó trước hết được dành cho những người thân yêu của mình. Những người mà ta vẫn hằng nhớ đến trong lời cầu nguyện cho dù họ đã rời xa ta. Nhờ sự thông hiệp này, mối dây giữa ta với người thân dường như không bao giờ bị cắt đứt. Tình yêu này không chỉ giới hạn nơi những người thân mà còn được nới rộng đến những linh hồn mà ta không biết đến tên của họ. Việc cầu nguyện này cho chúng ta thấy rằng, tình yêu của người Ki-tô hữu vượt qua mọi ranh giới. Vì thế, tình yêu này cũng nhắc nhớ những người đang sống về mầu nhiệm hiệp thông trong thân thể Chúa Ki-tô. Tình yêu này được diễn tả một cách rõ ràng khi những người còn sống lãnh nhận được ơn ân xá nhưng lại muốn nhường lại cho các linh hồn. Đức Phaolô VI đã diễn tả đức ái đó như sau: “Việc sử dụng ân xá cho ta thấy mình gần gũi với nhau trong Chúa Kitô, và đời sống siêu nhiên có thể giúp nhau dễ dàng và gần gũi kết hợp với Chúa Cha. Dùng ân xá có ảnh hưởng cách hữu hiệu trên đức Ái nơi chúng ta, và tỏ ra đức Ái cách trổi vượt khi ta nhường ân xá cho những anh chị em đã ly trần trong Chúa Kitô.”[4]

Nguyễn Minh Triệu SJ

Nguồn: dongten.net


[1] Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina), số 3.

[2] ibid số 4.

[3] ibid, số 5.

[4] ibid, số 9