Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật Giáo, tuy nhiên, em thú nhận rằng mình chưa hiểu nhiều về giáo lý nhà Phật. Vì nhiều lý do khác nhau, em cứ để cuộc sống nổi trôi theo học tập và công việc. Trong dòng đời ấy, rất nhiều lần em được tiếp xúc với môi trường bên Kitô Giáo[1]. Em nói như thế vì không chỉ bên đạo Tin Lành thu hút em, nhưng đạo Công Giáo cũng là một con đường mời gọi em bước vào.
Dạo phố với em, tôi may mắn được em chia sẻ nhiều thao thức, ước mơ và thắc mắc liên quan đến tôn giáo. Là người học thức, em thừa biết mỗi tôn giáo đều có những phương thế chỉ cho con người tìm đến hạnh phúc, bình an. Nhưng cụ thể phương thế ấy là gì, thì em chịu! “Thiên Chúa là ai, Ngài có hiện hữu không? Đạo Thiên Chúa có thực sự là con đường tốt nhất để em bước vào không?” Đó là chuỗi những câu hỏi mà trong em hằng khắc khoải. Dĩ nhiên tôi chẳng thể trình bày một mớ kiến thức về Thiên Chúa cho em lúc này. Thay vào đó, tôi lắng nghe và chia sẻ chút cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa với em. Lồng trong đó là những lời thầm nguyện dành cho em. Ước sao Thiên Chúa ban ánh sáng để em can đảm theo Ngài.
Sở dĩ em muốn vào đạo Công Giáo vì vài lý do thú vị ban đầu. Không hiểu vì cơ duyên nào đó, em được tiếp xúc với nhiều người công giáo. Họ thực sự là những người dễ mến và tử tế, hòa đồng và chân thành. Em cảm nhận như thế! Tạ ơn Thiên Chúa vì những chứng nhân em gặp được.[2] Đó là bước khởi đầu để em đặt dấu hỏi về nguồn động lực nào để người công giáo sống được như thế. Em lên đường đi tìm. Trên hành trình ấy, đôi khi em lẫn lội những người Tin Lành với người Công Giáo[3]. Là người bạn, tôi hạnh phúc chia sẻ với em đôi điều khác nhau giữa hai đạo này. Hy vọng em hiểu hơn và có thêm chất liệu để đưa ra quyết định cho riêng mình.
Dừng lại bên vỉa hè dưới bóng cây cổ thụ, tôi chỉ cho em nhà Dòng Thánh Phaolô, một tu viện cổ kính với những bóng dáng người tu sĩ đang dạo bước trong vườn. Ông Phaolô là người theo đạo Do Thái. Khi Đức Giêsu sống lại, Giáo Hội Công Giáo đang trong bước khởi đầu phát triển. Trong bối cảnh đó, chính Phaolô ra sức bách bớ những ai tin vào Đức Giêsu. Trên đường truy lùng bắt tận những tín hữu theo đạo này, Phaolô đã được Chúa Giêsu phục sinh kêu gọi: hãy tin vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Ông đã tin và trở thành môn đệ truyền giáo nhiệt thành, vĩ đại trong Giáo hội Công Giáo sơ khai.
Sở dĩ tôi lan man đến chuyện thánh Phaolô, để nói với em rằng mỗi ngày đều có nhiều người được Đức Giêsu mời gọi nên con cái của Chúa. Lời gọi ấy không âm thanh, không ồn ào, không lôi kéo, nhưng nó nhẹ nhàng chuyển biến trong tâm hồn những ai đang muốn bước theo Ngài. Nó cũng tựa như những điều em chia sẻ với tôi:
“Em không biết Thiên Chúa nhiều, nhưng mỗi khi buồn sầu, những lúc gặp chuyện chẳng may, em cũng cầu xin Chúa. Điều lạ lùng là em nhận thấy mình được bình an hơn, được may mắn hơn.” – Em nói trong xúc động.
Lời chia sẻ ấy cũng là dấu chỉ để em thấy Thiên Chúa đang mời gọi mình. Dĩ nhiên Thiên Chúa không hiện diện như bất cứ người nào, hoặc vật thể hữu hình nào. Ngài có đó, nhưng ta chẳng thể nhìn bằng đôi mắt thể lý. Ngược lại, qua lời em nói, chúng ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa và Ngài đang chi phối đời sống của chúng ta. Đó là một trong những con đường để em thấy Thiên Chúa thực sự đồng hành với mỗi người.
Điều em thắc mắc vốn gây bất ngờ với tôi: “Em có thể vào đạo Công Giáo, nhưng vẫn tin Đức Phật không?” Hỏi như thế, vì em biết nếu mình bước vào đạo Công giáo, ít nhiều sẽ gặp cản trở từ phía gia đình.
Em thân mến,
Tôn giáo nào cũng đòi người tín hữu trung thành và yêu mến Đấng họ tin theo với trọn vẹn con tim và lý trí. Dĩ nhiên em không thể vừa tin Thiên Chúa và vừa tin vào Đức Phật, (hay ngược lại). Chúng ta tạm chấp nhận đạo nào cũng tốt. Khi muốn đối thoại với Phật Giáo cũng như những tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh: “Kitô hữu cũng như các tín đồ các truyền thống tôn giáo khác, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa đích thân mời gọi để đi vào mầu nhiệm của đức kiên nhẫn của Ngài, khi con người nỗ lực tìm ánh sáng và chân lý nơi Ngài. Chỉ có Thiên Chúa biết lúc nào và vào giai đoạn nào sẽ hoàn thành con đường thăm thẳm mà con người từng bước tìm về Ngài.”[4]
Mặt khác, Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy[5]. Giáo Hội nhìn thấy trong mỗi tôn giáo, Phật Giáo cũng vậy, những hạt mầm đức tin rất tốt. Để từ đó, bên Công Giáo tiếp tục trong đối thoại, để chia sẻ, giới thiệu cho mỗi người về một Đức Giêsu Kitô vốn là đường, sự thật và sự sống. (Ga 14,6).
Tôi không muốn đi vào quá nhiều tài liệu bàn về vấn đề này! Hẳn nhiên nếu là người công giáo, em cũng cần giữ lòng kính trọng đến các tôn giáo khác. Nếu em yêu mến Thiên Chúa càng nhiều, Ngài càng chỉ cho em biết cách cư xử với gia đình em ra sao, và cần đón nhận những tôn giáo khác như thế nào. Điều quan trọng là em cần quyết định đi vào một tôn giáo duy nhất mà thôi.
Cảm ơn em vì những chia sẻ và thao thức của em. Hy vọng em để cho lòng mình thanh thản, để “ơn trên” soi sáng. Từ đó, tôi đoan chắc em sẽ tìm thấy câu trả lời cho đời sống tâm linh của mình. Em đừng ngần ngại thì thầm với Thiên Chúa. Ngài hiểu những điều em ước nguyện. Tuy chưa được rửa tội để trở thành con Chúa, nhưng Ngài có cách để em bước vào một thế giới mới. Nơi đó, hầu chắn có nhiều ngôn ngữ nhà đạo mới, giáo lý mới, niềm tin mới, và con người mới. Càng tìm hiểu, hy vọng em càng xác tín vào lựa chọn của mình. Chắc chắn không ai hiểu hết Thiên Chúa. Nhưng với tâm hồn cởi mở, với ước ao tốt lành, em sẽ được Thiên Chúa hướng dẫn để bước vào Giáo Hội của Ngài.
Chia tay em, tôi cầu chúc cho em thật nhiều bình an trên hành trình khám phá niềm tin của mình. Em biết điều này: Thiên Chúa sáng tạo muôn loài. Nhiều thế kỷ trước Công Nguyên, người Do Thái chờ mong Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu Kitô đã đến vào đêm Giáng Sinh. Sau thời gian rao giảng Nước Trời, Ngài đã chịu chết. Sau ba ngày, Ngài đã sống lại. Đó là Tin Mừng cho muôn dân. Em có thể đọc thấy những điều này trong Kinh Thánh. Tin hay không, tùy em, bởi mỗi người đều có tự do lựa chọn tôn giáo cho riêng mình! Cầu chúc cho em thật nhiều bình an để sớm đưa ra quyết định cho hành trình đức tin của mình, em nhé!
Trên đường về nhà, lời em cứ văng vảng trong tôi: Em muốn vào đạo Công Giáo! Đó là ước muốn tốt lành thánh thiện. Hy vọng một ngày nào đó tôi nhận được tin vui: “Thầy ơi! Em đã lãnh nhận bí tích rửa tội rồi!” Hy vọng và nguyện cầu cho em thật nhiều!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: dongten.net
[1] Kitô giáo là từ gọi chung của nhiều nhánh khác nhau. Hai ngàn năm qua, do nhiều bất đồng, bối cảnh lịch sử và chính trị, đã hình thành các hệ phái Kitô giáo khác nhau. Bốn nhánh chính hiện nay của Kitô giáo là Công giáo Rôma, Tin Lành, Chính Thống giáo Đông phương, và Chính Thống giáo Cựu Đông phương.
[2] Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chia sẻ: “Con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào lời thầy dạy, thì chính thầy dạy đó là chứng nhân”.
[3] Anh em bên Tin Lành không tin vào Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Họ không có 7 bí tích. Giáo lý Tin Lành chỉ tập trung vào Đức Giêsu Kitô, vào đức tin, ân sủng và Kinh Thánh.
[4] Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, Đối Thoại và Rao Truyền, số 84.
[5] X. Công Đồng Vaticano II, Tuyên ngôn Nostra aetate, số 2.