Hỏi: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,6). Đó là luật của Chúa. Luật dân sự cho phép ly dị. Số cặp vợ chồng Công Giáo ly hôn cũng tăng, không có điểm dừng. Xin cho người trẻ vài bí quyết để gìn giữ hôn nhân gia đình trong thời đại hôm nay?
Trả lời:
Chào bạn,
Đọc câu hỏi của bạn, tôi gõ trên Google với cụm từ “tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam” và thấy được thông số sau từ trang web của Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:
“Cuộc điều tra do Bộ VH–TT&DL, phối hợp với Tổng cục Thống kê, với sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ ly hôn đang tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn hiện gấp 2 lần so với người chồng đứng đơn. Người tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tỷ lệ ly hôn từ 1,7–2%, thấp hơn tỷ lệ 4–6% của người không có bằng cấp. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng 18–60 tuổi là 9,4 năm; còn riêng ở các khu vực nội thành, các thành phố lớn chỉ 8 năm. Có 4 nguyên nhân thường xảy ra nhiều là: mâu thuẫn về lối sống (chiếm 27,7%); ngoại tình (25,9%); kinh tế (13%); bạo lực gia đình (6,7%).”[1]
Thực trạng ly hôn – thực trạng đáng báo động
Liên quan đến việc ly hôn, có nhiều ý kiến khác nhau. Có người ủng hộ, cho rằng “tình hết thì chia tay”, giải thoát cho nhau. Có người phản đối khi nghĩ đến những hệ quả tiêu cực mà nó mang lại. Khi quyết định kết ước hôn phối vợ chồng, có lẽ người ta luôn mong ước sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời chung thuỷ với nhau. Người thân bằng hữu khi đến dự tiệc cưới cũng thường chúc cho đôi bạn trẻ những điều tốt đẹp nhất như “đầu bạc răng long”, “trăm năm hạnh phúc”… Ly hôn chắc hẳn là điều chẳng ai mong muốn. Việc người ta “hốt hoảng” khi thấy tỷ lệ ly hôn tăng cao bất ngờ càng cho thấy nỗi hoang mang của họ trước tình trạng này. Nó hệt như một lời cảnh báo, đặc biệt cho những người chuẩn bị kết hôn, nhắc nhở họ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi gắn kết trọn vẹn đời mình với người khác và luôn nỗ lực xây dựng cuộc hôn nhân này, đừng để nó có một kết cục bi thảm là ly hôn.
Có không ít gia đình Công Giáo tan vỡ, dù trước khi kết hôn, họ đã được dạy đầy đủ về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, về những đặc tính và đòi hỏi của nó, cũng như những cách thức để xây dựng gia đình. Tuy vậy, có thể do nhiều lý do khác nhau, họ vẫn quyết định ly hôn. Người nào còn ý thức về tư cách Kitô hữu của mình thì chấp nhận sống trong tình trạng ly thân. Còn nhiều người khác, bất chấp tất cả luật lệ của Giáo Hội, xác lập hôn phối mới khi người phối ngẫu kia vẫn còn sống (dĩ nhiên là hôn phối này chỉ được thừa nhận trên bình diện dân sự, chứ với Giáo Hội, nó không thành, vì người đó còn bị ràng buộc bởi hôn nhân trước) và sống trong tình trạng “rối”, bỏ nhà thờ, bỏ rước lễ, thậm chí là “bỏ đạo”. Đây là một thực trạng đáng buồn!
Ly hôn có thể là giải pháp của cặp vợ chồng, nhưng lại mang đến những tổn thương rất lớn cho con cái. Một đứa trẻ muốn phát triển lành mạnh và quân bình thì cần có sự quan tâm chăm sóc của cả bố và mẹ. Nếu không được nâng đỡ bởi bố và mẹ, chúng sẽ cảm thấy thiếu thốn tình cảm, ngày càng trở nên khép kín, cô lập bản thân. Ngoài ra, việc chứng kiến bố mẹ ly hôn cũng sẽ để lại trong lòng chúng một suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân. Nhìn rộng ra, một xã hội mà tỷ lệ ly hôn cao chắc chắn cũng cho thấy một sự xáo trộn ít nhiều trong nếp sống của người dân, sự phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống của toàn thể cộng đồng.
Có những cặp ta cứ ngỡ là “thanh mai trúc mã” vậy mà cũng ly hôn. Có những người phải rất khó khăn và đấu tranh rất nhiều mới đến được với nhau, câu chuyện tình của họ đã khiến nhiều người cảm động, cuối cùng cũng chia lìa. Vì thế, có lẽ một trong những vấn đề mà các bạn trẻ chuẩn bị quyết định kết hôn lo sợ là liệu mình và “một nửa định mệnh” kia của mình có đủ yêu thương, quan tâm, bao dung, để cùng nhau vượt qua tất cả những khó khăn chông gai trên con đường tạo lập hạnh phúc phía trước hay không.
Chúng tôi thiết nghĩ người có thể cho các bạn câu trả lời chính xác và phù hợp nhất là những cặp vợ chồng cao niên, những người đã trải qua trăm ngàn kinh nghiệm sương gió, có khi tưởng chừng chẳng thể tiếp tục sánh vai, vậy mà đến bây giờ, họ vẫn còn sống hạnh phúc với nhau. Những người mừng 30 năm, 40 năm, 50 năm, thậm chí nhiều hơn nữa, ngày hôn phối của họ. Người gần gũi nhất có thể là bố mẹ, ông bà, cô chú…
Hơn ai hết, họ sẽ chia sẻ cho các bạn những bài học xương máu và hết sức thực tiễn. Dưới đây, chúng tôi chỉ có thể chia sẻ với các bạn một vài bí quyết trên bình diện lý thuyết, dựa trên những nghiên cứu và kinh nghiệm ngàn đời truyền lại. Có thể nó sẽ không cụ thể và giúp ích cách trực tiếp, nhưng nó sẽ vạch ra một đường hướng, giúp các bạn biết cách phải làm sao để xây dựng hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình.
Một vài chỉ dẫn
Chúng tôi nghĩ là với các bạn Công Giáo, không cần phải nhắc lại điều tiên quyết là phải cố gắng tạo lập một bầu khí thiêng liêng trong gia đình. Cùng nhau đi lễ, đọc kinh, dạy bảo con cái theo đường hướng Kitô giáo, tham gia các hoạt động của giáo xứ cách tích cực… chắc chắn sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc xây dựng gia đình. Sau đây sẽ là những chỉ dẫn khác mang tính tâm lý nhiều hơn.
Cần phải biết nâng niu tình yêu, vì tình yêu không phải là cái lãnh nhận một lần cho tất cả. Tình yêu không phải là cái trơ trơ năm này qua tháng khác. Tình yêu hệt như một em bé dễ thương, nằm ngọ nguậy, khóc oe oe, đòi mẹ chăm sóc. Tình yêu hệt như cây non cần được chăm bón, tưới nước, cắt tỉa. Tình yêu cũng như chiếc bình ngọc thạch quý giá, cần được người khác nâng niu, chìu chuộng và thưởng thức nhẹ nhàng. Không chăm sóc cho tình yêu, không nâng niu tình yêu, nó sẽ lụi tàn đi, héo úa đi, chết đi ngay lập tức.
Vậy nên, khi đã yêu, ta hãy chăm lo cho tình yêu bằng những lời nói dịu ngọt, bằng sự nâng đỡ chân thành, bằng những quan tâm sâu sắc. Những bữa ăn thân mật, những cánh hoa bất ngờ, những nụ cười nhẹ, cái nắm tay, một nụ hôn truyền sức sống… tất cả đều là những “lương thực” rất tốt để nuôi dưỡng tình yêu.
Trong tình yêu, rất cần sự chung thuỷ và một sự trong sáng dành cho nhau. Một trong những nét tuyệt vời của tình yêu chính là “sự ích kỷ” của nó. Nó không thích bị chia sẻ. Nó muốn một sự trọn vẹn. Chỉ yêu một nửa thì không phải là yêu. Thậm chí, yêu đến 99% thì cũng không phải là yêu. Trái tim sẽ không thể chịu đựng được khi bị chia cắt làm hai, làm ba hay làm nhiều phần. Chỉ khi nào người ta trao dâng cho nhau một trái tim nguyên vẹn, trái tim ấy mới giúp cả hai thăng tiến và hưởng nếm hương vị ngọt ngào của tình yêu.
Khi đã yêu, ta muốn mình trở thành “nhất” trong mắt người yêu và người yêu của mình cũng có một ước muốn như vậy. Một con tim không thể cùng một lúc trao cho nhiều người được. Khi trao con tim mình cho ai, ta trao cho người ấy trọn vẹn con người mình, không để sót lại điều gì cả. Thế nhưng, có một nghịch lý thường tồn tại trong ta là ta đòi hỏi người yêu mình phải chung thủy với mình, còn mình thì lại buông thả, yêu vô tội vạ. Ta cảm thấy đau khi bị người mình yêu phản bội, nhưng ta chẳng hề nghĩ đến cảm xúc của người khác khi mình phản bội người ta. Ta cao ngạo, cho rằng mình quá tuyệt vời đến độ không thể chỉ dành cho một người, nhưng khi người kia cũng có thái độ như vậy thì ta không chấp nhận được. Ta lồng lộn lên với bao cảm giác tức tối. Để tình yêu được triển nở, ta không được phép chia đôi con tim, không được phép thả lỏng mình chiều theo những cảm xúc thấp hèn. Đó là quy luật mà ta không thể phá bỏ được. Nó đòi hỏi ta phải hy sinh rất nhiều.
Để tình yêu tồn tại, cũng cần một sự tôn trọng lẫn nhau. Dù tình yêu đòi sự độc nhất, nhưng nó cũng không chấp nhận một sự bó buộc hay kiềm kẹp nào. Một tình yêu sẽ chết khi người ta bóp nghẽn nó trong lòng bàn tay, chứ không để cho nó tự do tung tăng bay nhảy. Một tình yêu đích thực thì không làm cho người ta mất tự do, bị tù túng, nhưng làm cho người ta thấy mình được triển nở và thành toàn một cách thật sung mãn.
Hãy cố gắng vun đắp và gìn giữ tình yêu, nhưng hãy làm điều đó bằng sự chân thành, bằng con tim nồng ấm, chứ đừng bằng những thủ đoạn và những toan tính đầy ích kỷ và muốn chiếm hữu của ta. Khi một tình yêu được trao ban, nó sẽ tự tìm đường để bắt gặp một tình yêu đồng điệu khác. Ta không cần phải vẽ đường cho nó, không cần lèo lái nó theo ý muốn chủ quan của ta.
Lý do là vì lý trí không thể bắt trái tim yêu hay không yêu ai được. Yêu một người, hiển nhiên là mong muốn người ấy thuộc về mình, nhưng không phải là buộc người ấy phải cắt đứt tất cả mọi tương quan và sở thích của người ấy. Yêu một người thì cũng yêu luôn tất cả những thế mạnh và điểm yếu của người ấy. Yêu một người là cùng xây đắp với nhau con đường chung để hai người cùng bước. Yêu một người tuyệt nhiên không phải là đưa người ấy vào trong vòng kiểm soát của mình. Làm như thế, tình yêu sẽ mất đi khoảng không để vùng vẫy. Khi ấy, hoặc là nó sẽ tuột khỏi bàn tay ta, hoặc là nó sẽ vỡ vụn.
Để được như thế, bản thân mỗi bên phải thay đổi chính mình. Phải bỏ đi cái tôi kiêu hãnh. Phải biết hạ mình khiêm tốn. Phải dành cho nhau những hy sinh. Phải biết nghĩ đến người mình yêu mà phấn đấu cải thiện bản thân, biến mình trở nên tốt hơn, tuyệt vời hơn để xứng đáng với tình yêu ấy. Yêu là một lời mời gọi bản thân bước vào một thế giới mới, nơi đó, con người cũ xấu xí và bất xứng của mình phải bị bỏ lại đàng sau. Dĩ nhiên, ta không khoác lên mình một bộ mặt tốt đẹp giả tạo. Ta cũng không thể biến thành một con người hoàn toàn khác. Ta cũng chẳng thể bỏ được những thói hư tật xấu của mình trong một thoáng chốc. Nhưng để tình yêu của mình được lớn lên và đơm hoa kết trái, ta phải biết sửa chữa những gì “chưa được” nơi bản thân, để có thể cùng người mình yêu tiến đến một sự hoà hợp hoàn hảo trong cuộc sống chung của hai người.
Khi vợ chồng có vấn đề, hãy nhớ lại những khoảng thời gian cả hai đã hạnh phúc bên nhau. Hay như người ta vẫn nói, khi muốn kết thúc, hãy nghĩ đến lý do mà mình đã bắt đầu. Đặc biệt, hãy nghĩ đến con cái của mình. Tình yêu và sự hy sinh dành cho con cái có thể giúp hai bên kiềm chế bản thân, kiềm chế cảm xúc và suy nghĩ chín chắn hơn. Con cái là kết tinh tình yêu vợ chồng. Chúng có thể giúp hàn gắn những hiểu lầm, thậm chí có thể cho chúng ta sức mạnh để tha thứ cho nhau.
Khi mọi chuyện đã vượt quá tầm kiểm soát của hai bên, có lẽ chúng ta cần sự can thiệp và giúp đỡ của những người lớn hơn. Chúng ta nên thưa chuyện với bố mẹ, anh chị hoặc người nào đó có tiếng nói, có sự khôn ngoan và thông thái để cho chúng ta những lời khuyên hữu ích. Phải biết ngồi xuống và lắng nghe. Đừng lúc nào cũng khăng khăng ý riêng.
Nói tóm lại, mọi hướng dẫn và phương pháp chỉ là kỹ thuật bên ngoài, điều quan trọng chính là tình yêu mà hai bạn dành cho nhau. Nếu các bạn có đủ yêu thương, các bạn sẽ biết phải làm gì. Tìm được một người chịu kết hôn với mình là điều không dễ dàng, đừng vì một chút ích kỷ và nóng vội mà đánh mất nó.
Mong sao với ơn trợ lực của Chúa, các gia đình, đặc biệt là các gia đình Công Giáo luôn theo gương Thánh Gia và trở nên chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa giữa cuộc đời.
Ngoài ra, bạn có thể xem thêm các bí quyết khác trong loạt bài Bí quyết hôn nhân hạnh phúc tại đây!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com