Cách dạy con lớn khôn

26/05/2020

Có một đứa trẻ hỏi cha mình: “Nhà chúng ta rất giàu phải không ạ?” Người cha trả lời: “Cha có tiền, con thì không có.” Từ nhỏ đứa trẻ đó đã rất nỗ lực để có thể gánh vác sự nghiệp của cha ông để lại…..

Có một đứa trẻ hỏi cha mình: “Chúng ta rất giàu có phải không ạ?” Người cha trả lời: “Nhà chúng ta rất giàu có, khi nào cha mất rồi, tất cả sẽ là của con.” Đứa trẻ đó từ nhỏ đã tiêu xài hoang phí, cả ngày không biết làm ăn gì. Đến khi tiếp quản sự nghiệp của cha để lại, tài sản đã nhanh chóng cạn kiêt. Đúng như ông bà ta đã nói: “Không ai giàu ba họ.”

Đọc xong câu chuyện dưới đây chúng ta sẽ càng hiểu thêm được sự khác nhau trong cách dạy con của hai người cha trong câu chuyện trên.

Trong kỳ nghỉ hè, một người bạn Pháp , gửi đứa con trai mười ba tuổi của mình đến nhà một người bạn tên là Mary ở Perth – châu Úc, nói rằng muốn cho con mình được va chạm nhiều hơn với thế giới, muốn nhờ Mary chăm sóc nó. Thế là Mary bắt đầu “chăm sóc” cho đứa trẻ tuổi vị thành niên.

Trên đường đón đứa trẻ từ sân bay về, Mary đã nói với cậu bé rằng: “Cô là bạn của cha cháu, trong một tháng nghỉ hè ở đây cô sẽ chăm sóc cháu, nhưng cô muốn nói với cháu rằng, cô không có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của cháu bởi vì cô không nợ cha cháu, cha cháu cũng không nợ cô, cho nên hai chúng ta bình đẳng với nhau. Cháu đã mười ba tuổi rồi, đã có khả năng tự lo cho cuộc sống của mình, cho nên từ ngày mai cháu phải tự thức dậy đúng giờ, cô không có trách nhiệm gọi cháu dậy. Sau khi thức dậy, cháu phải tự chuẩn bị bữa sáng, bởi vì cô phải đi làm, không thể chuẩn bị bữa sáng cho cháu. Sau khi ăn sáng xong, cháu phải tự rửa bát đĩa, bởi vì cô không có trách nhiệm rửa bát đĩa cho cháu. Phòng giặt đồ ở kia, cháu phải tự giặt quần áo của mình. Ngoài ra, ở đây có một tấm bản đồ và lịch trình các tuyến xe buýt, cháu tự tìm xem muốn đi đâu chơi, khi nào có thời gian cô sẽ đưa cháu đi. Nhưng nếu không có thời gian, cháu phải tìm được tuyến đường và lộ trình xe để có thể tự mình đi chơi. Nói tóm lại, cháu phải tự giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của mình. Bởi vì cô cũng có việc cần phải giải quyết, cô mong rằng sự xuất hiện của cháu sẽ không mang lại phiền phức cho cô.”

Đứa trẻ mười ba tuổi chớp chớp mắt lắng nghe người phụ nữ không cho phép cậu gọi là cô mà nhất quyết bắt cậu gọi là Mary nói, trong lòng chắc cũng đã hiểu ra nhiều điều. Bởi vì lúc cậu ở nhà, tất cả mọi chuyện đều có cha mẹ làm cho.

Cuối cùng, lúc Mary hỏi cậu đã hiểu chưa thì cậu nói: “Cháu hiểu rồi ạ.”

Đúng vậy, cô ấy nói rất đúng, cô ấy không nợ cha, càng không nợ mình. Bây giờ mình đã mười ba tuổi, đã lớn rồi và có thể làm được rất nhiều việc, như là tự chuẩn bị bữa sáng, tự ra ngoài và đi đến nơi mình thích.

Một tháng sau, cậu quay trở về Bắc Kinh. Mọi người trong nhà đều kinh ngạc khi phát hiện ra cậu bé đã thay đổi, biết làm tất cả mọi chuyện, giải quyết mọi vấn đề của mình: biết gấp chăn sau khi ngủ dậy, rửa bát đĩa sau khi ăn xong, biết sử dụng máy giặt, biết ngủ đúng giờ và cũng lễ phép hơn khi cư xử với những người xung quanh,…

Cha mẹ cậu bé vô cùng khâm phục Mary, hỏi cô rằng: “Cậu đã làm phép thuật gì vậy? Sau một tháng có thể khiến con trai mình trở thành một đứa trẻ rất hiểu chuyện?”

LỜI BÀN :

Nếu như cha mẹ quá nuông chiều con cái, những gì mình có sẽ đều dành cho con cái, nếu không có cũng muốn dành hết những điều tốt đẹp nhất cho chúng, thậm chí chỉ mong có thể dành cả cuộc đời mình để chăm lo cho con mà coi nhẹ khả năng và lựa chọn của chúng. Điều này không giúp chúng trưởng thành. Sự chiều chuộng như vậy không phải là tình yêu thương đích thực.

SƯU TẦM

Nguồn: ditimchanly.org