Ủy ban Giáo dân – Tháng 11/2024: Bài 4 – Cổ võ công lý và hòa bình

25/11/2024

Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ủy ban Giáo dân

THƯỜNG HUẤN THÁNG 11/2024:

GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

BÀI IV: CỔ VÕ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

Trong một thế giới đầy mâu thuẫn, bất công và xung đột, Giáo Hội được kêu gọi không chỉ rao giảng Tin Mừng mà còn tích cực cổ võ công lý và hòa bình. Giáo Hội quan tâm toàn thể nhân loại, đặc biệt là người nghèo và người chịu đau khổ, trong khi thực thi sứ mạng đặc thù của mình giữa lòng thế giới: “Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi lo lắng của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hoặc đau khổ theo bất kỳ cách nào, đây là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi lo lắng của những người theo Chúa Kitô.”[22] Giáo Hội hướng đến công lý và hoà bình cách cụ thể khi đứng bên những con người đau khổ và chịu thiệt thòi, giúp họ cảm nghiệm tình thương và được tôn trọng hợp với nhân phẩm. Chỉ khi đặt nền tảng trên tình yêu, lòng bác ái, đời sống nhân loại mới có thể có công lý đích thực. Công lý không thể tách rời khỏi tình yêu, và hòa bình chỉ có thể đạt được khi mọi người biết tha thứ, cảm thông và liên đới. Cổ võ công lý và hòa bình là sứ mạng của toàn Giáo Hội, và mỗi Kitô hữu được mời gọi sống đức tin thực thi công lý và qua đó, góp phần kiến tạo hoà bình.

Tình yêu và lòng thương xót

Công lý và hòa bình đặt nền tảng trên tình yêu và lòng thương xót, hai trong số những giá trị Kitô giáo cốt lõi. Công lý không chỉ là sự phân xử công bằng mà còn là bác ái và cảm thông đối với mọi người, đặc biệt là những ai chịu thiệt thòi trong xã hội. Công lý không thể tách rời khỏi bác ái, tình yêu và lòng bao dung. Chỉ khi đặt tình yêu làm nền tảng, chúng ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa của công lý và có thể vượt qua sự tổn thương và thù hận, để xây dựng hòa bình. Nhãn quan này đòi hỏi mỗi tín hữu phải sẵn sàng đối diện với các thách thức bằng lòng nhân ái và sự cảm thông, vì đòi hỏi của luật bác ái và vì mọi người đều là anh em, con một Cha trên trời.

Hành trình cổ võ công lý và hòa bình của Giáo Hội là hành trình hướng tới việc làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên sống động và hiện thực trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Khi mỗi tín hữu thể hiện lòng thương xót và sự bao dung, họ trở thành chứng nhân của Đức Kitô, mang lại hy vọng cho những ai đang chịu đựng bất công và giúp họ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa. Đó là con đường sống đức tin qua hành động thiết thực khi các Kitô hữu dấn thân vào đời sống xã hội, và làm cho lời cầu nguyện trở nên sống động và cụ thể trong đời sống thường ngày.

Cầu nguyện và hành động vì công lý và hòa bình

Mỗi ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha là lời mời gọi Giáo Hội hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề xã hội. Cầu nguyện phải đi đôi với hành động, và qua đó, các tín hữu có thể đóng góp vào việc xây dựng một thế giới công bằng hơn. Chẳng hạn như, khi cầu nguyện cho hòa bình, mỗi Kitô hữu được mời gọi hành động để xây dựng hòa bình ngay trong cộng đồng, gia đình và nơi làm việc của mình, làm cho lời cầu nguyện trở thành những bước đi cụ thể trong hành trình kiến tạo hòa bình của Giáo Hội.

Trong việc cổ võ công lý, Giáo Hội không chỉ mời gọi cầu nguyện mà còn khuyến khích tín hữu tham gia vào các hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo, bảo vệ quyền lợi của người bị áp bức và bảo vệ môi trường. Bằng cách sống theo tinh thần Tin Mừng và thực thi ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha, mỗi Kitô hữu trở thành tác nhân của sự thay đổi, đưa tình yêu Thiên Chúa đến với những người đang cần, đưa ánh sáng Tin Mừng vào những góc khuất còn nhiều bóng tối, bóng mờ trong thực tế đời sống. Đó là một phần thi hành thực tế của các tín hữu trong sứ mạng “đọc dấu chỉ thời đại” mà Công đồng Vaticano II mời gọi.

Sự hiệp nhất của các Kitô hữu trong lời cầu nguyện và hành động là sức mạnh đưa Giáo Hội đi xa hơn trong sứ mệnh cổ võ công lý và hòa bình. Khi mọi người cùng hướng về các ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha và sống các giá trị Tin Mừng, Giáo Hội không chỉ trở thành ánh sáng và muối cho đời, mà còn trở thành nơi nương tựa cho những ai đang khao khát một xã hội công bằng và an bình.

Cổ võ công lý và hòa bình

Để xây dựng một thế giới hoà bình và công bằng, các tín hữu không chỉ cần cầu nguyện mà còn cần hành động. Ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha là lời nhắc nhở để mỗi Kitô hữu sống Tin Mừng qua hành động thiết thực, làm cho tình yêu của Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của những người xung quanh. Hành động thực tế cụ thể hoá lòng ước ao vốn đã được chuyển hoá thành lời cầu xin, đó là một năng động thiêng liêng giúp Giáo Hội đồng hành với anh chị em đồng loại qua từng chi thể của mình, qua đó, Giáo Hội loan báo Tin Mừng và giúp nhân loại nhận ra viễn cảnh công lý và hoà bình của mình trong lòng xót thương của Thiên Chúa.

Mỗi Kitô hữu, qua sự hướng dẫn của Giáo Hội, được mời gọi trở thành sứ giả của công lý và hòa bình, làm chứng cho lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi hành động vì công bằng và hòa bình phản chiếu lòng xót thương mà Thiên Chúa dành cho thế giới, là nguồn hy vọng cho những người đang đối diện với đau khổ và bất công. Chỉ khi sống theo tinh thần Tin Mừng, chúng ta mới thực sự hiểu và lan tỏa ý nghĩa của công lý và hòa bình trong đời sống xã hội.

Cổ võ công lý và hòa bình là hành trình của đức tin, tình yêu và hy vọng. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi hiện thực hoá lòng ước ao đã diễn tả qua cầu nguyện, thành hành động, để Giáo Hội trở thành chứng nhân sống động của Đức Kitô trong thế giới. Đó là cách mỗi người tín hữu chúng ta thực hiện sứ mạng thiêng liêng của mình và cùng với Giáo Hội chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng đến mọi người xung quanh.

Giáo Hội, trong từng thời đại, luôn phải đối diện với những thử thách xã hội đương thời, nhưng tinh thần Tin Mừng luôn mãi là kim chỉ nam hướng dẫn mỗi bước chân. Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn những vấn đề hay thách thức và nhân loại và Giáo Hội đang đối diện. Chớ gì mỗi Kitô hữu đều có thể trở thành một mắt xích trong sứ mạng chung của Giáo Hội, qua đó biến lời cầu nguyện thành sức mạnh và động lực thực tế để xây dựng một thế giới hòa bình, đầy tình yêu và long bao dung.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[22] Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 1.

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Nguồn: hdgmvietnam.com