Ủy ban Giáo dân – Tháng 01/2025: Bài 3 – Gặp gỡ và Loan Báo Tin Mừng

27/01/2025

Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ban Nghiên Huấn

THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 01/2025

Chủ đề: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng

BÀI 3 – GẶP GỠ VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG

Định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025, là năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng.” Nguồn sức mạnh của năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” này sẽ được kín múc từ ân huệ Năm Thánh của Giáo hội hoàn vũ: “Những người hành hương trong hy vọng.” Chỉ có Chúa mới làm cho công việc loan báo Tin Mừng của Giáo hội sinh được hoa trái. Tuy nhiên, Chúa cần sự cộng tác của mỗi Kitô hữu cho công cuộc của Ngài hầu ta ra đi và sinh được hoa trái.

Loan báo Tin Mừng là lệnh truyền của Đấng Cứu thế: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành là truyền giáo” (Ad Gentes 2). Để sứ vụ này đạt hiệu quả, ta không chỉ cần đến niềm tin mạnh mẽ, mà còn đòi hỏi sự am hiểu và tinh tế trong cách tiếp cận, giúp đến gần hơn với cộng đồng mà ta muốn tiếp cận. Người viết xin đề nghị một vài bước bước tiếp cận cần thiết để đạt được hiệu quả trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

1. Những bước chuẩn bị cần thiết

Thứ nhất là cầu nguyện và hy sinh. Cầu nguyện và hy sinh chính là linh hồn của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Cầu nguyện luôn là nguồn mạch không thể thiếu, là nơi con người kết nối với Thiên Chúa và đón nhận Ân sủng từ Ngài. Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, cầu nguyện không chỉ như là một thói quan cá nhân, mà còn là một hành động của cộng đoàn, nơi mọi người cùng hướng về Thiên Chúa; đồng thời, sự hy sinh của mỗi người cũng góp phần làm cho lời cầu nguyện của ta thêm sức mạnh, giúp mỗi người bỏ qua sự ích kỷ và dấn thân sâu hơn vào sứ vụ.

Thứ hai là trang bị những kiến thức về Đức tin. Thế giới ngày nay đang tràn ngập thông tin đa chiều, nhiều người vì vậy mà cảm thấy hoang mang, khó nhận biết đâu là sự thật. Việc trang bị kiến thức đức tin trở thành điều vô cùng cấp thiết cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Hiểu rõ Kinh Thánh, nắm vững giáo lý và các vấn đề căn bản về đức tin là cách giúp người Công giáo tự tin khi đối diện với các câu hỏi từ những anh chị em ngoài Công giáo, đồng thời tạo dựng niềm tin vững chắc vào Giáo hội. Đức tin không phải là một kho kiến thức tĩnh lặng; trái lại, đức tin cần được chia sẻ một cách ngắn gọn và rõ ràng, giúp mọi người cảm nhận đức tin không chỉ là một truyền thống mà còn là một trải nghiệm sống động.

Thứ ba là gieo mầm Đức tin. Một trong những cách đơn giản mà hiệu quả để truyền tải đức tin là gieo mầm, từ những món quà nhỏ bé nhưng chứa đựng ý nghĩa. Khi làm việc tại tỉnh Điện Biên, người viết thường tặng quyển sách “Đạo Yêu Thương” của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm cho các vị chính quyền và anh chị em ngoài Công giáo; hay giới thiệu các đường liên kết tới một bài giảng online của các Linh mục hay Giám mục có uy tín, tất cả đều có thể trở thành “ân sủng” chạm vào trái tim người nhận. Người viết cũng thường tận dụng từng cuộc trò chuyện để gieo vào lòng người ngoài Công giáo hạt giống đức tin, mở ra cánh cửa đón nhận thông điệp yêu thương của Thiên Chúa.

2. Lắng nghe và đối thoại

Loan báo Tin Mừng không phải là việc chỉ đơn giản nói lên niềm tin của mình, mà trước hết là biết lắng nghe. Lắng nghe với sự đồng cảm, không phán xét, là bước đầu để hiểu được những trăn trở và tổn thương của người khác. Lắng nghe sâu sắc là để hiểu những khía cạnh mà Giáo hội cần nhìn nhận và đồng hành cùng họ trên con đường chữa lành và hòa giải.

Việc mở rộng cuộc đối thoại là một bước quan trọng tiếp theo sau lắng nghe. Người Công giáo cần biết cách tìm lời giải đáp thích hợp cho những nỗi lòng còn dang dở của người khác. Nếu ai đó nói rằng họ cảm thấy không được chăm sóc về mặt tinh thần, chúng ta có thể giới thiệu về vẻ đẹp của Bí tích Thánh Thể. Nếu họ thấy Giáo hội đầy dẫy sự giả tạo, ta hãy kể về những câu chuyện đầy lòng thương xót và những tấm gương thánh thiện. Để đưa đức tin đến gần người khác, ta cần một trái tim rộng mở, một phong thái loan báo Tin Mừng đủ mạnh để đi vào một nền văn hóa mới. Phong thái ấy chính là tình yêu, lòng kiên nhẫn và sự nhạy cảm với những con người và số phận mà ta gặp gỡ, tiếp xúc.

Qua các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, ta mời gọi anh chị em ngoài Công giáo tham gia các sự kiện ý nghĩa của Giáo xứ, chẳng hạn như buổi dâng Hoa, buổi chia sẻ về đời sống gia đình … , có thể giúp người ta cảm nhận sự gần gũi và hiếu khách của Giáo hội. Đây là cơ hội để họ thấy một cộng đồng tràn đầy sức sống, sẵn sàng đón nhận họ trong tinh thần yêu thương và đùm bọc. Thay vì đưa họ trực tiếp đến Thánh lễ, nơi có thể khiến họ cảm thấy lạc lõng, một trải nghiệm nhẹ nhàng và thân mật sẽ giúp họ dễ dàng hòa nhập và mở lòng hơn.

Và bước cuối cùng, nhưng cũng là bước quan trọng nhất, là giúp anh chị em ngoài Công giáo đến với lớp giáo lý tầm đạo. Tại đây, họ sẽ tham gia các buổi gặp gỡ thân mật, họ trực tiếp kết nối và cảm nhận tình thương của cộng đoàn đức tin. Hành động này có thể là sự gắn kết quyết định, giúp họ cảm nhận được tình yêu và lòng bao dung của Thiên Chúa qua Giáo hội.

Tóm lại, những bước tiếp cận trên không quá phức tạp và có thể dễ dàng thực hiện trong đời sống hàng ngày của người Kitô hữu. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, mỗi hành động nhỏ bé của ta đều có thể là một ngọn nến dẫn lối cho anh chị em ngoài Công giáo về bên Chúa. Hãy cầu nguyện, hãy lắng nghe, hãy chia sẻ và hãy cùng nhau thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng, trở thành những chứng nhân sống động cho tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.

Hồi tâm

1) Bạn đã dành thời gian và không gian nào để cầu nguyện, như một cách chuẩn bị tâm hồn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng trong gia đình và cộng đồng?

2) Bạn làm gì để lắng nghe và đồng cảm với những người xung quanh, đặc biệt là những người có quan điểm hoặc hoàn cảnh sống khác biệt?

3) Qua những hành động cụ thể nào, bạn có thể gieo “hạt giống đức tin” nào vào cuộc sống của người thân và bạn bè?

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn

Nguồn: hdgmvietnam.com