Nhà chính là nơi mà toàn bộ tình cảm trong gia đình được gắn kết với nhau. Và vợ chồng giống như hai nửa của một quả cầu, thiếu một nửa thì không thể lăn tròn.
Nhà là nơi để yêu thương, chứ không phải là nơi để giảng lý; nhà cần phải là nơi yên bình, chứ không phải là nơi tranh cãi mãi không thôi; nhà cần có sự chân thành, chứ không nên giả tạo; nhà cần được tự do, chứ không nên ép buộc… Trong nhà nếu đầy ắp quan tâm, đầy ắp bao dung và nhường nhịn – đó sẽ là mái nhà hạnh phúc.
“Nhà” không phải là một khái niệm giản đơn. Nhà xã hội học nói nhà là tế bào của xã hội; nhà hôn nhân học nói nhà là thế giới của hai người nương tựa vào nhau.
Vậy rốt cuộc, thế nào mới đích thực là “nhà”?
Có câu chuyện kể rằng, một vị doanh nhân giàu có nọ say rượu nằm lướt khướt trên vỉa hè cách tòa biệt thự của ông không xa. Bảo vệ dìu ông dậy, nói rằng: “Ông chủ, hãy để tôi dìu ông về nhà!”. Vị doanh nhân hỏi lại người bảo vệ: “Nhà ư? Nhà của tôi ở đâu đây? Anh có thể dìu tôi về nhà được ư?”.
Người bảo vệ bối rối, chỉ về phía căn biệt thự cách đó không xa, nói: “Đó không phải là nhà của ông sao?”. Vị doanh nhân kia chỉ tay vào tim mình, lại chỉ về căn biệt thự lộng lẫy và trả lời rằng: “Đó không phải là nhà tôi, đó chỉ là phòng ốc của tôi mà thôi”.
Nhà không phải là phòng ốc, không phải là ti vi, không phải là cái tủ lạnh, cũng không phải là khoảng không gian do vật chất xây đắp nên. Vật chất phong phú dĩ nhiên có thể mang đến cho chúng ta một chút tiện nghi, nhưng đó chỉ là thứ vụt qua trong nháy mắt.
Thử nghĩ, nếu trong không gian đó tràn đầy bạo lực và chiến tranh lạnh, cùng nhà mà dường như khác ngõ, bằng mặt mà lại không bằng lòng,thì nhà lúc này sẽ không còn là “nhà” nữa mà trở thành một “bãi chiến trường”.
Xe hơi chẳng qua cũng chỉ là một vật trang trí của bãi chiến trường ấy mà thôi. Khó trách rất nhiều người giàu có lại thường hay đánh trống lảng rằng: “Tôi nghèo đến nỗi chỉ còn lại mỗi tiền!”.
Nhà là nơi vợ chồng thương yêu chăm sóc cho nhau. Có tình cảm chân thật thì nhà sẽ thăng hoa lên thành sức mạnh nâng đỡ tinh thần.
Nhà là nơi tụ hợp của tình yêu. Nhìn khắp thiên hạ, nhà đều là vì tình yêu mà hình thành, lại cũng vì không có tình yêu mà sớm ngày tan rã.
Nhà là bến tàu của tình cảm, là cái nôi để trưởng thành, là chỗ trú ngụ của linh hồn, là khu vườn vui vẻ khiến bản thân được là chính mình. Nhà chính là nơi mà toàn bộ tình cảm trong gia đình được gắn kết với nhau; khi có được nó, thì thấy tất cả đều bình thường như cơm áo gạo tiền; nhưng một khi đã đánh mất nó rồi, thì tìm thế nào cũng không tìm lại được nữa.
Không có sự hài hòa trong gia đình thì sẽ không có sự ổn định trong xã hội, không có bình an trong gia đình cũng không có trật tự trong xã hội, vậy nên nói: “Gia hòa vạn sự hưng”.
Vợ chồng giống như hai nửa của một quả cầu, thiếu một nửa thì không thể lăn tròn.
Vợ chồng cũng được ví như hai bàn chân, nếu muốn đứng vững, nếu muốn đi xa, ai ai cũng không rời xa ai được.
Vậy thì vợ chồng phải chung sống thế nào mới có thể khiến gia đình hòa thuận? Giữa vợ chồng cần phải có sự thấu hiểu, tin tưởng, tôn trọng, và khoan dung cho nhau. Cũng giống như nắm giữ cát trong tay, nếu siết tay càng chặt thì cát sẽ chảy ra càng nhanh; nhưng nếu ta mở lòng bàn tay, nắm cát sẽ ở đó mãi mãi.
Đàn ông là triết học, phụ nữ là thơ ca. Triết học mà không có thơ ca thì rất khô khan, còn thơ ca mà không có triết học lại trở thành nông cạn. Triết học là lý tính, còn thơ ca là cảm tính. Người đàn ông nếu muốn đọc hiểu thơ ca, thì cần phải làm rõ triết học của bản thân; người phụ nữ nếu muốn cảm ngộ được triết học, thì trước hết cần phải hiểu rõ bài thơ của đời mình.
Triết học có bề sâu cộng thêm thơ ca với vần vị thích đáng mới có được sự cộng hưởng hài hòa. Vậy nên thứ tốt nhất không nhất định phù hợp với bạn, còn thứ phù hợp với bạn mới là điều tốt nhất.
Người vợ hiền đức là tài sản quý báu nhất trong gia đình. Hiền đức của người phụ nữ trước hết là lý trí, kế đó là dịu dàng. Người phụ nữ ngốc nghếch cho rằng hiền đức là chịu thiệt thòi, còn người phụ nữ thông minh lại cho rằng hiền đức chính là báu vật. Người phụ nữ thông minh thường hay dát vàng lên mặt chồng, còn người phụ nữ ngốc nghếch lại hay ‘bôi tro trát trấu’ lên mặt đối phương — Vậy nên, người vợ mà xem thường chồng là bi kịch sâu sắc nhất trong gia đình.
Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ”. Làm sao để luôn gìn giữ mối quan hệ giữa vợ và chồng?
Quan hệ vợ chồng lý tưởng nhất, là thân mật nhưng có khoảng cách thích hợp, là thẳng thắn nhưng có giữ lại phần nào riêng tư; dẫu là hai người quyến luyến, thì mỗi người vẫn cần có khoảng trời riêng của mình.
Yêu một người, điều quan trọng không phải là thề non hẹn biển hay những lời đường mật có cánh, mà là thông qua những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống mà thể hiện ra tình cảm người ấy dành cho bạn — đó chính là mật mã của tình yêu.
Bí quyết để có thể chung sống lâu dài với người bạn đời là từ bỏ ý nghĩ thay đổi đối phương. Vì sự bền vững trong tình yêu, vì sự lý tưởng trong hôn nhân mỹ mãn, thì người vợ cần phải biết lấy lòng chồng, và người chồng cũng cần phải biết lấy lòng vợ. Còn về lấy lòng như thế nào, đó lại là thứ nghệ thuật cao siêu.
Tin tưởng là điều quan trọng nhất, cũng là điều kiến lập nên sự chín chắn của hai người. Trong hôn nhân, ta nên nửa mắt mở, nửa mắt nhắm. Thiên hạ không có ai là thập toàn thập mỹ. Nếu như mắt mở quá lâu, hoặc dùng kính lúp săm soi quá kỹ, e rằng ngay cả trên thân Thượng Đế cũng đều có thể bới ra khuyết điểm.
Trong cuộc sống vợ chồng, điều đáng quý nhất không gì hơn là sự chân thành, tin tưởng và quan tâm. Trong hôn nhân, vợ chồng nên tôn trọng cá tính và sở thích riêng của mỗi người. Còn như cho rằng hai người có cùng ý nghĩ như nhau, phán đoán như nhau, ước muốn như nhau, thì đó là ảo tưởng hoang đường nhất. Gia đình hòa thuận, mỗi cặp vợ chồng ít nhất có được một người làm “kẻ ngốc”. Vợ chồng cũng giống như dây đàn, có thể rung động du dương trong cùng một âm luật, nhưng đôi bên lại độc lập riêng mình.
Một cặp vợ chồng xứng đôi là cả hai cùng bên nhau vượt qua mọi sóng gió. Khi cùng nhau trải qua những tháng ngày gian khổ, thì họ hạnh phúc hơn nhiều so với một đôi vợ chồng có được toàn bộ thế giới nhưng lại lục đục mãi không ngừng.
Tình yêu có thể tách rời ra khỏi cuộc sống để mà đàm luận. Nhưng hôn nhân thì không, bản thân hôn nhân chính là cuộc sống.
Hôn nhân là sự khổ tâm một cách dễ chịu, và quan hệ vợ chồng lại là sự ‘hồ đồ’ khó kiếm hiếm gặp. Nếu trong hai người không có ai muốn làm “kẻ hồ đồ”`, thì gia đình ấy sẽ mãi mãi không có được một ngày bình yên. Tolstoy từng nói rằng: “Những gia đình hạnh phúc thì tương tự như nhau. Nhưng gia đình bất hạnh thì mỗi nhà mỗi cảnh”.
Hôn nhân cũng giống như tách trà. Lần trà thứ nhất giống như tình yêu, đậm đặc và ngọt ngào hương thơm; lần trà thứ hai giống như tân hôn, mùi vị tươi mát lay động lòng người; lần trà thứ ba thì giống như sau tháng ngày trăng mật, nhàn nhạt và lãnh đạm vô tình. Đó chính là lúc cần giữ tâm bình lặng mà nhâm nhi, thì mới có thể lĩnh ngộ được niềm vui thật sự.
Ngày nay, hiện tượng ly hôn giống như căn bệnh thời đại, lúc nghèo thì muốn bình an, lúc giàu thì muốn biến đổi. Hôn nhân không có tình yêu thì không thể bền vững, mà hôn nhân chỉ dựa vào tình yêu cũng không thể bền chặt; bởi tình yêu là thứ không ổn định, thời gian và khoảng cách có thể khiến tình yêu phai nhạt, cũng có thể giúp tình yêu mặn nồng.
Người phụ nữ dù có kém cỏi hơn cũng muốn tìm được một người chồng ưu tú, người đàn ông dù có kém cỏi hơn cũng muốn tìm được một người vợ tuyệt vời. Vậy nên, hôn nhân luôn mang trong nó điều tiếc nuối mãi mãi.
Người trẻ tuổi thời nay không hiểu cuộc sống vợ chồng, khi mới yêu đương đã vội vàng đi đến hôn nhân, sau khi kết hôn lại xem hôn nhân thành như tình yêu. Nhưng tình yêu không bao gồm hôn nhân, còn hôn nhân lại chứa đựng cả tình yêu trong đó. Hôn nhân có lẽ chính là trưởng thành trong khó khăn trở ngại, đến cuối cùng, tình yêu phần nhiều đã chuyển hóa thành tình thân.
Hai người có thể đi đến cuối đời là cả một quá trình lâu dài: 3 tuần tìm hiểu, 3 tháng yêu nhau, 3 năm tranh cãi, và 30 năm nhường nhịn lẫn nhau.
Bởi vậy, hôn nhân là kết thúc của tuổi thanh xuân, và là điểm bắt đầu của đời người. Đời người chính là quá trình tìm kiếm, một đời của mỗi người đều phải tìm được bốn người: Bản thân mình, người yêu thương bạn nhất, người mà bạn yêu nhất, và người chung sống với bạn đến trọn đời.