Vai trò của gia đình đối với người trẻ

29/11/2019

Giữa một thế giới đầy dẫy những rối ren, một thế giới bị chi phối bởi những ngẫu thần mới là tiền tài, danh vọng và quyền lực; một hệ thống chính trị thay vì phục vụ; những bạo động và bất bình đẳng đang diễn ra tràn lan khiến con người dần ngập sâu vào những vòng xoáy của sự tục hóa, nhất là đối với người trẻ. Hơn lúc nào hết, gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đức tin, tri thức và nhân cách cho người trẻ, để những “tương lai của xã hội” dần bước đi trên những đôi chân vững chắc trong hành trình cuộc đời.

Như chiếc thuyền kia đi mãi, đi mãi rồi cũng có lúc trở về với nơi mà nó xuất phát. Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một chốn để trở về, đó là gia đình. Gia đình là nơi ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Gia đình cũng là nơi để ta được sống trong vòng tay yêu thương của người thân; cho ta những kiến thức, kinh nghiệm để vững tâm bước vào đời. Trong học thuyết Công giáo Docat, Đức Phanxicô đã nói: “Gia đình là nền tảng của xã hội” phần nào nói lên vai trò của gia đình đối với người trẻ trong thời đại hôm nay. Với sự hữu hạn của mình, người viết xin được trình bày vai trò của gia đình đối với người trẻ dưới 3 góc độ: (1) Vai trò của gia đình trong việc định hướng người trẻ; (2) Vai trò trong việc giáo dục tri thức; (3) Vai trò trong việc giáo dục nhân cách.

Trước hết, theo từ điển Công giáo, gia đình là một nhóm người có liên hệ với nhau do hôn nhân và máu mủ. Trong gia đình thường hội tụ các thành phần như: ông bà, cha mẹ và con cái…Thứ đến, “gia đình là nền tảng của xã hội” vì gia đình là tế bào, là chi thể của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Gia đình cũng là nơi ươm mầm những ơn gọi cho Giáo hội. Do đó, vai trò của gia đình là hết sức quan trọng đối với xã hội, nhất là đối với thành phần giới trẻ hôm nay.

Như ngọn hải đăng chỉ đường cho tàu thuyền trong đêm tối, bất cứ gia đình nào cũng có vai trò định hướng cho con cái của mình. Từ khi được sinh ra, người trẻ được gia đình gieo mầm đức tin để sống đúng với con đường chân lý mà Thiên Chúa mời gọi: “Ai tin vào tôi thì sẽ có sự sống đời đời” ( Ga 3,14-2). Gia đình là nơi truyền dạy niềm tin và có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho con cái thông qua việc giáo dục và thực hành đời sống của mình. Mỗi gia đình cần giới thiệu khuôn mặt một Đức Kitô đã chịu hiến thân làm giá chuộc cho muôn người, không để người trẻ chạy theo những học thuyết sai lạc mà làm xấu khuôn mặt ấy.  Từ việc gieo mầm đức tin, gia đình có vai trò giúp người trẻ phân định ơn gọi của mình. Thiên Chúa là Đấng luôn mời gọi mỗi người sống đúng với ơn gọi của mình. Do đó, gia đình giúp người trẻ nhận ra ơn gọi của họ, hoặc là ơn gọi thánh hiến, hoặc là ơn gọi sống bậc hôn nhân gia đình. Ơn gọi thánh hiến là một ơn gọi đặc biệt, đó là việc sống cuộc đời độc thân, hiến dâng trọn vẹn cho Đức Kitô và dấn thân phục vụ tha nhân. Còn ơn gọi hôn nhân gia đình là việc kết hợp giữa người nam và người nữ được chứng giám bởi Thiên Chúa và cộng đoàn Kitô hữu nhằm sản sinh nhiều ơn gọi khác. Không chỉ việc gieo mầm đức tin và định hướng ơn gọi, gia đình còn giúp người trẻ định hướng tương lai của mình. Mỗi người trẻ có những khả năng, sở thích và niềm đam mê khác nhau, nên gia đình cần giúp họ nhận ra được những tiêu chí trên nhằm hướng tới một tương lai tốt hơn. Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ thì không phải ngẫu nhiên mà các danh thủ bóng đá nổi tiếng như hiện nay tự nhiên mà có, mà đó là một quá trình đào tạo bài bản từ khi gia đình và tuyển trạch viên nhận ra được khả năng chơi bóng của họ. Từ đó, người trẻ mới sống đúng và sống hạnh phúc với cuộc đời của mình.

Dù ở bất cứ thời đại nào đi chăng nữa thì vai trò của gia đình trong việc giáo dục người trẻ luôn là vấn đề hàng đầu. Gia đình là trường dạy tri thức đầu tiên cho người trẻ. Ở đó, gia đình chính là những người thầy, người cô đầu tiên và cũng chính là những người thầy, người cô đi suốt cuộc đời với người trẻ. Ngay từ khi chập chững bước đi, người trẻ được dạy cách tập nói, cách đi ra sao kẻo ngã…Lớn hơn  một chút, gia đình giúp người trẻ học biết về tâm sinh lý của mình. Trước một nền văn hóa đang biến phần lớn tính dục con người trở nên tầm thương thì vai trò của gia đình trong việc giáo dục người trẻ để họ đi đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội cũng như giáo luật Kitô giáo là rất quan trọng. Gia đình cần phân định rõ cho người trẻ hiểu rõ về giá trị của tình yêu để họ sống đúng với ơn gọi của mình. Nếu để người trẻ bước vào đời chỉ với tri thức có được thì rất dễ đổ vỡ ngay từ đầu. Do đó, bên cạnh việc giáo dục tri thức, gia đình còn là cái nôi đào tạo kỹ năng sống cho người trẻ. Những kỹ năng tối thiểu mà người trẻ được học như: vệ sinh cá nhân, giao tiếp lễ phép, tự tin…là việc mà mỗi thành viên trong gia đình cần chu toàn. Lớn hơn một chút, gia đình giúp người trẻ học được những kỹ năng phức tạp hơn như biết vượt qua thất bại, vượt qua áp lực thi cử, kỹ năng sinh tồn…Những điều này giúp người trẻ tự tin bước vào đời mà không dễ gì bị khuất phục.

Có người từng nói: “ Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Do đó, song song với việc đào tạo tri thức và kỹ năng sống, gia đình còn là môi trường giáo dục nhân cách cho người trẻ. Con người khi sinh ra được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Không như con vật, khi sinh ra đã là chính nó, tự nó phải đấu tranh cho cuộc sống phía trước. Con trẻ được chăm sóc bằng bàn tay dịu hiền của mẹ và sự tận tình, chu đáo của cha. Do đó, người trẻ được thừa hưởng về lòng quảng đại, vị tha từ gia đình để sống tốt với môi trường xung quanh. Đức Giê-su Kitô, từ khi còn là một cậu bé sống với cha mẹ mình là thánh Giu-se và Mẹ Maria, Ngài luôn được cha mẹ  chăm sóc, dạy dỗ luôn được yêu thương để Ngài lớn lên từng ngày. Cũng thế, gia đình là nơi giúp người trẻ sống đúng với trách nhiệm của mình. Mỗi người trẻ được học để sống tốt trách nhiệm của bản thân, không làm bản thân trở nên xao nhãng, đi lạc với truyền thống tốt đẹp của gia đình. Không những thế, người trẻ còn được giáo dục để sống trách nhiệm với tha nhân. Đó có thể là trách nhiệm về nghĩa vụ, trách nhiệm được giao phó…Đức kitô khi được Chúa Cha giao phó trách nhiệm cứu chuộc nhân loại, Ngài đã lo chu toàn trách nhiệm đó với tất cả tình yêu vâng phục đối với Chúa Cha và tình yêu hy sinh đối với nhân loại. Hơn nữa, gia đình cần giáo dục đạo đức lối sống cho người trẻ. Đứng trước tình trạng xuống cấp trong lối sống của thế hệ trẻ ngày nay khiến chúng ta không khỏi đau buồn. Những tệ nạn như dâm ô, buôn bán ma túy, giết người nơi người trẻ khiến xã hội trở nên băng hoại hơn bao giờ hết. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra. Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân sâu xa nhất chính là việc gia đình thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục người trẻ. Hơn bao giờ hết, gia đình cần hướng người trẻ đến với lối sống lành mạnh, xa lánh các tệ nạn xã hội, tham gia các hoạt động có ích cho cộng đồng. Hơn nữa, gia đình cần sống làm gương để người trẻ noi theo, không ngừng dẫn dắt người trẻ sống tốt và sống đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội. Thánh nữ Clara được xem là vị thánh khó nghèo. Thánh nhân có được như vậy là nhờ thân mẫu của Ngài. Chính thân mẫu ấy đã dạy cho Ngài tâm tình cầu nguyện, đức từ bỏ và tính nhẫn nhục. Thân mẫu của Ngài không chỉ dạy bằng lời nói, nhưng chính bà còn làm gương sáng cho Clara để Ngài noi gương mẹ mình sống cuộc đời từ bỏ và đi theo con đường vác thập giá. Cuối cùng, Thánh nhân được Đức Thánh Cha Alexandre IV phong lên bậc các thánh đồng trinh. Chính những vai trò của gia đình giúp xã hội không ngừng phát triển và đi lên trong tình Chúa, tình người.

Nói tóm lại, vì là tế bào của xã hội, nên việc định hướng, giáo dục đức tin và nhân cách của gia đình đối với người trẻ là hết sức quan trọng trong một thế giới đầy biến động như ngày nay. Tuy nhiên, điều này không phải là dễ dàng đối với nhiều gia đình, bởi còn nhiều yếu tố khác dễ khiến người trẻ đi lạc hướng với mong muốn của gia đình. Thật vậy, một xã hội, một dân tộc hùng mạnh hay không đều nằm ở người trẻ.

Francis Cao

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)