Để coi! Trong suốt khoảng thời gian còn nhỏ được ở nhà với tía, hình như ít khi nào mà hình như chưa lần nào thấy tía rớ tới chuỗi Mân Côi. Trong suốt đời tía, chắc biểu tía cầm cuốc, vá, dao, rựa dễ hơn cầm … sợi chuỗi. Tía say mê với mớ công cụ đó ghê gớm luôn! Cây dao mà không bén chút xíu là tía dành nguyên buổi ngồi mài. Cây vá mà móp chút xíu phần lưỡi thì dành nguyên buổi để lấy búa gõ cho tươm tất, rồi sẵn mài lại cái lưỡi và gia cố cái cán cho chắc. Ra vườn làm là quần quật suốt ngày từ sáng sớm cho tới chiều tối mới vô nhà.
Riêng về khoản kinh kệ của tía thì thật khó tả. Gia đình tôi thuộc về xứ đạo miền Nam có truyền thống lâu đời, ai ai cũng siêng năng đến nhà thờ và chăm chút kinh kệ tại nhà mình. Tôi, đứa bé nhỏ xíu, cũng tập tành đi nhà thờ mỗi ngày, đọc kinh tối với gia đình, dần thành thói quen.
Mỗi tối gia đình lần chuỗi mân côi, tía cũng ngồi đọc chung nhưng ít khi nào tập trung. Có lẽ cả ngày làm việc nên tối về thể trạng có phần mỏi mệt, tiếng ngáp của tía rõ dài và to khiến cả nhà cưới rần rần. Lâu lâu ngoại lại quay qua thằng rể vừa đọc kinh vừa nhắc lớn tiếng: “Cái thằng! Ngáp gì bự dữ bây! Ngáp nhỏ tiếng cho tụi nhỏ đọc kinh.” Ngoại nói xong thì tỉnh rụi đọc kinh, còn tụi tôi bụm miệng cười quá trời. Buổi kinh tối với chuỗi Mân Côi nhiều đêm mắc cười quá sức. Riết tụi nhỏ chúng tôi thấy lần chuỗi dài quá đâm ra ngán ngẫm, mong nghe tiếng tía ngáp và tiếng ngoại nhắc cho đỡ buồn ngủ.
Lũ bạn chiều chiều chơi chung ở sân nhà thờ hỏi nhau: “Ê! Tía mày có đọc kinh lần chuỗi hông?” Hình như câu trả lời của lũ bạn là như nhau. Chỉ có những người phụ nữ và trẻ con đạo đức thôi, chớ mấy ông tía lôi thôi chuyện kinh kệ lắm. Tuy vậy, tôi thấy tía vẫn chịu khó ngồi đọc kinh mỗi đêm sau một ngày làm việc vất vả, dù có gù gật nhưng miệng vẫn đọc, tôi thương tía ở chỗ đó. Nhớ hoài hồi tôi đi học xa lâu lâu mới về thăm, có lần tôi mua tặng tía sợi chuỗi Mân Côi. Chẳng biết suy nghĩ ấy đến từ đâu, nhưng tôi quên bẵng chuyện tía toàn lần chuỗi bằng đầu ngón tay chớ có bao giờ đụng tới sợi chuỗi. Lý do tía biểu tay tía làm vườn bự chà bá, lần hột nhỏ quá nó lẫn lộn tùm lum. Thành ra tía lần đầu ngón tay dễ hơn. Nhưng lần đó tía nhận quà của tôi, rồi đeo sợi chuỗi hạt vào cổ như thể trân quý quà thằng con đem từ Sài Gòn về.
…
Từ dạo sức khỏe tía má có phần yếu vì tuổi tác, tôi hay gọi về thăm hỏi thường xuyên. Má biểu: “Ê! Cha già tía mày cấp này đi lễ mỗi ngày siêng lắm nghen! Lần hột thì sốt sắng lắm! Ổng dạy mấy đứa em mày đọc kinh rào rào vậy đó!” Tôi mừng quá hỏi lại: “Vậy hả má? Thiệt hông?” Sau cuộc điện thoại ấy, tôi tự hỏi đâu là điều khiến tía siêng năng kinh hạt như vậy? Trong lần nói chuyện điện thoại với tía, tôi hỏi rà: “Tía dạo này còn đi lễ với lần hột hông tía? Hễ có thì tía cầu nguyện cho con với nha!”. Vậy là tía mới bắt đầu nói: “Từ hồi má mày bệnh tới giờ, ngày nào tao cũng đi lễ! Cầu nguyện cho má mày với cho mày đó chớ! Ráng lên nghen con!”
Tôi suy đoán chính cơn bệnh của má khiến tía hiểu rằng phải chạy vạy tới ơn Chúa. Nhưng liệu điều tôi suy đoán có đúng? Đâu phải mãi đến tận giờ tía mới lần chuỗi. Đâu phải mãi tới giờ tía mới đi nhà thờ. Chỉ là lối suy nghĩ và lòng sốt sắng của tía khác hơn trước kia. Chợt ngẫm tới đây, tôi thấy tía không hề trễ nải chuyện đạo đức. Nếu không trễ nải thì là gì?
Đời người có lúc này lúc kia. Có lúc con người phải tập trung chuyện làm ăn đương khi còn sức khỏe, và có lúc phải ngồi lặng ngẫm cái tuổi xuân đã qua với bao nhiêu điều chưa làm được. Chuyện đạo đức cũng vậy thôi! Lời kinh hạt khi tía còn khỏe thật khác với lời kinh hạt khi đã ngã ngũ ở tuổi xế chiều. Nhưng… dường như tâm tình thì chân thật dù bất cứ hoàn cảnh nào. Con hiểu vậy, tía coi có đặng hông?
Little Stream
Nguồn: dongten.com