Khi bước vào đời sống hôn nhân, mỗi người chúng ta phải sẵn sàng chết cho chính mình để người khác được sống. Chết cho chính mình là vâng theo Lời Chúa từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.
Khi bước vào đời sống hôn nhân, mỗi người chúng ta phải sẵn sàng chết cho chính mình để người khác được sống. Chết cho chính mình là vâng theo Lời Chúa từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Cuộc sống liên đới mật thiết trong hôn nhân đòi hỏi chúng ta phải “nên một” với người bạn đời.
Như Chúa đã truyền dạy: “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6). “Nên một” trong hôn nhân là mầu nhiệm hiệp nhất, hiệp thông nhờ đó chúng ta có thể sống an hòa, hạnh phúc lâu dài với một con người khác biệt với ta mọi đàng. Để sống trọn vẹn mầu nhiệm này, chúng ta phải chết cho ý riêng để hòa nhập với cuộc sống lứa đôi khá phức tạp và đầy khó khăn thử thách.
Nhiều người vì không chịu đựng nổi những đòi hỏi gắt gao của đời sống vợ chồng đã phải buông xuôi bỏ cuộc. Hôn nhân đối với họ là một gánh nặng quá sức chịu đựng. Người xưa nói lập gia đình là đi “gánh vác”, thực chất cũng nhằm diễn tả cái ách của hôn nhân nặng nề mà những ai chấp nhận thực tại ấy thì phải mang vác suốt đời. Nhất là khi cái ách nặng nề ấy không là gì khác hơn là chính bản thân người bạn đời của mình. Tục ngữ VN có câu “Nhất vợ nhì nợ” hay “Chồng con là cái nợ nần…” là vậy! Một khi không còn chịu đựng nhau được nữa thì người ta tìm cách trút bỏ. Bởi với họ thì “Hôn nhân ví như một cái lồng, những con chim ở ngoài mong được vào, còn những con chim ở trong chỉ mong thoát ra” (Montaigne).
Người Kitô hữu nhận thức rõ hôn nhân như là sứ mệnh và ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Khi dấn thân vào đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta mặc nhiên chấp nhận vâng phục chu toàn thiên ý. Đó là muốn sinh hoa quả tốt thì hạt giống phải bị chôn vùi, mục nát và thối rữa. Người ta chỉ có thể hạnh phúc khi biết hy sinh chính bản thân mình vì lợi ích người bạn đời.
Liên quan đời sống hôn nhân gia đình, thánh Phaolô đã có những lời khuyên thiết thực sau:
“Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là Đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy…Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh…Cũng thế chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi dưỡng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người… ” (x. Ep 5,21-33).
Thực vậy, khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình là chúng ta chấp nhận đi vào con đường khổ giá, con đường mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi môn đệ cùng đi với Ngài. Tác giả D. Wahrheit đã chia sẻ: “Ngày thành hôn trước mặt Giáo hội, hai người nam nữ nên vợ nên chồng. Bí tích hôn phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là một khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường mà trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Con đường ấy được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày…” (x. Cẩm Nang Hạnh phúc Gia đình Kitô, trang 227-228).
Bên cạnh thái độ lạc quan về đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là hôn nhân chính là một chiến trường và chúng ta phải là những chiến binh anh dũng. Do đó, người ta thường khuyên nhủ các bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình: “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi vượt biển và ba lần trước khi kết hôn”. Khi lập gia đình, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng, trong thiên đường tình yêu người ta chỉ hạnh phúc khi đã hết mình hy sinh, hết mình chiến đấu, hết mình chịu gian khổ vì người khác. Bởi chính nhờ chiến đấu trong gian khổ mà người ta mới nhận ra bản chất đích thực của tình yêu là gì. Một danh nhân đã khẳng định: “Yêu là ký kết với đau khổ” (Mme de Cohin).
ĐGH Gioan Phaolô II trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã khuyên nhủ chúng ta: “Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hòa giải với nhau. Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà xuất phát muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (x. sđd số 21)./.
Aug. Trần Cao Khải
Nguồn: giaophanlangson.org