Suy tư mục vụ năm MVGĐ 12/2018: Hứa giữ lòng chung thủy suốt cuộc đời

07/11/2018

Suy tư mục vụ năm MVGĐ 12/2018: Hứa giữ lòng chung thủy suốt cuộc đời

“Anh hứa giữ lòng chung thủy với em suốt cuộc đời”

Trong bí tích hôn nhân, trái tim của hai con người yêu thương nhau hợp nhất, nhờ ơn Chúa, thành một thực thể duy nhất bất khả phân li. Đời hôn nhân không chỉ có nghĩa là hai người ở với nhau mãi mãi, nhưng là họ yêu thương nhau mãi mãi (cf. Amoris Laetitia 123).

Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói rằng: “tính bất khả phân li của hôn nhân mà ngày nay xem ra người ta khó hiểu cũng diễn tả phẩm giá vô điều kiện của con người. Bạn không thể chỉ sống thử; bạn không thể chỉ chết thử. Bạn không thể yêu thử, hay thử chấp nhận một người khác tạm thời mà thôi” (Bài giảng lễ ở Kӧln, 15.11.1980).

Quyết định kết hôn có nghĩa là dấn thân dứt khoát và loại bỏ mọi chọn lựa khác

Hình ảnh hôn nhân trong Cựu ước được dùng để mô tả giao ước của Thiên Chúa với dân Người. Biểu trưng sự kết hợp này bao hàm một hệ luận sâu xa hơn, đó là đòi hỏi, như Thiên Chúa luôn trung tín với dân Người trong mọi đổi thay của cuộc sống, đôi bạn phải trung thành với nhau và ở bên nhau cho dù cuộc sống chung có diễn tiến thế nào. Hơn nữa, trong Tân ước, hôn nhân trở thành biểu tượng của sự kết hợp của Đức Kitô và Hội Thánh. Sự kết hợp ấy trở thành một bí tích, một dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người, như lời chúc lành long trọng trong lễ cưới diễn tả:

Lạy Cha là Thiên Chúa hằng hữu, để mạc khải chương trình yêu thương của Cha, Cha đã lấy tình yêu phu phụ làm biểu hiện giao ước Cha sẽ kí kết với dân riêng. Như vậy, nhờ sống đầy đủ ý nghĩa của bí tích, đôi tân hôn diễn tả được mầu nhiệm Đức Kitô kết hiệp với Hội Thánh…

Trong thời đại khủng hoảng ngày nay, chung thủy trong hôn nhân lại trở nên vấn đề đặc biệt quan trọng.

Chung thủy trong hôn nhân xuất phát từ mẫu mực là sự trung thành của Thiên Chúa được nhắc đến nhiều trong nghi lễ hôn phối. Trước khi trao nhận bí tích hôn phối, đôi tân hôn được chất vấn: “Các con có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?” và kế đến là lời hứa “Anh … nhận em … làm vợ và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”. Thừa tác viên chứng hôn bấy giờ xác nhận “Đức Chúa là Thiên Chúa đã tác hợp chúng con nên vợ nên chồng. Ngài là Đấng trung thành. Ngài sẽ ở với chúng con và sẽ hoàn tất công trình tốt lành mà Ngài đã khởi sự nơi chúng con”. “Xin Chúa tỏ lòng nhân hậu chuẩn y sự ưng thuận các con vừa tỏ bày trước mặt Hội Thánh, và xin Chúa tuôn đổ phúc lành của Ngài trên các con”. Ngài kết luận bằng những lời từ Thánh Kinh: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân li” (Mt 19,6).

Trung thành trong hôn nhân là: trung thành với hôn ước, chung thủy với người bạn đời, và trung thành với chính mình.

Trung thành với hôn ước

Là trung thành với sự cam kết của hai người phối ngẫu sống với nhau, khi thịnh cũng như lúc suy, cho đến trọn đời. Đó không chỉ là việc bảo vệ giao ước hôn nhân, mà còn là củng cố cho hôn nhân bền vững. Nó đòi hỏi nỗ lực thường xuyên. Các đôi vợ chồng cần thường xuyên cùng nhìn lại thực tế cuộc sống chung trong viễn ảnh trung tín với cam kết hôn nhân suốt đời của họ. Lời hứa trung thành được tuyên bố công khai, vượt ngoài sự riêng tư của lời hứa, lúc khởi đầu cuộc hôn nhân hết sức là ý nghĩa.

Trung thành với người bạn đời           

Phản chiếu sự trao hiến và lãnh nhận hai con người của nhau. Một người quyết định với đầy đủ ý thức dấn thân suốt đời sống với và sống cho người phối ngẫu kia, thì từ bỏ mọi người khác, kể cả những người có thể có trong tương lai. Hôn nhân có đặc tính đơn nhất: một vợ một chồng. Thế nhưng, đôi bạn cần xác định lại thường xuyên sự trung tín này; nó cần được chứng thực bằng thực tế của ý nghĩ và hành động thường xuyên, đây không chỉ là vấn đề “chung thủy về thể xác”. Thật ra, không chỉ ngoại tình mới tàn phá sự trung tín hôn phối, nhưng khi có người nào khác hay sự gì khác trong cuộc sống chiếm lĩnh chỗ của người bạn đời trong trái tim của ta, thì ta đã bắt đầu thiếu trung tín rồi. Có cả ngàn hình thức bất trung. Không cần phải có một người thứ ba, mà có thể chỉ vì công việc, sự nghiệp, âu lo, hoặc ngay cả vì con cái, thậm chí tín ngưỡng và lí tưởng, vì đó mà ta xao nhãng và không còn quan tâm, ân cần với người bạn đời của ta. Hoặc cũng có thể vì ta đã xem người kia chỉ như là mặt trái của tấm bình phong hay một vực thẳm địa ngục.

Trung tín với người bạn đời có nghĩa là ta chọn ưu tiên nơi con người ấy. Nếu ta sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ hay cảm xúc sâu xa nhất của mình với ai đó trên mạng xã hội mà không chia sẻ với người bạn đời, là ta đã bước vào vòng nguy hiểm của thiếu trung tín rồi. Nếu lòng ta trở nên quá chú tâm vào một sự gì khác, thì hôn nhân có thể gập nguy cơ rạn vỡ. Điều rất quan trọng là cảnh giác con tim và tư tưởng của mình. Hứa trung thành với một người nào đó có nghĩa là nói lời bảo đảm sẽ luôn đứng bên cạnh người ấy. Trung tín gắn liền với lòng tin tưởng, tin cậy trong mến thương.

Trung thành với chính mình

Cuối cùng, chúng ta nên nhớ trung thành còn là trung thành với chính mình, trung thành với lịch sử của mình, trung thành với khả năng của mình, với sự thật của cuộc đời mình và sự cam kết của riêng mình. Để có thể mãi thật sự trung thành với một cam kết đời sống ta nhất thiết phải thường xuyên nghĩ tới nó và xác nhận đi xác nhận lại thường xuyên. Điều đó giả thiết ta phải chấp nhận chính mình và thỉnh thoảng biết dừng chân để phản tỉnh và xác nhận điều đã cam kết. Bởi lời hứa trung thành trong hôn nhân liên quan đến việc kết nối hành trình đời mình với đời người kia không thể đảo ngược, và định hướng tương lai đời mình chung với người kia. Yêu nhau là nhìn về cùng một hướng.

Tuyên hứa trung tín là một sự khá liều lĩnh, vì đôi bạn có thể gặp nguy cơ, bởi vì nó gắn liền với những điều không tiên liệu được. Con người có bản chất mãi là mầu nhiệm. Con người luôn có khả năng đổi thay. Cuộc sống họ chìm nổi, nhưng những người phối ngẫu bị ràng buộc phải tôn trọng lời hứa trung tín, dù hoàn cảnh có thay đổi thế nào. Hứa trung tín với một nai đó là nói với người ấy rằng : dẫu cuộc đời có thế nào tôi vẫn ở mãi bên em. Đó mới là yêu.

Nâng hôn phối của đôi bạn lên hàng bí tich, Hội Thánh nhằm cho lời hứa trung tín một cái khung bảo đảm và có ơn thánh trợ giúp như làm một cái đà đức tin cho đôi bạn cùng phóng đi xa hơn. Nhưng ở đây điều quan trọng căn bản là quan hệ với Chúa, và người nào biết sống trung thành với Chúa sẽ giữ sự trung thành với người bạn đời của mình dễ dàng hơn. Thế nên, nếu quan tâm đến trung tín trong hôn nhân thì ta phải biết rằng sống ‘trước nhan thánh Chúa’ không phải là điều thứ yếu nhưng tuyệt đối tiên quyết.

Người ta phải hiểu rằng sự trung thành đến suốt đời và tính bất khả phân li của hôn nhân không phải là một yêu cầu áp chế, nhưng là một nhiệm vụ hiện sinh đầy hứa hẹn, một nhiệm vụ mà ta phải thực thi cả đời. Đó là một ơn huệ Chúa ban nhưng đòi hỏi sự hợp tác tích cực của đôi vợ chồng.

Câu hỏi suy tư hay để thảo luận

  1. Lời tuyên hứa trung thành trong hôn nhân có khiến tôi lo sợ không, hay là một điều gợi hứng đối với tôi?
  2. Tôi có trung tín đối với chính mình không?
  3. Đối với tôi, trung thành với vợ (hay chồng) tôi thực sự có nghĩa là gì?
  4. Đối với tôi, sự bất trung bắt đầu từ đâu?
  5. Chúng ta đang làm gì cho cuộc hôn nhân này của chúng ta?
  6. Chúng ta cần làm những bước nào trong tương lai sắp tới để thực hiện lời hứa trung thành cách chân thực hơn?

Nguồn: hdgmvietnam.com