Ủy ban Giáo dân – Tháng 10/2024: Bài 1 – Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa

06/10/2024

Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ủy ban Giáo dân

THƯỜNG HUẤN THÁNG 10/2024:

NUÔI DƯỠNG TINH THẦN CHIÊM NIỆM

BÀI 1. LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Loan báo Tin Mừng là một trong những chiều kích cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI và Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II đều nhấn mạnh rằng việc loan báo Tin Mừng không chỉ là bổn phận của một số ít người, mà là sứ mạng của toàn thể Giáo Hội. Đức Phaolô VI, trong Evangelii Nuntiandi đã khẳng định rằng, loan báo Tin Mừng là ơn gọi riêng của Giáo Hội; Giáo Hội được sinh ra từ sứ mạng của Đức Kitô và tiếp tục sứ mạng này qua mọi thời đại: “Rao giảng Tin Mừng là ơn huệ và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng nghĩa là để rao giảng và dạy dỗ, là máng thông ơn thánh, giải hòa tội nhân với Thiên Chúa, tiếp tục hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh lễ, để tưởng niệm cái chết và phục sinh vinh hiển của Ngài” (EN, số 14). Đức Gioan Phaolô II, trong Redemptoris Missio, nhấn mạnh rằng, truyền giáo không chỉ đơn thuần là việc rao giảng, mà còn là hành động làm chứng qua đời sống thường nhật. Sứ mạng truyền giáo đòi hỏi một linh đạo đặc biệt, một sự dấn thân sâu sắc để sống và chia sẻ tình yêu Thiên Chúa với thế giới.

Chiêm ngắm Đức Kitô và sống theo hướng dẫn của Thánh Thần

Để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa một cách chân thực, người Kitô hữu cần chiêm ngắm Đức Kitô và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Linh đạo truyền giáo, trước hết, là một linh đạo chiêm niệm. Chúa Giêsu, trong suốt sứ mạng công khai của mình, không ngừng cầu nguyện, tìm kiếm và thi hành ý Chúa Cha. Người cũng được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự trên Người cách đặc biệt khi lãnh nhận phép rửa tại sông Giođan và đồng hành với Người trong mọi hành động (x. Lc 4,1-18). Chiêm ngắm Đức Kitô là điều kiện tiên quyết để làm chứng cho Người, bởi không thể rao giảng về một Thiên Chúa mà ta chưa thật sự biết và yêu mến.

Đặc biệt, Thần Khí là sức mạnh làm thay đổi tâm hồn các tín hữu, giúp họ không chỉ biết về Chúa, mà còn sống kết hiệp với Ngài. Đức Gioan Phaolô II trong Novo Millennio Ineunte nhấn mạnh rằng “chiêm ngắm khuôn mặt Đức Kitô” là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội trong thiên niên kỷ mới. Linh đạo truyền giáo không thể tách rời khỏi sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì chính Ngài làm cho các tín hữu hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Đức Kitô và truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa đến mọi ngõ ngách của thế giới.

Chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa qua việc phục vụ và bác ái

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa không chỉ qua lời nói, mà còn qua những hành động cụ thể của phục vụ và bác ái. Tình yêu của Thiên Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng cụ thể qua đời sống, được thể hiện qua sự hy sinh và dấn thân vì tha nhân. Đối với người Kitô hữu, mỗi hành động nhỏ bé của phục vụ đều có thể trở thành một lời chứng sống động về tình yêu Thiên Chúa.

Trong đời sống hàng ngày, người Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần bác ái qua việc chăm sóc người nghèo, giúp đỡ những người bị bỏ rơi, và đối xử với mọi người bằng lòng nhân hậu. Tình yêu Thiên Chúa chỉ có thể được cảm nghiệm một cách sâu sắc khi chúng ta sẵn sàng cho đi chính mình vì lợi ích của người khác. Linh đạo truyền giáo đòi hỏi mỗi tín hữu phải bước ra khỏi sự an toàn của bản thân, dấn thân vào những nơi đau khổ, nghèo đói, và bất công, để trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng và tình yêu.

Công đồng Vatican II trong Gaudium et Spes cũng khuyến khích người Kitô hữu sống tình yêu qua việc tham gia vào đời sống xã hội, qua đó thể hiện mối quan tâm đến công bằng, hòa bình, và phẩm giá con người. Mọi tín hữu đều có thể trở thành một nhà truyền giáo bằng chính cuộc sống thường nhật của mình, nơi tình yêu Thiên Chúa được lan tỏa qua những hành động bác ái, những mối quan hệ đầy nhân ái, và lòng bao dung.

Linh đạo của sự hiệp thông và dấn thân

Một khía cạnh quan trọng khác của linh đạo truyền giáo là sự hiệp thông. Sự hiệp thông không chỉ là sự gắn kết giữa các tín hữu, mà còn là dấu chỉ của sự hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa. Linh đạo của sự hiệp thông mời gọi các tín hữu sống tinh thần liên đới với mọi người, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội. Sự hiệp thông không dừng lại ở biên giới của Giáo hội, mà còn mở rộng đến toàn thể nhân loại, vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Novo Millennio Ineunte nhấn mạnh rằng, sống linh đạo hiệp thông là cách thức để các tín hữu làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình và cụ thể trong đời sống hàng ngày. Khi sống tinh thần hiệp thông, người Kitô hữu không còn chỉ sống cho mình, mà luôn biết nghĩ đến lợi ích của người khác, luôn sẵn sàng dấn thân để xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và hòa bình.

Sự dấn thân không chỉ là một hành động cá nhân, mà cần phải được thực hiện trong tinh thần cộng đoàn. Các tín hữu được mời gọi cộng tác với nhau trong sứ mạng truyền giáo, hỗ trợ nhau và cùng nhau thực hiện tình yêu của Thiên Chúa. Điều này có thể được thể hiện qua các hoạt động bác ái cộng đoàn, qua việc tham gia các nhóm thiện nguyện, và qua những sáng kiến nhằm đáp ứng nhu cầu của những người thiếu thốn trong xã hội.

Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa là một sứ mạng cao cả mà mọi tín hữu đều được mời gọi thực hiện. Để sống sứ mạng này, người Kitô hữu cần chiêm ngắm Đức Kitô, lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và sống đời phục vụ trong tinh thần hiệp thông. Tình yêu Thiên Chúa, khi được thể hiện qua những hành động cụ thể, sẽ trở thành nguồn sức mạnh thiêng liêng cho mọi người và là lời chứng hùng hồn nhất cho niềm tin Kitô giáo. Qua đời sống linh đạo và dấn thân, mỗi người Kitô hữu có thể góp phần lan tỏa tình yêu và sự cứu độ của Thiên Chúa đến mọi ngõ ngách của thế giới, thực hiện sứ mạng truyền giáo mà Đức Kitô đã trao phó.

Hồi tâm

1) Bạn kinh nghiệm sống linh đạo truyền giáo như thế nào trong đời sống thường ngày, đặc biệt qua các tương quan trong gia đình và cộng đoàn?

2) Bằng cách nào bạn thực hiện bổn phận của mình như thành viên của cộng đoàn Dân Chúa? Bằng cách nào bạn có thể đóng góp tích cực hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội?

3) Bạn có sẵn lòng để Thần Khí Chúa hướng dẫn cuộc sống và những quyết định của mình không? Điều gì có thể cản trở bạn trong việc đáp lại tiếng gọi này?

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Nguồn: hdgmvietnam.com