Thỉnh thoảng tôi ghé thăm những gian hàng bán súc vật, trong đó những con chim quí được bắt hoặc gây giống từ rừng bên Phi Châu, Á Châu, hay Úc Châu, Nam Mỹ. Những con chim quí này đều có ghi rõ xuất xứ, giống, và loại. Chúng thích hợp với loại thực phẩm nào, và khí hậu ra sao. Và khi đến chỗ mấy con chó, mèo, thì trên tấm giấy khai sinh còn ghi rõ giống của bố, giống của mẹ, ngày sinh, nơi sinh, và do bác sĩ thú y nào đỡ đẻ.
Đối với những thú vật là vậy, nhưng ngày nay nếu chúng ta hỏi một số em nhỏ, và ngay cả những người lớn tuổi bố, mẹ của anh, của em là ai thì có nhiều người không biết. Trong nhiều đám cưới tại một số các nước Âu Mỹ, nhiều người đã chẳng để ý đến dòng giống cha mẹ người phối ngẫu. Nhiều trường hợp cũng chẳng biết họ là ai, chỉ biết rằng mình thích và yêu người đó thì lấy. Điều này xem ra đi ngược với trào lưu tiến hóa của con người, vì con người với khả năng tìm hiểu, học hỏi, chắc phải có nhiều dữ kiện hơn để biết rõ về cha mẹ, dòng họ mình hơn loài chim, loài thú mới phải.
Ngày 30 tháng 9 năm 2006, trên màn điện toán Zenit đã cho phổ biến kết quả của cuộc khảo cứu với chủ đề “Cách Mạng Vai Trò Làm Cha Mẹ” của tác giả Elizabeth Marquardt. Kết quả được tóm lại với 3 ý chính gồm: 1) Cách mạng luật pháp, 2) Quyền lợi của người lớn, 3) Việc thừa nhận của con cái.
Trước khi đi sâu vào những chi tiết của cuộc khảo cứu, và trước khi nhìn vào những ảnh hưởng tác hại hiện nay trên thế giới đối với giá trị đích thực của vai trò làm cha mẹ với ý nghĩa và trách nhiệm của vai trò này, chúng ta cần nhấn mạnh đến những khủng hoảng lớn lao đang xẩy ra hiện nay trực tiếp liên quan đến đời sống hôn nhân, gia đình, giữa cha mẹ và con cái. Và để làm sáng tỏ những điều này, nhận xét xác thực nhất vẫn là những phát biểu của Đức Piô XII và Đức Gioan Phaolô II.
Đức Piô XII cho rằng điều khủng khiếp nhất xẩy ra cho con người thời nay, đó chính là việc con người “đánh mất ý thức tội lỗi” của mình. Còn Đức Gioan Phaolô II thì cho rằng nhân loại ngày nay đang sống trong “một nền văn hóa sự chết”.
SAI LẠC Ý NGHĨA VÀ VAI TRÒ CỦA CHA MẸ
Theo tác giả Elizabeth Marquaardt đã phân tích, thì những điều mà thế giới văn minh ngày nay đang cố gắng làm trực tiếp liên quan đến những giá trị người làm cha mẹ, đó là:
1. Cách mạng luật pháp: Những quốc gia hiện có những luật lệ đang làm thay đổi cái nhìn và cố tình bóp méo ý nghĩa thiêng liêng của vai trò cha mẹ gồm:
– Canada: Quốc gia này công nhận và cho phép hôn nhân đồng tính, và thay đổi ý nghĩa từ ngữ “cha mẹ đẻ” bằng cách dùng từ “cha mẹ theo luật”. Với luật này, vị trí của quyền làm cha mẹ của một người cha hay người mẹ bị chuyển đổi thành một quyền có tính pháp định. Vì là do xã hội ban cho, nên ý nghĩa thiêng liêng của quyền làm cha mẹ không còn nữa. Con cái sẽ nhìn cha mẹ chúng như những người có liên quan pháp lý, hệt như những người đồng tính hoặc những cha mẹ vì ngại ngùng với vấn đề sinh nở nhận lãnh một đứa con nuôi, hay mua một con chó, con mèo về nuôi vậy.
– Tây Ban Nha: Liền sau khi công nhận quyền kết hôn của thành phần đồng tính, chính phủ nước này đã đổi hình thức giấy khai sinh. Trong khai sinh thay vì đề: con ông và bà, bây giờ trên giấy khai sinh của một đứa trẻ đề là “con của A” hay “con của B”. Những tên này được dùng thay cho tên của cha, hay tên của mẹ. Quyền làm cha mẹ đứa trẻ, và vai trò làm cha mẹ đứa trẻ giờ đây xem như biến mất dành chỗ cho quyền chăm nuôi một đứa trẻ của người có trách nhiệm. Cha mẹ không còn vinh dự được xã hội và luật pháp thừa nhận cái quyền thiêng liêng cao cả của người đã cư mang và sinh thành ra con mình như trước đây nữa.
– Ấn Độ: Theo những chỉ dẫn được công bố nhằm hỗ trợ những hình thức sinh sản năm 2005, thì những đứa trẻ sinh ra do những người cha hiến tinh trùng hay người mẹ hiến noãn sào, sau khi ra đời sẽ không được quyền tìm hiểu về cội nguồn của mình để xem ai là cha hay mẹ thật của mình.
– Tân Tây Lan và Úc châu: Luật pháp hai quốc gia này cho phép những trẻ em sinh ra do việc hiến tặng tinh trùng hay noãn sào được phép có 3 bố mẹ. Tuy nhiên những hình thức bố mẹ này ra sao thì vẫn không được xác định rõ, nhưng thật khó để xác định nếu như các cha mẹ này chia rẽ hay trở thành thù địch của nhau thì số phận những trẻ em ấy sẽ như thế nào?
– Canada và Hoa Kỳ: Tại hai quốc gia tiên tiến này, ngày nay khuynh hướng thừa nhận những cuộc hôn nhân có tính cách đa thê đang ngày càng lớn mạnh và có thể thành luật.
– Pháp: Mặc dù là một số nhỏ trong những quốc gia từ chối việc thay đổi về đời sống gia đình, và không hợp pháp hôn nhân đồng tính, nhưng lại cho phép đứa trẻ được quyền quyết định về vai trò làm cha mẹ của những người sinh ra chúng.
2. Quyền lợi của người lớn: Sự thay đổi về danh xưng cha mẹ, và việc tái định nghĩa vai trò này, theo Elizabeth Marquardt, đã tạo nên những khủng hoảng trầm trọng trong đời sống tâm lý của một đứa trẻ. Nó làm cho tình cảm giữa cha mẹ và con cái trở thành lỏng lẻo, nếu không muốn nói là lệch lạc. Điều này còn cho thấy rằng những hình thức tái định nghĩa hai chữ “cha mẹ” chỉ nhắm vào thành phần người lớn, mà không quan tâm gì đến những đứa trẻ.
Việc lạm dụng về từ ngữ cha mẹ đưa đến quan niệm cho rằng việc lập gia đình, sinh con không còn là một ơn gọi thiêng liêng cao cả. Nó không hơn kém việc nhận một đứa con nuôi, hay đi xin một tinh trùng hoặc noãn sào của một ai đó rồi mình sẽ trở thành cha mẹ. Tệ hơn nữa, còn kém việc mua và nuôi một con chó hay con mèo. Tại Hoa Kỳ chẳng hạn, muốn nuôi một con chó hay con mèo phải mang chúng chích ngừa, khai báo, và xuất trình khai sinh. Khi con chó hay con mèo chết phải làm giấy khai tử và phải được chôn táng cẩn thận.
Ngoài ra, những quan niệm này còn cố tình làm mất đi hoàn toàn ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân và gia đình. Biến con người và những đứa trẻ trở thành những sinh vật lạc loài trên hành tinh trái đất, và làm cho đời sống hôn nhân gia đình của con người không khác gì cuộc sống chung đụng của một bầy thú.
Theo kết quả cuộc khảo cứu trên, thì ngày nay, sau một thế hệ của những lạm dụng khoa học trong việc tạo sinh ống nghiệm, việc cho tinh trùng và noãn, và lạm dụng luật pháp để tái định nghĩa vai trò cha mẹ, giờ đây nhiều trẻ vị thành niên đang rất bất mãn vì không biết thực tế ai là cha, là mẹ, và là người đã sinh ra mình.
3. Việc thừa nhận của con cái: Qua việc tái định nghĩa vai trò và danh xưng cha mẹ, và qua việc sửa đổi hình thức giấy khai sinh, những người làm cha mẹ thật sự đang phải băn khoăn về số phận của mình. Họ không còn là người chủ và thừa nhận những người con mình, và đương nhiên được quyền làm cha mẹ. Ngược lại, họ bị lệ thuộc vào những đứa con có muốn nhìn nhận mình là cha mẹ của chúng hay không. Tại Hoa Kỳ có ít nhất 10 tiểu bang đã cho phép những người không phải là cha mẹ đẻ được quyền có trách nhiệm trên đứa trẻ như cha mẹ của chúng chẳng hạn như các nhà tâm lý hoặc cha mẹ nuôi. Điều này khiến trẻ em lớn lên chỉ biết đến có người trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với mình. Coi cha mẹ cũng tương tự như người nuôi mình hay như người bảo trợ và giám hộ mình. Và điều này là một tủi nhục cho nền văn minh nhân loại cũng như những người làm cha mẹ thật sự. Và câu cao dao: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” của người Việt Nam sẽ không còn ý nghĩa nữa nếu đem áp dụng vào những luật lệ và những đổi mới như vừa được đề cập ở trên.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN
Việc tái định nghĩa danh xưng và vai trò làm cha mẹ, cũng như việc sửa lại hình thức khai sinh trên chính là những hành động làm mất “ý thức tội lỗi”. Những hành động này đến từ ý nghĩ cho rằng mình là “thiên chúa” của chính mình, và do đó, chối bỏ hay không muốn nhìn nhận cái giới hạn của mình. Con người ngang nhiên làm những điều phản nghịch lại với luật lệ của Thiên Chúa, và cho như vậy là đúng. Những hành động ấy tạo nên một ảnh hưởng lớn lao dẫn con người đi vào vùng tăm tối u minh của lý trí và tư tưởng. Thái độ chối bỏ và không nhìn nhận những giới hạn của con người còn sinh ra những quái thai của tư tưởng, của luật pháp, của đạo đức làm ô nhiễm bầu khí văn minh của nhân loại.
Những thay đổi như trên vừa trích dẫn, thật ra chỉ nhằm thỏa mãn lối sống đồng tính và hôn nhân đồng tính. Lớp người này biết rất rõ rằng, với lối sống ấy họ không bao giờ được hân hạnh làm cha mẹ, và cũng sẽ chẳng có ai gọi họ là cha hay mẹ cả.
Vấn đề đồng tính hiện nay đã trở nên thông thường, và hợp pháp tại nhiều nơi trên thế giới. Như chúng tôi đã có lần viết, lối sống đồng tính ngày nay đã bị loại ra ngoài lý do tâm bệnh. Trong danh sách những triệu chứng tâm bệnh, đồng tính không có trong danh sách ấy nữa. Ngược lại, nó được coi là một nếp sống lành mạnh. Nhiều người cho rằng đó là xu hướng xã hội, và những đổi mới của xã hội.
Không chỉ nhìn nhận lối sống đồng tính, xã hội cũng chấp nhận hôn nhân đồng tính. Do quyền được quyền lập gia đình của nhóm người đã làm nẩy sinh ra quyền xin con nuôi. Và từ việc nhận nuôi con nuôi đã đẻ ra việc tái định nghĩa vai trò làm cha mẹ, và sửa đổi lại giấy khai sinh.
Tuy được xã hội thừa nhận, nhưng đây là một lối sống vong thân và lạc loài đến từ sản phẩm của một nền văn hóa sự chết. Qua lối sống này, nhân loại sẽ không có những thế hệ nối tiếp, vì không thể nào 2 người đàn ông hoặc 2 người đàn bà dù với danh nghĩa là vợ chồng có thể sinh sản con cái được. Do đó, dù họ có tranh đấu để được quyền làm cha mẹ dưới bất cứ từ ngữ hay lối xưng hô thế nào đi nữa, thì cái quyền ấy vẫn chỉ là một tên gọi theo pháp lý, thực chất họ vẫn biết mình không bao giờ là cha mẹ của một ai khác. Mầm mống sự chết và hủy diệt có ngay trong quan niệm và lối sống này.
NHÌN VỀ VIỄN ẢNH NHÂN LOẠI
Tóm lại, kết quả cuộc nghiên cứu trên cho thấy là với những luật pháp và lối sống hiện nay của con người thời nay, đặc biệt, những người chủ trương đồng tính, hôn nhân đồng tính đang cố tình định nghĩa méo mó hai chữ “cha mẹ” rất thánh thiêng. Họ phải lãnh chịu cái trách nhiệm lớn lao trước lương tâm và lịch sử. Ảnh hưởng của họ đang dẫn con người xa dần cội nguồn của mình. Họ đang từ từ làm mất đi những quyền lợi thiêng liêng cao cả của bậc làm cha mẹ.
Tuy vậy, cũng đã đến lúc những người có trách nhiệm tinh thần, những ai đang quan tâm đến vận mệnh thế giới và nhân loại cần phải lên tiếng thức tỉnh lương tâm con người. Chúng ta không thể làm ngơ hay cứ để những tiếng nói của văn hóa sự chết kia lấn lướt và dẫn nhân loại vào con đường diệt vong, không phải bằng chiến tranh, bom đạn, mà bằng cách làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái.
Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt
Theo Công Giáo Việt Nam
Nguồn: http://tinmung.net