Phẩm chất đạo đức, trí tuệ, lễ nghĩa và học vấn là những điều quý báu mà cha mẹ nên dành cho con cái. Bốn phẩm chất ấy thiếu đi một cái nào cũng không thể tạo nên một con người toàn diện. Nếu một người không có khái niệm thiện, không có lòng tốt thì người đó cũng sẽ khó có những phẩm chất tốt đẹp khác. Bởi vì lương thiện là gốc rễ của đạo đức. Vậy làm thế nào để cha mẹ gieo được hạt giống “thiện” cho tâm hồn trẻ?
Ghi nhớ và khuyến khích những việc tốt mà trẻ làm
Trên con đường bồi dưỡng hành thiện cho tôi, cha thực sự đã bỏ ra rất nhiều công sức. Từ khi còn rất nhỏ, cha đã kể cho tôi nghe những câu chuyện từ cổ chí kim liên quan đến hành thiện. Chỉ cần tôi làm chuyện tốt, cha sẽ lập tức biểu dương: “Tốt! Làm rất tốt!”.
Khi đã lớn lên một chút, cha đã hướng dẫn tôi đọc thuộc các sách đạo đức kinh. Cha cho rằng các tác phẩm thơ văn đó có đủ sự nhân ái, tình hữu hảo, có dũng khí… Đây đều là tài sản quý báu trong việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và sự hành thiện cho trẻ.
Giống như việc bồi dưỡng các thói quen tốt ở các phương diện khác, trên phương diện bồi dưỡng việc hành thiện cho tôi, cha chưa bao giờ ép tôi làm việc tốt. Cha luôn bỏ công sức để giúp tôi hiểu được làm những việc thiện giống như một niềm vui vậy. Cha giúp tôi tận hưởng niềm vui khi làm một chuyện tốt hay cách khống chế bản thân mình. Đương nhiên để trẻ hiểu và ghi nhớ được sự hứng thú của niềm vui này quả thực rất khó, nhưng không phải là không có khả năng. Tôi tin rằng, chỉ có giáo dục kiên nhẫn thì trẻ mới có thể học được. Đồng thời giúp trẻ tận hưởng được niềm vui của việc hành thiện và khống chế bản thân mình.
Cha đã bỏ rất nhiều công sức trong việc hành thiện của tôi, giúp tôi trở thành một người cao thượng. Cha thường nhắc tôi tường thuật lại những câu chuyện về người làm việc xấu sẽ bị báo ứng, đồng thời người làm chuyện xấu sẽ bị phê bình nghiêm khắc. Ông dùng những điển hình về phản diện để khuyên răn sự hành thiện của tôi.
Để hạt giống “Thiện” nẩy mầm
Nhiều bậc cha mẹ trong quá trình trưởng thành của trẻ đều gặp phải những câu hỏi bế tắc dạng như: “Vì sao con mình lại nói dối, vì sao con tôi lại bướng bỉnh như vậy, vì sao con còn nhỏ tuổi thế này mà lại đối xử với động vật tàn nhẫn như thế…?”. Rất nhiều cha mẹ bất lực khi đối diện với những vấn đề này, chỉ đành ngậm đắng nuốt cay mà than rằng: “Trời ạ, sớm biết có ngày hôm nay thì…”. Câu hỏi khiến người khác đau đầu này làm cho họ phải nghi hoặc và lúng túng. Họ thường khó tin tưởng rằng mình có thể giáo dục tốt những đứa con của mình, càng không biết phải đối xử thế nào với những tật xấu khó sửa trong con người trẻ. Còn có cha mẹ nói rằng, tôi đã dốc cạn lực mà giáo dục rồi nhưng thực sự không biết thay đổi thế nào tật xấu khó sửa đổi đó.
Chỉ cần có phương pháp thích hợp thì trẻ sẽ hoàn thiện. Hành vi của mỗi con người đều chịu sự ràng buộc của những quy tắc xã hội. Những quy tắc xã hội không phải là quan niệm huyền diệu, cũng không phải là một thuyết giáo trống rỗng. Đó là tư tưởng, tình cảm và hành vi hình thành của mỗi người. Đối với trẻ mà nói, sự ràng buộc đầu tiên đến từ những người thân bên cạnh mình, chỉ cần người bên cạnh mình là người lương thiện, công chính và có trách nhiệm thì họ sẽ truyền đi những giá trị tốt đẹp đó. Trẻ cũng vì thế mà được giáo dục tốt.
Câu chuyện “Một cử chỉ đẹp” sẽ cho các bậc cha mẹ thấy điều đó:
Bà Foreman dừng chiếc xe hơi của mình ngay một trạm thu phí giao thông trên xa lộ cao tốc. Liếc mắt qua kính chiếu hậu, bà thấy cả một dãy dài xe hơi ngay sau mình. Bà chợt nảy ra một ý vui vui, bà quay kính xe xuống, đưa ra cho người bán vé một tờ 50 USD và bảo: “Tôi mua một vé cho tôi, và còn lại tôi mua thêm năm vé nữa cho năm chiếc xe sau tôi, chỗ tiền dư tôi xin biếu hết cho ông!”
Không kịp để cho người bán vé thắc mắc vì sửng sốt, bà Foreman quay kính xe, đạp ga và lái xe đi ngay. Bà hình dung ra trong đầu cùng sự ngạc nhiên đầy thú vị ấy nơi 5 người lái xe theo sau mà bà không hề quen biết. Bà không cần những lời cảm ơn, chỉ là một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ thôi mà, có đáng gì đâu!
Về đến nhà, bà Foreman vừa làm bếp vừa tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện sáng nay trên đường. Ông chồng để ý thấy làm lạ, đến bữa ăn trưa, ông lựa lời hỏi, bà mới kể lại đầu đuôi. Đến phiên ông chồng cũng cảm thấy vui lây niềm vui nho nhỏ ấy…
Buổi chiều đến trường dạy môn giáo dục công dân, ông Foreman quyết định làm một “cử chỉ đẹp” bằng cách dùng chính câu chuyện về cử chỉ đẹp của bà vợ để dẫn nhập vào bài học. Các học sinh trung học của ông lặng đi một thoáng rồi đồng loạt vỗ tay hoan hô sau lời kết thúc của thầy giáo: “Các em hãy nhớ niềm vui sống khởi đi từ những câu chuyện bình thường nho nhỏ như thế, mỗi ngày ước gì mỗi người trong chúng ta đều làm được ít nhất một “cử chỉ đẹp” tương tự các em nhé!”
Ở lớp hôm ấy, có cô bé Mary vốn là một học sinh cá biệt, luôn bướng bỉnh, lì lợm, cũng như một đứa bé lười biếng trong gia đình. Cô về nhà trong tâm trạng hết sức hân hoan phấn khởi và quyết định sẽ làm một “cử chỉ đẹp” với cha mẹ. Cô lặng lẽ thu dọn, lau chùi, quét tước, nấu nướng và giặt giũ xong xuôi mọi việc trước khi mẹ cô ở xưởng và cha cô ở tòa báo trở về. Sập tối, hai ông bà bước vào nhà và hiểu ra ngay đã có một sự thay đổi kỳ lạ nơi cô con gái đang tuổi dậy thì! Hỏi mãi cô bé mới kể lại câu chuyện về “cử chỉ đẹp” cô đã nghe thầy giáo Foreman kể ở lớp. Cô hứa với bố mẹ mọi chuyện hôm nay cô đã làm ở nhà sẽ không phải là một cử chỉ đẹp duy nhất cô sẽ cố gắng thực hiện.
Sau buổi cơm chiều thật vui và đầm ấm, ông Alfonse, cha của Mary, vốn là phóng viên của một tờ báo địa phương, khoan khoái ngồi vào bàn làm việc. Ông quyết định phải viết ngay một bài báo về câu chuyện “cử chỉ đẹp”… Chỉ đến chiều ngày hôm sau thôi, cả miền đều xôn xao rộn rã khi đọc được bài báo. Người ta bảo nhau ít nhất mỗi ngày hãy nhớ làm một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ cho nhau, cho cuộc sống…
Cha xứ đưa câu chuyện vào bài giảng ngày chủ nhật kế đó. Một diễn giả chọn câu chuyện làm chủ đề chính cho một buổi mạn đàm ở hội trường lớn của thị trấn. Một bà mẹ kể lại cho đứa con như một câu chuyện cổ tích để ru nó vào giấc ngủ ngon. Một đôi bạn trẻ đang yêu nhau cùng thỏa thuận từ nay sẽ dành cho nhau những cử chỉ đẹp thay vì những trò giận dỗi vô bổ. Ngoài đường phố, người ta thôi không vứt những bã kẹo cao su bừa bãi. Những người lái xe cố gắng tránh không làm tạt những vũng nước trên đường lên khách bộ hành. Trong nhà giam, viên cai ngục bẳn tính quyết định sẽ có những cử chỉ đẹp đối với các tù nhân. Người đi mua hàng ở tiệm tạp hoá nói một lời cảm ơn lịch sự, còn cô bán hàng thường hay cau có thì đã biết mỉm một nụ cười khả ái để đáp lại. Một cầu thủ bóng đá vốn nổi tiếng là chơi xấu, giờ đây trong trận đấu cuối tuần đã chạy lại đỡ một cầu thủ đội bạn bị ngã với một lời xin lỗi…
Một cử chỉ đẹp nho nhỏ mỗi ngày thôi cũng đủ để làm cho cuộc sống thêm ý nhị đậm đà, và niềm vui bởi sự quan tâm đến nhau trong yêu thương được nhen nhúm, rồi bừng cháy, lan tỏa đến tất cả mọi người.
Hi vọng nuôi dưỡng những đứa trẻ lương thiện, có trách nhiệm luôn là nguyện vọng và yêu cầu căn bản nhất của tất cả các bậc cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ – hãy bắt đầu từ chính bản thân mình, hãy dùng phần lương thiện trong tâm hồn mình để mỗi ngày thực hiện một ‘cử chỉ đẹp’. Đó chính là tấm gương sáng nhất, đẹp nhất gieo những mầm ‘Thiện’ trong những tâm hồn non nớt và trong sáng của con trẻ!
Hồng Ân
Nguồn: www.dkn.tv/giao-duc