Gia đình – Trường dạy đức tin

08/12/2020

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình mới hạnh phúc.

Tôi đi nhiều, thấy nhiều, gặp nhiều, nghe nhiều và thấu cảm được những khát vọng, những ước mơ của nhiều người về một gia đình hạnh phúc, trong đó vợ chồng chung thủy yêu thương nhau, con cái ngoan hiền, vâng lời cha mẹ học hành đến nơi đến chốn để thành danh, thành tài giúp cho gia đình và đất nước ngày càng phát triển đi lên.

Có cha mẹ nào không thương con mình. Thương theo kiểu ngày xưa là “cho roi cho vọt”, thương theo kiểu ngày nay là bằng những lời khuyên nhủ, nặng lắm thì cũng chỉ là những lời răn đe… nhưng cho dù thế nào thì những đứa con cũng rất khó lòng để vâng theo lời cha mẹ, chúng thường bỏ ngoài tai hoặc cảm thấy khó chịu trước những lời dạy dỗ, chỉ cho đến khi chúng “nuôi con, mới hiểu lòng cha mẹ”. Thế mới hay làm cha mẹ đâu dễ. Để làm cha mẹ đã khó, nhưng để xây dựng gia đình hạnh phúc càng khó hơn, nhất là trong thời đại hôm nay. Có lẽ vì thế mà nhiều người rất thích những lời ca rất mộc mạc, nhưng lại rất đẹp trong ca khúc Ba ngọn nến lung linh của nhạc sĩ Ngọc Lễ:

                                                                       «Ba là cây nến vàng

                                                                        Mẹ là cây nến xanh

                                                                       Con là cây nến hồng

                                                                       Ba ngọn nến lung linh

                                                                      Thắp sáng một gia đình»

Gia đình là một ngọn nến gộp chung lại từ nhiều ngọn nến khác nhau. Nến là để thắp sáng, nến là phải tan chảy và tiêu hao. Nến vàng của sự hy sinh, nến xanh của niềm hy vọng, nến hồng của tình yêu và niềm mơ ước, tất cả gộp chung lại làm nên một gia đình hạnh phúc. Gia đình công giáo là ngọn nến cháy sáng tỏa chiếu đức tin rạng ngời giữa lòng thế giới. Nền tảng gia đình công giáo là hôn nhân bền vững kết hợp giữa một người nam và một người nữ theo hình ảnh của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5, 32), diễn tả nét đặc thù của tình yêu Phu Thê. Hình ảnh loại suy này làm sáng tỏ mầu nhiệm, đối với tác giả của Thư gửi các tín hữu Êphêsô, dường như là sự bổ túc cho hình ảnh «Thân Mình Huyền Nhiệm» (x. Ep 1,22-23), trong khi chúng ta cố diễn tả mầu nhiệm tương quan của Đức Kitô và Hội Thánh và, xa hơn nữa, là mầu nhiệm tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa đối với con người, đối với nhân loại.

Chính vì nét cao trọng đó, mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong bức thư chung 2013 vừa qua, đã vạch ra một đường hướng sống đạo cho các tín hữu trong năm 2014 sắp tới, như sau: «Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình» (số 5).

Đó là kế hoạch mục vụ đúng đắn nhằm «phúc âm hóa đời sống gia đình», hầu gia đình trở thành Hội thánh thu nhỏ, là trường dạy đức tin, là cái nôi ươm mầm ơn gọi tu trì.

Vì là Hội Thánh thu nhỏ, nên sứ mạng của gia đình cũng giống như sứ mạng của Hội Thánh, sứ mạng của mỗi gia đình là thể hiện đúng bản chất của mình là một cộng đoàn loan truyền đức tin bằng đời sống yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo cho mọi người về Nước Thiên Chúa. (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2205).

Vì là trường dạy đức tin, nên cha mẹ phải là những bậc thầy truyền dạy đức tin cho con cái mình, như là những người thừa kế gia sản ngàn đời của tổ tiên truyền lại. Truyền dạy đức tin không những bằng lời, mà còn bằng chính gương sáng của một đời sống đạo đức chân chính, bằng tình yêu thương thủy chung son sắt vợ chồng trong mối tương quan gắn kết làm nên một gia đình gương mẫu tuân giữ luật Chúa.

Vì là cái nôi ươm mầm ơn gọi, nên cha mẹ phải có lòng khát khao, có niềm thao thức nuôi dạy và hướng dẫn con cái biết sẵn sàng đáp trả lại tiếng Chúa gọi dấn thân trong đời sống tu trì và linh mục. Bằng một đời sống đạo trung trinh và lời cầu nguyện tha thiết, cha mẹ có thể bắt chước Thánh nữ Mônica, để khuyên nhủ và giáo dục con cái. Và hoa trái lớn lao là Thánh Augustinô ăn năn trở lại.

Nhìn vào thực tế, đời sống gia đình tại Việt Nam đang trải qua nhiều biến đổi và đánh mất dần mô hình truyền thống của một gia đình lễ giáo. Mối tương quan giữa cha mẹ và con cái có nguy cơ rạn nứt; sự chung thủy trong hôn nhân bị đe dọa; số cặp đôi ly dị đang lớn dần, cũng như nạn phá thai đang đến mức báo động ngay giữa các Kitô hữu; trào lưu sống thử cũng đã thâm nhập vào giữa các bạn trẻ Công giáo. Rồi những trào lưu của thời đại đang phát triển tại các nước Âu – Mỹ như hôn nhân đồng tính, bắt đầu đe dọa đến hôn nhân Kitô giáo vốn được thiết lập giữa một người nam và một người nữ.

Trước những tiêu cực đó, cần nhấn mạnh rằng hôn nhân là một ơn gọi và các Kitô hữu trong bậc sống ấy hoàn toàn có thể đạt tới sự thánh thiện cao độ của đức ái trọn lành. Giáo Hội vẫn minh định gia đình là Giáo Hội tại gia và là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Hơn nữa, gia đình còn là chiếc nôi và trường dạy sự hiệp thông, trong đó việc sinh con cái là đích điểm của hôn nhân gia đình. Con cái là hồng ân Chúa ban, nên cha mẹ cần tạ ơn Chúa, bởi Ngài đã cho làm mẹ làm cha, và được thay Chúa giáo dục để chúng trở thành con người và thành người con Chúa.

Có một mái nhà mẫu, đó là thánh gia Nagiaret. Chắc chắn ai cũng ao ước ngôi nhà của mình là một gia đình Nagiaret cho thế giới hôm nay, một gia đình sống trong ân nghĩa, sống hòa hợp và nuôi dạy con cái lớn khôn, ngoan hiền, được Thiên Chúa thương yêu và mọi người thương mến. Trong mỗi gia đình luôn có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hãy đến và học biết gương lành của ba đấng trong gia đình Nagiaret.

Cùng Đức Maria, học biết lắng nghe Lời Chúa và vâng phục theo Thánh Ý Chúa (x. Lc 8, 21), sẵn sàng chia sẻ niềm vui và tận tâm giúp đỡ tha nhân (Lc 1, 39-56).

Cùng với Thánh Giuse, sống công chính trong ơn nghĩa Chúa. Bởi vì «ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra» (1Ga 2,29), luôn sống trung thành và thực thi ý Chúa.

Cùng với Hài nhi Giêsu, sống vâng lời cha mẹ, tràn đầy ơn nghĩa Chúa, càng lớn lên càng thêm vững mạnh và thêm khôn ngoan (x. Lc 2, 39).

Đời sống gia đình có thể trải qua nhiều biến cố, có lúc sóng gió dập dồn, lại có lúc trời yên biển lặng. Mỗi biến cố là một khúc quanh, là một dấu ấn, là một khoảng lặng, để chiêm nghiệm và để sống đức tin, mà dâng lên lời kinh tạ ơn vì Chúa đã thương gìn giữ gia đình vững vàng vượt qua. Những lúc ấy các thành viên trong gia đình lại càng phải gắn kết với nhau để làm nên một cộng đoàn đức tin như những ngọn nến sáng lan truyền và chiếu tỏa trong thế giới sức nóng của niềm tin và hy vọng, của tình yêu và sự tha thứ.

Quốc Vũ

Nguồn: http://danvienphuocly.com/