Tôi thấy nhiều người Việt thường rất dễ trò chuyện với người ngoài nhưng lại khó khăn khi giao tiếp trong chính gia đình mình.
Tôi hiểu được phần nào nguyên do vì chính tôi cũng từng như vậy.
Nhiều năm trước, tôi là người hướng nội và mắc chứng lo âu xã hội cực độ trong trong thời gian dài. Tôi đã ở lì trong nhà, cố gắng học cách giao tiếp và kết bạn.
Tôi thấy người Việt rất giỏi khi làm con của họ giao lưu với nhiều người từ lúc còn nhỏ. Tôi kể cho bố ở Canada nghe. Bố tôi đổ thừa rằng, lý do khiến tôi nhiều năm bị chứng sợ nói chuyện với người khác là vì tôi là một em bé cực đẹp trai nhưng hơi còi cọc nên mẹ sợ cho tôi lại gần những người khác.
Ở trường, tôi thường giấu mình phía sau một cuốn sách to, hay ngồi thụt xuống bàn ở cuối lớp xa như một con rùa, vì vậy giáo viên và các bạn sẽ quên mất sự tồn tại của tôi. Trong quân đội, chúng tôi gọi khả năng này là ẩn mình trước công chúng của “người đàn ông màu xám”.
May mắn thay, đã có một bước ngoặt. John, bạn thân nhất thời thơ ấu của tôi, gia đình anh ấy giống như gia đình thứ hai của tôi và đã tạo ra sự thay đổi lớn nhất đối với kỹ năng xã hội của tôi.
Nhà của John ở trung tâm thị trấn Madoc, nơi dân số từ đó đến nay vẫn chỉ khoảng 1.300 người. Madoc là nơi tôi đến trường vào cuối tuần. Giờ ăn trưa và mỗi mùa hè tôi đều dành thời gian ở nhà John như ngôi nhà thứ hai của mình. Ngôi nhà là một trang viên cũ, được xây dựng vào năm 1883 với nhiều phòng, trần nhà cao và những món đồ cổ thú vị.
Căn nhà của họ lúc nào cũng bận rộn, luôn luôn có người đến chơi. John có năm chị em gái, tất cả đều hướng ngoại và thân thiện. Tôi đã sẵn sàng núp dưới gầm bàn bất cứ khi nào có người đến và trò chuyện, nhưng John luôn cười vì điều này và lôi tôi ra, giới thiệu với mọi người.
Giờ đây tôi rất nhớ thế giới đó. Từ lúc Covid xuất hiện đến giờ cũng đã chuẩn bị sang mùa hè thứ hai, có rất nhiều ngày tôi không gặp ai. Thỉnh thoảng tôi phải để ý lại kiểu tôi nói chuyện với mọi người xung quanh xem còn tích cực lạc quan nữa hay không.
Không biết có nhiều người như tôi không, đôi khi khó thoải mái nếu ở với một số người quá lâu nhưng lại không thể trốn trong chuồng gà. Mặc dù tính cách hiện tại của tôi khá hướng ngoại, có thể dễ dàng chỉ huy đám đông và lên sân khấu trong các chương trình hài, khiến hàng trăm người vui vẻ. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng như vậy. Trong kỳ nghỉ lễ này, tôi dành thời gian nói chuyện với gia đình ở Canada nhiều nhất có thể, và cũng tập giao lưu với người Việt Nam.
Tuy nhiên, có hai vấn đề tôi nhận thấy. Người Việt trong gia đình hôm nay có vẻ ít nói chuyện với nhau hơn bởi họ nghiện mạng và thứ hai, chất lượng cuộc nói chuyện của nhiều người khá hời hợt, đôi khi trở nên phí thời gian.
Tôi thường gặp những người trẻ trong công việc. Tôi nhận thấy ít khi họ có được cuộc trò chuyện chất lượng. Tức là câu chuyện có những điều đặc biệt, giải quyết được vấn đề có ích cho cuộc sống của hai bên thay vì chỉ bàn về người khác, việc khác không mấy liên quan đến mình.
“Xác sống” là biệt danh nhóm tôi đặt cho vài người không bao giờ có một cuộc thảo luận sâu sắc hoặc thú vị. Họ thường nói về những điều họ cho là vui mà họ nghe hay xem được trên mạng. Họ cứ nhắc đi nhắc lại và trêu chọc nhau bằng mấy nhận xét về hình thức, nhưng trước khi có thể kết thúc một chủ đề thì họ lại bị gián đoạn bởi tiếng nhạc chuông điện thoại hoặc tiếng “1,2,3 dzô”.
Trong gia đình cũng vậy, bạn khó mà có được những cuộc trò chuyện có nghĩa nếu bận xem điện thoại và bật nhạc tần số lớn. Tần số của âm nhạc làm thay đổi sóng não và nội tiết tố của chúng ta. Nhịp âm nhanh dồn dập làm sóng não di chuyển nhanh hơn. Chúng ta không thể lắng nghe và không có thời gian tĩnh để suy nghĩ, và hệ quả là chỉ biết vò đầu bứt tai trong các cuộc trò chuyện.
Một thủ phạm phá vỡ sự gắn kết của nhiều gia đình tôi nghĩ là điện thoại. Tôi đã thấy sự nguy hiểm của điện thoại với tôi vài năm trở lại đây, nhưng tôi vẫn thất bại trong việc ngăn chặn nó nắm quyền điều khiển hành vi của tôi.
Nhiều khi, đang trong công việc, tôi không kiềm chế nổi, rút điện thoại ra và kiểm tra tin nhắn, kéo dòng thời gian xuống để xem dù chúng không quá quan trọng.
Chúng ta đang nghiện Internet, một cách chầm chậm nhưng chắc chắn. Các công ty thiết kế những chương trình siêu hạng để cám dỗ sự chú ý của bạn ở màn hình lâu nhất có thể, và bộ não của chúng ta đang mắc bẫy. Trong nhiều gia đình hôm nay, thời gian ở bên nhau, nhiều người bị dán mắt vào màn hình của họ.
Điều này thật tồi tệ. Mọi người thường làm việc theo khuôn mẫu. Người trẻ sẽ bắt chước theo người lớn. Tôi mong một ngày, mọi người nhận ra nghiện Internet cũng nguy hiểm như nghiện thuốc lá vậy. Chúng ta có thể sử dụng và làm chủ công nghệ, nhưng tuyệt nhiên không để bị nghiện. Đây là sự cân bằng hiệu quả nhất và nó cần một cuộc trò chuyện nghiêm túc về lý do chỉ nên làm gì trên mạng.
Điều này tốt hơn rất nhiều và về lâu dài sẽ là hữu ích với văn hóa gia đình, cứu chúng ta khỏi mắc kẹt trong những cuộc trò chuyện phiếm chẳng đi đến đâu.
Tôi phát hiện ra rằng, khi mình càng già thì càng thấy điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là cộng đồng xã hội và gia đình. Quan trọng hơn, đó chính là khả năng giao tiếp có chất lượng với họ.
Ngày nghỉ lễ này, “Cô-vy” cũng muốn tham gia cùng chúng ta. Cho nên, ở nhà, trò chuyện và tạo ra yêu thương với các thành viên trong gia đình nhiều hơn là một điều không tệ lắm.
Ở nhà để tận hưởng sự kết nối với người thân là điều cần thiết từ rất lâu mỗi cá nhân đã quên mất. Ở nhà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, bảo vệ quốc gia trước làn sóng dịch thứ ba, thực sự nên làm phải không nào?
Jesse Peterson
Giáo viên
(Nguyên tác Tiếng Việt)
Nguồn: https://vnexpress.net/tro-chuyen-voi-gia-dinh-4271236.html