Một triết gia nọ từng cảm khái: “Điều kỳ lạ là tất cả các con sông đều chảy ra biển để rồi tự đánh mất mình.” – chúng ta thử tự hỏi vậy khi ra tới biển, nước sông tự đánh mất mình hay tìm thấy chính mình?
Xin thưa là nước sông vừa đánh mất mình vừa tìm thấy chính mình. Đánh mất ở đây là đánh mất bản ngã của chính mình và tìm thấy là thấy chân ngã của chính mình. Trong cuốn sách tu đức “Đường Trọn Lành” của tác giả bài này đã từng phát biểu, “Mọi con sông tôn giáo đều chảy về biển đạo: đạo tại tâm, đạo làm người…”
Cuộc hành trình tu đạo của mỗi con người giống như hành trình của một con thuyền đạo chảy qua mọi con sông, con suối, chảy qua mọi ngóc ngách để men ra biển đạo. Ra tới biển, đại dương của đạo là sự phản ánh con người đó đã đạt đạo hay đắc đạo, trở nên chứng ngộ và trở thành bậc cao nhân của nhân loại…
Thông thường để đi ra biển đạo thì con thuyền tu đạo sẽ phải trải qua nhiều cửa ải, nhiều thử thách và gian nan… Khi vượt qua mỗi một cửa ải, mỗi một thử thách là người đó đã tiến gần hơn ra biển. Thông thường có người phải mất gần một cuộc đời, trở nên một cụ già râu tóc bạc phơ mới có thể coi là đắc đạo hay đạt đạo tuy nhiên điều kiện cần là người đó phải là người tu: tu tại gia hoặc xuất gia. Nếu không tu dưỡng bản thân thì không ai có thể cầu mong cho bản thân đạt đạo hay ra tới biển đạo. Tuy vậy với người tu chuyên cần, miên mật thì khoảng thời gian họ ra tới biển đạo, thành tựu đạo hạnh có thể nhanh hơn những người khác. Tuy vậy, chúng ta luôn phải tự nhắc nhở mình mỗi khi vượt qua một cửa ải khó khăn chúng ta đừng tự đắc và tưởng như đã ra tới biển rồi… Vì cửa ải mà con người cần phải lướt thắng, vượt qua là rất nhiều và rất nhiều khó khăn trước mắt đang chào đón và cần ta chinh phục.
Vậy biểu hiện của một người ra tới biển đạo là gì? Xin mạn phép trình bày những dấu hiệu sau:
Thứ nhất, đó là những người đã trở nên hòa nhập với nguyên lý vĩnh hằng của vũ trụ, hòa nhập làm một thể với trời đất. Nói như nhà hiền triết Trung Hoa cổ đại Lão Tử thì, “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Khi hòa mình làm một với trời đất, thuận theo trời đất, người tu đạo sẽ có một cuộc sống thanh nhàn, không đấu đá, tranh giành hơn thua với con người, với thời cuộc. Đó là những người sống nhu mì, hài hòa không chống lại thiên ý, không đi ngược với quy luật tự nhiên, quy luật vũ trụ,…
Thứ hai, đó là những người tìm thấy chân ngã hay con người thật của chính mình. Cổ nhân có câu “Nhân tri sơ tính bản thiện” – tức là con người lúc chào đời, lúc thơ bé ai ai cũng lương thiện. Do dòng đời xô đẩy, biến động nên con người đã đánh mất hoặc bị lu mờ thiện căn của chính mình. Do vậy, trải qua một quá trình tu đạo lâu dài, khi đã ra tới biển đạo, con người mới có thể tìm thấy cái thiện cao nhất của cuộc đời mình và đó là chân ngã của chính mình.
Thứ ba, đó là người yêu thích một cuộc sống cô tịch. Vì sống trong cô tịch nên bậc tu đạo mới có thời gian cho riêng mình để chiêm niệm những chân lý vĩnh hằng của vũ trụ, của trời đất. Nói như bậc tiên thơ Lý Bạch thì, “Thánh nhân thường thích nơi tịch mịch / Chỉ phường thánh rượu mới lưu danh”. Người yêu thích cuộc sống cô tịch thường là những người ưa lối sống cô độc – họ là những người đứng bên ngoài thời cuộc mà không rời xa thời cuộc, sống cô độc giữa xã hội mà không rời xa thời vận, sẵn sàng ra tay giúp đỡ con người, giúp đỡ nhân loại bằng cách thức tỉnh lối sống ngủ mê của con người để tỉnh ngộ, và giải thoát con người khỏi bể khổ trầm luân,…
Thứ tư, đó là những người có thể sánh ngang với các bậc giác giả, họ là những bậc cao nhân thông tỏ mọi lý nhiệm màu của trời đất. Mọi tư tưởng, lời nói và hành động của họ đều phù hợp và tuân theo lẽ thường hằng của đạo. Đó là những cá nhân kiệt xuất về nhân đức nhu mì và hiền lành – Nói như Chúa Giêsu, “Hãy học nơi ta vì ta có lòng nhu mì và hiền lành”. Có thể nói đặc điểm chung của những người ra tới biển đạo, của những cao nhân là những người sống hài lòng và hạnh phúc trong sự thanh đạm. Thánh nhân thường cỡi trâu cỡi ngựa tản bộ hơn là cỡi xe hơi, máy bay,… – họ là những người ưa lối sống giản phác gần gũi với tự nhiên, thiên nhiên. Họ cực kỳ khiêm nhường và điềm nhiên trước mọi biến động xã hội – thấy núi Thái Sơn sập trước mặt họ cũng không xáo động, không động tâm. Tâm họ đạt tới trạng thái như hư không, là một thể với trời đất, với vũ trụ – Nói theo ngôn ngữ Ấn giáo thì đó là khi tiểu ngã của con người đã hòa nhập làm một thể với đại ngã của vũ trụ. Nó giống như hành trình của một hạt muối bôn ba đi ra tới biển, hòa tan vào biển vừa là để đánh mất mình vừa là để tìm thấy chính mình như đã nói ở trên.
Lạy Chúa là Đấng Tối Cao, xin hãy dẫn dắt, hãy điều khiển, hãy an bài để con thuyền đạo của con có thể hướng ra biển lớn, để có thể đạt đến đại đạo và thâm nhập vào nguyên lý vĩnh hằng của trời đất, của vũ trụ!
(Vũ Thắng)
Nguồn: thanhlinh.net