“Hôn ước mà nhờ đó người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sự sống và tình yêu, đã được Đấng Sáng Tạo thiết lập và phú cho những luật riêng. Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích”. (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1660, trang 608 – Tòa TGM TPHCM – 1997)
Khi nói về hôn nhân gia đình, trong dân gian ta có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” . Đó là một trong những hình ảnh gần gũi, dễ thương và nhiều ý nghĩa nhất. Đây là một bức họa đẹp và sinh động về khung cảnh hòa hợp hòa điệu trong một gia đình hạnh phúc. Hình ảnh vừa nói lên ý nghĩa sâu xa của sự hợp tác tương ứng và gắn bó giữa hai vợ chồng trong trách nhiệm xây dựng hôn nhân gia đình, lại vừa khơi gợi sự sống sinh động và linh hoạt trong cộng đồng gia đình, trong đó mỗi thành viên đều ra sức tích cực hoạt động vì lợi ích chung…
Thành quả của tình yêu là hôn nhân, thành quả của hôn nhân là mái ấm gia đình và con cái được sinh ra và lớn lên trong đó. Quy luật ngàn đời của xã hội con người là vậy. Engels đã nói: “Tình yêu chân chính là tình yêu dẫn đến hôn nhân”. Còn Polly Adler thì khẳng định: “Một mái nhà cộng với tình yêu thành mái ấm”. Và thi hào người Anh Byron quả quyết: “Nếu không có những trái tim yêu thương, thì không có mái ấm gia đình”.
Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, chuỗi ba từ ấy thường luôn đi liền nhau và gợi nên một hình ảnh về một tổng thể cấu trúc có nét đẹp hài hòa, thiêng liêng và đầy ý nghĩa… Cấu trúc ấy đã mặc nhiên cho thấy rằng khi chấp nhận đời sống hôn nhân, người ta phải có mục tiêu cụ thể để hướng tới: xây dựng và phát triển một gia đình hạnh phúc, ấm êm. Mặt khác, cần phải tiếp tục duy trì tình yêu ban đầu để hôn nhân phát triển bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, con cái, nhờ ân huệ và thành quả tình yêu ấy, được sinh ra, được giáo dục trưởng thành để trở nên những con người hữu ích.
Ngày nay, người ta nói đến nguy cơ của những bạn trẻ tôn vinh và chấp nhận những thứ hôn nhân “đặc biệt” như: hôn-nhân-không-cam-kết, hôn-nhân-không-mục-đích, hôn-nhân-thử-nghiệm, hôn-nhân-liền-tay, hôn- nhân-tiền-hôn-hậu-thú vv… Tất cả những “mác” hôn nhân ấy đang hấp dẫn nhiều bạn trẻ và đã gây không ít đau đớn, thất vọng cho họ ! Báo chí đã có nhiều phóng sự “buồn thảm” về thực trạng bi kịch của những “mốt” hôn nhân như thế. Bởi vì, như một danh nhân đã nói: “Họ mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi lấy nhau”.
Có lẽ trong cuộc sống đang có nhiều khủng hoảng và thách thức về những vấn đề hôn nhân gia đình, chúng ta tự thức tỉnh để nhìn lại mục đích, ơn gọi của hôn nhân gia đình là gì và tự hỏi nên làm gì để có thể bảo vệ, củng cố mái ấm càng ngày càng ấm êm hơn.
BA NGỌN NẾN LUNG LINH…
Ca sĩ – nhạc sĩ Ngọc Lễ đã viết một bài hát rất dễ thương về gia đình, mà hẳn là nhiều người đã biết đến: “Cha là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình…”. Hình ảnh thật đẹp, thật diệu vợi ! Cái đẹp huyền diệu và quyến rũ từ ánh sáng lung linh của ba ngọn nến xanh-vàng-hồng: cha-mẹ-con cái. Một bức tranh thật tuyệt vời !…
“Hôn nhân là một công trình mà ta phải kiến tạo suốt đời”, Văn hào Pháp A. Maurois đã nói vậy. Công trình hôn nhân, vừa khó khăn vừa lâu dài ấy, được thực hiện không do một người mà là nhiều thành viên trong gia đình. Gia đình trước hết là một cộng đồng. Một cộng đồng cơ bản và làm hạt nhân cho những cộng đồng lớn hơn. Và cộng đồng này trước hết được xây trên nền yêu thương.
Đại văn hào Pháp V. Hugo đã thi vị hóa như sau: “Ngôi nhà được xây bằng gỗ đá, bằng ngói, bằng cột bằng kèo. Gia đình được xây bằng những việc làm yêu thương. Nó sẽ trụ vững một ngàn năm”. Rõ ràng là, để hôn nhân bền vững, để gia đình hạnh phúc bền lâu, người ta phải xây dựng bằng những vật liệu không mối không mọt, đó là chất liệu tinh thần: lòng nhân ái yêu thương đùm bọc và sự chung thủy kiên vững. Gia đình là một kiến trúc xây dựng thuộc về trách nhiệm của mọi thành viên.
ĐIỀU GÌ ĐẸP NHẤT TRẦN GIAN ?
Trong số báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ra ngày 1-9-2002, mục Nghệ Thuật Sống, có bài “Bức tranh tuyệt vời” của tác giả Chung Sa, kể câu truyện về một họa sĩ suốt đời mơ ước vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đi gặp ba nhân vật để hỏi ý kiến: vị giáo sĩ, cô gái và người lính. Vị giáo sĩ đề nghị vẽ niềm tin, vì niềm tin nâng cao giá trị con người. Còn cô gái thì muốn vẽ tình yêu, vì tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, đem nụ cười cho kẻ khóc than, khiến điều bé nhỏ thành vĩ đại cao thượng, tạo niềm vui cho cuộc sống… Về phần người lính, anh ta gợi ý vẽ hòa bình, bởi hòa bình là điều đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp. Ông phân vân tự hỏi: “Làm sao có thể vẽ một lúc cả niềm tin, cả hòa bình và cả tình yêu được ?”… Cuối cùng, khi về nhà mình, ông họa sĩ đã nhận ra niềm tin trong ánh mắt các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ; những điều đó làm tâm hồn ông tràn ngập hạnh phúc và bình an. Ông bắt đầu vẽ và hoàn thành tác phẩm mà ông không ngần ngại đặt tên tác phẩm của mình là Gia đình. Lúc này, người họa sĩ đã hiểu điều gì là đẹp nhất trần gian rồi…
Dựa vào câu truyện trên, bài viết do tác giả Chung Sa sưu tầm, đã đưa ra một kết luận: “Thật vậy, gia đình là nơi đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của người cha. Nơi đó có hơi ấm của những con tim biết yêu, là ánh sáng của đôi mắt tràn đầy hạnh phúc, là sự ân cần, là lòng chung thủy. Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho trẻ thơ học những điều hay lẽ phải, học niềm tin và lý tưởng sống. Đó là: nơi chúng ta tìm về để được ủi an nâng đỡ – nơi những món ăn đơn sơ cũng thành mỹ vị – nơi tiền bạc không quý bằng tình yêu – nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm vui hạnh phúc”.
XÂY NHƯNG KHÔNG “CẤT” !?
Thật vậy, có gia đình là có tất cả. Người ta thường nói: “Không nơi nào bằng mái ấm gia đình !” (No place like home). Sống trong gia đình êm ấm người ta sẽ cảm nhận như sống trên thiên đường !… Đó là một sự thật.
Nhưng sẽ là bất hạnh nếu người ta phải sống trong một môi trường gia đình bất ổn và thiếu vắng tình yêu. H. de Balzac, nhà văn vĩ đại của Pháp đã nói: “Hôn nhân là con đường dắt ta vào địa ngục hay đưa ta vào thiên đàng”. Vì sao có loại hôn-nhân-địa-ngục ?
Đó là vì người ta xây dựng xong rồi đem “cất đi” tất cả, không khác gì những di tích, kỷ vật cũ kỹ, mốc meo, lạnh tanh giấu kín trong nhà bảo tàng vậy thôi ! Tình yêu trở nên nhạt thếch. Niềm tin biến thành khô cứng. Hy vọng thui chột. Nụ cười tắt lịm. Hạnh phúc chỉ còn là “một chút gì đó xa vắng… để ngàn năm đợi ngàn năm chờ” !…
Tuy nhiên, dù bi kịch thì vẫn có, nhưng người ta có thể vượt qua bằng tình yêu, nghị lực và sự hợp tác chân thành. James Thurber đã nêu ý kiến sau đây: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm”. Nếu có mồ hôi và nước mắt trong hôn nhân thì đó là lẽ thường tình. Đó là mồ hôi của lao động và hi sinh. Đó là nước mắt của cảm thông và thiện chí. Hôn nhân đích thực không bao giờ làm ta rơi vào ảo tưởng của mộng mơ. Nhưng có một điều chắc chắn là: “Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên khúc nhạc cuộc đời” (David Sarnoff).
Sự hợp tác chân thành và tinh thần trách nhiệm cao trong gia đình sẽ là yếu tố quan trọng giúp duy trì sự bền vững của hôn nhân. Kinh nghiệm dân gian vẫn còn ý nghĩa và giá trị thực tiễn: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”… Sự hoà thuận trong vợ chồng không làm cho đôi bạn mất đi cái “tôi” riêng của mình, trái lại, nó bổ túc, hoàn thiện mỗi con người. Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình thì để có sự hợp tác hiệu quả giữa hai vợ chồng, nên tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
1.-Tôn trọng sự khác biệt của nhau (giới tính, cá tính, sở thích…);
2.-Trân trọng những ý kiến cá biệt của nhau;
3.-Năng bàn bạc, thảo luận các vấn đề hệ trọng trong gia đình;
4.-Tranh luận trên tinh thần “bình đẳng” và “hai bên cùng có lợi”;
5.-Hãy nắm vững Nghệ thuật của sự nhượng bộ;
6.-Hãy biến những “mâu thuẫn, bất đồng” thành sức mạnh;
7.-Biết nhận ra những điểm mạnh và bỏ qua những điểm yếu của nhau;
8.-Hãy nhớ kỹ điều này: Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng.
Viễn ảnh về một mái ấm với “ba ngọn nến lung linh” là điều có thực đối với những ai biết khao khát hạnh phúc và sẵn sàng hành động cách tích cực cho tình yêu và vì hạnh phúc gia đình. Và “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson).
TỪ MÁI ẤM GIA ĐÌNH ĐẾN CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI…
Nếu hôn nhân là hoa quả của tình yêu chân chính thì gia đình là điểm dừng lý tưởng của hôn nhân đúng nghĩa. Câu nói sau đây đã diễn tả ý nghĩa ấy: “Hôn nhân không phải là điểm đến. Nó chỉ là một cuộc hành trình tiến đến một gia đình hạnh phúc, nơi đây tình yêu là điều quan trọng nhất”.
Xã hội coi gia đình là tế bào đầu tiên của cộng đồng, là nền tảng của nhân loại. Có gia đình tốt tất có xã hội lành mạnh. Do đó, gia đình có trách nhiệm và bổn phận xây dựng và làm đẹp xã hội.
Với người tín hữu Kitô giáo, hôn nhân gia đình còn mang nhiều ý nghĩa cao cả hơn nữa. Một vài gợi ý sau đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về gia đình Kitô giáo và những bổn phận của nó.
Thiên Chúa đã thiết lập định chế hôn nhân và trao cho hôn nhân sứ mạng hình thành và phát triển cộng đồng gia đình theo chương trình kế hoạch của Người. Chúa Giêsu cũng đã chúc phúc, thánh hóa hôn nhân và Ngài nâng thực tại ấy lên hàng bí tích. Thánh Phaolô đã mô tả tính cách bí tích của hôn nhân như là sự kết hợp giữa Chúa Kitô (hiền phu) và Hội thánh (hiền thê) (x.Ep 5,21-33).
Gia đình Kitô hữu luôn phải sống và giới thiệu cho thế giới mô hình gia đình theo Tin Mừng Kitô giáo.
Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục VN năm 2002 về chủ đề “Thánh hóa gia đình”, đề mục ‘Gia đình’ số 6, đã nêu rõ: “… Theo ý định của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn rộng lớn hơn, tức là gia đình. Nhờ hôn nhân mà đôi bạn trở thành cha mẹ, lãnh nhận nơi Thiên Chúa quà tặng là những người con. Khi cha mẹ yêu thương con cái, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người. Khi cha mẹ chăm sóc con cái, họ làm thành một cộng đồng hiệp thông những ngôi vị. Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu nhau và nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị. Từ ý nghĩa ấy, ngay giữa lòng cuộc sống hôn nhân và gia đình, toàn bộ những tương quan liên vị như tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em được kết dệt, và nhờ đó, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong ‘gia đình nhân loại’ và ‘gia đình Thiên Chúa’ là Hội Thánh (ĐSGĐ, số 15)”.
Khi các gia đình Kitô hữu “đã phấn đấu trong mọi khó khăn của cuộc sống để gìn giữ nét đẹp gia đình Kitô giáo, theo khuôn mẫu đời sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa” (Thư Mục Vụ của HĐGM VN năm 2002, phần II , số 7) thì đang trở nên men, muối, ánh sáng cho đời. Họ chẳng những phải hoàn thiện chính bản thân mình mà còn được kêu gọi tỏa gương sáng ra bên ngoài, như ánh sáng lung linh, như hương thơm dịu êm, như hơi ấm nồng nàn…” Một gia đình Kitô hữu thực sự tốt đẹp không thể chỉ đóng kín trong những sinh hoạt riêng tư, nhưng cần mở rộng mối quan hệ với những gia đình chung quanh, để kính trọng yêu thương, trao đổi học hỏi và quan tâm giúp đỡ, góp phần phát triển nền văn minh tình thương” (Thư Mục Vụ của HĐGM VN năm 2002, phần III , số 8).
Xa hơn, rộng hơn, gia đình Kitô giáo có nhiệm vụ làm tông đồ giáo dân. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian đảm nhận tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý” (CĐ Vat. II – Hiến chế Tín lý về Giáo Hội – Ch.IV ‘Giáo dân’ – số 35, trang 114 – Bản dịch Việt ngữ Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đalat – 1975).
Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu (FC) đã nhắn nhủ: “Gia đình Kitô hữu ngày nay thường đang bị cám dỗ nản lòng hay đang âu lo trước những khó khăn, ngày một lớn; lòng yêu mến ấy còn được biểu lộ qua một hình thức trổi vượt nữa, đó là đem lại cho gia đình Kitô hữu những lý do để tự tin vào mình, qua những phong phú mà gia đình có được tự bản chất hay do ân sủng, qua sứ mạng Thiên Chúa đã ủy thác cho gia đình. ‘Các gia đình ngày nay phải trấn tỉnh lại ! Phải theo Chúa Kitô’… Ngoài ra, các Kitô hữu còn có bổn phận phải loan báo cách vui tươi và xác tín, ‘Tin Mừng’ về gia đình, vì một cách tuyệt đối, gia đình đang còn và mãi mãi vẫn còn cần nghe và cần hiểu ngày càng sâu sắc hơn, những lời đích thực mặc khải cho gia đình biết chân tính của nó, những tiềm năng và tầm quan trọng sứ mạng gia đình trong xã hội loài người và trong Hội Thánh Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II – Tông Huấn FC về những bổn phận của gia đình Kitô hữu – số 86, trang 182 – Roma 2002).