Người trẻ Công giáo học được gì khi bước ra từ đại dịch Covid-19?

03/05/2020

Khi cơn sốt đại dịch đã bắt đầu có dấu hiệu khả quan, người ta bắt đầu bàn tán về cuộc sống “hậu COVID-19”. Người trẻ Công giáo “hậu COVID-19” học được gì?

Năm 2020 là năm bắt đầu trong ba năm (2020 – 2022) thực hiện Chương trình Mục vụ Giới Trẻ do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn, với chủ đề “Hướng đến việc đồng hành và giúp cho người trẻ phát triển toàn diện”[1]. Cùng với chủ đề và định hướng chung của Giáo Hội tại Việt Nam, các giáo xứ và các nhóm giới trẻ cũng đề ra không ít kế hoạch hoạt động xoay quanh chủ đề này.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của COVID-19 đã làm đảo lộn, đóng băng, và gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các kế hoạch và thao thức này. Sáu tháng trôi qua kể từ khi chủ đề được công bố, không có sinh hoạt nào đáng kể, thậm chí trong hơn một tháng vừa qua, cả nước không có Thánh Lễ trong cộng đồng lớn.

Những ngày này, khi cơn sốt COVID-19 đã bắt đầu có dấu hiệu khả quan, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng đã bắt đầu lấy lại thế chủ động trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19, tại Việt Nam, đến giờ phút hiện tại vẫn chưa có ca tử vong nào được ghi nhận và công khai, một vài giáo phận đã bắt đầu có Thánh Lễ công khai trở lại dù khá cẩn trọng. Bên cạnh những diễn tiến có vẻ bớt ảm đạm đó, người ta bắt đầu bàn tán về cuộc sống “hậu COVID-19”.

Các nhà tâm lý ứng dụng cho rằng, con người có khả năng quên và chính khả năng này giúp họ hàn gắn các tổn thương trong quá khứ và tiến về tương lai.[2] Hậu COVID-19 chắc chắn kinh tế sẽ ảm đạm một thời gian, người ta buộc phải cắt giảm chi tiêu và một vài thói quen, do vậy cũng sẽ phải điều chỉnh; nhưng câu hỏi đặt ra rằng những thay đổi, điều chỉnh này sẽ kéo dài trong bao lâu? Lịch sử đã chứng minh khả năng lãng quên của con người đã khiến họ đi vào những vết đổ cũ; tổn thương từ hai cuộc thế chiến là một ví dụ điển hình. Người ta ước tính Đệ Nhất Thế Chiến qua đi đã gây ra khoảng 41 triệu binh lính tham chiến và dân thường thương vong[3]; vậy mà mấy mươi năm sau, nhân loại lại bắt đầu chống lại nhau và Thế Chiến Thứ Hai đi qua để lại còn nhiều tổn thương hơn nữa.

Quay trở lại với người trẻ Công giáo hậu COVID-19. Chúng ta học được gì?

1. Chúng ta đã trải qua một Mùa Phục Sinh lặng lẽ

Đức Giêsu đi vào cuộc tử nạn thầm lặng, và Ngài cũng Phục Sinh cách hết sức giản dị. Chúng ta (bao gồm cả người viết) đã học được gì khi đức tin đi qua phép thử COVID-19? Không có cộng đoàn đức tin nâng đỡ, không có Thánh Lễ, không có các sinh hoạt giáo xứ xôm tụ để giúp chúng ta củng cố và nuôi dưỡng đức tin. Người trẻ học được gì?

Phải chăng bấy lâu nay, chúng ta đã sống đức tin ở mức tối thiểu? Và liệu rằng chúng ta có đang bám víu vào hình thức bên ngoài để tự an ủi bản thân làm tròn bổn phận cho đến khi những hình thức bên ngoài đó phải tạm dừng, và thế là chúng ta bị khủng hoảng?

2. COVID-19 và lời mời gọi quay trở lại với những giá trị cốt lõi

Người trẻ ngày nay dùng từ “toang” để diễn tả những đổ vỡ, cách riêng là những đổ vỡ xảy ra trong thời gian giãn cách xã hội.

“Toang” trong tương quan gia đình

Ngày quyết định kết hôn trong đức tin Công giáo, đôi hôn phối đã thề hứa trước nhan Chúa và trước cộng đoàn rằng: <<Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)>>. Ấy vậy mà trong thời gian giãn cách xã hội, khi “phải” quay trở lại và ở cùng nhau từ sáng tới khuya, thì người ta bắt đầu đổ vỡ, khủng hoảng, thậm chí là bạo lực gia đình.

Phải chăng những đổ vỡ này chỉ là vết gãy của những vết rạn đã có từ lâu?

Tiếng “toang” chói tai này trong tương quan gia đình đang vỡ vụn mời mỗi thành viên trong gia đình quay trở lại giá trị cốt lõi của hôn nhân Công Giáo, quay trở lại với giá trị của gia đình, là “hình ảnh giao ước tình yêu nối kết Chúa Kitô và Hội Thánh, họ sẽ làm cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Chúa Cứu Thế trong thế giới và trong bản chất đích thực của Hội Thánh, qua tình yêu vợ chồng, qua sự quảng đại chấp nhận sinh thành con cái.”[4] Dù muộn màng, chúng ta sắp xếp lại những mảnh vỡ, sắp xếp lại những giá trị ưu tiên trong cuộc sống với nỗ lực, ước muốn xây đắp lại “tổ ấm”.

Những kế hoạch vỡ “toang”

Cách ly xã hội buộc chúng ta phải từ bỏ nhiều thứ. Trước hết, chúng ta từ bỏ ý muốn cá nhân và quyền kiểm soát cuộc sống của mình về thời gian và không gian. Chúng ta buộc phải gác lại những kế hoạch và đổi hướng những kế hoạch khác. Những người đánh giá cao hiệu quả và hiệu suất công việc, buộc phải chậm lại và chấp nhận rằng mình chỉ có thể làm hết sức một vài chuyện, và rất nhiều chuyện khác thì chỉ ở mức trung bình.

Trong tất cả những xáo trộn đó, người trẻ có nhận ra rằng, chúng ta vẫn tưởng rằng cuộc đời mình do mình làm chủ, nhưng thực chất việc làm chủ đó cũng chỉ ở một giới hạn nhất định?

Randy Pausch đã nói “Bạn không thể thay đổi lá bài cuộc sống, bạn chỉ có thể thay đổi cách chơi.”[5] COVID-19 đẩy con người đến những lựa chọn và những chọn lựa đó buộc người ta phải đối chiếu với hệ giá trị mà mình theo đuổi. Điều gì là quan trọng nhất?

3. “Ông đã thấy và đã tin”[6]

Người trẻ được kể nhiều về lịch sử đau thương mà nhân loại đã đi qua trong đó có những đại dịch đã kết thúc và tìm được thuốc chữa, cũng có những đại dịch vẫn âm thầm bào mòn sức sống nhân loại. Nhưng những lời kể đó cũng chỉ dừng lại ở mức độ…chuyện bên ngoài. Thỉnh thoảng, người ta sẽ kể về HIV/AIDS đang tràn lan ở đâu đó, rồi bệnh lao phổi vẫn đang tàn phá cuộc đời của một cộng đồng nào đó, hay các bệnh viêm gan A, B, C ở chỗ này chỗ khác; hay vẫn là cái chuyện hạn hán, thiên tai… Con người vẫn tin rằng mình vô can trong vụ đổ máu của đồng loại ở những nơi xa. Tất cả những sự thờ ơ đó bỗng dưng bị đánh thức bởi sự hoành hành của COVID-19, những cái chết chóng vánh thật gần.

Liệu có phải người trẻ – thế hệ được gọi là Millenniums – cần được chuẩn bị để có tâm thế sẵn sàng đối phó với các cơn đại dịch?

Phải chăng, con tim của người trẻ cần được luyện tập để biết rung động trước nỗi khổ đau của tha nhân và dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân?

Liệu rằng người trẻ có cần được giúp đỡ để sắp xếp lại cuộc sống của mình, xách balô lên và bắt đầu hành trình gian nan nhưng cần thiết: Đi vào trong nội tâm của chính mình.

COVID-19 xảy ra như môt sự kiện đau thương cho toàn nhân loại, nhưng đồng thời cũng là cơ hội phản tỉnh cho con người. Khủng hoảng là tất yếu, khủng hoảng giúp người ta quay lại với những giá trị cốt lõi của sự hiện hữu và điều chỉnh những thói quen sống chưa lành mạnh.

[1] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chuong-trinh-muc-vu-gioi-tre-2020-2022-moi-thang-mot-hinh-anh-hay-tuoc-hieu-duc-gie-su-37834

[2] https://www.youtube.com/watch?v=kfkmTQVjcUE

[3] http://www.centre-robert-schuman.org/userfiles/files/REPERES%20%E2%80%93%20module%201-1-1%20-%20explanatory%20notes%20%E2%80%93%20World%20War%20I%20casualties%20%E2%80%93%20EN.pdf

[4] CĐ. Vatican II, Gaudium et Spes – HC Mục Vụ, số 48

[5] “We cannot change the cards we are dealt, just how we play the hand.”

Randy Pausch là một người Kitô Hữu được biết đến với chức danh là giáo sư ngành Tin học, Tương tác giữa máy tính và con người, lập trình và ông cũng cộng tác cùng NASA trong các công trình nghiên cứu thực tế ảo. Năm 47 tuổi, khi đang tận hưởng một cuộc sống bình yên bên gia đình nhỏ, cùng với rất nhiều kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu, ông được chuẩn đoán bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối và chỉ còn 3 – 6 tháng để sống. Randy đã viết ra quyển sách “Bài Giảng Cuối Cùng” (The Last Lecture) như phần kết bài cho tổng thể bài luận văn cuộc đời mình dành cho các con. Quyển sách truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ về sau, kể từ năm 2008, quyển sách đã bán ra 400 ngàn bản in bằng 46 ngôn ngữ khác nhau.

Xem thêm tại đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Randy_Pausch

[6] Ga 20,8

Nguồn: Đài Vatican