Cũng trong tháng này, cách nay 32 năm, tôi chính thức trở thành một ông bố lần đầu tiên. Trước khi về nhà trong cái đêm tuyệt vời ấy, tôi suy nghĩ về những chuyện xảy ra trong ngày – và cảm thấy hơi sợ một xíu khi nhận ra là mình chẳng hề có chút ý niệm nào về việc làm cha.
Tôi chẳng hề biết thay tã, chải tóc và mặc đồ cho búp bê. Tôi cũng chẳng biết dạy làm toán hay dạy đọc viết, đá banh đá bóng, giúp đám trẻ làm hoà với bạn trai, bạn gái của chúng.
(May mắn là, con gái đầu lòng này và ba cô cậu sau đó, có được một người mẹ biết cách xoay xở, và xoay xở khá nhanh với những thứ này, hay ít nhất cô ấy cũng biết cách thích ứng từ từ cho đến khi thành thục với những việc ấy).
Còn về phần tôi… tôi vẫn không thể thích ứng hay bắt kịp. Và tôi e sợ là mình sẽ mãi mãi chẳng thể bắt kịp.
Bởi vậy trong cái đêm đầu tiên ấy, tôi sững sờ trước chiếc xe đẩy trẻ sơ sinh của bệnh viện, trên đó bé con của tôi đang ngủ. Còn vợ tôi thì tranh thủ thiếp đi cạnh đó, tôi với tay ôm lấy Jessica. Nhắm mắt lại và thầm thĩ những lời thế này:
“Lạy Chúa, Chúa muốn con gánh vác trách nhiệm của một người cha. Con biết Chúa có lý khi làm thế… thế nhưng con không thấy tự tin trước trọng trách mà Chúa trao cho con. Điều duy nhất con có thể làm lúc này đây, là dâng Jessica cho Chúa. Xin chỉ cho con biết phải làm gì để yêu thương bé. Lạy Chúa, trước con bé, con thấy lòng mình dâng trào niềm trìu mến đến độ con không thể cầm lòng mình được. Con biết, con sẽ chẳng thể chịu đựng nổi khi thấy nó phải đau đớn hay tổn thương. Bởi vậy, con đưa ra giao kèo thế này với Chúa, không biết Chúa có chịu không? Giả như con bé có phải chịu đau khổ, xin Chúa cứ trút xuống trên con. Những tai bay vạ gió trong đời xin cứ trút đổ trên con. Hãy cứ để tim con hứng chịu những nát tan, rạn vỡ. Hãy dành trọn hạnh phúc cho con của con, và để con hứng chịu tất cả những đau khổ”.
Tôi đã cầu nguyện bằng cũng những lời giống như vậy khi sinh những đứa con khác.
Quả thực, tôi đã không ngừng thầm thĩ những lời cầu nguyện ấy lúc rời bệnh viện trong cái ngày các con tôi sinh ra. Thường thì, tôi đi làm và chỉ về nhà khi đã khuya, lúc mọi người trong nhà đã ngủ say. Dù khi chúng còn bé thơ hay đã đến tuổi teen, tôi cũng thường đứng trước cửa phòng ngủ hoặc nhìn ngắm chúng đang ngủ trên giường. Tôi tận hưởng cảm giác an bình và cám ơn Chúa thay cho chúng. Tôi lại giơ tay lên và thầm thĩ cũng những lời ấy:
“Con xin đón nhận những khổ luỵ chúng phải chịu, lạy Chúa, xin hãy cho con thay chúng chịu lấy tất cả.”
Đấy có phải là lời cầu nguyện của ông bố biết yêu thương con cái? Có lẽ, đúng một phần. Nhưng, có cái gì đó hơi lệch lạc.
Tất cả những gì chúng ta phải làm là nhìn lên thập giá, để nhận ra rằng, ước muốn kia của tôi, ước muốn được nhận thay những đau khổ cho con cái của mình, chính là vang vọng cái ước muốn của chính Thiên Chúa. Và với quyền năng vô lượng vô biên, Người có thể hiện thực hoá ngay ước muốn đó. Người đã chịu khổ nạn, chịu chết hầu chúng ta không phải chết – ít ra là không phải chết đời đời.
Nhưng cùng lúc, bằng sức mạnh và sự sáng tạo của thượng trí Người, cùng với sự tôn trọng lý trí tự do của chúng ta, Người vẫn có cách để rút ra được những điều tốt lành từ những khốn khó, đau thương mà chúng ta tự gây ra cho mình do bởi tội nguyên tổ và những tội lỗi kế tiếp. Bởi vậy, có lẽ lời cầu nguyện của tôi nên được thêm vào những dòng sau, “Khi con của con gặp phải những thử thách trên đường đời, xin làm cho nó vững vàng tin tưởng rằng Chúa vẫn luôn ở ngay bên, để nó thấy rằng, nó không phải một mình chịu đựng khốn khó đó”.
Khi nhìn lại những thử thách đã qua trong đời, tôi nhận ra những điều Chúa đã làm. Đức tin yếu kém, không xứng hợp và vẫn còn phải được bồi đắp của tôi, đã được kiên cường thêm nhiều qua những thách đố. Cái chết của những người bạn, của ông bà. Tình trạng bấp bênh về công việc và tài chính. Đợi chờ kết quả xét nghiệm của ai đó, hay theo xe cấp cứu chở đứa con gái đến bệnh viện. Khi vợ tôi bị thương. Khi chứng hay lo lắng của tôi khiến tôi chẳng còn thiết gặp gỡ người thân hay bạn bè nữa, hay khi chứng trầm cảm đến hồi không thể chịu đựng được nữa, hầu như đẩy tôi đến chỗ có những hành động điên khùng. Trong những lúc ấy và trong nhiều dịp khác nữa, tôi đã nhận ra nơi duy nhất ân sủng trào tuôn.
Đôi khi, tôi cố tự mình xoay xở – và kết quả thật tệ hại. Có khi, tôi kêu gào cùng Chúa, xin Người dủ thương tôi trong cơn cùng khốn của mình. Và khi ấy, những vấn đề của tôi được giải gỡ, đức tin, đức mến của tôi thêm mạnh.
Bởi vậy, tôi đã thôi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện giống như hồi tôi sinh con đầu lòng nữa. Tôi không cầu nguyện như thế nữa cho các đứa cháu của tôi. Thay vào đó, tôi thốt lên, “Xin cho ý Cha thể hiện”.
Chúa có thể để cho những khổ luỵ lớn lao nhiều lần xảy tới cho các con cái của tôi. Mà xét cho cùng, thì đó là điều dễ hiểu, là chuyện thường tình sẽ xảy ra trong cái thế giới đã sa ngã này. Và khi phải chứng kiến những điều ấy, chính tôi sẽ đau khổ giống như chúng vậy. Thế nhưng tôi phải lấy lòng quả cảm để dám nhận ra sự sâu nhiệm trong thánh ý Thiên Chúa: Người để cho các con cái của Người phải chịu đau khổ, cũng là vì Người biết Người sẽ trìu mến đón đợi họ, sẽ gặp gỡ họ trong một cách thế khó hiểu, trong một cách thế mà chỉ Người mới biết được.
Vậy ra, Chúa có thể dạy cho, ngay cả một gã tay mơ, rốt cuộc lại trở thành một ông bố ngon lành đấy!
Mike Eisenbath(https://aleteia.org)
Hoàng Long chuyển dịch (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
(daminhvn.net)