Nguyên nhân cha mẹ hay nổi cáu, miệt thị con cái

05/07/2022

Nhiều bậc cha mẹ dùng mọi từ ngữ để mắng nhiếc, thóa mạ con dù chúng chỉ mắc một lỗi nhỏ. Đó là do sự thiếu hiểu biết của người làm cha làm mẹ.

“Nhiều người nghĩ khi buông những lời cay độc, mắng chửi thậm tệ con sẽ thấy xấu hổ mà biết sửa chữa”, TS. Vũ Việt Anh lý giải.
Mới đây, câu chuyện một bà mẹ đăng đàn Facebook nói con mình bị nhóm người xấu dụ dỗ xem hình ảnh nhạy cảm gây xôn xao dư luận. Người mẹ vì quá tức giận đã đập vỡ điện thoại của con rồi công khai lên mạng xã hội.
Chuyên gia Giáo dục, TS. Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng hành động của người mẹ có chút đáng tiếc. Thay vì đập vỡ điện thoại của con, cha mẹ có thể ngồi lại, nói chuyện với con, tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề để có hướng xử lý tốt hơn. Dẫu rằng cảm xúc nhất thời khó kiểm soát nhưng điều đó cũng cho thấy các bậc phụ huynh cần phải trang bị nhiều hơn nữa kiến thức và kĩ năng quản lý cảm xúc trong việc giáo dục trẻ.
Hành động “tố cáo” con trẻ xem phim nhạy cảm ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý, tinh thần, cuộc sống của trẻ nhỏ về sau.
Điều đó đặt ra câu hỏi tại sao nhiều cha mẹ không kiềm chế được bản thân, hay nổi nóng, mất bình tĩnh với con cái của mình?
Về vấn đề này, chuyên gia Vũ Việt Anh đưa ra một số nguyên nhân.

Do cha mẹ thiếu hiểu biết
Nhiều bậc cha mẹ dùng mọi từ ngữ để mắng nhiếc, thóa mạ con dù chúng chỉ mắc một lỗi nhỏ. Đó là do sự thiếu hiểu biết của người làm cha làm mẹ.
Họ dồn mọi trách nhiệm lên đầu con trẻ mà không hay lỗi lầm của con cũng một phần do mình.
Nhiều người nghĩ khi buông những lời cay độc, mắng chửi thậm tệ con sẽ thấy xấu hổ mà biết sửa chữa. Đó là suy nghĩ sai lầm, thiếu hiểu biết. Khi một đứa trẻ phải liên tục nghe những lời cay nghiệt từ cha mẹ mình, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, khó phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình mặc cảm vì nghĩ rằng mình là một đứa trẻ tồi tệ, hư hỏng, “mất dạy”.
Nói rằng cha mẹ sỉ nhục, chửi mắng con cái là vì họ không yêu con là không đúng, nhưng rõ ràng sự thiếu hiểu biết về giáo dục con cái có thể mang lại những tác động lâu dài khó lường.
Giận người khác, giận lây sang con
Đó là tâm lý “giận cá chém thớt” mà các bố mẹ hay mắc phải. Áp lực cuộc sống khiến các bậc phụ huynh bị căng thẳng. Và chỉ cần con trẻ mắc lỗi nhỏ, cha mẹ cũng có thể buông ra những lời trách mắng thậm tệ.
Nhiều người còn dùng con làm “lá chắn” đỡ đòn cho cơn giận của mình dành cho người bạn đời. Chỉ vì tức giận chồng hoặc vợ, người làm cha mẹ sẵn sàng trút mọi giận dữ lên đầu con trẻ dù lỗi lầm của con chẳng đáng để bị chửi rủa.
Sự oan ức và thiếu bao dung của cha mẹ trong trường hợp này có thể khiến trẻ bị tâm lý ức chế, căm tức.
Bất lực trong giáo dục con cái
Một lý do khác khiến cha mẹ thường xuyên mắng chửi con là họ bất lực trong giáo dục. Nhiều cha mẹ nuông chiều con từ khi còn nhỏ. Đến khi con hư, họ lại trừng phạt bằng đòn roi nhưng con vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều lần như vậy, bố mẹ cũng bất lực và họ không còn cách nào khác là buông ra những lời cay độc.
Đây là hậu quả của việc giáo dục không có khoa học, không thấu hiểu rõ tâm lý, không gần gũi với con. Sự nuông chiều hay buông lỏng con cái ngay từ khi còn nhỏ đã khiến việc dạy bảo trở nên khó khăn, bế tắc.
Lặp lại điều từng xảy ra trong quá khứ với mình
Người ta đã chỉ ra có mối liên hệ giữa những người hay bị đánh đòn, bị đối xử bất công khi còn nhỏ với cách hành xử mà họ dành cho người khác khi trưởng thành. Điều đó có nghĩa là những người trong quá khứ từng bị bố mẹ mắng chửi, lăng mạ cũng sẽ dễ sinh cáu gắt, cư xử thô lỗ, cộc cằn với con cái của mình.
Đôi khi, người lớn không ý thức được việc họ bị ảnh hưởng bởi quá khứ nên họ xem việc bản thân thô lỗ với con cái ở hiện tại là điều bình thường. Và những lời mắng nhiếc con cái cứ như thế được thốt ra một cách rất tự nhiên.
Khi gieo vào đầu con cái những từ ngữ như “đồ hư hỏng”, “đồ ngu”…, các bậc phụ huynh đã quên mình từng có một thời chịu áp lực vì những câu miệt thị đó. Vậy thì giờ đây, khi mắng con, hãy nhớ rằng chúng ta đã từng có những ngày tháng “căm tức” thế nào khi bị người khác chửi bới.

Tác giả: Tú Linh

Nguồn tin: vietnamnet.vn