Ủy ban Giáo dân – Tháng 02/2025: Bài 3 – Thái độ cởi mở và tôn trọng…

21/02/2025

Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ban Nghiên Huấn

THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 02/2025

BÀI 3 – THÁI ĐỘ CỞI MỞ VÀ TÔN TRỌNG:

NHẠY BÉN TRONG GIAO TIẾP VỚI CÁC NỀN VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO

“Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính Công giáo và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập (x. Mc 16,16), Hội Thánh dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người” (AG, 1), cho nên mọi Kitô hữu đều có nghĩa vụ và quyền lợi để đi khắp nơi và đến với muôn dân.

Nhưng chúng ta phải ra đi gặp gỡ mọi người với một tâm thế như thế nào, vì mỗi người đều có những hoàn cảnh sống khác nhau, có những suy tưởng hành động khác nhau, sống trong các nền văn hóa tôn giáo khác nhau. Cho nên “Thay vì tỏ ra muốn áp đặt những bó buộc mới, người Kitô hữu phải tỏ ra như là những người muốn chia sẻ niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự một bữa tiệc ngon. Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng “bằng sức thu hút” (EG, 14). Chúng ta cần phải có thái độ cởi mở và tôn trọng với tất cả mọi người.

Trước hết chúng ta cần phải cởi mở tâm trí chúng ta, nhận biết rằng Thiên Chúa là Cha chung cho tất cả mọi người và tất cả đều là anh chị em của nhau. Mở ra tâm hồn để có thể thấy được Thiên Chúa là Tình yêu thương (1Ga 4,8), để có thể sống được với niềm vui của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã trao tặng và để đón nhận ân ban của Thần Khí.

Chúng ta cũng cần phải mở ra con người của mình với tất cả chúng sinh. Mở ra để nhận biết được những điều hay lẽ phải nơi các nền văn hóa khác và nơi các tôn giáo trên toàn thế giới; để nhận biết rằng mỗi người đều có nhân phẩm, lý trí, ý chí, tự do… cho riêng mình.

Như “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”; “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng ta cần phải có tinh thần tôn trọng với các nền văn hóa và tôn giáo của tha nhân. Trong Lời Chúa mời gọi đi loan báo Tin Mừng, chúng ta phải ra khỏi chính mình trong không gian và thời gian để trao ban mọi người, vì tha nhân và vì Tình yêu Thiên Chúa để phục vụ, chia sẻ trong tinh thần yêu thương và tôn trọng nhau.

Trong khi vẫn giữ vững Chân lý Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người và là Đấng Cứu Rỗi duy nhất của trần gian, chúng ta cũng cần phải có tâm tình và hành động tôn trọng các nền văn hóa và tôn giáo khác với chúng ta. Có những giá trị nhân bản rất cao quý nơi các văn hóa tôn giáo khác, cụ thể như ở Việt Nam người dân rất hãnh diện về các giá trị tôn giáo của mình, có tinh thần gia đình và ý thức về cộng đồng, yêu thiên nhiên, tôn trọng sự sống, đơn sơ chăm chỉ hòa đồng…

Vì thế, khi hiệp thông chia sẻ loan báo Tin Mừng cho tha nhân, chúng ta cần phải nhận ra những điểm chung tốt lành của nhau và cùng tìm kiếm Chân lý qua những dị biệt với nhau, không phải trong sự chạm trán và đối nghịch nhưng trong tinh thần bổ sung và hòa hợp, chỉ trong tinh thần hiệp hành, lắng nghe chứ không đưa đến tranh luận rồi thành võ luận. Không quá khích, gây mâu thuẫn, chống đối nhau nhưng biết dung hòa và quân bình để chấp nhận nhau. Chúng ta cần phải thành thật và khách quan tìm hiểu về các nền văn hóa và các tôn giáo khác.

Như vậy, chúng ta cần phải cởi mở và tôn trọng những khác biệt của nhau về văn hóa, tôn giáo cũng như chấp nhận những quan điểm ý tưởng của người khác, cởi mở và tôn trọng lắng nghe ý kiến lập trường của người khác, khiêm nhường tìm hiểu học hỏi những điều chân thiện mỹ nơi các nền văn hóa và tôn giáo khác và nơi tha nhân để cùng nhau đi tìm Sự Thật toàn vẹn, tìm được về nơi Chân Lý Tuyệt Đối là Ông Trời, là Thượng Đế…, là Thiên Chúa của chúng ta. 

Hồi tâm:

1. Bạn đã giao tiếp, tương quan như thế nào với các tín đồ tôn giáo khác và những người sống trong một nền văn hóa khác trong địa bàn Giáo xứ của bạn?

2. Khi tiếp xúc các tín đồ tôn giáo khác và những người sống trong một nền văn hóa khác, họ có thể giúp bạn xóa bỏ những thành kiến, hiểu lầm về họ và tôn giáo của họ; giúp bạn hiểu biết họ nhiều hơn, coi họ cũng chân thành như bạn trong việc đi tìm chân lý, tìm ý nghĩa cuộc đời, cũng bận tâm như bạn về công lý, về hòa bình, về quyền con người … Bạn có sẵn lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình tiếp xúc với họ không?

3. Khi giao tiếp với các nền văn hóa và tôn giáo khác, bạn có thấy chỗ đứng của các nền văn hóa và tôn giáo trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa không? Và bạn nhìn các nền văn hóa và tôn giáo khác như những người đồng hành hay như những đối thủ cạnh tranh?

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn