Bất kỳ con cái ở độ tuổi nào, bổn phận của bạn cũng không thể nào chấm dứt. Để trở thành cha mẹ tốt, bạn cần phải biết cách làm cho con cảm nhận được giá trị và tình yêu thương trong việc giáo dục chúng, cũng như giúp chúng nhận thức được đúng sai.
Mời bạn từng bước xem xét:
- Yêu thương con cái
- Mang lại tình yêu thương cho con cái
Điều tốt đẹp nhất bạn có thể cho con là tình yêu. Đây là một vài cách để biểu lộ tình yêu thương với con cái:
- Một cái vuốt ve nhẹ nhàng, một lời khích lệ nho nhỏ, việc đánh giá cao, sự ủng hộ và ngay cả một nụ cười cũng có thể làm tăng thêm lòng tự tin và hạnh phúc cho con trẻ.
- Mỗi ngày hãy nói với con là bạn yêu chúng, cho dầu có lúc bạn sẽ giận dữ với chúng cũng không hề gì.
- Hãy ôm ấp và hôn con nhiều nhiều. Làm cho con cảm thấy được sống trong tình yêu thương từ khi mới chào đời.
- Yêu thương không điều kiện. Đừng bắt con trở thành người như ý mình thì mới được yêu thương. Hãy để con cái biết rằng bạn luôn yêu chúng cho dù bất cứ điều gì xảy ra.
- Khen thưởng con
Để tạo cho con tự tin bước vào đời bằng chính đôi chân của mình, cha mẹ cần khen ngợi khi con làm được một điều gì tốt và cho chúng biết là cha mẹ hãnh diện về điều đó.
- Nếu con còn quá nhỏ, bạn có thể khen ngợi con bằng cách vỗ tay, tán thưởng và tỏ ra yêu chúng nhiều hơn.
- Khích lệ con trong mọi việc từ những việc tầm thường đến những việc lớn.
- Tránh so sánh con với người khác, nhất là với anh chị em trong nhà.
Mỗi người là một cá thể độc nhất. Hãy vui mừng với sự khác biệt của con và giúp chúng khao khát theo đuổi hoài bão của riêng mình. Thất bại cũng có thể làm cho chúng mang mặc cảm tự ti, vì nghĩ rằng không bao giờ mình làm được gì tốt đẹp trong mắt cha mẹ.
- Hãy động viên chứ đừng so sánh con với anh chị em hoặc hàng xóm hay bạn bè. So sánh sẽ làm con cái phát triển tính hơn thua tầm thường. Bạn muốn nuôi dưỡng tình yêu thương trong con cái hay sự ganh ghét hơn thua?
- Tránh thiên vị. Khảo sát cho thấy rằng phần lớn cha mẹ đều thiên vị, nhưng hầu hết con trẻ đều tin rằng chúng được cha mẹ yêu thương hơn. Nếu anh em chúng cãi nhau, đừng đứng về phía nào. Hãy trung lập và khách quan.
- Hãy lắng nghe con bạn
Thông tin hai chiều giữa cha mẹ và con cái là điều cần thiết. Nên tạo một bầu khí giúp con cái có thể tới với bạn. Khi gặp khó khăn rắc rối cho dù lớn hay nhỏ, bạn hãy lắng nghe chúng.
- Bạn cần sắp xếp thời giờ để nói chuyện với con mỗi ngày. Có thể là vào bữa điểm tâm hoặc trước giờ ngủ, hoặc lúc con đi học về… Thời gian này phải được riêng tư, tránh sử dụng điện thoại và mất bình tĩnh.
- Nếu con bảo cần nói với bạn một chuyện, bạn bỏ tất cả mọi việc đang làm, hoặc sắp xếp thời gian để lắng nghe câu chuyện của con.
- Dành thời giờ cho con cái.
- Khi nói chuyện với con, cẩn thận đừng làm chúng khó chịu hay mất tự nhiên.
- Bạn có thể có một thời gian biểu làm việc rất sát sao, nhưng bạn vẫn phải sắp xếp để có mặt trong những biến cố quan trọng của cuộc đời con.
- Lắng nghe và tôn trọng con cái. Tôn trọng những điều chúng muốn thực hiện trong đời.
- Dành thời giờ cho mỗi đứa con khác nhau. Cố gắng chia đều thời gian cho các con. Thỉnh thoảng đưa con đi công viên, bảo tàng hay nhà sách… tùy theo sở thích của con.
- Chú ý đến môi trường học đường của con. Thăm hỏi thầy cô để biết được con mình sống, học hành ra sao khi ở trường.
II. Tôn trọng kỷ luật
- Kỷ luật bắt buộc phải có nhưng phải hợp lý hợp tình
Kỷ luật để sửa sai chứ không làm cho sợ hãi. Tóm lại, làm sao để con cái yêu bạn hơn là sợ luật lệ của bạn.
- Truyền đạt luật lệ rõ ràng. Nếu phạt chúng, chắc chắn bạn phải cho chúng biết rõ lý do và lỗi phạm; bằng không, hình phạt sẽ chẳng đem lại kết quả bạn mong muốn.
- Hãy chắn chắn rằng bạn không chỉ đặt ra những kỷ luật hợp lý mà còn áp dụng chúng một cách hợp tình nữa. Tránh những hình phạt thô bạo, khó coi, những hình phạt nặng nề vì những lỗi lầm vặt vãnh, hay bất cứ gì làm tổn thương đến thể lý con cái.
- Cần phải áp dụng kỷ luật mọi lúc như nhau, tránh lúc thế này lúc thế khác. Nếu con bạn cảm thấy kỷ luật đã bị phá vỡ, chúng sẽ không có động cơ để bắt buộc phải tuân thủ nó.
- Bạn cần kiểm soát sự nóng giận
Cần cố gắng bình tĩnh khi giải thích cũng như khi sử dụng kỷ luật.
- Chúng ta phần lớn đều dễ dàng mất quân bình, và đôi khi trở nên giận dữ. Nếu bạn có hành động hay lời nói sai, hãy xin lỗi và cho con biết bạn đã sai. Bạn cư xử thường xuyên như vậy sẽ khiến chúng bắt chước.
- Cần thống nhất với nhau
Hãy để cho con cái biết rằng ba mẹ luôn cùng một ý, cả hai cùng thống nhất trong mọi vấn đề. Nếu con bạn biết rằng ba mẹ luôn trái ý nhau, chúng sẽ dễ dàng điều khiển một trong hai người theo ý chúng.
- Điều này không có nghĩa là lúc nào cha mẹ cũng đồng thuận trong mọi vấn đề của con cái. Nhưng nó mang ý nghĩa các bạn phải làm việc với nhau, thống nhất với nhau trong việc giải quyết những vấn đề liên quan tới con cái, thay vì ở đó mà chống lại nhau, chỉ trích nhau.
- Không bàn cãi trước mặt con cái. Nếu chúng ngủ, cũng phải nói trong yên tĩnh. Con trẻ có thể cảm thấy bầu khí không an toàn và sợ hãi khi nghe ba mẹ cãi nhau. Vã lại, chúng học cách tranh luận với người khác từ cách tranh cãi của cha mẹ. Hãy để chúng thấy rằng, khi người ta không đồng ý với nhau, người ta vẫn có thể thảo luận trong hòa thuận vui tươi.
- Qui định trật tự cho con
Con cái nên hiểu ý nghĩa của trật tự và trình tự hợp lý trong nhà và trong cuộc sống gia đình. Điều này có thể giúp con cái cảm thấy an toàn và sống bình an hạnh phúc bên ngoài cũng như trong gia đình. Sau đây là vài cách để bạn có thể qui định trật tự cho con cái:
- Qui định giới hạn như giờ đi ngủ, giờ có mặt ở nhà buổi tối… để con cái biết giới hạn của mình. Và bằng cách đó, chúng thật sự biết được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ đối với mình. Có thể chúng sẽ phản đối những giới hạn này, nhưng trong thâm tâm chúng hiểu rằng đó là tình yêu thương và giáo dục của cha mẹ.
- Giao trách nhiệm cho con bằng cách phân công công việc, việc nhà, việc vặt vảnh trong gia đình… và khen thưởng những công việc này với những hình thức như cho tiền, thêm giờ chơi… Không làm những công việc được giao thì sẽ bị rút lại những quyền ưu tiên đó. Ngay cả đứa bé nhất cũng có thể học ý niệm về kết quả được khen thưởng này. Khi con càng lớn, trách nhiệm và phần thưởng về việc hoàn thành bổn phận hay bỏ qua nó càng nhiều hơn.
- Dạy con cái gì là đúng cái gì là sai. Là Kitô hữu, chúng ta phải dạy con nền tảng đạo đức… Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không sống theo kiểu đạo đức giả, vì sẽ làm cho con thấy mình là người “nói một đằng làm một nẻo”
- Phê phán cách cư xử của con chứ không phê phán con
Cha mẹ cần để ý, chúng ta chỉ trích cái sai của con chứ không ghét bỏ con.
- Khi con bạn có hành động nguy hiểm và thù hằn, hãy bảo con cách ứng xử đó không chấp nhận được và đề nghị con sửa đổi. Tránh phê phán như “Con là đồ tồi”, “Con là đứa hư hỏng”… Thay vì vậy, hãy nói: “Con cư xử như vậy là không đúng”, và giải thích tại sao không đúng.
- Hãy nghiêm túc và cứng rắn khi chỉ ra những điều sai trái, nhưng đừng cáu gắt, giận dữ khi nói với con điều mình mong đợi nơi con cái.
- Nếu con cái có cư xử sai quấy nơi công cộng, hãy đưa chúng ra chỗ khác trách mắng riêng, đừng làm con bị sỉ nhục nơi công cộng.
III. Giúp con cái xây dựng nhân cách
- Dạy con tính độc lập
Cha mẹ nên dạy con cái phân biệt cái đúng với cái sai ngay từ khi còn nhỏ, và chúng phải tập tự quyết định việc của mình thay vì nghe theo người khác. Hãy nhớ rằng con bạn không phải là bạn, mà là một cá thể riêng biệt được bạn chăm sóc; không phải là cơ hội để bạn thực hiện những gì bạn ước muốn trong cuộc sống.
- Khi con đủ lớn để tự quyết định, hãy khích lệ con tự chọn chương trình hoạt động mà chúng muốn hay kết giao với những người bạn mà con muốn chơi. Trừ khi, những hoạt động đó quá nguy hiểm và những bạn bè có ảnh hưởng xấu tệ, còn thì hãy để cho con tự khám phá mọi việc.
- Con cái thường có những tính khí trái ngược. Thí dụ khi bạn hướng ngoại thì con lại sống thu mình lại; không sống như những gì bạn khuyên hay đưa ra chuẩn mực; và chúng thường có những quyết định khác biệt.
- Chúng cần học biết rằng những hành động sẽ đưa đến những hậu quả (tốt hoặc xấu). Bằng cách đó, chúng sẽ trở thành người có quyết định đúng đắn và giải quyết vấn đề tốt hơn, để chuẩn bị trở thành người lớn và độc lập.
- Đừng làm giùm con những việc thường nhật để chúng có thể học cách tự làm. Đừng vì để con dễ ngủ mà đem cho chúng một ly nước đến giường hằng ngày, hãy để chúng tự đi lấy mà uống.
- Hãy làm gương sáng
Nếu muốn con cư xử tốt, bạn nên làm gương cho con trong cư xử và nhân cách mà bạn muốn con sống. Con cái thường làm theo những gì chúng nghe và thấy; trừ khi cố tình để phá vỡ những khuôn mẫu. Bạn không phải là một người hoàn hảo, nhưng cần cố gắng hết sức để làm những điều mà bạn muốn con làm. Bạn sẽ trở thành kẻ đạo đức giả khi dạy con phải lịch thiệp với người khác mà lại để con thấy mình cãi nhau dữ dội trong siêu thị.
- Thật ra ai cũng có sai lỗi, nhưng bạn phải xin lỗi và cho con biết rằng cách cư xử đó là không tốt. Bạn nên nói với con, “Mẹ không muốn la mắng bà ta, nhưng bà ta quá thô lỗ đi”. Như vậy thì tốt hơn là bỏ qua sai lỗi của bạn, vì vô tình sẽ là mẫu gương cho con bắt chước cách cư xử như vậy.
- Dạy con làm việc từ thiện. Để con giúp đỡ trong việc chuẩn bị và cho con đi cùng trong những chuyến đi làm từ thiện giúp đỡ người nghèo, bữa ăn miễn phí, thăm trẻ em khuyết tật… Giải thích cho con hiểu tại sao ta làm những việc từ thiện.
- Dạy con làm việc nhà bằng cách lên thời gian biểu và nhờ chúng giúp. Đừng bảo con phải làm việc gì, nhưng yêu cầu chúng giúp một tay. Chúng càng học giúp cha mẹ sớm chừng nào, chúng càng sẵn sàng chừng nấy.
- Nếu bạn muốn con mình học cách chia sẻ, hãy đi bước trước bằng cách sẻ chia mọi việc với chúng.
- Tôn trọng sự riêng tư của con
Tôn trọng sự riêng tư của con như bạn muốn con tôn trọng sự riêng tư của bạn. Thí dụ, nếu bạn dạy con cách vào phòng của bạn, thì bạn cũng tôn trọng như vậy khi vào phòng của con. Cho con biết là khi vào phòng của ai, ta không được nhìn vào ngăn tủ, hay đọc nhật ký của người khác. Điều này giáo dục chúng tôn trọng khoảng không gian riêng mình và đồng thời tôn trọng sự riêng tư của người khác.
- Nếu con cái bắt gặp bạn rình mò việc của chúng, chúng sẽ không thật sự tín nhiệm bạn nữa.
- Khích lệ con sống một cuộc sống khỏe mạnh
Con cái bạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giờ mỗi tối. Khích lệ con sống tích cực và mạnh khỏe, nhưng đừng lải nhải hoài về việc ăn gì làm gì, giống như là bắt con phải làm theo ý mình. Hãy để con tự quyết định theo cách của chúng, chỉ giúp con hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc có một cuộc sống khỏe mạnh mà thôi.
- Để khuyến khích con tập thể dục, bạn cho con chơi thể thao ngay từ nhỏ, sẽ giúp con tìm được môn thể thao chúng ưa thích.
- Nếu bạn cằn nhằn hoài về việc không nên làm điều gì đó có hại cho sức khỏe. Và nếu chính con bạn làm sai việc đó, chúng sẽ cảm thấy bực bội, chúng sẽ tìm đủ mọi lý do để né tránh bạn.
- Muốn con có thói quen ăn uống hợp lý, hãy bắt đầu khi con còn nhỏ. Thói quen này sẽ tiếp tục theo con đến khi lớn. Vì thế, đừng bắt con ăn hết đĩa khi chúng bảo là không đói, điều này hình thành thói quen ăn hết bất cứ thứ gì có trên đĩa của mình.
- Để con tự trải nghiệm cuộc sống và học kinh nghiệm từ những lỗi lầm
- Đừng quyết định thay con mọi nơi, mọi lúc; hãy để chúng học cách chịu trách nhiệm những gì chúng chọn. Kết quả là đôi khi chúng phải tự suy nghĩ; và tốt nhất là bạn có mặt bên cạnh giúp chúng hạn chế tối đa hậu quả tiêu cực và phát huy phần tích cực.
- Cuộc sống là người thầy vĩ đại nhất. Đừng quá nóng nảy can thiệp vào hậu quả của việc con làm nếu không quá nghiêm trọng. Thí dụ, bị đứt tay sẽ cho con kinh nghiệm cẩn thận với vật nhọn. Hãy biết rằng chúng ta sẽ không thể nào bảo vệ con mình mãi được, và vì thế để cho con học được những bài học của cuộc đời càng sớm càng tốt. Mặc dù khó khăn cho con cái và cha mẹ khi nhìn thấy con phạm phải lầm lỗi, nhưng bù lại cả hai sẽ nhận được những điều ích lợi lâu dài trên đường đời.
- Không nên nói với con “Mẹ đã bảo rồi” khi con tự học được những bài học của cuộc sống. Thay vì thế, hãy để con trẻ tự rút ra những kết luận về những điều đã xảy ra.
- Từ bỏ những tật xấu của mình
Cờ bạc, rượu chè, hút xách… có thể phá hoại sự an toàn tài chánh của con cái. Hút thuốc, chẳng hạn, sẽ luôn đưa con cái vào môi trường sống nguy hiểm ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Hít khói thuốc cũng là nguyên nhân dẫn đến một vài căn bệnh của trẻ, và đem lại sự qua đời sớm cho cha mẹ. Rượu bia và thuốc lá cũng dễ đưa đến một cuộc sống nguy hiểm, bạo lực cho môi trường sống của con cái.
- Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể thưởng thức ít ly rượu nho, vài lon bia trong cuộc sống. Điều đó thật tốt đẹp, khi mà bạn còn sử dụng chúng trong vui tươi và trong mức độ kiểm soát an toàn.
- Đừng đặt lên con cái những mong đợi quá sức
Mong con trở nên người trưởng thành, có trách nhiệm thì khác việc bắt buộc con trở thành người hoàn hảo hay sống một cuộc sống hoàn hảo theo ý mình. Bạn không thể đẩy con lên cấp độ cao nhất; thay vào đó hãy khích lệ con học tập những kỹ năng tốt, có tinh thần thượng võ, và để con cố gắng hết mức có thể.
- Nếu bạn chỉ tỏ ra mong chờ điều tốt nhất, con bạn sẽ thấy là chúng không bao giờ đạt được, và chúng dễ đi đến phản kháng chống lại bạn.
- Bạn không muốn trở thành người mà con cái sợ hãi vì cảm thấy không bao giờ làm hài lòng bạn được. Bạn muốn trở thành người hướng dẫn vui vẻ đối với con cái, chứ không phải là một sĩ quan mặt sắt da chì.
- Hãy biết rằng công việc của cha mẹ là không bao giờ hết
Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng việc làm gương để con trở thành một người tốt sẽ chấm dứt khi con tốt nghiệp ra trường, còn xa lắm! Việc làm cha mẹ là một nỗ lực lâu dài bất cứ khi nào con cái cần sự nâng đỡ và yêu thương của bạn, cho dầu bạn ở cách xa chúng hằng vạn dặm.
- Con cái sẽ nhớ đến cha mẹ khi cần lời khuyên bảo, và lời nói của cha mẹ vẫn ảnh hưởng trên con cái bất kể chúng ở độ tuổi nào. Vì thế, với những tháng năm tương lai, bạn không chỉ cần trau dồi kỹ năng làm cha mẹ mà phải bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để trở thành cha mẹ tốt của con.
Nguyễn Hùng Cường
Trần Thị Kim Danh
Nguồn: songtinmungtinhyeu.org