Nói tới việc nên thánh, nhiều giáo dân thường có thái độ an phận. Họ nghĩ rằng đó là việc của các nhà tu hành hay của một thiểu số rất đặc biệt nào đó, có điều kiện để ăn chay, hãm mình, đọc kinh cầu nguyện nhiều, bố thí làm phúc… Còn người tín hữu bình thường như mình thì khó quá, mình phải lo cơm, áo, gạo, tiền; còn đâu thời giờ, sức lực mà làm thánh.
Chúng ta quen nhìn các thánh trong tình trạng “kiện toàn” với một hào quang trên đầu, được đặt trên bàn thờ. Nhưng thực ra, các Ngài đã sống như chúng ta, đã thuộc cộng đoàn dân Chúa đang tiến bước từ cuộc thử thách như chúng ta. Hoặc chúng ta còn coi các thánh như những siêu sao, những nhân vật xuất chúng, với một bản tính tốt lành hoặc một nghị lực tâm hồn phi thường sẵn có.
Thật ra, các ngài cũng là con cháu A-Dong E-Và, cũng có những tính hư nết xấu, những giới hạn, cũng bị cám dỗ, phải chiến đấu cam go, và có thể đã lắm lần chiến bại… như chúng ta. Rồi chúng ta còn quen quan niệm: muốn làm thánh thì phải đọc kinh cầu nguyện và hãm mình phạt xác thật nhiều, phải sống tách biệt, xa lánh thế gian, thậm chí phải làm được phép lạ nữa. Quan niệm như thế không đúng. Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” của Công đồng Vaticanô II nói: “Trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời hãy sống thánh thiện”, tức là hãy sống bình thường một cách phi thường nhờ lòng yêu mến.
Người ta kể rằng: Trong đời của thánh Antôn tu rừng, có một lần ngài xin tá túc ở trong một ngôi nhà của anh thợ đóng giầy theo lệnh Chúa. Hai vợ chồng nhà ấy dọn một bữa ăn, và chuẩn bị một chỗ ngủ cho ngài. Ngài tá túc ở đó ba ngày, hỏi thăm về đời sống, công ăn việc làm. Những câu chuyện qua lại khiến họ trở thành thân thiết với nhau. Sau đó, ngài từ giã họ trở về nhà. Chúa hỏi ngài: “Con thấy người thợ giầy này như thế nào ?” Ngài thưa: “Ông là một người đơn sơ, vợ ông có thai và sắp sinh con, họ có vẻ yêu nhau lắm. Ông ta có một cửa tiệm nhỏ để đóng giầy và sửa giầy. Ông ta làm việc cần mẫn, gia đình ông sống đạm bạc với số tiền kiếm được; nhưng lại sống rất rộng rãi, luôn biết chia sẻ tiền bạc, lương thực cho nhũng người kém may mắn hơn ông. Ông và vợ ông tin tưởng mãnh liệt vào Chúa và siêng năng cầu nguyện mỗi ngày. Họ có nhiều bạn thân, và người thợ giầy thì kể chuyện khôi hài luôn miệng, nên gia đình họ rất vui tươi đầm ấm”. Chúa lắng nghe thánh Antôn và cuối cùng Chúa phát biểu: “Antôn, con là vị thánh sống, người thợ giầy và vợ ông cũng là những vị thánh sống”.
Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh, nghĩa là chúng ta được kêu gọi sống cuộc đời này làm sao để sau khi chết, chúng ta được hưởng cuộc sống đời đời. Gương của vợ chồng bác thợ giầy khích lệ chúng ta. Chúa xác nhận cho chúng ta biết làm một vị thánh là điều có thể, chứ không phải vượt quá tầm tay của chúng ta. Không thể vượt quá khả năng của chúng ta đâu.
Quả thực, làm một vị thánh không có nghĩa là bắt chước một vị nào đó tử đạo hàng trăm năm về trước. Làm một vị thánh có nghĩa là sống trong những thời buổi bình thường tương tự như thời buổi chúng ta, là bắt chước những người biết cười biết khóc như chúng ta, là bắt chước những người đã từng phạm tội và đã biết chạy đến bí tích Giải Tội như chúng ta, là bắt chước những người biết luôn cố gắng, dù thỉnh thoảng vẫn luôn tái phạm như chúng ta. Nếu những vị ấy có gì khác thường thì chính ở chỗ họ không bao giờ ngừng cố gắng sống theo Tin Mừng mỗi ngày.
Tuy vậy, để nên thánh là cả một quá trình đầy chông gai mà mỗi người Kitô hữu chúng ta phải chiến đấu không ngừng để đứng vững trước mọi cám dỗ của danh, lợi, thú của trần gian. Chúng ta sẽ phải trải qua những thăng trầm cuộc đời với niềm tín thác, sống một cuộc đời hy sinh vì Chúa và vì tha nhân. Tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến các bác, các chú ngồi xe lăn, hay chống gậy, đi nạng từng bước khó khăn đến thánh đường dâng lễ mỗi ngày, khi lên rước lễ phải vịn các hàng ghế mệt nhọc tiến bước. Hoặc những mảnh đời bất hạnh mang trong mình nhiều chứng bệnh nan y, đau khổ tột độ nhưng đã vượt lên sống vui, sống phục vụ, sống có ý nghĩ để nên thánh mỗi ngày. Và tôi còn bắt gặp tấm gương “sống thánh giữa đời’ của các bạn trẻ: một buổi sáng bà mẹ chở con đi học, giữa đường bị hư phải sửa xe, đúng lúc bạn trẻ đi làm ngang qua, dẫu vội vàng tới công sở bạn vẫn sẵn sàng chở giúp em bé đến trường, giải tỏa lo lắng thể hiện trên gương mặt người mẹ. Tôi còn nhớ những lần cùng các bạn trẻ đạp xe trong đêm mưa đi công tác bác ái xã hội, gió lạnh làm những hạt mưa quất vào mặt thật rát. Cứ thế trong đêm tối dày đặc, chúng tôi vừa đạp thật nhanh, vừa hát thật to để quên phần nào cái lạnh, cái đói, và nỗi sợ hãi bóng đêm chập chùng. Những lúc đấy, chỉ cần nhìn thấy một ánh đèn dầu le lói trong mái nhà tranh lụp xụp của ai đó, cũng đủ làm cho lòng chúng tôi ấm lại, vơi bớt nỗi sợ để can đảm bước tiếp.
Như thế đó, nên thánh phải đi vào con đường hẹp, khó thật nhưng không phải không có thể, bởi lẽ biết bao người đã chuyên cần lắng nghe, và nhiệt tâm sống Lời Chúa giữa đời thường hôm nay. Họ như những ánh sao tỏa sáng tình yêu Thiên Chúa trên cõi dương gian, dẫn đưa ai lầm đường lạc lối trở về nẻo chính đường ngay như lời Thánh Phaolô khuyên day: “Giữa một thế hệ gian tà sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời”.
Phạm Thục
Nguồn: http://caunguyenbangtraitim.com/