Con cái như trái bóng cao su – Lựa chọn hệ thống giáo dục

09/06/2020

Don Bosco đã trình bày phương pháp giáo dục của ngài ngay trong những dòng đầu tiên của tập sách nhỏ như sau: “Hai phương pháp đã được sử dụng trong công cuộc giáo dục thanh thiếu niên: Phương pháp dự phòng và Phương pháp đàn áp. Phương pháp đàn áp ở tại sự làm cho các người bề dưới biết rõ luật pháp, rồi trông chừng để khám phá ra những kẻ phạm pháp và áp dụng những hình phạt mà họ đáng chịu… Phương pháp dự phòng thì khác hẳn và có thể nói là đối lập với phương pháp trên đây. Bản chất phương pháp dự phòng là làm cho hiểu rõ các lời dạy và các luật lệ của một tư thục và cha giám đốc hoặc người hộ trực hãy luôn luôn trông chừng các em học sinh, như người cha thân thương hãy nói, hãy tận tình chỉ dẫn cho mỗi sự việc, khuyên bảo và sửa chữa với lòng nhân ái”.

Thực ra thời cuộc chuyển biến nhưng hoàn cảnh sống thì vẫn giống nhau. Ngày nay cũng vậy, nhà giáo dục vẫn cứ lúng túng ở ngã ba đường. Người ta cứ phải lựa chọn giữa cưỡng bách (costrizione) và xây dựng (costruzione). Đó không phải là một cách chơi chữ: đó thật sự là hai quan điểm giáo dục. Cách thứ hai liều lĩnh hơn và thậm chí còn khó nhọc hơn. Đây là cách tôn trọng con người và sự tự do của họ, hơn nữa còn tôn trọng nhịp điệu sinh học của sự tăng trưởng và thành thục của con người.

Thanh thiếu niên phản ứng tiêu cực khi chúng bị “ép buộc”. Giống như trái bóng cao su: đập càng mạnh, càng văng xa. Để tự khẳng định mình, người lớn dùng cách ứng xử không có hiệu quả và khiêu khích như: cằn nhằn, lên lớp, kết án, đe dọa, so sánh, lo lắng, la hét, chỉ trích, đánh đập, trừng phạt. Vì vậy, con cái đáp trả bằng cách ứng xử không có hiệu quả tương tự: thét gào, đập phá, ngăm đe, đánh nhau, say xỉn, nói dối… Đặc biệt, chúng tự khép kín: ngủ vùi, bỏ nhà ra đi, phớt lờ, tự nhục mạ, hờn dỗi, sử dụng thuốc phiện, tự tử.

Không cha mẹ nào muốn con cái phản ứng quyết liệt, hoặc muốn sự cô lập của chúng. Nhưng chính chúng ta cổ vũ cách ứng xử này khi ta cưỡng ép con cái. Nguyên do việc dùng cách ứng xử cứng rắn, kiên quyết, hiệu quả và thậm chí tức khắc. Có lúc con cái phẫn nộ vì cảm thấy như trong tù ngục. Hành động như thế khác nào cha mẹ xây tù ngục cho con cái.

Giải pháp cho vấn đề bắt đầu khi cha mẹ thành thật tự hỏi việc giáo dục con cái cần mang lại những hoa trái nào. Chắc chắn ai cũng muốn giúp con cái nên người trưởng thành và có trách nhiệm. Vấn đề ở chỗ nhiều cha mẹ thường hành động như thể muốn lèo lái con cái tránh xa cái nguy cơ liên can đến mục đích này. Có lẽ họ lẫn lộn giữa hình thức cô lập và sự bảo vệ.

Gây uy tín

Theo một nghĩa nào đó, việc lựa chọn đường hướng được đề xuất từ phương pháp của Dòng Salêdiêng, nhà giáo dục phải quyết định để trở thành một nhà lãnh đạo uy tín. Một bạo chúa độc tài đương nhiên là không. Người ta phải tranh thủ được điều lợi nhất nơi con em mình, cần có chúng như những đồng minh trong nhiệm vụ giáo dục cam go. “Cha mẹ tôi luôn luôn nói tôi là đứa vô lễ. Nhưng ai đã dạy tôi? Chính họ, không đúng sao?”.

Giáo dục gia đình là kết quả tác động qua lại giữa hai “cực” sống động (cha mẹ và con cái) và không bao giờ là một mối quan hệ đơn phương, ở đó cha mẹ ban phát và con cái lãnh nhận, kết quả cha mẹ hành xử như thể con cái là những vật vô tri vậy.

Nhiệm vụ của cha mẹ uy tín có thể là nhiệm vụ sau:

Giám sát được tình hình. Nghĩa là cha mẹ nhận biết tính nết con cái, lựa chọn kế hoạch và phương pháp phù hợp. Bởi vậy cha mẹ phải thường xuyên hiện diện trong đời sống của con cái, không đợi khi vấn đề lộ ra mới có mặt.

Hướng dẫn, dạy dỗ “luật chơi”. Người lãnh đạo giỏi xử lý mọi thông tin cần để làm một việc tốt đẹp và chia sẻ thông tin này cho người thuộc quyền. Don Bosco xác định“Thanh thiếu niên cần biết…”. Bằng cách nào đó cha mẹ cũng phải là thầy cô giáo của trường đời. Thật không may, nhiều thanh thiếu niên cảm thấy bối rối trong việc bàn hỏi với cha mẹ những điều chúng thật sự quan tâm. Các thông tin đúng nghĩa phải hữu dụng. Có thể dùng ngay.

Quan trọng là có một sự giao tiếp thật sự. Cha mẹ nên phân tích các ý tưởng và cảm xúc cách rõ ràng, chọn lựa ngôn hành chính xác, giảm thiểu cản trở bao nhiêu có thể. Con cái phải tỏ ra đã thông hiểu và diễn đạt lời đã nghe bằng hành động.

Nhân vô thập toàn. Dù tôn trọng những đòi hỏi và cá tính của người khác, một phong cách sống uy tín vẫn còn đó và vẫn cho thấy những hạn chế. Dưới cái nhìn này, quyền bính và sự tự do không phải là hai khái niệm đối lập nhau, nhưng ngược lại điều này liên hệ đến điều kia.

Khuyến khích. Ngày nay, nhiệm vụ dạy dỗ con cái khó khăn hơn bao giờ hết. Thanh thiếu niên nhận được rất nhiều lời đề nghị, lời khuyên, ý kiến, nhưng hiếm khi chúng được khuyến khích.

Cha mẹ có thể khuyến khích con cái bằng cách nào?

Khuyến khích trước hết là lắng nghe. Điều đó có nghĩa là thực sự lưu tâm không chỉ ở các “sự kiện” liên quan đến con cái, mà còn tới các giá trị và ước vọng của chúng.

Gửi những thông điệp trong sáng. Trong xắc của một bé gái, có tấm thiệp nhàu nát, điều đó xác nhận cả ngàn lần đọc: “Con gái cưng của mẹ, mẹ biết con buồn chán vì sổ học bạ có điểm kém. Mẹ xin con đừng lo lắng. Con có nhiều điểm xuất sắc mà chính mẹ và cha tin rằng chúng thật quan trọng trong cuộc sống! Con thật thà, trách nhiệm và tự chủ. Con thật sự là một người tuyệt vời. Những thứ khác không thật sự quan trọng. Ôm hôn con trong vòng tay của mẹ”.

Cũng chú ý đến từng chi tiết. Thanh thiếu niên thường cầu cứu qua những dấu hiệu nho nhỏ, điều quan trọng là học cách nhận biết.

Giúp thanh thiếu niên tự tin. Đó là điều thiết yếu. Mục tiêu của giáo dục chính là xây dựng một người có sự tự tin.

Nhận biết. Cần công khai thừa nhận những cách hành xử đúng đắn. Con cái rất nhạy cảm với sự tán thành và đánh giá của cha mẹ. Một lời tán thưởng, một dấu chỉ hài lòng, một lời khen ngợi có tác dụng “củng cố” và khích lệ. Những cách hành xử trách nhiệm, hành động ý tứ, biết giữ chữ tín, thái độ mềm dẻo, lựa chọn đúng lúc, sống có mục tiêu, biết lập kế hoạch, biết chăm sóc bản thân và người khác là những cách hành xử mà người ta ngưỡng mộ nơi người ngoài, mà thường không được nhận biết nơi chính con cái. Hệ thống giáo dục của Don Bosco “đào tạo nên những học sinh biết suy nghĩ, để bất cứ lúc nào nhà giáo dục cũng có thể nói cho các em ngôn ngữ của trái tim, dù trong thời kỳ giáo dục, dù sau đó. Nhà giáo dục đã chiếm được trái tim của các em sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với các em cả sau khi các em đã tốt nghiệp, đã giữ những chức vụ công quyền hoặc bước vào giới doanh thương, thì nhà giáo dục vẫn có thể tiếp tục khuyên bảo, cho các em ý kiến, và ngay cả quở trách các em”.

Tất cả bí quyết nằm ở chỗ “thu phục được trái tim”.

Tôi sẽ viết cho con cái mình một thông điệp.

Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/