Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ban Nghiên Huấn
**********
THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 4/2025
Chủ đề: Hiệp thông và trách nhiệm thi hành sứ mạng
BÀI 2: MỤC VỤ THĂM VIẾNG VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI BỆNH, NGƯỜI GIÀ VÀ NHỮNG NGƯỜI BỊ GẠT RA
Đức Thánh cha Phanxicô trong tự sắc “Spes non confundit” đã nói: “Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng”[1].
Trong ý hướng này, ngài mời gọi mỗi Kito hữu hãy mang dấu chỉ niềm hy vọng đến cho thế giới hôm nay đặc biệt, chúng ta “phải đem lại những dấu chỉ hy vọng cho các bệnh nhân, ở nhà hay ở bệnh viện. Phải xoa dịu những đau khổ của họ bằng cách thăm nom trong tình yêu thương và sự gần gũi. Những nghĩa cử của lòng thương xót cũng là những nghĩa cử của niềm hy vọng sẽ khơi lên tâm tình biết ơn trong lòng[2]. Kế đến “Những người cao tuổi cũng xứng đáng được có những dấu chỉ hy vọng, những người này thường trải qua nỗi cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi. Cộng đồng Kitô giáo và xã hội dân sự có trách nhiệm trân trọng kho báu là chính người cao tuổi, trân trọng kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan và những đóng góp của họ. Cộng đồng Kitô giáo và xã hội dân sự được kêu gọi cùng nhau hợp tác để xây dựng sự liên minh giữa các thế hệ.[3] Ngoài ra Đức Thánh cha cũng mời gọi chúng ta cũng phải mang dấu chỉ của niềm hy vọng đến cho những người nghèo, những con người mà hằng ngày chúng ta gặp gỡ, đôi khi có thể là những ở bên cạnh chúng ta, “họ thường không có nhà ở hoặc không có đủ thức ăn hằng ngày. Họ phải chịu đựng sự loại trừ và thờ ơ của nhiều người”[4].
Với định hướng nầy, mỗi người Kito hữu chúng ta phải lên đường mang dấu chỉ niềm hy vọng qua sự gặp gỡ và sẻ chia.
* Gặp gỡ:
Trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng Đức Phanxicô đã nói: “Sự gần gũi của Hội Thánh với Chúa Giêsu là một phần của một hành trình chung; “hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau”, vì thế ngài khẳng định: ”‘Hội Thánh hôm nay thấy tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi. Niềm vui của Tin Mừng được dành cho mọi người: không thể loại trừ ai”[5]. Cũng trong ý hướng nầy, mỗi người chúng ta được mời gọi lên đường để gặp gỡ nhũng người mà chúng ta cần mang dấu chỉ niềm hy vọng đến chon họ
– Với bệnh nhân: Đức Phanxico đã coi việc gặp gỡ các bệnh nhân là một sứ vụ chính Chúa gởi trao. Cuộc gặp gỡ bệnh nhân không chỉ dừng lại là một gặp gỡ nẩy sinh từ lòng thương cảm phát xuất từ tình cảm của con người, nhưng đây còn là một sứ vụ, một hành vi mang tính thánh thiêng, vì qua cuộc gặp gỡ bệnh nhân chúng ta như đang ôm ấp lấy những cơn đau d, và sự thất vọng của bệnh nhân do bệnh tật gây ra, để từ đó chúng ta giúp bệnh nhân hiểu được giá trị của khổ đau thể xác và tình yêu Chúa tỏ bày qua bệnh tật. Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần IV của Đức Thánh Cha Phanxico công bố ngày 27/1/2025, ngài đã nói: “Khi Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi truyền giáo (x. Lc 10,1-9), Người khuyến khích các ông nói với các bệnh nhân: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” . Nói cách khác, Người yêu cầu các ông giúp họ nắm bắt được cơ hội gặp gỡ Chúa trong bệnh tật, ngay cả khi nó là đau đớn và khó hiểu. Quả thế, trong bệnh tật, nếu một mặt chúng ta cảm thấy tất cả sự mong manh thụ tạo của mình về thể chất, tâm lý và tinh thần – thì mặt khác, chúng ta cảm nghiệm được sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, Đấng, trong Chúa Giêsu, đã chia sẻ nỗi đau khổ của chúng ta. Ngài không bỏ rơi chúng ta và thường làm chúng ta ngạc nhiên với việc ban cho chúng ta một sức mạnh mà chúng ta không bao giờ nghĩ mình có và sẽ không bao giờ tự mình tìm được” [6]
– Với người già: việc gặp gỡ và đồng hành với người cao tuổi cũng là hành vi mang tính hiệp hành của Giáo Hội, bởi các ngài được mời gọi tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội theo hình thức riêng biệt có khi còn độc đáo. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nói: một chân trời mới cho công việc tông đồ của những người cao tuổi được mở ra: “đó là một nhiệm vụ mà họ phải can đảm đón nhận bằng cách cương quyết vượt thắng cám dỗ muốn thu mình lại, luyến tiếc một quá khứ không bao giờ trở lại nữa, và từ chối dấn thân trong hiện tại, vì gặp những khó khăn trong một thế giới không ngừng đổi mới; ngược lại, họ phải luôn ý thức rõ hơn về vai trò cá nhân của mình trong Giáo Hội và trong xã hội, bởi vì vai trò này không mất đi do tuổi tác, nhưng chỉ mang những khía cạnh mới, như lời tác giả thánh vịnh: “Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng” (Tv 92,15-16)[7]. Thế nhưng phần nhiều người lớn tuổi thường lãng quên công việc tông đồ này do thất vọng vì thường bị người trẻ nhìn bằng những ánh mắt lạnnh lùng và coi người cao tuổi là thành phần “vô tích sự” “vô ích” hoặc là “gánh nặng không chịu nổi”.
Do đó, sự gặp gỡ và đồng hành với người cao tuổi là điều mà Giáo hội yêu cầu mỗi người trong chúng ta phải thi hành để khơi dậy sứ vụ tông đồ nơi người cao tuổi. Trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ I, Đức Thánh Cha nêu lên vấn đề:“Ai có thể chắp cánh ước mơ của người già và biến chúng thành hiện thực, nếu không phải là người trẻ? Tuy nhiên, để có được điều này, chúng ta cần phải tiếp tục ước mơ. Ước mơ của chúng ta về công lý, về hòa bình, về tình liên đới có thể giúp những người trẻ chúng ta có những cái nhìn mới; bằng cách này, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng tương lai”[8]. Vì thế Đức thánh cha Phanxi-cô đã khích lệ “Như Đức Maria đã làm cho bà Elizabeth, Thiên Chúa muốn những người trẻ mang lại niềm vui cho tâm hồn của những người cao tuổi, và rút ra sự khôn ngoan từ những trải nghiệm của họ”[9]
– Với người nghèo. “Giáo hội, Dân Thiên Chúa, cần bước đi cùng nhau, mang lấy gánh nặng nhân loại, lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, sửa đổi chính bản thân và hoạt động của mình, trước hết bằng cách lắng nghe tiếng nói của người thấp cổ bé họng, là số sót [anawim] theo Kinh thánh Do Thái, tức những người nằm ở tâm điểm đối với sứ vụ công khai của Đức Giêsu”.[10] Vì thế, trong năm thánh 2025, Đức thánh cha Phanxico mời gọi mỗi người Kito hữu phải mang niềm hy vọng đến cho những con người được gọi là “tài sản của Giáo Hội”. Đức thánh cha nhắn nhủ: “Nếu có những người nghèo đang sống gần gũi với chúng ta mà họ tìm kiếm sự bảo vệ và giúp đỡ, thì vào ngày Chúa Nhật, chúng ta hãy đi đến với họ: Điều này sẽ trở thành một cơ hội thuận tiện để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng chúng ta đang kiếm tìm. Theo giáo huấn của Kinh Thánh (xc. St 18,3-5; Dt 13,2), chúng ta hãy mời họ như là những người khách quý vào bàn ăn của chúng ta. Họ có thể trở thành những vị thầy, và những vị thầy này sẽ giúp chúng ta sống Đức Tin của mình cách nhất quán hơn. Với niềm tin tưởng của mình và với việc sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ, qua một cách thức đơn giản mộc mạc nhưng thường là vui mừng, họ sẽ chỉ cho chúng ta biết việc sống những điều căn bản cũng như việc hoàn toàn giao phó bản thân mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa, quả là quan trọng biết chừng nào.[11]
* Sẻ chía
Trong tiến trình gặp gỡ, mỗi người chúng ta chắc chắn đều thực hiện từ sức mạnh của một tình yêu trao ban, vì hành vi gặp gỡ không chỉ là một tình cảm hời hợt chóng qua,do bởi tình yêu chỉ là một cảm xúc nhất thờ, thì sự gặp gỡ không thể là dấu chỉ của niềm hy vọng, bởi gặp gỡ luôn hướng tời việc trao ban sẻ chia. Thật vậy, tình yêu mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta thể hiện luôn là một tình yêu hướng tới việc trao ban, sồn vì tha nân. Sự trao ban là chiều kích kiện toàn tình yêu, và nói như Đức Bê-nê-dic-tô XVI: “con người cách nào đó chưa toàn vẹn, tự bản tính, con người luôn đi tìm tha nhân, thành phần cấu thành nên mình để được nên trọn vẹn”.[12]
Sẻ chia với bệnh nhân. Việc trao ban là hành vi bác ái Kitô giáo, nhưng nó không chỉ đóng khung trong yếu tố vật chất, trái lại hành vi đức ái Kitô còn hướng tới yếu tố tinh tần, chẳng hạn trong việc gặp gỡ với bệnh nhân. Vậy chúng ta sẻ chia điều gì cho bệnh nhân khi chúng ta đến gặp gỡ họ? Chắc chắn trước tiên chúng ta cho họ thời giờ, vì điều bệnh nhần chờ đợi nơi chúng ta là lắng nghe họ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, lắng nghe lời tâm sự về nỗi đau tinh thần cũng như thể xác do cơn bệnh gây ra, tâm trạng bất an và cảm thấy tự ti và trầm cảm do tình trạng bệnh của mình và trở thành gánh nặng cho người thân trong gia đình. Việc lắng nghe làm cho bệnh cảm nhận được chia sẻ, được động viên động viên, bởi khi lắng nghe chính là dành thười gian im lặng nhằm khuyến khích người bệnh nói. Im lặng để giúp chúng ta có thời gian quan sát người bệnh trong khi họ đang cố gắng giao tiếp bằng lời, quan sát kỹ hành động, nét mặt, dáng vẻ, thái độ… Qua đó chúng ta có thể hiểu thêm, hiểu sâu về bản chất của bệnh tật của người bệnh và thấy rõ hơn về nhu cầu của họ.
Hơn nữa khi chúng ta cho đi thời gian dành cho bệnh nhân không có nghĩa là mất, nhưng chính lúc đó chúng ta lại nhận được. Đức Phanxico đã nói: “Bao nhiêu lần, bên giường bệnh của những người đau ốm, chúng ta học được cách hy vọng!” Ngài viết: “Bao nhiêu lần, nhờ sự gần gũi với những ai đau khổ, chúng ta học được cách có niềm tin! Bao nhiêu lần, khi chúng ta chăm sóc những người cần giúp đỡ, chúng ta khám phá ra tình yêu”[13]. Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã cho chúng ta trải nghiệm quí giá khi chúng ta gặp gỡ bệnh nhân: “Khi đó bệnh tật trở thành cơ hội cho một cuộc gặp gỡ làm thay đổi chúng ta, khám phá ra một tảng đá không thể lay chuyển mà chúng ta có thể bám vào để đối mặt với những giông bão của cuộc đời. Đó là một trải nghiệm khiến chúng ta mạnh mẽ hơn ngay cả trong sự hy sinh vì chúng ta ý thức rõ hơn việc chúng ta không cô đơn. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng nỗi đau luôn mang trong mình một mầu nhiệm cứu rỗi: nó làm cho chúng ta cảm nghiệm được niềm an ủi gần gũi và thực sự đến từ Thiên Chúa, đến mức “biết được sự viên mãn của Tin Mừng với tất cả những lời hứa và cuộc đời của Người”[14]
– Sẻ chia với người cao tuổi, cũng giống nhừ cuộc gặp gỡ với bệnh nhân, người cao tuổi cũng cần chúng ta cho các ngài thời gian để lắng nghe. Người già chỉ chỉ cần có người tự nguyện nghe họ nói chuyện, tâm sự đã giúp họ giải tỏa lo lắng, sợ hãi, giúp các ngài vượt qua nỗi cô đơn đang dày vò vì mang tâm trạng bị bỏ quên. Khi chúng ta lắng nghe không chỉ là giúp người già giải tỏa những nỗi bức xúc về chuyện con cái bỏ rơi, không quân tâm, nhưng chúng ta cũng đang nhận lại được những kinh nghiệm sống mà các ngài đã trải qua. Quả thật “Tuổi già là giai đoạn thích hợp nhất trong cuộc đời để truyền bá niềm vui rằng cuộc sống là bước khởi đầu cho một sự viên mãn cuối cùng. Người cao tuổi là một lời hứa, một chứng nhân của lời hứa. Điều tốt đẹp nhất vẫn chưa tới. Điều tốt nhất vẫn chưa đến: Đây chính là sứ điệp của những tín hữu cao niên”[15].
Đức Phanxico đã dạy: Sự khôn ngoan của cuộc hành trình dài đi cùng với tuổi già cho đến lúc kết thúc của nó phải được cảm nghiệm như một quà tặng ý nghĩa cho cuộc sống … Tuổi già là một quà tặng cho mọi giai đoạn của cuộc đời. Nó là một quà tặng của sự trưởng thành, của sự khôn ngoan. … khi người già truyền đạt ước mơ của mình, thì người trẻ sẽ thấy rõ họ phải làm gì.[16] Vì những cao tuổi là những người “đầy niềm tin và kinh nghiệm sống để trao lại cho các thế hệ trẻ. Mong sao họ được nâng đỡ với lòng biết ơn của các con cháu, những người tìm thấy nơi họ một chỗ dựa, niềm cảm thông và sự khích lệ”[17]
– Sẻ chia với người nghèo
Sẻ chia với người nghèo được hiểu là thực thi đức ái Kito giáo, đây được coi như “một trong các hoạt động cơ bản, cùng với việc trao ban Bí tích và công bố Lời Chúa. Yêu mến các cô nhi quả phụ, những kẻ tù đày, các bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức, cũng thiết yếu không kém tác vụ ban Bí tích và công bố Tin Mừng. Hội thánh không thể chểnh mảng trong phục vụ bác ái cũng như không thể chểnh mảng trong Bí tích và Lời Chúa”. [18] Mọi hành vi bác ái của chúng ta phải bắt nguồn từ tình yeu Đức Kitô thôi thúc, “những người có con tim được tình yêu của Đức Kitô chiếm hữu, và khơi lên tình yêu mở rộng cho tha nhân”[19], để quả quyết như thánh Phao-lô “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách tôi” (2Cor 5,14). Vì thế việc thực thi đức ai luôn biểu lộ tính vô vị lợi, tất cả vì thiện ích của người nghèo, do đó Đức ái Kitô giáo không đóng khung trong những yếu tố vật chất, nhưng “yêu cầu chúng ta đi xa hơn những trợ giúp xã hội, khi biết lắng nghe tiếng nói của họ và hành động để vượt qua tất cả những gì cản trở sự phát triển vật chất và tinh thần của họ. … Tin Mừng có thể soi sáng cho chúng ta để tìm ra những cách thức sáng tạo để thực hành đức ái được kiến tạo trong đức tin và đâm rễ trong đức cậy; đức ái này có thể chữa lành thế giới bị thương tích và thăng tiến lợi ích thật sự cho toàn thể gia đình nhân loại.[20]
Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong quyển Đường Hy Vọng số 741 có viết : “Đừng nghĩ có tiền mới có thể làm bác ái? Chúng ta có thể bác ái bằng một nụ cười, một cái bắt tay, một sự cảm thông, một lần đi thăm viếng hay dâng những lời cầu nguyện nhỏ bé. Nhiều người kém may mắn không cần cái bạn cho, bằng cái họ hiểu bạn thương họ”. Việc làm bác ái phải là ưu tiên số một của bạn: “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,10).
Trong sứ điệp Mùa chay 2025 Đức Phanxico đã kêu gọi: “ Trong Mùa Chay này, khi chúng ta cùng nhau chia sẻ ân sủng của Năm Thánh, tôi muốn gợi lên vài suy tư về ý nghĩa của việc cùng nhau bước đi trong hy vọng và về lời kêu gọi hoán cải mà Thiên Chúa đã thương xót gửi đến tất cả chúng ta, như là những cá nhân và cộng đoàn….. Lời kêu gọi hoán cải đầu tiên xuất phát từ nhận thức rằng tất cả chúng ta đều là những người hành hương trong cuộc sống này; mỗi người chúng ta được mời gọi dừng lại và tự hỏi cuộc sống của chúng ta phản ánh sự thật này như thế nào. Tôi có thực sự đang bước đi hay đang đứng yên, bất động, bị tê liệt vì sợ hãi và tuyệt vọng hay không muốn bước ra khỏi vùng an toàn của mình?”[21]. Năm thánh 2025 thúc đẩy chúng ta cùng nhau lên đường để gặp gỡ “sống cụ thể niềm hy vọng” qua việc chúng ta “cộng tác với người khác “ân cần chào đón, bằng những cử chỉ cụ thể, cả những người ở gần lẫn những người ở xa”, cùng chung tay sẻ chia tình yêu thương và “dấn thân xây dựng công lý và tình huynh đệ, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, và theo cách mà không một ai bị loại trừ “[22]
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Đức Phanxicô, Tự sắc Spes non confundit, số 1
[2] Nt số 11.
[3] Nt số 14
[4] Nt số 15.
[5] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 23.
[6] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần IV, công bố ngày 27/1/2025, số 1
[7] Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, Tông huấn Christifidei laici, số 48.
[8] Đức Phanxico, Sứ điệp về ngày thế giới Ông bà và người cao tuổi lần I, công bố tại Roma ngày ngày 31-5-2021
[9] Đức Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ III công bố tại Roma ngày 15-06-2023.
[10] Đức hồng y Michael Czerny SJ, Uu tiên lựa chọn người nghèo và con đường phía trước, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-tro-nen-hiep-hanh-phan-2-uu-tien-lua-chon-nguoi-ngheo-va-con-duong-phia-truoc-44620
[11] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 1 năm 2017, công bố tại Vatican ngày 13 tháng 06 năm 2017, số 7.
[12] Đức Bênêđictô XVI, Deus Caritas est, số 11.
[13] Đức Phanxico, sứ điệp ngày thế giới bệnh nhân lần thứ 33, được công bó vào ngày 7-1-2025 tại Roma
[14] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn cho giới trẻ, New Orleans, ngày 12 tháng 9 năm 1987
[15] Đức Phanxicô. Sứ điệp nhân Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi lần thứ II, công bố ngày 10-5-2022 tại Roma.
[16] Đức Phanxico, Giáo lý về tuổi già, Bài 1: Thời gian ân sủng và sự liên kết các lứa tuổi của cuộc đời, ngày 23-2-2022
[17] Đức Phanxicô, Tự sắc Spes non confundit, số 14
[18] Đức Bê-nê-đic-tô, thông điệp “Deus caritas est”, số 22
[19] Nt, số 33.
[20] Đức Phanxico: “Chọn lựa ưu tiên vì người nghèo là câu trả lời của Tin Mừng”, diễn từ sáng thứ tư ngày 19-08-2019, nguồn https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-08/tiep-kien-chung-dai-dich-chon-lua-uu-tien-vi-nguoi-ngheo-duc-ai.htmlthông ddiejp thiên cháu là tinh yêu
[21] Đức Phanxico, Sứ điệp mùa chay 2025 : chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng, ban hành ngfy 04/03/2025. Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-2025-cua-duc-thanh-cha-chung-ta-hay-cung-nhau-buoc-di-trong-hy-vong
[22] Nt.
Lm. Antôn Hà Văn Minh
Nguồn: hdgmvietnam.com