Điều cốt lõi trong Kitô giáo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ,
mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy.
Hành động của chúng ta phải phát xuất từ tình yêu.
Có một thầy tiến sĩ luật Do thái bị đi tù ở Roma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần. Cuối cùng, người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông ta bị thiếu nước.
Các sĩ quan cai ngục không hiểu nổi tại sao ông ta lại có thể thiếu nước. Bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát thầy luật sĩ ấy một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng, người ta khám phá ra bí mật. Thầy luật sĩ ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.
“Dân này tôn kính TA bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa TA” (Mt 15,8). Đó là lời than trách mà Chúa muốn nói với những ai tôn thờ Chúa chỉ vụ hình thức như thầy luật sĩ kể trên.
“Điều gì tự trong lòng mới làm nhơ uế” (Mt 15,18).
Thầy luật sĩ quan tân đến cái nhơ uế từ ngoài vào, Đức Giêsu lại quan tâm đến cái nhơ uế từ trong ra. Chúa muốn mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình, để thấy ở đó diễn ra bao nhiêu nhơ uế. Rửa tay trước khi ăn thì dễ hơn tẩy rửa tâm hồn.
Điều cốt lõi trong Kitô giáo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Hành động của chúng ta phải phát xuất từ tình yêu, Mahatma Gandhi đã nói: “Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu”.
Tình yêu là sức mạnh phi thường, là sức mạnh vô giá. Chính tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta làm những việc lớn lao, những điều hoàn thiện, không chịu giam hãm trong những ước muốn đê hèn.
Ai cảm nghiệm được tình yêu Chúa, thì gian khổ sẽ trở nên nhẹ nhàng, thất bại không làm họ nản chí, dấn thân không quản ngại vất vả. Thánh Augustine đã dạy: “Cứ yêu rồi muốn làm gì thì làm”. Quả thật, người nào yêu mến Chúa thì người đó có thể làm được rất nhiều điều thiện hảo và làm rất chu đáo. Chỉ có người nào được Chúa yêu thương và biết đáp trả cách quảng đại tình yêu ấy mới có thể hiểu được mãnh lực của tình yêu.
Lạy Chúa, xin cho con can đảm dám nhìn sâu vào cõi lòng, để nhận ra những giả hình, những lệch lạc của con.
Xin cho con hết lòng sống cái cốt lõi cuả Đạo Chúa là Yêu thương hơn là ngừng lại ở cái vỏ hình thức bên ngoài.
Xin cho con biết hành động chỉ vì yêu mến Chúa, và vì yêu mến Chúa, con muốn yêu người anh em mà con gặp gỡ hàng ngày, không phải là giả dối bên ngoài, nhưng là chân thành của những nghĩa cử yêu thương.
Xin cho con chỉ biết có một niềm vui, đó là con được phục vụ Chúa trong mọi người. Amen.
Trích Thiên Phúc “Như lòng Chúa khoan dung”
nguon: ngonluanho