Thường thì người bệnh rất ám ảnh với cảm giác bất lực. Tuy nhiên, chú Thành thì khác. Lần đầu gặp chú trong bệnh viện, tôi còn nhớ như in dáng vẻ hoạt bát và suy nghĩ lạc quan của chú. Chú Thành hoạt bát trong cách mà chú tự chăm sóc mình. Suy nghĩ của chú về cuộc đời cũng rất lạc quan. Chú tin Chúa luôn yêu thương mình, tin đời còn cái để hy vọng…
Chú Thành bị tai nạn cách đây đã ngót chín mùa No-en. Vợ chú cũng qua đời vì tai nạn giao thông trên đường đến bệnh viện chăm sóc cho chú. Còn hai cô con gái cưng thì có gia đình. Vào thời điểm chú Thành gặp nạn, kinh tế của gia đình hai cô con gái cũng đột ngột rơi vào tình trạng khó khăn… Cái eo kéo theo cái khó, chú Thành lủi thủi trong bệnh viện một mình. Trong tình cảnh này, chú tự mình làm mọi việc. Hai cô con gái thỉnh thoảng ghé thăm chú nhưng lại chẳng thể ở lâu vì gánh nặng gia đình riêng. Cũng khó trách hai người con của chú bởi lẽ, họ cũng đang phải đối diện với khó khăn của gia đình, chuyện con thơ, chuyện nợ nần kinh tế,… Chú Thành chia sẻ: “Tui vẫn làm được mà thầy! Tụi con tui nó cũng khổ lắm! Tui thấy tự chăm sóc mình được thì phiền tụi nó chi! Tụi nó đến thăm tui là tui mừng rồi!” Tôi mỉm cười đáp: “Chú lạc quan ghê!” “Đời còn nhiều thứ để hy vọng mà thầy! Tui hy vọng tụi nó sống hạnh phúc hơn nè, hy vọng tui khỏe lại nè,… mà thầy biết không? Hồi đám cưới con út, tui còn ngồi xe lăn dự lễ cưới nó được đó!” Chú cười đáp lại có vẻ đắc ý lắm!… Chú Thành vừa nói chuyện với tôi, vừa lết mình vào nhà tắm. Nhìn chú vất vả tiến lên phía trước chỉ với một tay, lòng tôi se thắt lại. Đôi chân và một tay chú phải cưa bỏ vì hoại tử sau tai nạn năm ấy….
Chú Thành là bổn đạo mới. Tất cả những gì chú biết về Chúa được gói gém trong câu nói mà chú hay lẩm nhẩm trong miệng: “Tôi tin Chúa có cách của Ngài.” Có lẽ, chú vẫn hy vọng Chúa sẽ ban cho chú điều gì đó phía trước cuộc đời! Lần ấy, tôi hỏi chú: “Thế chú tin Chúa mà Ngài để chú thế này, chú thấy giận Chúa không?” Chú Thành trả lời tôi dường như với sự giận lẫy: “Thầy kỳ quá! Mình bị dzầy là do mình chứ sao đổ lỗi cho Chúa được! Chúa cũng đâu muốn mình bị dzầy đâu!” Tôi lại làm bộ như không để ý đến sự xác tín của chú, lại hỏi: “Chú Thành này, thế sao Chúa không làm phép lạ cho chú khỏe lại nhỉ?” Lần này, chú trầm ngâm một lát rồi nói với tôi: “Tui cũng muốn chứ bộ! Nhưng mà dzậy kỳ lắm! Để tùy Ngài đi! Chắc là Ngài có lý do chứ!” Tôi nhìn thẳng vào mắt chú như một kẻ đang lùng sục tìm kiếm chút bối rối đang nằm ẩn khuất đâu đó trong những tế bào li ti. Tôi hiểu đằng sau câu nói ấy vẫn còn đó một niềm hy vọng vào sự quan phòng của Chúa, một kinh nghiệm đức tin siêu việt mà không ngôn từ nào có thể diễn tả thấu đáo được…
Những lần thăm chú sau này, tôi thấy sức khỏe của chú Thành yếu hẳn đi. Dây thần kinh sống lưng bị dập trong vụ tai nạn khiến các chi của cơ thể chú bị hoại tử dần. Có lúc chú không còn nhận ra tôi; cũng có có lúc tỉnh táo hơn, chú chỉ thều thào đáp “tui tin” khi tôi cùng chú tuyên xưng đức tin và cho chú rước Mình Thánh Chúa.
Mỗi lần gặp chú Thành, tôi lại cảm nhận một niềm vui tông đồ. Tôi vui vì thấy sự hiện diện của Chúa một cách thật gần gũi. Bài học Chúa hiện diện trong tha nhân trở nên thiết thực và sống động cho tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng học được giá trị của đức tin. Quả thật, tôi tin rằng sự phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa đủ sức biến những nỗi khắc khoải, lo âu và đau khổ của cuộc đời trở thành sự bình an, lạc quan và hy vọng. Tôi tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho chú Thành luôn được bình an, bất kể điều gì có xảy đến phía trước…
Hv. Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj
Nguồn: dongten.net