Đường Angêli trong thành phố Milanô bắc Italia là con đường nổi tiếng không phải vì các hàng quán với các di tích lịch sử, nghệ thuật của nó mà vì nhà tù San Vichtori.
Đây là một trong các nhà tù lớn nhất Italia nơi giam giữ các tay anh chị bụi đời có thành tích cướp của giết người khét tiếng trong cả nước. Tuy là những kẻ giết người không gớm tay, nhưng thực ra các anh chị em tội phạm này cũng chỉ là những người bất hạnh không phải vì lòng ác độc của họ, mà vì hoàn cảnh gia đình và bầu khí xã hội đẩy đưa. Tuy nhiên cuộc đời niềm tin của họ được khơi lại rất nhiều nhờ có linh mục và các nữ tu thường xuyên tới thăm viếng và an ủi họ. Các vị luôn luôn thành công trong việc cảm hóa con tim chai cứng của các anh chị em tù nhân này.
Trong các nữ tu thường xuyên thăm viếng nhà tù San Vichtori hồi thập niên 20 đến 50 có chị Aricosta Angiêôri được giới tù nhân thương mến nhất đến độ họ gọi chị là nữ thiên thần của nhà tù San Vichtori. Trong 27 năm liên tiếp chị Aricosta đã ra vào nhà tù Sanvictori, đem niềm an ủi, xoa dịu các vết thương tâm hồn của các tù nhân. Chị Aricosta không chỉ nhớ màu sắc của từng bức tường của nhà tù mà còn thuộc tên mọi anh chị em tù nhân nữa. Chị cũng biết rất nhiều về cuộc sống trước khi họ bị giam giữ và hoàn cảnh gia đình họ cũng như các khó khăn họ đang gặp phải.
Đứng trước người nữ tu đạo đức và giàu tình thương này các tù nhân cảm thấy nhu cầu cần thổ lộ mọi uẩn ức và khổ đau dầy vò trong lòng họ. Chính vì thế mà giận dữ tiêu tan, đắng cay biến mất, và hận thù cũng nguôi ngoai. Sau nhiều lần nói chuyện với chị người tù thường cảm thấy lòng được an bình thanh thản. Họ cũng hết oán Chúa, than người và trách đời. Nhờ chị Aricosta các anh chị em từng đánh mất niềm tin nơi Chúa đã tìm lại được niềm tin và cậy trông nơi Người.
Trong suốt thời thế chiến thứ hai, nhà tù San Vichtori đã tiếp nhận rất nhiều tù nhân chính trị. Họ thường bị đem đến đây trong tình trạng thê thảm, bị thương tích trên thân xác và nhất là bị thương tích trong tâm hồn, bị kinh hoàng và nhục nhã. Binh lính Đức quốc xã canh phòng các tù nhân này rất nghiêm ngặt nhưng chị Aricosta và các nữ tu khác vẫn tiếp tục viếng thăm, săn sóc và trợ giúp họ.
Trong phòng phát thuốc cũng như trong phòng giam của họ chị Aricosta không sợ hãi nhận mình là người đưa tin và làm trung gian liên lạc giữa các tù nhân và thân quyến của họ. Hầu như không ngày nào từ nhà tù về mà chị không đem theo các sứ điệp mà các tù nhân nhờ chị gửi cho gia đình của họ. Và khi trở lại nhà tù chị lại đem theo tin tức và đồ tiếp tế gồm quần áo, thực phẩm và thuốc men cho người tù. Dù không có thiện cảm với công tác bác ái phục vụ này của chị, nhưng lính canh tù vẫn không ngăn cản chị.
Tuy nhiên một hôm chị Aricosta bị bắt khi tìm cách báo tin cho một gia đình sống trong thành phố Galô biết là cảnh sát thế nào cũng đến khám xét nhà họ. Mảnh giấy báo tin bị quân Đức quốc bắt được. Thế là chị bị bắt và bị giam trong hầm sâu dưới lòng đất trong chính nhà tù San Vichtori. Công an dọa đầy chị sang các trại tập trung bên Đức. Sau cùng nhờ có nhiều nhân vật nổi tiếng can thiệp chị đã được thả ra, nhưng bị đày đến sống ở làng Côrêmêlô, một làng nhỏ giáp vùng biên giới, và bị canh chừng như một tù nhân.
Trong suốt thời gian sống tại đây chị Aricosta luôn nghĩ tới các anh chị em ở nhà tù San Vichtori tăm tối, đang rất cần đến sự trợ giúp của chị. Chị thấy thời gian bị quản thúc một năm tại làng Côrêmêlô sao dài quá. Sau cùng, chị được tự do khi thế chiến thứ hai vừa kết thúc.
Chị lại tiếp tục viếng thăm và trợ giúp các anh chị em tù nhân trong nhà tù San Vichtori. Không thể nào tả được niềm vui của người tù khi nghe tin được gặp lại chị sau một năm xa cách. Nhưng chị đã không tiếp tục công việc được lâu. Sức khỏe của chị yếu dần. Bệnh tim bộc phát. Chỉ sau một thời gian chị từ giã cuộc đời trong tiếng khóc thương của các anh chị em tù nhân đã từng được chị nâng đỡ, yêu thương an ủi.
Trong đám tang của chị, Đức Ông ĐơLăcqua tuyên úy nhà tù San Vichtori đã cho khắc câu này vào bia mộ để kỷ niệm đời tông đồ phục vụ của chị Aricosta:
“Người đã đi qua cuộc đời của anh chị em tù nhân như một thiên thần, và đã khóc thương họ như một bà mẹ, trong cái âm thầm anh dũng của cuộc sống thường ngày.”
Chỉ khi nào phải ngồi tù chúng ta mới hiểu được thế nào là nỗi thống khổ của kẻ mất tự do và bị hành hạ tinh thần cũng như thể xác. Người xưa đã nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại: một ngày trong tù bằng ngàn năm ở ngoài.”
Lòng bác ái Kitô giáo mời gọi chúng ta đặc biệt quan tâm đến các anh em tù nhân, như Chúa Giêsu đã dạy: “Ta ở tù và các con đã viếng thăm Ta.” Nếu không có dịp viếng thăm cách cụ thể, thì cách viếng thăm tốt nhất là tình yêu thương và lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện yêu thương của chúng ta sẽ an ủi nâng đỡ các tù nhân và giúp họ được ơn cải hóa. Bởi vì đó chính là niềm an ủi, sự nâng đỡ và ơn cải hóa từ Chúa mà đến với họ.
Nguồn: dongcong.net