Ly dị có phải là một giải pháp tốt nhất của hôn nhân ?!

12/03/2019

Qua bài phân tích “Anh khiến tôi quá thất vọng! Ý tưởng đưa đến đổ vỡ trong hôn nhân” tôi không bàn đến những câu trả lời “có” khi nêu lên 4 (bốn) vấn nạn của người chồng cũng như người vợ thường mắc phải và đưa đến đổ vỡ trong hôn nhân. Những vấn nạn ấy được tóm tắt qua những câu hỏi:

http://www.giadinhnazareth.org/taxonomy/term/24

Về phía người chồng:

-Anh ấy có cờ bạc, nợ nần vì cờ bạc không?

-Anh ấy có rượu chè be bét không?

-Anh ấy có trai gái, bồ bịch không?

-Anh ấy hút sách cần sa, ma túy không?

Về phía người vợ:

-Chị ấy có bỏ bê việc nhà, không lo cơm nước cho chồng con, không quét dọn, giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ không?

-Chị ấy có se xua, chưng diện, sửa sang trong ngoài, trên dưới không?

-Chị ấy có chua ngoa, mồm loa mép giải, nói hành, nói xấu người khác không?

-Chị ấy có coi thường tôn ty trật tự, bất kính với cha mẹ, ông bà, cô chú bác và coi thường mọi người thân trong gia đình không?

Và tôi cũng đưa ra một kết luận: “Nếu người vợ hoặc người chồng trả lời KHÔNG cho cả 4 câu hỏi trên tôi cho là họ đã trúng độc đắc. Và lựa chọn của họ rất đúng.”

Nhưng một câu hỏi của độc giả đưa ra đã khiến tôi cần có câu trả lời, ít nhất là một cái nhìn tổng quát và trên bình diện lý thuyết. Câu hỏi đó như thế này:

“4 câu hỏi về chồng, 4 câu hỏi về vợ, mà trả lời có mất 1 hoặc 2 hoặc 3 có khi cả 4 thì… ly dị có phải là giải pháp tốt nhất?”

Trước hết, chúng ta cần nhấn mạnh đến cụm từ “ly dị có phải là giải pháp tốt nhất”. Vì đây là một cụm từ mà thường xuyên vẫn được nghe nói tới, hoặc đọc thấy trên báo chỉ khi đề cập đến đời sống hôn nhân và những giải pháp liên quan đến hôn nhân.

Dĩ nhiên, “ly dị không phải là giải pháp tốt nhất” để giải quyết những khủng hoảng của hôn nhân, bởi vì “Không ai tốt 100% và cũng không ai xấu 100%” (Robert Baden-Powell), và con người ta cũng có lúc này, lúc khác. Tâm tính con người đôi khi cũng chịu ảnh hưởng của môi trường chung quanh, của bạn bè, của những phản ứng tâm sinh lý. Ngoài ra bản tính tuy khó chừa chứ không phải là Không chừa được. Chừa hay không là tùy ở nơi ta có muốn chừa hay không mà thôi. Những thói xấu do ảnh hưởng tâm sinh lý, ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng giáo dục dẫn đến việc dễ chừa hoặc khó chừa. Do đó, muốn chừa một thói xấu nào,thí dụ cờ  bạc, rượu chè… cần phải có ý chí và phấn đấu. Nghiện rượu, nghiện thuốc là một tập quán tuy khó chừa nhưng vẫn chừa được, và trên thực tế, nhiều người đã chừa rượu hoặc bỏ hút thuốc.

Ngoại tình hoặc cờ bạc xét về những yếu tố chủ quan cũng như khách quan là những thói xấu, những khuyết điểm khó chừa, nhưng với quyết tâm và ý thức vẫn có thể chừa dù đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều nỗ lực, đôi khi phải hy sinh nhiều. Một cách tương tự, những thói xấu và cá tính như lắm điều, chanh chua, ghen tỵ, hoặc đỏm dáng tuy là những tập quán xấu nhưng nếu muốn vẫn có thể chừa được.

Nhưng người ấy cứ sai phạm, và tỏ ra cố chấp thì sao?

Bình thường người nào đó mắc vào 1 trong tứ đổ tường hoặc 1 trong tứ đức cũng là ngăn trở cho việc tiến tới hôn nhân rồi, nhưng nếu ai đó vướng đến 2, 3 hoặc 4 trong những lỗi ấy mà có ai đó liều mạng dám trao thân gửi phận, hoặc cả đời yêu em thì có lẽ người ấy uống thuốc liều hay nói theo Trịnh Công Sơn, đó là “tình yêu như trái phá, con tim mù lòa!”

Tuy nhiên sai phạm – ngay cả có những sai phạm hoặc tiếp tục sai phạm – khác với cố chấp. Sai phạm là hành vi có sự can thiệp của yếu đuối tinh thần hoặc thể xác, điều mà ta thường nói: “lực bất tòng tâm”. Những sai phạm thuộc loại “tứ đổ tường” hay thuộc loại ngược lại với “công dung ngôn hạnh” cũng vậy. Lỗi nhiều hay ít, lỗi lúc này hay lỗi khi khác… rất đáng được tha thứ, nâng đỡ và tạo cơ hội cho người có lỗi sửa đổi. Làm thế ta sẽ cứu vãn được hạnh phúc, tình yêu và hôn nhân.

Điều quan trọng trong vấn đề này không phải là người chồng, người vợ không phạm sai lỗi, nhưng là có biết nhận lỗi và sửa đổi hay không!

Thực tế đã minh chứng ít người xấu đến nỗi mang tất cả mọi thứ xấu vào người, và cũng chẳng mấy ai tốt đến độ có tất cả những đức tính mà người khác phải khổ công luyện tập mà cũng chưa đạt được.

Kinh nghiệm bản thân nhiều người cũng chứng minh rằng có nhiều lần chồng, vợ hoặc chính cá nhân mỗi người đã cố gắng chừa bỏ, sửa sai điều này, điều khác nhưng rồi cũng vẫn sai phạm và khuyết điểm vẫn lập đi lập lại. Trong trường hợp ấy, người vợ hoặc người chồng phải nhìn ra sự cố gắng của người phối ngẫu để khích lệ. Cũng như chính bản thân mỗi người cần phải tự nhủ và nghiêm chỉnh xét mình về những cố gắng để từng bước, từng bước sửa sai. Nhưng cố chấp là hành vi “minh tri cố phạm”, biết là xấu mà vẫn không chừa, không bỏ, vẫn cứ tiếp tục làm. Người cố chấp xét theo tự nhiên không xứng đáng đón nhận lòng thương xót và tha thứ của người khác.

Tóm lại, để hướng dẫn và trị liệu những trường hợp liên quan đến những chứng tật gây đổ vỡ và bất hạnh cho hôn nhân, người bác sỹ tâm lý hoặc tâm lý gia phải căn cứ trên nhiều yếu tố từ chủ quan đến khách quan, và cũng cần phải phân tích đầy đủ tâm lý của mỗi người mới đưa ra những lời khuyên cho từng trường hợp.

Đây cũng là lời nhắc nhở cho các bạn hay tò mò tìm hiểu trên những trang gỡ rối tơ lòng, hoặc dễ nghe theo các lời bàn “vô tội vạ” của các thầy bói, tướng số, tử vi khi gặp những khúc mắc về hôn nhân.

Không thể chỉ đọc hoặc nghe vui tai rồi vội vàng kết luận và đem áp dụng vào trường hợp của mình. Làm như vậy rất dễ dẫn đến sai lầm, và gây bất ổn cũng như ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của chính mình.

Trần Mỹ Duyệt

Nguồn: chiaseloichua.com