Làm gì để khỏa lấp một ngày dài khi cả nhà bên nhau như bóng với hình, có nhà chỉ trong diện tích vài chục mét vuông? Cũng như làm sao để giữ năng lượng khi nhịp sống bình thường quay về?
Nhiều người đang lâm vào cảnh công việc làm ăn bị tuột dốc, đình trệ, hoặc buộc phải nghỉ làm ngắn hạn vì dịch bệnh. Một ngày bỗng dưng trở nên dài ra và chán chường khi mọi thứ dường như đứng lại. Nhưng nhìn ở mặt khác, đây lại là cơ hội “vàng” để gia đình chia sẻ với nhau 24 giờ trong ngày với nhiều điều tích cực.
Khi nhịp sống tất bật trước kia buộc phải dừng lại như hiện tại, thời điểm này lại là dịp cho các thành viên trong gia đình có thời gian để bày tỏ sự quan tâm đến nhau, đến những người thân khác. Có thể nhờ dịp quây quần này, cha mẹ sẽ thấy con cái từng học hành nhiều và áp lực như thế nào. Đó cũng có thể là lúc vợ, chồng biết được những khó khăn, trở ngại nào đó từ công ăn việc làm mà trước kia họ thà tự mình xử lý hơn là mất thời gian nói với nửa còn lại…
Bày tỏ sự quan tâm bằng cách nói chuyện với nhau nhiều hơn, nhất là trong thời điểm đầy khó khăn như hiện nay, chính là hun thêm hơi ấm để hâm nóng lại tình cảm gia đình.
2. Học hỏi những điều hay, kỹ năng mới
Có nhiều người luôn có thói quen nghĩ mình có thể làm được điều này, điều kia, nhưng cuối cùng họ chẳng làm gì cả vì “không có thời gian”. Thay vì thu mình nằm nhà và dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính mỗi ngày, tại sao không cùng nhau học hỏi một điều gì đó hay ho, học online hoặc qua các nguồn sách vở, hoặc học hỏi từ chính kinh nghiệm, vốn liếng của một ai đó trong nhà.
3. Học cách tiết kiệm
Tiền bạc là chuyện không kém phần quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại. Tùy vào từng gia đình sẽ có nhiều cách khác nhau để sống tiết kiệm, đó có thể là việc sử dụng nước, điện một cách hiệu quả. Ăn uống đủ chất nhưng ưu tiên tiết kiệm. Nên tiết kiệm theo cách riêng của từng gia đình để hạn chế chi tiêu thoải mái như xưa, nhưng đừng tiết kiệm lời giải thích cũng như sự khích lệ nhau.
4. Thiết lập kế hoạch cho thời gian sắp đến
Đến một lúc nào đó dịch bệnh sẽ qua và nhịp sống bình thường sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm “cách ly” như hiện tại lại là cơ hội cho nhiều người có thời gian để cùng nhau định hướng, thiết lập kế hoạch phát triển ngắn hạn cũng như dài hạn sau mùa dịch bệnh. Chuyện công ăn việc làm của vợ chồng. Chuyện học hành của con cái. Mái ấm nào lại chẳng có ước mơ. Khi mọi thành viên đều cùng nhau đánh giá, tính toán, xây dựng lên một kế hoạch phát triển nào đó sau khi mọi trở ngại qua đi, thì đây chính là động lực mới sau giai đoạn “trì trệ” mọi thứ.
Điều hay nhất của cách thức này không nằm ở việc kế hoạch cá nhân, hay kế hoạch chung của cả gia đình sẽ thành công tới đâu, mà nằm ở điểm, mọi kế hoạch đều được các thành viên cùng chia sẻ và xây dựng. Kế hoạch nào cũng có sự quan tâm của người còn lại.
Triết gia nổi tiếng người Anh James Allen đã nói: “Hoàn cảnh không tạo nên con người. Chúng bộc lộ con người”. Trong hoàn cảnh nhà nhà chống dịch như hiện tại, ai đó yêu thương gia đình chỉ bằng lời nói, rồi ngày ngày chỉ phó mặc mọi thứ xung quanh để chìm vào thế giới riêng của mình, thì tình yêu trong hoàn cảnh như vậy sẽ bộc lộ một con người như thế nào?
Cách ly chứ không cách lòng. Một tình yêu thật sự sẽ luôn đem đến sự quan tâm, cái nhìn lạc quan và cơ hội trong mọi hoàn cảnh. Và trong thời điểm bức bí của mùa “cách ly” như hiện nay, lại là cơ hội để tình yêu gia đình được nồng đượm dưới mái nhà, chứ không phải ở màn hình điện thoại, máy tính.
Những ngày phải sống trong tâm thế phòng chống dịch COVID-19 và giờ đây là 15 ngày cách ly xã hội, gia đình tôi đã thật sự sống khác.
Sống khác, trước tiên là việc ăn uống ở gia đình tôi. Do bọn trẻ không phải đi học sớm, vì thế, vợ chồng tôi đã nấu ăn sáng ở nhà để hạn chế ra đường. Cuối tuần, thói quen cũ là gia đình tôi thường ăn ở nhà hàng, quán ăn. Giờ chúng tôi nấu ăn ở nhà và mỗi người đều có thể chọn món ăn mình thích, tuần tự nấu đủ các món yêu thích của từng người. Một điều đáng nói nữa là khi ăn ở nhà chúng tôi đã tiết kiệm được một số tiền không nhỏ.
Thường xuyên ở nhà, chúng tôi có nhiều thời gian trò chuyện với nhau hơn thay vì trước đây, cha mẹ, con cái chỉ nói với nhau dăm ba câu ở bữa cơm chiều hay tối cuối tuần. Những tin tức truyền thông về dịch bệnh trên truyền hình, báo chí, mạng… hằng ngày luôn được mọi thành viên trong gia đình thông báo cho nhau nghe khi có ai biết tin sớm nhất. Cha mẹ, con cái nhắc nhở nhau đeo khẩu trang, rửa tay, uống vitamin C, uống trà gừng… Cha mẹ nhắc nhở con học online. Con cái chỉ cha mẹ thêm những phần mềm để làm việc online nhanh chóng, hiệu quả.
Ở nhà, vợ chồng tôi cũng có thời gian xem những bộ phim hay do con cái giới thiệu nhưng lúc trước không có thời gian xem vì quá bận rộn. Cả nhà lại cùng nhau trao đổi, tranh luận về những bộ phim, quyển sách cùng xem. Cha mẹ và con cái càng cảm thấy gắn bó nhau hơn, hiểu nhau hơn.
Ở nhà, chúng tôi có thời gian cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại các phòng. Bỗng thấy nhà cửa đẹp đẽ hơn, ấm cúng hơn và cả nhà lại cùng nhau chia sẻ nhiều điều khác nữa.
Cách ly xã hội nhưng mọi người ở nhà lại có nhiều thời gian liên lạc với bà con, bạn bè khắp trong và ngoài nước qua điện thoại, email, mạng xã hội. Sự cách ly chỉ là khoảng cách không gian nhưng lại tạo điều kiện cho họ hàng, bè bạn gần nhau, gắn kết nhau hơn trong tình cảm.
Những ngày sống khác thật sự đã mang đến sinh khí mới trong ngôi nhà của chúng tôi. Chúng tôi chợt nhận ra cái đáng sợ nhất không phải là cách ly xã hội mà chính là khi gia đình tự cách ly nhau…
Tác giả bài viết: Tạ Tư Vũ
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ